ĐIỂM
BÁO :
Minh Anh - RFI
Đăng ngày 13-08-2015
Thứ Bảy
này là ngày đánh dấu sự kiện 70 năm Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, đặt dấu
chấm hết cuộc Chiến Tranh Thế Giới lần 2. Nhưng đó cũng là ngày hàng ngàn người
Nhật đổ về viếng thăm đền Yasukuni, biểu tượng gây tranh cãi về quá khứ quân
phiệt của đất nước. Đối với La Croix (13/08/2015), « Yasukuni : một
ngôi đền của mọi sự căng thẳng ».
Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nghiêng mình
kính cẩn trước ngôi mộ giả được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân Hiroshima,
bên cạnh là hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình và Hàn Quốc Park Geun-Hye
chỉ là giấc mơ, chưa thể nào thành hiện thực. Bởi vì đối hai láng giềng Đông Bắc
Á đó, « Nhật Bản, một ký ức gây bấn loạn » như hàng tít nhận định
trên trang nhất của La Croix. Trái với hình ảnh có thật tại phương Tây, 24 lãnh
đạo thế giới đã đến tham dự kỷ niệm 70 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ lên vùng
Normandie, miền bắc nước Pháp, được tổ chức hồi tháng 6/2014.
Hơn bao giờ hết, « Ký ức Đệ Nhị Thế Chiến
đang làm bùng lên chủ nghĩa dân tộc tại Châu Á », tựa bài viết trên
trang 3 của La Croix. Không như các nước phương Tây cùng thể hiện sự thông cảm,
ba cường quốc Châu Á – Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tranh cãi
với nhau về ký ức Đệ Nhị Thế Chiến. Theo quan điểm của Karoline Postel-Vinay,
giáo sư Đại học Khoa học Chính trị (Sciences-Po) và chuyên gia về khu vực này,
« Lịch sử đã bị sử dụng như là một công cụ cho các mục tiêu chính trị.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại mỗi nước đáp trả lẫn nhau ».
Việc chính trị hóa lịch sử là hiện tượng mới gần đây,
được củng cố mạnh cùng với việc ba nhà lãnh đạo Châu Á hiện nay lên cầm quyền.
Chẳng hạn như tại Trung Quốc, « với việc lên nắm quyền của ông Tập Cận
Bình, bài diễn văn về chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại quân
phiệt Nhật đã nở rộ, mặc dù trên thực tế, nhiều sự việc rất đáng tranh
cãi », theo như phân tích của Mathieu Duchâtel, nhà nghiên cứu thuộc
Viện nghiên cứu quốc tế về hòa bình Stockholm, có trụ sở tại Bắc Kinh, tại
Trung Quốc.
Giữa ba quốc gia này còn nhiều chủ đề gây căng thẳng.
Từ ngôi đền Yasukuni, đến số 200-400 ngàn phụ nữ « giải sầu », người Triều Tiên
chiếm đa số - nạn nhân của chế độ nô lệ tình dục do quân đội Nhật hoàng lập nên
tại khắp Châu Á trong suốt thời kỳ chiến tranh. Những vết thương chưa thể hàn gắn
đó đang nuôi dưỡng các bài diễn văn theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc.
Làm thế nào kiềm hãm được sự gia tăng thù nghịch, mà
các cuộc tranh chấp xung quanh các quần đảo Senkaku và Dokdo là minh chứng điển
hình ? Đối với Scott Snyder, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, câu trả lời nằm
trong tay các nhà lãnh đạo. « Họ phải can đảm để đối đầu với công luận
và tiến hành một tiến trình hòa bình ».
Trung
Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khơi màu cuộc chiến tiền tệ ?
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ gần như là chủ đề
trọng tâm trên các báo Pháp. Le Figaro chạy tít lớn : « Phá giá đồng
nguyên làm chấn động các thị trường ». Tờ báo viết « Khi con rồng
Trung Quốc hắc hơi, thế giới cảm lạnh... Một cơn gió hỗn loạn đã thổi qua các
thị trường tài chính thế giới, sau khi chính quyền Bắc Kinh hai lần ra quyết định
phá giá đồng nhân tệ trong vòng hai ngày liên tiếp, đợt phá giá trầm trọng nhất
kể từ hai thập niên nay ».
Nhật báo Kinh tế Les Echos hốt hoảng trên trang nhất
: « Chứng khoán : Trung Quốc hỗn loạn». Chỉ số chứng khoán của
Phương Tây niêm yết trên sàn giao dịch Trung Quốc đã bị chao đảo mạnh và dư chấn
đó đang làm rớt giá dầu thô và nguyên nhiên liệu.
Le Monde chú trọng đến « Những rủi ro về sự
thay đổi của Trung Quốc ». Như vậy là « Bắc Kinh khởi động cuộc
chiến tiền tệ ». Việc Bắc Kinh hai lần liên tiếp trong vòng 24 giờ phá
giá đồng nhân tệ đang được các chuyên gia mổ xẻ tìm hiểu dụng ý. Vấn đề đặt ra,
đấy có phải là một cải cách quan trọng để cho Trung Quốc được tham gia vào thị
trường ngoại hối hay, sự phá giá đó là nhằm kích thích tính cạnh trạnh một cách
giả tạo ?
Một nghi vấn mà nhật báo Công giáo La Croix cũng đồng
chia sẻ trong bài xã luận « Trung Quốc và đồng nhân dân tệ ».
