Thứ Hai, ngày 03 tháng 8 năm 2015
(Le
Figago 31/07/2015) Trong tác phẩm « Hạm
đội ma, câu chuyện của Thế chiến lần tới », các chuyên gia Mỹ
dự báo cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba là nhằm chống lại Trung Quốc. Một kịch
bản được nhà kinh tế Antoine Brunet* cho là khả tín, ông giải thích các nguyên
nhân và hậu quả của trận Thế chiến tương lai.
Le
Figaro : Đối với các chuyên gia Mỹ, cuộc đại chiến thế
giới lần tới sẽ nhằm chống lại Trung Quốc. Các nguyên nhân và hậu quả của trận
Thế chiến này sẽ như thế nào ?
Antoine
Brunet : Nguyên nhân thứ nhất, là lại một lần nữa, giống
như trong thập niên 60 và 70, chúng ta gặp lại cấu hình địa chính trị toàn cầu
- hai siêu cường đối đầu ngang ngửa với nhau trên tất cả các tiêu chí. Siêu cường
đang lên là Trung Quốc không còn chấp nhận « dưới cơ » siêu cường
đang đi xuống là Hoa Kỳ, còn Mỹ thì từ chối nhường vị trí đại cường đứng đầu thế
giới cho Bắc Kinh.
Từ thực tế này, chúng ta đang trong một kịch bản đối
đầu tiềm ẩn nhưng thường trực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, như trường hợp Hoa Kỳ và
Liên Xô trong thập niên 60 và 70. Và một sự đối đầu trên nhiều phương diện có
thể diễn biến xấu đi bất kỳ lúc nào, trở thành một cuộc chiến tranh thực sự.
Nguyên nhân thứ hai, là sự đối địch giữa hai siêu cường
có trọng lượng địa chính trị toàn cầu tương đương, nhưng lại khác biệt rất lớn
về dạng thức cầm quyền. Nếu sau Hoa Kỳ, Trung Quốc đã áp dụng kinh tế tư bản
thay cho kinh tế tập thể từ 40 năm qua, Bắc Kinh vẫn nhất quyết duy trì phương
thức cai trị độc đoán, trong khi Hoa Kỳ vẫn áp dụng phương thức dân chủ.
Do đó hoàn toàn loại trừ khả năng hai siêu cường này
có thể bắt tay nhau để cùng quản lý hành tinh. Trung Quốc muốn ca khúc khải
hoàn, làm bá chủ thế giới để đảm bảo rằng các lực lượng dân chủ trong và ngoài
nước không còn là mối quan ngại cho phương thức toàn trị của họ. Các bản sao của
một kịch bản như vậy đang được chuyền tay ở Lầu Năm Góc.
Điều này sẽ diễn ra trong tương lai gần ?
Trung Quốc đã kiên nhẫn rất lâu rồi. Từ năm 1989 sau
vụ Thiên An Môn, Bắc Kinh đã xây dựng một cách chậm chạp nhưng chắc chắn sức mạnh
của mình để đến nay, năm 2015, họ đạt đến một sự thăng bằng về địa chính trị
trên toàn cầu với Hoa Kỳ.
Nay thì Trung Quốc tăng tốc để giáng một thất bại
quan trọng về tiền tệ cho Hoa Kỳ trong một tương lai rất gần, khi hất cẳng đồng
đô la ra khỏi vị trí đồng tiền thống trị trên thế giới, thay thế bằng đồng nhân
dân tệ. Điều này sẽ khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh, không
cách nào sửa chữa được và cũng không thể thay đổi tình hình được.
Từ khi kịch bản này hiện diện trong đầu, Bắc Kinh tỏ
ra rất tự tin và cho rằng từ nay có thể làm mưa làm gió cả ở Biển Hoa Đông lẫn
Biển Đông ; khuyến khích Matxcơva kéo dài cuộc xung đột với Ukraina, và sắp
tới có thể là tại Moldova, cũng như các nước vùng Bantich.
Nếu các nước dân chủ liên minh lại, huy động lực lượng
để làm thất bại chiến lược tiền tệ của Bắc Kinh, thì cuộc xung đột lãnh thổ do
Trung Nam Hải khởi động mới có thể ngừng tăng tốc. Trên quan điểm này, các hội
nghị đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế lên lịch vào tháng 10/2015 là một thời điểm
quyết định.
Nếu các nước châu Âu tham gia trò chơi của Bắc Kinh
và Matxcơva nhằm truất ngôi đồng đô la, tình hình có thể trở nên hết sức tồi tệ.
Còn ngược lại, nếu châu Âu trở thành lá chắn cho đồng đô la, Bắc Kinh sẽ suy
đoán rằng hãy còn quá sớm để lao vào những cuộc xung đột lãnh thổ.
Mối đe dọa Hồi giáo cực đoan không phải là hiện thực
hay sao ?
Đúng là các quốc gia dân chủ nay đang bị đe dọa trên
cả hai mặt trận : toàn trị Hồi giáo và toàn trị Trung-Nga. Khó thể chiến đấu
trên hai mặt trận cùng một lúc, nhưng lại không tránh né được việc đáp trả cả
hai thách thức này.
Cần phải tăng cường mối dây liên hệ hiện đang hết sức
lỏng lẻo, giữa các nước dân chủ trong khối G7. Một điều cần thiết nữa, là Hoa Kỳ
nên ngưng áp đặt mọi việc cho các quốc gia đồng minh hiện nay.
*Nhà kinh tế Antoine Brunet là chủ tịch công ty phân
tích thị trường AB Marchés, tác giả cuốn « Ý đồ bá chủ của Trung Quốc » (La
visée hégémonique de la Chine, Nhà xuất bản Harmattan, 2011).
Mời
đọc lại :
No comments:
Post a Comment