Tuesday, 25 August 2015

Cách mạng Tư bản Chủ nghĩa của Hà Nội (Michael J. Totten, City Journal)





Michael J. Totten, City Journal
Huỳnh Phan dịch
Posted on Aug 26, 2015

Thị trường tự do, doanh nghiệp tư nhân, trung tâm mua sắm và tầng lớp trung lưu – không phải là những gì ông Hồ Chí Minh đã có trong đầu.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam cộng sản giờ đây đã thống nhất, là một cảnh vật bị tàn phá bởi mưa bom. Cư dân sống dưới một triều đại bình đẳng về khủng bố. Những người theo giáo điều khắc nghiệt đang điều hành đất nước cấm công dân kết giao với người nước ngoài hoặc thậm chí nói chuyện với vài khách ngoại quốc. Mọi người xếp hàng rồng rắn tại các cửa hàng với kệ trống rỗng để đổi tem phiếu nhu yếu phẩm lấy vài nắm gạo ít ỏi. Trên đường phố thỉnh thoảng mới có xe đạp là loại xe duy nhất chạy qua.

Hà Nội ngày nay tràn ngập các hoạt động và thương mại. Ảnh: JOHN HARPER/CORBIS

Tuy nhiên, kể từ đó, Hà Nội đã tự thay đổi nhanh hơn hầu hết thành phố nào khác trên thế giới. Hiện nay, thành phố này là ngọn núi lửa TBCN nổ bùng, và Việt Nam đang trên con đường nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự đáng gờm. Christopher Hitchens đã từng nói, diễn giải câu của John Maynard Keynes: “Nhiều cuộc cách mạng được bắt đầu từ những người bảo thủ, bởi đây là những người đã cố làm cho hệ thống hiện có chạy đuợc và họ biết vì sao nó không chạy đuợc. Đó là một cái nhìn thấu sâu vào cốt lõi. Nó thường được biết theo cách nói của Marx như là cuộc cách mạng từ bên trên”. Đó đích xác là những gì đã xảy ra ở Việt Nam, mặc dù những người cách mạng này không phải là đảng viên đảng bảo thủ. Họ là đảng viên cộng sản.

Thế kỷ XX là thế kỷ đầy khó khăn đối với Hà Nội. Người Pháp xâm lược và biến nó thành thủ đô của Đông Dương thuộc địa Pháp vào năm 1887. Đế quốc Nhật chiếm thành phố năm 1940 và sát nhập Việt Nam vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á phát xít. Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam là nhà nước độc lập sau Thế chiến II, và lực lượng Việt Minh của ông kiểm soát một vài vùng lãnh thổ, nhưng người Pháp trở lại nắm quyền vào năm 1946 và ở lại cho đến khi quân đội cộng sản của HCM buộc họ ra đi vào năm 1954. Hà Nội sau đó trở thành thủ đô của nước bị đặt sai tên là [Bắc] Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều thập kỷ trôi qua trong nghèo khổ và tàn bạo. Hệ thống kế hoạch tập trung Mác-Lênin của HCM đã tàn phá nền kinh tế cùng với cuộc chiến với Hoa Kỳ và chính phủ miền Nam Việt Nam đuợc Mỹ hậu thuẫn – bao gồm cả việc dội bom chính Hà Nội – tạo nên sự hủy hoại hoàn toàn. Hơn 1 triệu người Việt Nam đã chết.

Bắc Việt đã thắng cuộc nội chiến vào năm 1975 và áp đặt hệ thống kinh tế và chính trị hà khắc ở miền Bắc vào miền Nam. Sài Gòn, thủ đô cũ của miền Nam, chịu thiệt hại khi miền Bắc chiếm lấy. Lâm Tường Vi, nhớ lại những hình ảnh sống động khi phía của cô bị thua trong cuộc chiến, nói: “Tất cả các trường học đều bị đóng cửa. Cô chú tôi đang học đại học đã phải bỏ học. Họ không thể đi tới đó. Tài sản bị tịch thu và đem cho người miền Bắc. Tuyên truyền cộng sản thậm chí đưa vào sách toán của chúng tôi. Chúng tôi đã có những câu hỏi như thế này: ‘Hôm qua một bộ đội giết chết 3 người Mỹ và hôm nay anh giết thêm 5. Anh đã giết tổng cộng bao nhiêu người Mỹ?’ Sách học không còn những loại câu hỏi này nữa, nhưng chúng đã tồn tại ngót năm hay mười năm”.

