Trời Sài Gòn đổ mưa, nhưng chúng tôi vẫn đến thăm cô
giáo Võ Thị Thanh Hải như đã hẹn. Lần đầu gặp gỡ, chúng tôi đã cảm nhận được sự
thân thiện, ấm cúng như người trong một nhà. Tuy không nói ra nhưng tôi biết cả
chị Dương Thị Tân và anh Trần Bang đều giống như tôi, rất cảm khái với tuyên bố
của cô giáo Hải: "Bằng lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo chân
chính, tôi tuyên bố sẽ không khuất phục và sẽ tham gia vào công cuộc tranh đấu
cho nhân quyền và quyền lợi của học sinh nghèo..."
Từ trái qua: chị Dương Thị Tân, cô giáo Võ Thị
Thanh Hải và anh Trần Văn Bang
Huỳnh Anh Tú, chị Dương Thị Tân, cô giáo Võ Thị
Thanh Hải và anh Trần Văn Bang
Cô giáo Hải mồ côi cha từ lúc mới lên một tuổi. Sau
này nghe mẹ kể lại, cha cô từng là lính Việt Nam Cộng Hòa thuộc Binh chủng Thủy
Quân Lục Chiến. Ông đã tử trận tại Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh) vào năm 1968. Bỏ
lại người vợ 28 tuổi cùng 5 đứa con thơ.
Sau ngày “giải phóng”, cô thường hay bật khóc mỗi
khi xem những thước phim có cảnh Mỹ dội bom lên miền Bắc, gây nên sự chết chóc,
tang thương. Cô tâm sự với chúng tôi: “Vì xem qua nhiều những bộ phim
như thế và đọc sách ở nhà trường tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn đối
với đất nước. Khi học đến trung học, tôi quyết tâm phấn đấu vào đoàn, thậm chí
ước mơ cao hơn nữa, sau này sẽ là một đảng viên đảng Cộng Sản, để thực hiện
theo lời dạy của “bác Hồ” – xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”
Cô giáo Võ Thị Thanh Hải - trên gương mặt lúc
nào cũng nở nụ cười tươi xinh
Nhưng “sự đời không đẹp như mơ”. Trưởng thành hơn một
chút, cô đã hiểu ra những gì cô từng được dạy, được học, được thấy, được nghe đều
không phải sự thật. Đất nước Việt Nam sau ngày “giải phóng” đã trở thành một đất
nước nghèo hèn, lạc hậu. Những kẻ có quyền có chức cấu kết nhau bóc lột người
dân. Và giá trị của người dân Việt Nam ngày càng bị coi rẻ.
Cô giáo Hải kể cho ba chúng tôi nghe câu chuyện
thương tâm xảy ra trong lớp học do cô phụ trách 5 năm về trước. Cho đến nay, cô
giáo Hải cũng không lý giải nổi vì sao các cậu bé non nớt chỉ mới học lớp ba (8
tuổi) lại có thể đối xử “ác” với nhau như thế. Trong giờ giải lao, sáu học sinh
cùng lớp do cô chủ nhiệm đã khênh bạn lớp trưởng, ném vào thùng rác rồi đậy nắp
lại. Rất may khi ấy cô đi ngang qua nên kịp thời cứu em học sinh. Đứng trước
hành động quá dại dột của sáu học trò có thể gây nguy hại đến tính mạng của một
học trò khác, cô giáo không thể không dạy dỗ và trách phạt. Sau khi bế cậu bé lớp
trưởng ra khỏi thùng rác với thân thể run cầm cập và vẻ mặt sợ xanh lét vì kinh
hoàng sợ hãi, cô giáo Hải đã yêu cầu sáu em đứn trước mặt cô rồi dùng chiếc thước
kẻ nhựa vụt vào lòng bàn tay các em để cảnh cáo.
