Nguyễn Thế Phương
Posted on 04/08/2015
Theo bài viết
của Paul Pryce trên trang web của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc
tế (CIMS) cho rằng chính sách quốc phòng của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng của
Hàn Phi, vốn là một học giả nổi tiếng thời Chiến Quốc theo trường phái pháp gia
(legalism). Theo Paul, điều này phần nào được thể hiện qua Sách
trắng quốc phòng mới của Trung Quốc được tuyên bố gần đây. Kể từ
thời kỳ Mao Trạch Đông, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường xuyên trích dẫn lời
nói từ các tác phẩm của đạo Khổng, vốn đề cao lòng trung hiếu, nghĩa vụ và
trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng. Đây được coi là triết lý giúp củng
cố vai trò và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Tập Cận Bình
lại đang có xu hướng khác khi ông dựa
chủ yếu vào tác phẩm Hàn Phi Tử.
Hàn Phi là một trong những nhân vật quan trọng của
trường pháp pháp gia, và ông cũng được coi là Machiavelli của Trung Quốc. Ông
quan tâm tới sự hiệu quả và sức mạnh của quốc gia hơn là các vấn đề về đạo đức.
Hàn Phi đã viết rằng: “Đối với một vị quân chủ, nếu quốc gia của ông ta nhỏ,
ông ta sẽ phải nương theo quốc gia lớn hơn, và nếu quân đội của ông yếu, ông ta
sẽ sợ hãi trước những đội quân mạnh hơn. Khi nước lớn yêu cầu, nước nhỏ phải thần
phục; khi quân đội nào hùng mạnh hơn xuất hiện, kẻ yếu hơn phải chịu khuất phục”.
Hàn Phi Tử chỉ đơn giản nêu lên một quy luật của một hệ thống mà trong đó các
quốc gia nắm giữ mức độ quyền lực khác nhau. Đối với Hàn Phi, không xuất hiện
khái niệm quyền lực mềm, sức mạnh của quân chủ và của quốc gia hoàn toàn dựa
vào sức mạnh của quân đội. Nếu xét tới lịch sử Trung Quốc từ 1840 tới 1940 đứng
dưới góc nhìn của trường phái pháp gia, có thể thấy Trung Quốc yếu thế hơn các
cường quốc phương tây do có lực lượng quân sự yếu hơn. Xét trong giai đoạn hiện
nay, trường phái pháp gia cho rằng cần phải thu hẹp khoảng cách (về mặt quân sự)
nếu không Hoa Kỳ sẽ lại một lần nữa tác động tiêu cực tới Trung Quốc.
Một ý kiến khác của Hàn Phi cũng rất đáng chú ý: “Nếu
các đế vương mong muốn thúc đẩy chính sách cùng chung sống hoà bình, hãy chắc
chắn rằng mình sẽ đưa ra những ý tưởng cao thượng, nhưng lưu ý rằng điều đó đi
kèm với lợi ích cá nhân của đế vương”. Điều này phản ánh ở hiện tại qua việc
Trung Quốc tham gia gìn giữ hoà bình, chống cướp biển hay đưa ra khái niệm “giải
quyết xung đột một cách hoà bình”.
Trung Quốc được cho là đang xây dựng đội
tàu đánh cá mới cho lực lượng dân quân biển, một động thái có thể thúc
đẩy các tranh chấp trong khu vực. Là một trong những công cụ thực thi sức mạnh
chủ quyền của Trung Quốc, lực lượng dân quân biển thường sử dụng các tàu đánh
cá của ngư dân. Nội bộ Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi nên chuẩn hóa dân quân biển,
và đây sẽ là lần đầu tiên lực lượng này có một đội tàu đánh cá riêng cho mình.
Điều này không chỉ tăng cường sức mạnh, củng cố những tuyên bố chủ quyền (vô
lý) của Trung Quốc trên biển Đông, mà còn tạo ra sự cạnh tranh với ngư dân các
nước khác trong khu vực.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013, vai
trò của lực lượng dân quân biển ngày càng được nâng cao. Trong chuyến thăm đến
làng Đàm Môn, ông Tập cho rằng lực lượng dân quân biển “không nên chỉ đi đầu
trong các hoạt động đánh bắt, mà còn nên thu thập các thông tin về đại dương và
hỗ trợ cho việc xây dựng các đảo và rặng san hô”. Phát biểu của ông Tập đã tạo
đà cho sự ra đời và phát triển của các lực lượng dân quân biển ở nhiều vùng ven
biển khác. Nhiều sự hỗ trợ và kêu gọi hỗ trợ nguồn lực cho lực lượng dân quân
biển cũng xuất hiện sau chuyến thăm của ông Tập.
Tuy nhiên, việc dân quân biển sở hữu một đội tàu
riêng có thể xem là một “hiện tượng mới”. Về lâu dài, điều này có thể chấm dứt
tình trạng lệ thuộc vào việc thuê các tàu cá của ngư dân. Thêm vào đó, việc Bắc
Kinh quyết định trang bị một đội tàu riêng cho dân quân biển cho thấy họ quyết
tâm kiểm soát chặt chẽ hơn lực lượng này. Một động thái đáng lưu ý là chính quyền
tỉnh Hải Nam đã quyết định đóng mới 84 tàu đánh cá cỡ lớn cho lực lượng dân
quân biển thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của
Việt Nam. 10 tàu đầu tiên sẽ được bàn giao trong năm 2015 và sẽ còn mất khoảng
vài năm nữa mới đủ số lượng 84 tàu.