Việt Nam cuối cùng đã được độc lập và thống nhất, nhưng ở trong tình trạng chẳng tốt hơn Liên Xô, Bắc Triều Tiên hay Cuba và gần như tất cả mọi người biết điều đó, kể cả nhiều lãnh đạo cộng sản. Vào giữa thập niên 1980, một cuộc đấu đá đã nổ ra giữa một bên muốn tiếp tục với hệ thống cũ và một bên đã được hưởng lợi từ những cải cách nhỏ kiểu TBCN thầm lặng thực hiện vào năm 1979 và muốn mở rộng ra thêm. Người miền Nam ồn ào đòi trở lại với hệ thống trước cộng sản mà từ kinh nghiệm cá nhân họ đã biết có hiệu quả hơn nhiều. Sự thành công về kinh tế tương đối của các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là Thái Lan, là hiển nhiên ngay đối với cả những người theo giáo điều.

Những người ủng hộ sự thay đổi đã thắng cuộc tranh luận, và năm 1986, chính phủ chính thức từ bỏ nền kinh tế Mác-Lênin và công bố chủ trương Đổi Mới, được định nghĩa như là cố gắng để tạo ra một “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Có lẽ, các nhà lãnh đạo đảng đặt  từ “xã hội chủ nghĩa” vào trong đó vì họ lúng túng trước những thất bại của chủ nghĩa Mác và không thể thừa nhận rằng họ đã sai lầm. Hoặc có lẽ họ sợ rằng những người ủng hộ còn sót lại bị dị ứng với từ “chủ nghĩa tư bản”. Không thành vấn đề. Việt Nam đã chính thức cho chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác chỉ 11 năm sau khi áp đặt nó lên miền Nam Việt Nam.

Trợ cấp Nhà nước đã được bãi bỏ. Các doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trở lại. Doanh nhân, nhà đầu tư, và các nhân viên có thể giữ lợi nhuận và tiền lương của họ. Nông dân có thể bán sản phẩm trên thị trường mở và giữ lại thu nhập của họ thay vì giao chúng cho nhà nuớc. Kết quả thật ngoạn mục. Cần một thời gian nào đó để tầng lớp trung lưu xuất hiện, từ năm 1993 đến 2004, tỉ lệ người sống trong nghèo đói giảm từ 60% xuống 20%. Trước Đổi mới, nền kinh tế chỉ huy co hẹp, và lạm phát luôn đội trần với hơn 700%; cuối cùng nó co lại còn chỉ một chữ số. Sau nhiều năm thiếu gạo kinh niên, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về gạo, sau Thái Lan. Tiến bộ vẫn không chậm lại. Năm 2013, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,25%. Đỗ Hoàn nói đầy xúc động: “Số lượng các trung tâm thương mại, khu mua sắm, nhà hàng là tuyệt vời so với thời tôi còn là một đứa bé. Mười tám năm trước, đất nước bị hỏng toàn bộ. Chẳng có công nghệ nào, nhưng bây giờ ngay cả những người nghèo có thể đi đến quán cà phê Internet, đăng nhập vào Facebook và YouTube”.

Miền Nam đã dẫn đường. Phóng viên David Lamb viết: “Vào giữa những năm 1980 khi các lãnh đạo Cộng sản quyết định gộp Karl Marx và Adam Smith vào trong hỗn hợp kinh tế để xem cho ra điều gì. Người miền Nam, tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản trong nhiều thập kỷ, đã dễ dàng hơn những anh em phía Bắc rất nhiều trong việc thích ứng với nhu cầu của thị trường tự do”. Tuy nhiên, Hà Nội cuối cùng cũng tự do hóa, và dù còn tụt hậu sau Saigon (mà chính phủ đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1975), vẫn đạt được tiến bộ kinh tế ngoạn mục.

