Wednesday, 5 August 2015

Gió sẽ lặng nhưng sóng chẳng yên (Lê Diễn Đức)





Lê Diễn Đức
Monday, August 3, 2015 12:55:48 PM

Cơn bão dư luận qua đi, chỉ còn vương vớt lại những đợt gió lẻ tẻ, hoài nghi, nhưng chắc cũng sẽ im lặng trước một sự thật là, Ðại Tướng-Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, vẫn sống, trở về từ Pháp sau ca phẫu thậu cắt khối u ở phổi và đang trong tình trạng phục hồi sức khỏe.

Trước hết tạo ra cơn bão dư luận là lỗi của báo chí truyền thông của nhà nước Cộng Sản Việt nam.

Tờ Vietnam Plus của Việt Nam Thông Tấn Xã trong ngày 20 tháng 6 vừa mới đưa tin Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh bắt tay thân mật Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian trong ngày 19 tháng 6, thì tờ Tuổi Trẻ lấy nguồn từ Ban Bảo Vệ và Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương cho biết Ðại Tướng Phùng Quang Thanh “đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần.”

Cách đưa tin này mập mờ và bất hợp lý. Có thể hiểu sự việc theo một logic là, ít nhất ngày 21 tháng 6 ông Thanh đã tức tốc về Việt Nam, rồi quay lại Pháp trị bệnh vào ngày 24 tháng 6. Ðiều này khó xảy ra.

Khi tin đồn ông Thanh bị ám sát trên mạng xã hội bùng lên gây hoang mang dư luận, Ban Bảo Vệ Chăm Sóc Sức Khỏe Trung Ương mới nói, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã được cho ra viện sau ca phẫu thuật u phổi, nhưng vẫn tiếp tục ở lại Pháp để đợi được kiểm tra.”

Tiếng đồn được củng cố thêm bằng tin của hãng thông tấn Ðức DPA Hà Nội ngày 19 tháng 7, lấy nguồn từ quân đội giấu tên, cho hay, ông Thanh đã chết tại Pháp sau khi điều trị ung thư.

Ðến lúc này thì mới có phản ứng chính thức của nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu Việt Nam đã bác bỏ tin của DPA, nói rằng, ông Thanh khỏe mạnh và sẽ trở về nước vào cuối tháng. DPA đã đăng lại lời bác bỏ này trong bản tin ngày 20 tháng 7, nhưng không cải chính tin đã đưa ra, mắc dù sửa lại nơi phát bản tin là DPA Bangkok và nguồn tin lấy từ bệnh viện.

Chỉ mấy ngày sau, ông Phùng Quang Thanh trở về Hà Nội vào lúc 6 giờ 40 sáng 25 tháng 7 trong chuyến máy bay Boeing 777 của Vietnam Airline VN18 xuất phát từ Paris.

Lúc này thì DAP Hà Nội đã đính chính lại “sai sót” của mình trong bản tin ngày 19-20 tháng 7 và gửi thư xin lỗi tới ông Phùng Quang Thanh.

Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo chưa đủ để xóa đi bức tranh mờ ảo về Tướng Thanh. Cuộc đón tiếp Tướng Thanh tại sân bay hôm 27 tháng 7, một bộ trưởng Quốc Phòng đương nhiệm, diễn ra tẻ nhạt, không có một bó hoa chúc mừng, không có ai thuộc ban lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN), thậm chí đồng nghiệp của Bộ Quốc Phòng, cho thấy có điều gì đó bất bình thường.

Nhân Ngày Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam, ngày 22 tháng 7, ông Phùng Quang Thanh đã không tham dự lễ đặt vòng hoa và viếng lăng Hồ Chí Minh như báo chí công bố.

Nhưng Phùng Quang Thanh có mặt trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” tại Bộ Quốc Phòng tối ngày 27 tháng 7 và được truyền hình trực tiếp.

Ông Phùng Quang Thanh khi được người dẫn chương trình giới thiệu, đã dứng dậy quay về khán giả chào.

Tuy nhiên Thiếu Tướng Ngô Quang Liên cho biết trong ông Thanh sẽ “ở lại trụ sở Bộ Quốc Phòng chứ không về nhà riêng,” vì “bị bệnh phổi và mới trải qua cuộc phẫu thuật, theo khuyến cáo của các bác sĩ bên Pháp, Ðại Tướng Phùng Quang Thanh đang phải kiêng, hạn chế tất cả các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ nơi đông người.”

Từ các dữ kiện nêu trên, dư luận trên mạng xã hội lại tung tin rằng, người từ Pháp trở về nước là người khác đóng giả ông Thanh, hoặc ông Thanh bị “quản chế” tại Bộ Quốc Phòng.

Là một người chủ trương thân với Trung Quốc và có những phát biểu thiện cảm về Trung Quốc, Tướng Thanh đã gây nên sự bất bình và căm ghét của nhiều người Việt trong và ngoài nước. Những tin đồn thiếu cơ sở vững chắc, rất có thể vì tâm lý thất vọng, cay cú, khi thấy ông Thanh vẫn còn sống sau khi chữa bệnh.

Nếu thực sự có một ông Thanh giả, thì kịch bản này phải có sự đồng thuận của cả Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương. Khả năng này hoàn toàn bị loại bỏ.

Mặc khác, có một điều gì đó cho thấy từ cả hai phía, báo chí truyền thông chính thống và báo chí lề dân, đều cố tạo ra hình ảnh bất nhất của Tướng Thanh vào lúc cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra quyết liệt. Tướng Thanh là một ứng viên nặng ký cho chức chủ tịch nước mà Nguyễn Tấn Dũng có tham vọng kiêm nhiệm ngoài chức tổng bí thư trong đại hội ÐCSVN lần thứ 16.

