Saturday, 22 August 2015

Khi Trung Quốc bị 'chết máy', các nước đang phát triển bị tuột dốc (Tú Anh - RFI)





ĐIỂM BÁO :
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 21-08-2015

Châu Âu đối diện với làn sóng nhập cư tìm đất sống, kinh tế Trung Quốc phơi bài thực chất, tổng thống Pháp chơi sang giảm thuế cho 9 triệu gia đình nghèo dù cha Noel đã cạn tiền, du lịch Pháp phấn chấn tinh thần, tội ác chồng chất của thánh chiến Hồi giáo ở Trung Đông là những thông tin chiếm các trang lớn của báo chí Pháp hôm nay.

Trung Quốc bị « pan »
Le Monde với các đường biểu diễn minh họa khẳng định : Trung Quốc bị ăn « pan », các nước đang trổi dậy lao dốc. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp Trung Quốc bị thụt lùi làm cho các nước bán nguyên liệu cho Bắc Kinh , trong đó có Nga, bị thiệt hại nặng, trừ Ấn Độ. Cụ thể là Việt Nam đã phải phá giá đồng bạc lần thứ ba kể từ đầu năm. Kazakhstan cũng thi hành biện pháp tương tự phá giá đến 4,4% trong bối cảnh từ đầu năm nay, đồng tiền các nước đang phát triển đều mất giá kỷ lục từ Brazil (-23,4%)cho đến Nga (-11,7%), Malaysia (-14,8%) hay Indonesia(-10,6%). Hầu hết các nhà phân tích được Le Monde đặt câu hỏi đều dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục phá giá đồng yuan để hộ trợ kinh tế mặc dù Trung Quốc không có lợi gì khi leo thang chiến tranh tiền tệ với các nước Á châu.
Từ 12 tháng qua, tính đến tháng 6, Trung Quốc phải tiêu phí 345 tỷ đôla trong trữ lượng ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế. Chỉ riêng tháng 7 vừa rồi đã chi ra 42,5 tỷ đôla. Một chuyên gia tây phương nhận định : Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất từ 20 năm nay. Cuốn phim khủng hoảng tại Trung Quốc như một gáo nước lạnh làm các nhà đầu tư làm họ ý thức thế yếu của các nền kinh tế đang lên nhưng tùy thuộc vào sức khỏe kinh tế Trung Quốc. Nói cách khác đầu máy kinh tế toàn cầu không phải là Trung Quốc mà là Hoa Kỳ. 

Trung Quốc không phải là cường quốc đúng nghĩa 
Cũng với nhận xét của Le Monde, trên báo kinh tế Les Echos chuyên gia Pháp François Godement, một người có tiếng ít khi chỉ trích Trung Quốc cũng khẳng định : Trung Quốc không phải là một cường quốc kinh tế. Ông cho rằng cần phải bỏ đi tâm lý « lạc quan thái quá và bi quan thái quá » đối với kinh tế Trung Quốc.
Chỉ mới mấy tháng trước đây, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc làm nhiều người hồ hỡi thái quá, bây giờ sau loạt phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán « sụp đổ », tăng trưởng mất đà và vụ nổ ở Thiên Tân, hình ảnh Trung Hoa lục địa từ sáng chói rơi vào màn đêm tăm tối.
Theo vị giám đốc Chương trình Á châu-Trung Quốc của Hội đồng châu Âu về Quan hệ quốc tế ECFR thì đúng là Trung Quốc có vấn đề. Chính quyền Trung Quốc biết là phải « giải phóng » kinh tế, tự do hóa thật sự nền ngoại thương nhưng Bắc Kinh lo sợ bất trắc và tăng cường kiểm soát, can thiệp vào sinh hoạt thị trường. Vấn đề là nếu chính phủ cứ tiếp tục gặp đâu đỡ đó thì uy tín của thị trường Trung Quốc đã bị tổn thương, chính sách kinh tế trở thành mù mờ. Tuy vậy, bi quan về tương lai Trung Quốc là không hợp lý, bỡi vì, chưa bao giờ Trung Quốc là đầu tàu kinh tế thế giới. Trung Quốc thực chất bán nhiều hơn mua, cũng không vay tiền nước ngoài. Sự kiện kinh tế Trung Quóc tăng trưởng chậm lại chẳng qua là để điều chỉnh và chuyển sang một mô hình khác. Mặc kệ Trung Quốc và châu Á phá giá đồng tiền, Liên Hiệp Châu Âu cần phải bạo dạn hơn, gia tăng đầu tư và kích cầu cầu nội địa của mình , chuyên gia Godement khuyến cáo như vậy.