Nền kinh tế của Hà Nội có vẻ và cảm thấy hoàn toàn không bị kiểm soát; thành phố bùng nổ với hoạt động. Dù có các cửa hàng sang trọng, cửa hàng công nghệ bán sản phẩm của Apple, cửa hàng quần áo thời trang cao cấp và chuỗi cửa hàng thức ăn quốc tế rất dễ tìm thấy, doanh nghiệp tư nhân ở mặt tiền đường phố vẫn chiếm ưu thế. Nhà nước vẫn còn sở hữu hoặc kiểm soát một số công ty lớn, nhưng đại đa số các doanh nghiệp lại quá nhỏ để có thể quản lý tập trung. Chỉ trên một khu phố, tôi đã nhìn thấy những thứ sau đây bán hạ giá: cờ Việt Nam, áo thun  Hồ Chí Minh, nến, nhang, vải vóc, quần áo cũ của Mỹ, tiền giả để đốt cúng ông bà, đồ chơi Angry Birds, trái cây ngoại, xiên nướng thịt, iPhones, trà, đồ trang sức, giày Ý, bánh ngọt Pháp, gia vị, thảo dược, mũ bảo hiểm, đĩa CD lậu, thuốc lá lậu, BBQ Nhật, thảm, quan tài, lụa, tranh, và sách bìa mềm lậu với lời quảng cáo sai chính tả ở bìa sau.

Thành phố này vô cùng thân thiện với doanh nghiệp. Tôi hỏi một người địa phương đang làm việc cho một công ty Mỹ rằng đối với người nước ngoài sẽ gặp khó khăn mức nào để đầu tư và đi vào kinh doanh tại Hà Nội. Ông nói: “Chính phủ tạo điều kiện dễ dàng. Chỉ cần trình bày cho họ kế hoạch kinh doanh, nói với họ bạn muốn làm gì và bạn thích hợp để làm”. Đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng thế.  Ông nói, tất cả mọi thứ bạn phải làm là “tiền thuê mặt bằng, trả thuế, và chỉ vậy”.

Mãi đến năm 1995, Hoa Kỳ mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nên các công ty Mỹ chỉ mới vào cuộc trong thời gian gần đây, nhưng sự hiện diện của họ bây giờ là hiển hiện. Không thể không thấy các cửa hàng nhượng quyền thương mại của Starbucks, KFC, Pizza Hut và Burger King. General Motors, Dell, Visa, General Electric, và vô số công ty khác cũng đã đầu tư vào đây. Việt Nam muốn có thêm nữa và sẽ sớm có được như vậy: Washington đã sẵn sàng đi vào thực hiện hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. TPP sẽ loại bỏ các rào cản thương mại quan liêu lỗi thời ở cả hai phía trong khi thực thi tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ.

Việt Nam thậm chí khuếch trương các doanh nghiệp công nghệ cao mới khởi tạo của chính mình. Phạm Lê Nguyên, người sáng lập doanh nghiệp mới ươm tạo 5Desire nói: “Việc ươm mầm và tài trợ các doanh nghiệp công nghệ cao mới khởi tạo vẫn còn là mảng manh mún trong nền kinh tế của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đang cố tinh giản quy trình và mô hình hóa nó một cách nghiêm ngặt theo cách của Silicon Valley. Chúng tôi tổ chức các sự kiện công nghệ thu hút các diễn giả đẳng cấp thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những sự kiện đáng chú ý của chúng tôi là Hackathon Việt Nam 2014, ở đó chúng tôi hợp tác với Formation 8 – một xí nghiệp tư bản nổi tiếng của Silicon Valley và với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hơn một ngàn người tham dự, hơn 60% trong số đó là các nhà phát triển”.

Tôi đã đến 15 nước trước đây là Cộng sản, cộng với Cuba, vẫn còn là nước cộng sản. (Xem “The Last Communist,” Xuân năm 2014), Việt Nam là nước duy nhất có nghệ thuật nấu nướng tốt. Tôi không thể nhớ được đã thưởng thức một bữa ăn chất lượng duy nhất nào trong khối cộng sản cũ ở Châu Âu. Chủ nghĩa Mác đã san bằng nhà hàng cùng mọi thứ khác và các đầu bếp ở Châu Âu hậu Cộng sản đã không có nhiều thời gian để làm tinh xảo tay nghề của họ. Đa số thức ăn Cuba vẫn còn đáng sợ, dù có một số ít các nhà hàng thuộc sở hữu tư nhân và đưa ra giá chấp nhận được. Vấn đề lớn nhất ở đó là sự thiếu hụt thuờng xuyên các món có thành phần chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam- vẫn là Cộng sản trên danh nghĩa, theo cách nào đó lại có thức ăn ngon nổi bật ở khắp mọi nơi, ngay cả trên các đường phố. Đó phải là một sự kết hợp nào đó của các món thành phần, các đầu bếp, và chính nghệ thuật nấu nướng.

