Monday, 10 August 2015

‘Cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa đảng’ (Đinh Liên - Việt Nam Thời Báo)






(VNTB) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ban tuyên huấn của Đảng đã nhấn mạnh “vai trò của báo chí trong việc kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt” trong Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam, Vietnamnet đưa tin.

Tổng bí thư cũng kỳ vọng, báo chí nhà nước “tỉnh táo, cảnh giác” trước các thông tin xuyên tạc của các thế lực xấu để phản bác lại, củng cố niềm tin nhân dân. vào Đảng và Nhà nước.

Vẫn là những câu từ quen thuộc, và việc nhấn mạnh câu từ đó trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 là điều cần thiết mà với cương vị Tổng bí thư cần phải làm.

Nhưng quả thật, Tổng bí thư giao cho báo chí nhà nước một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Đó chính là lấy “chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới, tấn công vạch trần những âm mưa thâm độc của thế lực xấu, thù địch”.

Khó!

Bởi dù báo chí vẫn là mặt trận tư tưởng mà Đảng vẫn lãnh đạo và quản lý toàn diện, người viết báo vẫn là một lượng lực xung kích đi đầu, nhưng nó thiếu một vũ khí sắc bén về mặt lý luận trong bối cảnh thời đại thông tin và thực tiễn xã hội:

Thứ nhất, bảo vệ và xây dựng CNXH chỉ là một bánh vẽ không hơn không kém. Làm sao các nhà báo có thể “dám” vượt mặt một Giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng, người mà trước đó từng thừa nhận rằng, “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Thứ hai, thực tiễn xã hội có quá nhiều hiện tượng bất lợi cho chế độ, trong đó có vấn nạn tham nhũng đầy “sống động”. Bởi nó không đến từ các thế lực xấu, thế lực thù địch, mà nảy sinh ngay tỏng lòng chế độ, bởi những đảng viên trung và cao cấp. Chế độ đã thổi phồng lên, nhưng không vì các “luận điệu xuyên tặc, bịa đặt” mà chính bởi một bộ máy chứa đầy sâu bọ, một bộ máy “không rõ ‘chiến tuyến’, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó”. Nó khiến cho công cuộc chống tham nhũng, dù có bộ máy đồng bộ nhiều cơ quan phối hợp hay đầy đủ các luật đề ra, thì kết quả gần nhưng rơi vào bế tắc, không khả thi.

Tham nhũng ngày càng có quy mô lớn, ở nhiều lĩnh vực, ở từng tầng bậc của thể chế chính trị. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2015 vào tháng 7 vừa rồi cho biết: “Tham nhũng giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp… nên chống rất khó.”

Nói cách khác, nếu thế lực xấu, thế lực thù địch có tồn tại, thì nó chính nằm trong cơ chế độc trị quyền lực, dẫn đến sự tha hóa trong lớp đảng viên, khi lớp đảng viên nắm quyền lãnh đạo, họ “tối ưu hóa” cơ chế đó để làm lợi cho lợi ích nhóm của mình. Thành ra, tiêu cực tự bên trong chế độ “thổi phồng” lên. Nếu ngăn chặn “hiện tượng” thổi phồng, thì lại rơi vào câu suy tưởng: “trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó.”

Cái thực tiễn sinh động của đất nước chính là “thực tế” mà Tổng bí thư từng thừa nhận, “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ đảng viên đúng là nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”.

Thế nên, uy tín của Đảng và Nhà nước trong dân như thế nào, Tổng bí thư hẳn đã biết; nội bộ Nhà nước và Đảng chia rẽ ra sao, Tổng bí thư hẳn đã hay, trừ phi Tổng bí thư không dám nhìn thẳng vào sự thật. Điều này khiến cho lời căn dặn báo chí của Tổng bí thư với các từ khóa như: “tư tưởng, dân chủ, đa nguyên, đa đảng, tham nhũng, đảng viên” đã trở nên lỗi thời.

Một người đứng đầu về tư tưởng đã “lỗi thời” về lý luận và phân rã niềm tin về thực tiễn xã hội thì làm sao khiến các nhà báo có đủ sức mà “tiến công” vào các thế lực thù địch, để làm chủ dư luận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng?
____

Tin liên quan: 

'Cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa đảng'
Thu Hằng
VietNamNet    09-08-2015
  
Báo chí cần tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin lợi dụng tự do, dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, lợi dụng phòng chống tham nhũng, tiêu cực thổi phồng những yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ…

Sáng nay, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo VN chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu dài hơn 15 phút, trong đó nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt trong những ngày tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.

Tổng bí thư cho rằng, thời điểm này, các thế lực thù địch lợi dụng tự do dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, lợi dụng phòng chống tham nhũng, tiêu cực thổi phồng những yếu kém khác biệt của một bộ phận cán bộ đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước ta, gây nghi ngờ chia rẽ nội bộ.

“Báo chí cần tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin xuyên tạc của các thế lực xấu để thông tin phản bác lại, củng cố niềm tin của nhân dân”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Một số báo chưa làm chủ được dư luận xã hội
Tổng bí thư đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đến nay, báo chí đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt.

Báo chí đã thông tin kịp thời đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kịp thời phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo, tuyên truyền đối ngoại, thông tin về những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Tổng bí thư nhắc nhở hoạt động báo chí còn bộc lộ một số mặt hạn chế, khuyết điểm.

Cụ thể, một số báo còn có hiện tượng thiếu nhạy bén chính trị, chưa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật.
Báo chí cũng chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền về các điển hình tiên tiến. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa làm chủ được dư luận xã hội.

Ngoài ra, vẫn còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí đã được tăng cường, nhưng còn có trường hợp chưa nghiêm, chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để răn đe.

Đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 vấn đề liên quan đến hoạt động và quản lí báo chí trong tình hình hiện nay.

Tổng bí thư yêu cầu cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí, Nhà nước quản lí báo chí bằng pháp luật.

“Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng. Đó là tinh thần đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái tốt, cái đúng, vì sự nghiệp chung của đất nước và lợi ích của nhân dân”, Tổng bí thư nhấn mạnh..

Báo chí kiên quyết loại bỏ tin bài ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, tình cảm đời sống xã hội, đừng làm phân tâm xã hội, phân rã niềm tin – Tổng bí thư nói.

Ngoài ra, Tổng bí thư cũng lưu ý báo chí thực hiện nhiệm vụ cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là diễn đàn để phát huy dân chủ, để nhân dân tham gia giám sát và phản biện xã hội.

Tổng bí thư cũng yêu cầu đổi mới lãnh đạo và chỉ đạo trong quản lí báo chí. Trong đó, tăng cường trách nhiệm các cơ quan chủ quản, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lí và tạo điều kiện thuận lợi để báo chí hoạt động chất lượng.

“Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao, luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho báo chí và người làm báo hiện nay hết sức nặng nề. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ những người làm báo Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình”, Tổng bí thư khẳng định.

--------------
Ông Thuận Hữu tiếp tục làm Chủ tịch Hội Nhà báo VN
Đại hội đã bầu 57 thành viên Ban chấp hành và 11 ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo khóa 10. Ông Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kì 2015 – 2020.
11 ủy viên Ban Thường vụ gồm các nhà báo: Thuận Hữu, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Thế Kỷ, Trần Bình Minh, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Bé, Phạm Văn Huấn, Phạm Văn Miên, Hồ Quang Lợi, Mai Đức Lập, Nguyễn Quý Hòa.





No comments:

Post a Comment

View My Stats