Vũ khí khủng bố mới của thánh chiến Hồi giáo
Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo thử nghiệm chiến tranh hóa học tại Irak. Tựa của Le Monde trong một bài phóng sự dài sau vụ thánh chiến nã đạn súng cối chứa hơi ngạt vào một đơn vị Kurdistan. Đây là vũ khí do phe thánh chiến tự chế tạo. Theo một sĩ quan Kurdistan thì tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã bị cầm chân trên chiến trường nên nghĩ rằng có thể đẩy lùi được đối phương bằng vũ khí hóa học. Chia sẻ phân tích trên, Le Monde nhận định : vũ khí hóa học của thánh chiến sẽ không gây được một bước ngoặt trong cuộc chiến mà chỉ là một phương tiện khủng bố tăng cường cho khả năng quân sự một năm sau đợt tổng tấn công vào mùa hè 2014.
Tội ác của thánh chiến Hồi giáo cũng chiếm các cột báo của La Croix sau vụ phe cực đoan này chặt đầu Khaled Al Assad, một chuyên gia hiếm họi về cổ vật 82 tuổi, cựu giám độc khu bảo tàng Palmyra ở Syria. Trước khi bị giết , ông và người con trai bị tra vấn về nơi cất dấu số vàng của kho tàng, thật ra đã được chuyển hết về Damas. 
Tại Tunisie, làm sao đối phó với khủng bố sau những vụ sát hại khách nước ngoài trong mùa xuân năm nay ? bên cạnh bức ảnh xe bọc thép chỉa súng đại liên về hướng sa mạc, La Croix cho biết phòng tuyến chống khủng bố xâm nhập đã được hoàn tất đối diện với biên giới Lybia.
Liệu có cách nào khác để chống trả lại khủng bố Hồi giáo hay không ? Le Monde gián tiếp nói đến « dĩ độc trị độc » : Lãnh đạo mới của Taliban là giáo sĩ Mansour đã củng cố được uy lực . Tin này, theo Le Monde là điều kiện cần thiết để tạo ổn định trong khu vực và để thương thuyết một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan. Theo Le Monde, Taliban và Al Qaida từ nay sẽ ngăn chận tham vọng thống trị của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong vùng Pakistan và Afghanistan. Nato dự báo là tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ tấn công taliban tại Afghanistan. Taliban đã lên án các hành động « giết người ghê rợn » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và cảnh cáo âm mưu gài đặt cơ sở tại Afghanistan. 

Làn sóng người nhập cư tràn ngập châu Âu : bỏ hay thương ?
Xung đột, chết chóc, nghèo khó che lấp tương lai là nguyên nhân chính thúc đẩy mối ngày hàng chục ngàn người vượt biển vượt biên sang châu Âu tìm tự do và cuộc sống ấm no.
Nhật báo Le Figaro đề tựa : Paris và Luân Đôn hợp tác « khóa chốt » Calais, địa danh đầu cầu của tuyến xe lửa xuyên qua biển Manche nơi có hàng ngàn di dân châu Phi, Trung Đông, và có cả người Việt, sau khi thành công đến Pháp chực chờ leo lên xe vận tải xâm nhập vào Anh Quốc.
Với bức ảnh chụp một chiếc thuyền con chở đầy ấp di dân trên biển Địa Trung hải vừa được cứu nạn, trên trang bìa, Liberation mở đầu 16 trang bài viết, phóng sự, nhân chứng về thảm trạng thuyền nhân. 
Trong bài xã luận : Hãy cho chúng tôi sự nghèo khó và tình trạng kiệt lực của bạn…. nhật báo cánh tả khai phóng mượn lời bản quốc ca Hoa Kỳ để kêu gọi người dân châu Âu đừng ích kỷ mà hãy giang tay chào đón thuyền nhân, những nạn nhân của các chế độ bạo ngược và tình trạng chiến tranh.
Libération khẳng định : mặc dù không ít công luận và lãnh đao chính trị đòi xây tường thành, bảo vệ châu Âu và trục xuất người nhập cư nhưng « bỏ tiền tỷ đôla để xây dựng hàng rào là mị dân. Không một bức tường nào có thể ngăn chận được những con người sẵn sàng chết để vượt qua như họ đã dám leo lên những quan tài nổi trên mặt biển. Bỏ tiền tỷ rồi sau đó mỗi ngày đếm xác thuyền nhân trên biển ư ?». Theo Libération, chủ trương như vậy là phủ nhận các giá trị về nhân bản, về tình người của Liên Hiệp Châu Âu. Giải pháp hợp tình hợp lý nhất cho các di dân này, những con người chỉ muốn tìm một chổ đứng thật nhỏ dưới ánh sáng mặt trời là hãy đón tiếp họ rồi một khi hòa bình tái lập, họ sẽ hồi hương như trường hợp những người dân Nam Tư khi đất nước tan rả trong thập niên 1990.

 Cha Noel Hollande giảm thuế cho 9 triệu hộ dân Pháp 
Thông tin giảm thuế lợi tức được tổng thống Pháp thông báo hôm qua gây bất ngờ. Nhật báo Les Echos nhận định là đã đến lúc tổng thống Hollande thực hiện lời hứa. Le Figaro thì cho rằng ông Hollande đã bắt đầu chiến dịch tái tranh cử cho dù ngân sách cạn kiệt mà trong bài bình luận, nhật báo đối lập với chính phủ khẳng định ông già Noel đã hết tiền. Không hẹn mà nên, đây cũng là ý kiến của La Croix. Nhật báo Công giáo tuy thông hiểu lý do chính đáng muốn giảm thuế cho dân như tổng thống đã cam kết nhưng La Croix cho rằng còn quá sớm. Nhu cầu khẩn cấp nhất phải là giảm nợ nhà nước, một lời hứa quan trọng khác của ửng cử viên Hollande năm 2012 nhưng vẫn chưa thực hiện. 

Điền kinh thế giới tại Bắc Kinh
 Trong không khí lễ hội mùa hè, Bắc Kinh đón tiếp đại hội điền kinh thế giới kể từ ngày thứ bảy sau khi một loạt thành phố khác ở châu Âu rút lui.
Theo một nhà nghiên cứu xã hội Trung Quốc trên báo La Croix, tổ chức các đại hội thể thao, theo quan điểm tuyên truyền chính trị của chính quyền Trung Quốc, là phương cách hay nhất để đánh bóng chế độ. Bắc Kinh biết rõ rằng sức mạnh của Trung Quốc được thừa nhận nhưng không được công luận quốc tế đón nhận như bạn hữu. 
Ngay hình ảnh của Mao cũng bị người dân chế nhạo , theo như Le Monde tường thuật hai sự kiện mới xảy ra. Một nhà báo truyền hình có tiếng tăm đã nhắc tên Mao Trạch Đông kèm theo tiếng chữi thề. Rồi một cuốn phim lịch sử ca tụng Mao quá trớn và bóp méo sự thật, cho ông ta tham dự hội nghị với các nhà lãnh đạo đồng minh hồi thế chiến thứ hai, tranh luận với thủ tướng Anh Churchil… đã gây những trận cười nhạo tại Trung Quốc.Báo chí chính thống, theo Le Monde, lo ngại hệ quả ngược của chính sách tung hô lãnh tụ. Hoàn Cầu Thời báo cảnh báo coi chừng cung cấp « đạn dược » cho những người chống chế độ đánh lại chế độ.
Tuy chế nhạo chế độ Bắc Kinh nhưng báo chí Pháp, như Les Echos đưa lên trang nhất thông tin : 2 triệu du khách Trung Quốc đến thăm nước Pháp từ đầu năm nay, một kỷ lục. Theo dự báo của bộ Ngoại giao, Pháp sẽ đốn tiếp khoảng 85 triệu du khách nước ngoài trong năm 2015, một kỷ lục mới. Thật ra, Les Echos cũng thận trọng : tuy du khách đông đảo nhưng khách sạn sang trọng vẫn vắng khách. Lý do là trào lưu du lịch hiện nay là tìm qua hàng khối dịch vụ website trên mạng du khách tìm chổ ăn chổ ở với giá tiết kiệm.








No comments:

Post a Comment

View My Stats