Thịnh vượng không bao giờ bảo đảm cho môi trường đô thị mang tính thẩm mỹ, nhưng Hà Nội là khá bắt mắt. Trung tâm thành phố được chi phối bởi khu phố cổ quyến rũ nhưng hỗn loạn và khu phố Pháp trang nghiêm và có trật tự hơn, chỉ cách nhau vài phút đi bộ. Cả hai đều nằm cạnh Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm văn hóa của thành phố. Tên của nó có nghĩa là “trả lại gươm” theo tên món vũ khí được cho là của thần tặng cho vua Lê Lợi vào thế kỷ XV mà ông sử dụng đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc. Hà Nội lấp lánh với nhiều hồ – chỉ Hồ Hoàn Kiếm là hồ nổi tiếng nhất – và nó được tô điểm bởi một số luợng lớn hơn các ngôi chùa cổ với các chữ Hán dọc trên các bức tường.

Các tòa nhà trang nhã nhất là của Pháp và Trung Quốc, nhưng những ngôi nhà của người Việt đơn giản hơn cũng có thể khá ấn tượng. Nhiều ngôi nhà trông như thể là sự pha trộn các kiến trúc kiểu Victoria, Pháp, đá nâu, và Thái với nhau, và sau đó nén sản phẩm cuối cùng trong một ê-tô để làm cho nó cao hơn và hẹp hơn. (Nhà cửa và các doanh nghiệp được đánh thuế dựa trên chiều rộng). Cộng sản Việt Nam sai lầm hầu hết mọi thứ, nhưng ít ra họ bỏ qua một số trong những sai lầm do các đồng chí của họ phạm phải ở những nơi khác trong cuộc chiến chống lại những cái cũ. Hà Nội may mắn không có vành đai tiểu hành tinh các kiến trúc rác ruởi kiểu Xô-viết trên các vùng ngoại ô, loại làm hỏng nhiều thành phố trước đây là cộng sản ở Châu Âu. Tôi đã thấy một vài cấu trúc làm nát lòng đổ bằng bê tông, nhưng đối với hầu hết các phần, những loại tòa nhà này không bao giờ hoàn thành, hoặc đã bị tháo dỡ, hoặc đã bị lấn áp bởi sự bùng nổ công trình xây dựng mới và tốt hơn. Hà Nội có dân số phát triển vượt bậc tính từ thời kỳ tồi tệ nhất, dưới 1 triệu vào năm 1979, bây giờ vượt quá 7 triệu, làm cho nó lớn hơn mọi đô thị lớn của Mỹ trừ New York – nên có lẽ những thứ xấu xí đã bị che khuất.

Bầu trời có nhiều mây vào ngày tôi đến trong mùa nóng. Thành phố có sương mù, nhưng nhiệt độ không khí xung quanh là 99 độ F (37°C), với độ ẩm 108%. Sau năm phút ở bên ngoài, tôi cảm thấy như bị dội bằng nước nóng. Tuy nhiên, dân địa phương phóng trên xe máy, nhiều người mặc áo khoác và mang găng tay, dường như không hề biết họ đang ở trong điều kiện giống như tắm hơi.

Một anh chàng Úc đi nghỉ phép mà tôi va vào, nói: “Không nằm trong những giấc mơ hoang dại nhất của tôi, làm sao tôi có thể tưởng tượng Hà Nội lại là một nhà thương điên như thế”. Tôi ít kinh ngạc hơn một chút vì đã sống ở Beirut, nhưng ông ta nói đúng. Hà Nội là một nhà thương điên, đối lập trực tiếp với các thành phố chết như Havana và Bình Nhưỡng. Thành phố này ầm ầm với tiếng chói tai không bao giờ dứt của còi xe, tiếng máy bay, tiếng kèn, tiếng la hét, tiếng đập thình thịch, và tiếng búa nện thậm chí muộn vào buổi tối.