Chỉ vì hành vi cảnh cáo đó, cô Hải bị kiện. Cô cho rằng,
Ban Giám Hiệu trường Nguyễn Văn Trỗi đã tác động đến những phụ huynh của các em
đó để kiện cô trong khi không nhắc gì tới hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu
cô không cứu kịp em học trò kia. Kể đến đây, mắt cô giáo Hải rưng rưng. Chúng
tôi hiểu sự chịu đựng, uất ức được dồn trong những năm làm cô giáo dưới mái trường
Xã hộ chủ nghĩa. Cuối cùng cô bị Ban Giám Hiệu nhà trường xét duyệt và kỷ luật
bằng hình thức hạ xuống hai bậc lương. Không cam chịu nỗi oan ức cô phải làm
đơn khiếu nại lên Phòng Giáo dục quận 2. Kết quả, vì vụ kiện cô lại được thêm
quà “khuyến mãi” là lời đe dọa của ông trưởng phòng giáo dục Hứa Ngọc Thảo:
“Nếu cô rút đơn khiếu kiện thì mọi việc trở lại bình
thường. Còn như cô muốn nộp đơn cứ khăng khăng đòi xử lý thì nhưng theo qui định
cô phải thôi đứng lớp dạy mà chuyển về Phòng (phòng giáo dục quận 2) cho đến
khi nào vụ việc được sáng tỏ.. Vả lại thời này chúng tôi chưa rảnh để giải quyết.”
Giải quyết cách đó coi như bị “đì”, ngồi chơi xơi nước,
chờ nghỉ việc. Cô Hải cười buồn.
Không vì lời đe dọa đó làm cô chùn bước, cô chấp nhận
thôi đứng lớp và quyết đấu tranh cho đến cùng. Cô viết bài gửi cho một số tòa
soạn báo như Thanh Niên, Phụ Nữ để lên án sự bất công đang diễn ra nơi nhà trường
cô đang dạy. Gần 1 năm sau vì báo chí đã phanh phui vụ việc này ra trước công
luận nên Phòng giáo dục quận 2 mới nhượng bộ, trả cô về trường để đứng lớp dạy
trở lại.
Cô nói với chúng tôi ngành giáo dục của nước nhà đến
nay xuống cấp trầm trọng. Đạo đức nghề nghiệp cùng lương tri nhà giáo dần bị đồng
tiền tha hóa hết rồi. Và chính bản thân cô cũng từng bị rơi vào vòng xoáy thối
nát này, cô ngậm ngùi kể thêm:
“Cách đây hơn một năm, tại lớp bán trú tiểu học, mười
mấy em học sinh bị ngộ độc thức ăn. Thay vì đưa các em đi cấp cứu liền, nhưng
ông hiệu trưởng vì sợ bị ảnh hưởng đến uy tín nhà trường nên ra lệnh cho chúng
tôi không đưa các em đi đâu cả. Ông ta còn nói rằng: “chút nữa sẽ khỏi.”
Thật kinh khủng khi bất lực chứng kiến các em đứa
thì mặt xanh ói mửa, đứa thì tím tái miên man, đau đớn vật vã. Cô giáo Hải cùng
các đồng nghiệp của mình lúc đó chỉ biết khóc, dỗ dành các em chứ không dám “vượt
rào” đưa các em tới bệnh viện.
Đến chiều các phụ huynh đến đón các cháu về mới hay
con mình bị ngộ độc mà không được đưa đi cấp cứu.Cô giáo Hải lại “được” tận hưởng
những lời đay nghiến, buộc tội và miệt thị. Lúc này, cô buộc phải nói ra sự thật
những gì ông hiệu trưởng ra lệnh hồi sáng. Ông hiệu trưởng lẩn tránh trách nhiệm
và đưa cô phó hiệu trưởng ra “ đỡ đạn.”
Vì thương yêu các em học sinh và cũng muốn phản đối
hành vi vô đạo đức của ông hiệu trưởng, cô Hải đã viết bài nói về những sự thật
xấu xa này, nhờ tòa soạn báo Thanh Niên đăng tin bài để cho tất cả công chúng
cùng biết sự việc.