Hải quân là một trong những lực lượng được Trung Quốc
tập trung đầu tư và hiện đại hóa mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Dựa trên sự
tính toán của mình, Chuẩn đô đốc Michael McDevitt thuộc Trung tâm Phân tích Hải
quân (CNA) Hoa Kỳ đã dự đoán
Hải quân Trung Quốc (PLAN) có thể trở thành phiên bản thu nhỏ của Hải quân Hoa
Kỳ vào năm 2020. Kết quả này hoàn toàn không quá bất ngờ nhưng cũng có
một số điểm đáng chú ý. Theo đó, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ sở hữu lực lượng hải
quân có khả năng hoạt động ở vùng biển xa. Khả năng này chỉ đứng sau hải quân
Hoa Kỳ. Trong khoảng 5 năm nữa, PLAN sẽ có số lượng tàu sân bay ngang bằng Anh
và Ấn Độ, sở hữu số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công nhiều hơn Anh và Pháp; và
sở hữu số lượng tàu khu trục tương đương Aegis bằng tất cả các nước ngoài Hoa Kỳ
gộp lại. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ sở hữu 2 tàu sân bay, 20 – 22 tàu khu trục tương
đương tàu Aegis và 6 – 7 tàu ngầm hạt nhân tấn công. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn
duy trì vị trí số 1 với 11 tàu sân bay, 88 tàu khu trục Aegis và 48 tàu ngầm hạt
nhân tấn công.
Cũng theo McDevitt, mặc dù PLAN là lực lượng phát
triển sau, song những gì mà Trung Quốc có thể làm được trong 5 năm khiến nhiều
nước, trong đó có cả Hoa Kỳ lo ngại. Một viễn cảnh năm 2020 được McDevitt vẽ ra
khi thế giới chứng kiến sự hiện diện của PLAN ở vùng rìa xa nhất của Ấn Độ
Dương và Địa Trung Hải. Khi khu vực này trở thành điểm tiếp cận thường xuyên của
các tàu chiến Trung Quốc. Điều này mang hàm ý quan trọng đối với Hoa Kỳ và đồng
minh. Một điều đáng lo ngại là sự hiện diện ngày càng tăng của PLAN, về mặt
không gian và thời gian, có thể kéo theo sự suy giảm trong nhận thức của các nước
khác về sức mạnh toành cầu của Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, theo ông McDevitt, Bắc Kinh
có thể nhanh chóng đạt được chỉ tiêu về số lượng tàu chiến, song chất lượng vẫn
là vấn đề khiến PLAN chưa thể so sánh với hải quân Hoa Kỳ trong thời gian ngắn
sắp tới.
Một
số tin vắn đáng chú ý
Hoa Kỳ đang hoàn tất tàu
tấn công đổ bộ thế hệ mới lớp America. Đây được xem là lớp tàu tấn công
đổ bộ lớn nhất từ trước tới nay của Hoa Kỳ. Hiện con tàu, được biết đến với tên
gọi là USS Tripoli, đã hoàn tất tổng cộng 30% khối lượng công việc. Dự kiến, đến
tháng 7 năm 2017, USS Tripoli sẽ chính thức được hạ thuỷ. Con tàu được thiết kế
đặc biệt cho mục đích triển khai phi đội tiêm kích F-35B, cùng một loạt các máy
bay khác như MV-22 Osprey, CH-53 Super Stallions và UH-1Y Huey.
Trung Quốc xây
căn cứ tàu sân bay lớn nhất thế giới ở đảo Hải Nam, tạp chí quốc
phòng Kanwa của Canada tiết lộ. Theo đó, công trình nằm trong khu phức hợp hải
quân Tam Á, phía nam của đảo Hải Nam. Hiện Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng một
bến neo đậu dài khoảng 700 ở Tam Á. Với chiều dài như vậy, bến cảng mới có thể
cho phép hai tàu sân bay neo đậu cùng lúc hoặc nhiều tàu chiến cỡ lớn. Được biết,
cầu tàu sân bay lớn nhất thế giới đang thuộc về hải quân Hoa Kỳ, với chiều dài
lần lượt là 400m (căn cứ ở Norfolk, Virginia) và 430m (căn cứ ở Nhật Bản).
Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc tập trận chống thiết
bị bay không người lái (drone) kéo dài 2 tuần, theo
một số nguồn tin. Mang trên Black Dart, đây được cho là cuộc diễn tập
phối hợp chống công nghệ không người lái lớn nhất nước Mỹ, do Tổ chức phòng
không và chống tên lửa hỗn hợp (JIAMDO) tổ chức tại căn cứ hải quân Ventura ở
California. Black Dart đưa ra những phương án phòng thủ trên khắp các dạng môi
trường, từ trên không đến dưới biển. Trung tướng không quân Scott Gregg phát biểu
rằng cuộc tập trận này “cho mọi người biết rằng Bộ Quốc phòng luôn quan tâm tới
các vấn đề liên quan tới công nghệ không người lái”. Một số vũ khí tiêu biểu mà
quân đội Hoa Kỳ sở hữu nhằm chống lại drone là vũ khí laser cường độ thấp và một
thiết bị tích hợp gắn trên xe Humvee có khả năng gây nhiễu, kiểm soát hay phá
huỷ drone của đối thủ.
Có
thể bạn quan tâm:
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (12/05/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (24/06/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (26/05/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (07/07/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (02/06/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (21/07/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (5/5/2015)
- Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (28/07/2015)
No comments:
Post a Comment