Trang web “Chân Dung Quyền Lực” có thời gian từng được xem là thuộc phe nhóm của Nguyễn Tấn Dũng sau một thời gian im ắng, lại chĩa mũi nhọn vào khối tài sản khổng lồ của Ðại Tá Phùng Quang Hải, con trai của Tướng Thanh.

Ðài truyền hình VTV1 hôm 31 tháng 7, 2015 đưa tin về cuộc họp chính phủ, trong đó vào cùng một thời gian, vào lúc 19 giờ 07, Phùng Quang Thanh ngồi bên trái cạnh Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh, nhưng vào lúc 19 giờ 08 cạnh ông Vũ Văn Ninh lại là ông Ðỗ Bá Tỵ.
Tất cả cho thấy, dường như có một thế lực ngầm ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng đứng đàng sau các đồn đại này và vẫn muốn duy trì trò chơi mèo bắt chuột này.

Quan sát 16 ủy viên Bộ Chính Trị của ÐCSVN và những người có khả năng thay thế vào bốn vị trí đầu não, người ta chấp nhận lựa chọn cái đỡ xấu nhất trong toàn bộ những cái xấu. Cái đỡ xấu nhất đây là Nguyễn Tấn Dũng, thông qua những phát biểu “hùng hồn” của ông ta về chủ quyền Hoàng Sa, về giàn khoan HD 981 và về Biển Ðông nói chung.

Những phát biểu của ông Dũng làm nhiều người hy vọng rằng, khi có quyền lực trong tay, ông ta sẽ dẫn dắt Việt Nam ngả về Mỹ, “thoát Trung.” Một sự ngộ nhận to lớn! Ông Nguyễn Tấn Dũng là một kẻ cơ hội chính trị, khôn ngoan và đã diễn khá thành công. Ông ta nói vậy, nhưng các phát biểu của ông ta chưa bao giờ gây tổn thương tới ban lãnh đạo Bắc Kinh và mối quan hệ của hai nước.

Trong một cuộc nhậu, một người quen tôi ở Houston mà dường như đại diện cho tiếng nói của khá nhiều người, lớn tiếng rằng, chế độ độc tài cá nhân dễ lật đổ hơn chế độ độc tài tập thể. Ðây là suy nghĩ sai lầm! Hàng loạt các chế độ độc tài tập thể tan vỡ ở Châu Âu trong thập niên 1989-1990, trong đó có Liên Xô, nhưng ai lật đổ được chế độ độc tài chuyên quyền và “cá nhân” của Putin (Nga), Phidel Castro (Cuba), Kim Jong Un (Bắc Triều Tiên), Atayyevich Niyazov (Turkmenistan), hay thậm chí Tập Cận Bình (Trung Quốc)?...

Bối cảnh chính trị Việt Nam hôm nay cho thấy rằng, bất cứ phe nhóm nào nắm quyền lực trong Ðại Hội ÐCSVN thứ 12 cũng không thể đưa Việt Nam “thoát Trung.” Việt Nam đã và đang bị lệ thuộc quá sâu vào Trung Quốc về kinh tế và tài chính. Chế độ Cộng Sản Hà Nội tồn tại được chính là nhờ sự hỗ trợ to lớn của Bắc Kinh. Trung Quốc thọc tay vào mọi ngõ ngách kinh tế Việt Nam, có mặt khắp nơi từ Bắc vào Nam là hậu quả của chính sách mà Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo và thực hiện.

Dù tìm cách gần gũi Mỹ bao nhiêu, lãnh đạo nào của Việt Nam cũng sẽ không làm tổn thương mối quan hệ với Trung Quốc. Lợi ích trong giao thương với Mỹ là quan trọng nhưng với Trung Quốc mang tính sống còn của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.

Ðiều này được minh chứng qua lời của Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, một nhân vật quyền lực trong quân đội, trên tờ Tuổi Trẻ ngày 1 tháng 1, 2013:
“Một trong những đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Ðảng Cộng Sản lãnh đạo. Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.”

Giờ đây, nhân ngày lễ của Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc ngày 28 tháng 7, 2015, ông nhắc lại:
“Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân thiện và điều đó không bao giờ thay đổi. Nhiều thế hệ đã qua, nhân dân hai nước đã thiết lập và duy trì mối quan hệ, cùng tồn tại, hình thành rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa.”

Cái ôm vồ vập, thân tình của Nguyễn Phú Trọng với Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc, ngay sau khi đi Mỹ về, minh họa thêm cho mối tình hữu nghị “16 chữ vàng và 4 tốt.”
Mặt nước chính trị rung lên chẳng qua vì ông Thanh thân Trung Quốc và nằm trong cuộc tranh đua quyền lực, nhưng những đợt sóng ngầm vẫn cuồn cuộn dưới đáy. Từ nay đến kỳ Ðại Hội ÐCSVN 12, chắc chắn sẽ còn nhiều bất ngờ.

Tướng Thanh có thể bị loại khỏi sân chơi, nhưng người khác sẽ thay thế. Ai lên cũng vậy thôi, khi còn tồn tại hệ thống chính trị độc quyền, độc đảng.

Dân tộc tiếp tục bị cai trị bởi một nhà nước không do dân bầu ra, độc tài, phi dân chủ, dù có thể nó được biến đổi trá hình qua dạng thức khác.






No comments:

Post a Comment

View My Stats