Friday, 7 August 2015

Dân chủ như một phần của nền văn hóa (Doug Saunders, The Globe and Mail)





Doug Saunders, The Globe and Mail
Phạm Nguyên Trường dịch
Posted on Aug 7, 2015

Đối với các nước phI dân chủ trên thế giới, đây là thời điểm quan trọng. Hai nước Cuba và Iran vừa có những bước đi nghiêm túc nhằm liên kết với thế giới dân chủ. Điều đó buộc họ phải hy sinh những thứ mà cách đây không lâu họ đã từng coi là quý giá. Tuy nhiên, còn lâu họ mới trở thành những nước dân chủ.

Có hai quan điểm: Đây là một chiến thắng của những nhà độc tài, giờ đây họ đã được thế giới công nhận và có thể tiếp cận với các nguồn tài chính toàn cầu, hoặc đây là tín hiệu về sự dịch chuyển tới thế giới tự do hơn và thuần nhất hơn. Muốn hiểu được sự khác biệt thì đừng nhìn vào những gì chúng ta đã cung cấp cho những nước này mà hãy nhìn vào những việc họ đã làm để được thế giới công nhận.

Cuba đã tìm cách thiết lập quan hệ bình thường với thế giới dân chủ trong suốt một phần tư thế kỷ qua, sau khi quan hệ thương mại và chính trị khép kín của nước này cáo chung cùng với sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Liên Xô. Để mở cửa – tuần trước Cuba đã tái lập quan hệ ngoại giao và thương mại với Hoa Kỳ – nước này đã phải hy sinh nhiều thứ từng làm cho nó trở thành quốc gia đặc biệt: Cho phép công dân tự do đi lại và tự do cư trú, công dân có quyền sở hữu tài sản tư nhân, có quyền kinh doanh trong nước và quốc tế, có bất đồng chính kiến mà không phải ngồi tù và ngày càng có nhiều bộ luật và quy phạm làm cho nước này tương đồng hơn với các các quốc gia tự do trên thế giới.

Chế độ thần quyền của Iran không có lý do – đấy là nói theo nguyên tắc của cuộc đảo chính năm 1979 – để ký thỏa thuận hạt nhân với bốn nước dân chủ phương Tây, với Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga, thoả thuận buộc nước này phải từ bỏ hầu hết các nguồn lực hạt nhân của mình, thường xuyên bị thanh tra và bị nước ngoài kiểm tra chặt chẽ trong vòng 15 năm tới. Nước này có thể không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (như Ấn Độ, Pakistan và Israel) và trở thành nhà nước khép kín và cô lập (như Bắc Triều Tiên hay Taliban thời Afghanistan). Nhưng về mặt kinh tế và chính trị thì đấy là điều không thể tưởng tượng nổi: Chế độ ở Tehran dựa vào những mối quan hệ thương mại tài chính chặt chẽ và niềm tin của xã hội rằng nước này có các thiết chế và tiêu chuẩn tương tự như thế giới tự do-dân chủ, nhằm duy trì tính chính danh. Làm khác đi thì chế độ sẽ sụp đổ.

Một phần tư thế kỷ trước, Francis Fukuyama đồng nghĩa với niềm vui chiến thắng của dân chủ khi ông tuyên bố rằng “phổ quát hóa chế độ dân chủ tự do phương Tây, hình thức cuối cùng của chính quyền” sẽ là “điểm cuối cùng của quá trình tiến hóa về tư tưởng của nhân loại”.” Trong những phiên bản sau đó của bài tiểu luận có tên Sự cáo chung của lịch sử? (The End of History?) ông đã bỏ từ “phương Tây” (và dấu hỏi), nhưng đã muộn: Ông, cùng với nhiều nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo chính trị và nhà báo khác đã gán cho chế độ dân chủ tự do là sản phẩm xuất khẩu của phương Tây.

Lời tuyên bố này đã bị nhiều chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ các chế độ độc tài của họ: Từ Bắc Kinh đến Saudi Arabia, từ Moskva đến Tehran, các nhà lãnh đạo độc tài có thể (và thường xuyên) tuyên bố rằng chế độ dân chủ là sản phẩm xuất khẩu của phương Tây và do người nước ngoài áp đặt vào những văn hóa truyền thống của họ (mặc dù các thiết chế dân chủ là những giá trị cốt lõi đối với tất cả các truyền thống văn hóa). Hơn 70 trong số 195 quốc gia trên thế giới nằm trong khối các nước phản dân chủ và khối này chưa hề co lại.

Nhưng, nếu không tính đến những cuộc bầu cử, thì những nước này ngày càng giống với các nước dân chủ hơn. Những thiết chế cơ bản của chế độ dân chủ – chế độ pháp quyền, nhà nước chú ý tời từng cá nhân, tầng lớp trung lưu, sở hữu tư nhân, ý thức về bồi thường và công lý, con người và hàng hóa được tự do di chuyển – đã trở nên thịnh hành hơn, mặc dù là chưa hoàn hảo.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Fukuyama đã đúng: Nhà nước tự do và kinh tế thị trường không còn đối thủ. Không hệ tư tưởng nào có thể liên kết được tất cả mọi người – như chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít đã từng làm được trước đây – có thể điều khiển được toàn dân và giữ dân chúng trong một tình trạng hoạt động được. Nỗ lực của các nhóm nổi loạn như Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram nhằm tạo ra trật tự thay thế cho chế độ dân chủ hoặc Bắc Triều Tiên hay Bạch Nga nhằm duy trì trật tự cũ, chỉ làm cho người ta hiểu thêm: Đấy là các chế độ bạo ngược, khó khăn và bần cùng.

Tiến sĩ Fukuyama đã dành phần tác phẩm của mình nhằm mô tả thời Chiến tranh Lạnh, đó là không có giải pháp thay thế cho nhà nước tự do, tức là nhà nước tập trung chú ý vào cá nhân công dân và nền kinh tế thị trường mà động lực là thương mại quốc tế. Trong những công trình sau này, ông đã không nhắc tới khái niệm cho rằng hai xu hướng đó sẽ dẫn tới chế độ dân chủ (và đây là những tác phẩm rất được ưa chuộng ở Trung Quốc).

Gọi chế độ dân chủ là “Tây” và sử dụng những đòi hỏi hoặc lực lượng quân sự để mang nó tới đã không đưa được những cuộc bầu cử cởi mở vào những nước độc tài này. Điều đó sẽ xảy ra khi người dân của họ coi chế độ dân chủ là sản phẩm của nền văn hóa của chính họ – sẽ dễ dàng đạt mục tiêu hơn khi họ cảm thấy phải liên kết với thế giới của chúng ta.




No comments:

Post a Comment

View My Stats