Một người bạn cô Hải làm trong tòa soạn đã rất nhiệt
tình và hẹn sẽ đăng bài viết của cô sớm nhất. Nhưng mãi tuần sau không thấy bài
viết xuất hiện và cô Hải nhận được thông báo từ người bạn rằng “tòa soạn đã từ
chối”. Anh bạn còn cho biết, chủ nhiệm biên tập tòa soạn có quen biết ông hiệu
trưởng trường Nguyễn Văn Trỗi, nên họ muốn “giữ thể diện cho nhau” nên không thể
đăng bài viết của cô.
Về phía nhà trường, cô lại bị ông hiệu trưởng vở
trách, hăm dọa đủ điều vì cô dám “vạch lưng cho người khác xem thẹo.”
Trở lại câu chuyện Facebook gần đây, cô nhắc lại câu
chuyện vừa qua có làm việc với ông Long tại công an phường Bình Trưng Tây. Ông
Long hỏi: “tại sao cô đang sống trong chế độ này mà không đưa những
hình ảnh chế độ này lên, cô cứ gợi lại hình ảnh VNCH đã chết từ lâu?” Cô
trả lời:
“Tôi nghĩ chế độ này có gì tốt đâu mà đưa. Công an
thì đánh người, ông nghị bà nghị không dối trá cũng thụ động, dân oan bị cướp đất
khắp nơi và rất nhiều sự bất công khác đang tồn tại. Còn với phía chế độ
VNCH tuy ngắn ngủi, nhưng người dân đã được hưởng không khí tự do, dân chủ thực
sự”.
Mỗi khi lên mạng tìm về quá khứ lịch sử chế độ VNCH,
cô rất vui sướng và lấy làm tự hào vì cô đã nhìn thấy hình ảnh oai hùng của cha
mình cùng đồng đội đang hiên ngang xông pha ngoài mặt trận để bảo vệ lấy nền tự
do, dân chủ cho quê hương mình.
Cô giáo Hải tâm sự:
“Tuy cha tôi cũng như những chiến sĩ VNCH đã chết
đi, nhưng tôi tin chắc họ vẫn luôn sống mãi trong lòng của người dân Việt Nam
này.”
Trước lúc chia tay cô gởi lời cám ơn đến tất cả mọi
người đã quan tâm và đồng cảm với mình. Cô chia sẻ:
“Thanh Hải rất vui và vững lòng hơn khi được mọi người
hiểu và quan tâm về nỗi oan của Thanh Hải. Phải nói thật sự, lần đầu tiên Thanh
Hải được rất nhiều người từ trong nước lẫn ngoài nước đồng cảm và luôn hướng về
Thanh Hải. Thanh Hải thật sự cảm động với những món quà tinh thần đó. Chính những
món quà tinh thần đó sẽ giúp cho Thanh Hải luôn vững vàng trên con đường đấu
tranh cho Tự do, Dân Chủ, Nhân Quyền, cho học sinh nghèo Việt Nam”.
Chia tay cô giáo Thanh Hải, ba chị em chúng tôi ra về
với một niềm cảm mến, bịn rịn. Hy vọng, sẽ còn nhiều những nhà giáo dám đứng
lên chống lại cái ác, cái xấu và dấn thân vào cuộc đấu tranh đòi quyền con người
như các cô giáo Thanh Hải, Đào Thu, Huỳnh Thị Xuân Mai, các thầy giáo Nguyễn
Thượng Long, Vũ Hùng, Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Anh Dũng… Họ thật
sự là những người khiến chúng ta còn muốn hy vọng và tin tưởng vào những người
thầy trong một xã hội đầy bất công này.
Từ trái qua: Huỳnh Anh Tú, chị Dương Thị Tân,
cô giáo Võ Thị Thanh Hải và anh Trần Văn Bang
18/8/2015
TIN
LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment