Tuesday, 11 August 2015

Lựa chọn của nhân dân (FB Nguyễn Tuấn)






Một trong những phát biểu rất quen thuộc mà chúng ta hay đọc và nghe được là nhân danh “nhân dân”. Ví dụ như người ta nói rằng con đường đi lên XHCN là do đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Hay như mới đây nhất là “câu kinh” của những người muốn xây dựng tượng đài 1400 tỉ đồng là nhằm đáp ứng nguyện vọng và ý muốn của quần chúng. Nhưng rất tiếc đó là một nguỵ biện khá thô thiển, và trong cái note này, tôi sẽ giải thích tại sao.

Để biện minh hay tăng trọng lượng của một quan điểm nào đó, người ta thường hay biện minh rằng đa số quần chúng hay một nhân vật nổi tiếng nào đó cũng có quan điểm đó. Chẳng hạn như báo Vnexpress.net cho biết việc xây tượng đài HCM là nhằm "đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh" [1]. Một câu nói tương tự nhưng với ý nghĩa khác cũng thường hay xuất hiện trên báo chí và cửa miệng của các quan chức, đó là phát ngôn cho rằng nhân dân VN đã chọn con đường xã hội chủ nghĩa, rằng chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân (2). Vì cách nói như thế xuất hiện quá nhiều lần trong quá khứ, nên hình như chẳng ai chất vấn nó đúng hay sai, và nếu nó sai thì sai ở chỗ nào.

Tôi thì nghĩ cách nói như thế là một sự nguỵ biện. Loại nguỵ biện này là “dựa vào đám đông”, hay nói theo thuật ngữ tiếng Latin là “ad populum”. Cách nguỵ biện dựa vào đám đông là dùng một cách gán ghép một quan điểm với một đa số để hàm ý nói rằng đó quan điểm đó là đúng, là chân lí. Chúng ta thường hay nghe cách lí giải của những người theo chủ nghĩa thần thánh rằng bởi vì bất cứ nền văn hoá nào cũng tin vào một thế lực siêu nhiên, nên Thượng đế ắt phải hiện hữu. Một lí giải khác về án tử hình chẳng hạn, thì phát ngôn dễ “lọt tai” nhất là “kết quả điều tra xã hội cho thấy 80% dân số ủng hộ án tử hình; do đó, hình phạt tử hình là một hình phạt đúng đắn”. Thoạt đầu nghe thì cũng có vẻ dân chủ và có lí, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì sẽ thấy lí giải này sai. Tương tự, ở Việt Nam, nhiều quan chức và giới chính trị cũng hay dùng cách biện minh rằng vì người dân chọn XHCN, nên XHCN ắt phải đúng là một hướng đi của dân tộc. Tất cả những phát ngôn đó đều là những nguỵ biện dựa vào đám đông.

Cái gọi là “đám đông” rất khó có thể định nghĩa. Thế nào là đám đông, là đa số? Con số có thể là 51%, 70%, 80%, hay thậm chí 95%. Trong thực tế không có một cái ngưỡng số học nào để có thể nói là “đa số”. Do đó, nói rằng “đa số ủng hộ quan điểm” là không thuyết phục, và có phần thiếu thành thật tri thức.

Chỉ vì đa số ủng hộ một quan điểm nào đó không có nghĩa rằng quan điểm đó đúng. Chúng ta nên nhớ rằng có thời hàng triệu người tin rằng hình dạng của trái đất là phẳng, nhưng nay thì khoa học chứng minh rằng quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm. Ở bên Tàu, hàng triệu người tin vào Cách mạng Văn hoá, và chúng ta đã thấy hệ quả của nó ra sao. Ở Việt Nam, cái gọi là “đa số” đó cũng từng chạy theo cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất, và đã để lại biết bao di hại cho dân tộc. Nên nhớ rằng đám đông trong một môi trường nóng bỏng rất dễ bị kích động chỉ vì một vài người đứng lên hô hào (gọi là agitator). Do đó, cái khái niệm gọi là “nhân dân” không phải là yếu tố quyết định một quan điểm đó đúng hay sai. Thật ra, nói “lựa chọn của nhân dân” thì câu hỏi kế tiếp là “chứng cứ đâu”? Cái đúng và sai phải được xem xét trên chứng cứ, tính liên quan và logic, chứ không phải dựa trên một yếu tố nào đó chẳng có liên quan gì đến sự việc.

Tương tự, cũng có một loại nguỵ biện khác là dựa vào người nổi tiếng. Chẳng hạn như khi một chuyên gia về một khía cạnh nào đó, nhưng rất nổi tiếng, mà lên tiếng ủng hộ một quan điểm xã hội, thì đám đông thường có xu hướng cho rằng quan điểm đó đúng. Đây cũng là một sai lầm đáng tiếc, bởi vì sai hay đúng không tuỳ thuộc vào mức độ nổi tiếng của người phát biểu. Một nhà khoa học được trao giải Nobel về vật lí hoàn toàn có quyền phát biểu về giáo dục (hay bất cứ đề tài gì mà nhà khoa học quan tâm), nhưng người đọc không nên mặc nhiên xem quan điểm của nhà khoa học đó là chân lí, vì chân lí phải được xem xét và đặt trong bối cảnh và chứng cứ thực tế. Nhưng rất tiếc là ở VN, báo chí có vẻ phản ứng cuống cuồng trước một phát biểu có khi rất vô duyên và thiếu tri thức của người nổi tiếng, và làm cho công chúng phải tiêu hao năng lượng cho những vấn đề không xứng đáng. Có thể nói rằng thói quen tin tưởng vào hay chạy theo những câu nói của những người nổi tiếng của giới báo chí là một sai lầm hết sức ấu trĩ. Họ (báo chí), với thói quen chạy theo “sao”, có thể bán nhiều báo hay thành công trong việc câu view, nhưng họ không đóng góp gì tích cực cho tranh luận.

Tóm lại, lí luận dựa vào đám đông (như “lựa chọn của nhân dân”) hay dựa vào người nổi tiếng là một hình thức nguỵ biện quá thấp kém. Nên nhớ rằng cái đúng/sai của một quan điểm cần phải được xem sét trong bối cảnh, logic, và chứng cứ, chứ không phụ thuộc vào đám đông hay bất cứ người nổi tiếng nào ủng hộ quan điểm đó. Do đó, những lập luận như “Thể theo nguyện vọng” và “Đa số quần chúng ủng hộ” chỉ là những phát ngôn gian manh và lém lĩnh nhằm thuyết phục những người không chịu khó suy nghĩ; đối với người có tinh thần phản biện thì những phát ngôn đó không hẳn thuyết phục, mà cần phải đặt chúng vào cái rọ nguỵ biện.

N.T.






No comments:

Post a Comment

View My Stats