Thị trường tài chính giờ đây đang chờ đợi Trung Quốc làm sáng tỏ ý định của họ
liên quan đến đồng nguyên. Phải chăng Bắc Kinh chấm dứt tình trạng đồng nhân
dân tệ bị yếu trước đồng đô-la là do tình huống hay chính quyền đang thực thi một
chính sách nhằm từ đây cho đến vài năm nữa đưa đồng tiền Trung Quốc thành một đồng
ngoại tệ thật thụ, có thể tự do lưu thông và chuyển đổi dễ dàng ?
Tờ bạc đỏ đó trên thực tế đã được sử dụng như đồng
tiền trao đổi và dự trữ tại nhiều nước Châu Phi. Gần đây nhất là với Angola,
vào đầu tháng 8 này, Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận để đồng renminbi của
Trung Quốc thành ngoại tệ hợp pháp thứ hai tại quốc gia xuất khẩu dầu thô thứ
hai tạ Châu Phi. Trung Quốc không thể nào vờ như là không có tồn tại mối liên hệ
tiền tệ này được, tờ báo nhận định.
Cuối cùng nhật báo kết luận, duy chỉ có cách quốc tế
hóa đồng nhân dân tệ mới là một trong những đảm bảo tốt nhất hiện nay chống lại
việc khởi động một cuộc chiến tiền tệ.
Bắc
Cực : Cuộc chiến vàng trắng
Bên cạnh mối lo nguy cơ xảy ra cuộc chiến ngoại tệ,
Le Figaro chú ý đến một cuộc chiến khác, không kém phần quan trọng đang âm thầm
diễn ra. Đó là cuộc chiến tranh giành chủ quyền lãnh thổ tại Bắc Cực, được cho
là giàu nguồn tài nguyên.
Dầu khí, Thủy sản, tuyến lưu thông hàng hải và kiểm
soát quân sự : miền đất hứa Bắc Cực ngày càng bị tranh chấp nhiều hơn giữa 6 quốc
gia xung quanh (Nga, Hoa Kỳ, Canada, Đan Mạch, Iceland và Na Uy). Vào đầu tháng
8 này, Matxcơva đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc yêu sách chủ quyền 1,2 triệu km²
tại Bắc Cực. Với lời yêu cầu đó, « Nga đang khởi động cuộc chiến tại Bắc
Cực » như hàng tít lớn trên trang nhất của Le Figaro.
Tờ báo dành ra hai trang báo lớn để nói về « Một
vùng lãnh thổ hoang sơ với nhiều nguồn tài nguyên », nguyên nhân chính của mọi
sự tranh chấp giữa 6 quốc gia, đặc biệt giữa ba nước lớn Nga, Canada và Đan Mạch.
Tùy theo từng khả năng, ba quốc gia này có những biện pháp đòi hỏi chủ quyền
khác nhau, quân sự và nghiên cứu khoa học (Nga), thông qua Liên Hiệp Quốc (Đan
Mạch, quốc gia lên tiếng yêu sách đầu tiên) hay ngoại giao với Nga (Canada).
« Một cuộc đua vàng trắng », bài xã
luận nhật báo nhận xét. Lợi ích tại đây rất lớn : Bắc Cực chứa đựng đến 30% trữ
lượng khí đốt toàn cầu và 13% dầu hỏa . Băng tan tại Bắc Cực đang mở ra những
tuyến lưu thông hàng hải mới nối liền Châu Á với Châu Mỹ, mang một tầm quan trọng
về thương mại và chiến lược trọng yếu. Cuộc tranh giành giữa các bên biểu hiện
ngày càng rõ nét. Nga tái hồi phục các khu căn cứ quân sự cũ có từ thời Xô Viết
và triển khai 6.000 binh sĩ tại Bắc Cực. Năm 2007, Matxcơva đã cho cắm cờ tại
đây. Và trong năm 2014, nước Nga còn tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo trên Bắc
Cực. Như vậy, cuộc chiến vàng trắng chỉ mới khởi sự, Le Figaro kết luận.
Còn
hơn cả mát-xa
Cuối cùng, Le Parisien đến với độc giả qua hồ sơ
« Những ổ mại dâm mới ». « Phòng mát-xa trá hình che
giấu các hoạt động mại dâm đang nở rộ tại Paris. Một lãnh vực kinh doanh béo bở
mà cảnh sát đang vật vã ngăn chặn », là khẳng định của nhật báo.
Le Parisien cho biết trong vòng chỉ có năm năm số lượng
các cơ sở mát-xa đã tăng lên gấp năm lần ngay tại thủ đô, đi từ con số chừng
100 (vào năm 2009) lên gần 575 cơ sở hiện nay. Tờ báo hỏi : Có bao nhiêu cơ sở
đã cưỡng ép các cô gái trẻ buôn thân xác của mình ?. Câu trả lời gần 300, theo
như con số ước tính do cựu cảnh sát trưởng Paris, Bernard Boucault đưa ra hồi
tháng 6 vừa qua.
Như vậy, hơn 50% phòng mát-xa tại Paris dường như có
hoạt động kinh doanh mại dâm … những phòng dịch vụ « giải sầu »
theo như cách gọi của Le Parisien. Tại những cơ sở đó, mát-xa chỉ là những cái
cớ cho một nhu cầu tình dục được ấn định giá, nói một cách khác «happy end »
hay « happy finish » (« kết thúc có hậu »,
hay là « thư giãn »).
No comments:
Post a Comment