Trên tất cả, nó ồn ào với xe máy, chạy loạn xạ qua các đường phố, rất ít để ý hoặc chẳng màn để ý các tín hiệu giao thông, giới hạn tốc độ, hoặc cư xử lịch sự trên đường. Băng qua đường ở khu phố cổ là một điều đáng sợ. Không ai dừng lại nhường cho bạn. Họ sẽ chạy vòng quanh, chắc chắn, nhưng họ sẽ không bao giờ dừng lại để cho bạn băng qua – chẳng bao giờ cả. Cách duy nhất là cứ chọn một hướng, chọn một tốc độ, và bước vào lòng đường. Hãy tin rằng họ không muốn đụng bạn cũng như bạn không muốn bị đụng. Nhưng có lẽ tốt hơn là bạn nhắm mắt lại, nín thở và băng bừa qua hơn là do dự hoặc cố né tránh họ, điều đó sẽ chỉ làm cho họ khó hình dung ra hướng đi của bạn.

Phòng cấp cứu tại các bệnh viện chắc bận rộn. Tôi nhìn thấy một thanh niên đi xe gắn máy suốt một khu phố vừa nhắn tin trên điện thoại vừa né tránh các thứ xe khác, chỉ sử dụng tầm nhìn phạm vi gần của mình. Nhiều thiếu nữ ngồi trên ‘yên sau’ với bạn trai mà không cần nắm giữ vào bất cứ thứ gì. Một cú dừng đột ngột hoặc cú rẽ, rồi họ sẽ phóng như bay với tốc độ cao nhất vào luồng giao thông. Một người phụ nữ cưỡi xe qua tôi với một con chó hơn 20 kg trên ghế ngồi phía sau, cố gắng hết sức để khỏi rơi ra khi cô chạy vòng vèo quanh phố xá. Tôi còn nhìn thấy một gia đình năm người, có cả một trẻ sơ sinh, chất đống trên một chiếc xe scooter.  Không ai đội mũ bảo hiểm hoặc các món bảo hiểm khác. Có bao nhiêu luật sẽ bị vi phạm nếu như một gia đình ở Mỹ làm điều đó?

Lối đi bộ trong khu phố cổ là các lối đi nhiều cản trở của người bán hàng rong trên đường, quầy thực phẩm, các bà bán bột chiên hay rau quả và các khách hàng ngồi xổm trên ghế nhỏ ăn tối. Đôi khi có rất nhiều xe đạp đậu ngay giữa lối đi khiến người đi bộ phải lội xuống lòng đường nguy hiểm để vòng qua chúng. Nhưng trong khu phố Pháp – mà ở một số nơi trông giống như một bản sao phục dựng không tì vết, gần như hoàn hảo của Pháp – vỉa hè rõ ràng hơn, các đường phố dễ băng qua hơn. Chúng rộng hơn, vì vậy người đi xe máy không có cách nào khác ngoài việc phải tôn trọng đèn đỏ. Ngay cả người Việt cũng khó có thể băng nhanh qua đèn tại các nút giao thông lớn mà không bị đụng.

Tôi thuê một người đàn ông 60 tuổi hướng dẫn tôi đi dạo loanh quanh và hỏi anh ta có xe hơi không. “Tầng lớp trung lưu chưa có xe hơi đâu”, ông nói, và nói thêm thậm chí ông còn chưa biết lái xe. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy câu hỏi là lố bịch. Dĩ nhiên ông không có xe hơi. Xe máy – xe gắn máy và xe scooter – chiếm 99% lưu lượng xe cộ ở Việt Nam. Thật kỳ lạ vì nhiều ngôi nhà lớn hơn nhà tôi ở Mỹ chiếm một tỉ lệ lớn không gian của thành phố. Có lẽ tầng lớp trung lưu thà tiêu tiền của mình cho nhà ở hơn là cho vận chuyển. Mặc dù gần như không theo chiều dọc, Hà Nội có một chút giống như Manhattan: Không có chỗ trên các đường phố để tất cả mọi người có một xe hơi. Họ sẽ không thể đậu, chưa nói tới việc di chuyển. Những nhà quy hoạch đô thị phải được san bằng thành phố và bắt đầu lại để thay đổi điều đó. Chính phủ biết điều đó và phạt những chủ xe tương lai với mức thuế xe gần 200 %.
Dù người Việt có trở nên giàu có đến mấy trong tương lai, họ không thể đánh bại thực tế. Họ sẽ bị dí cứng trong việc chạy xe máy loại này hay loại khác trong tương lai gần. Nhưng cách đây không lâu, hầu hết chỉ cưỡi xe đạp. Còn trước đó, họ chỉ đi bộ.

Tôi đã đến nhiều trung tâm mua sắm trên toàn thế giới. Nói chung tôi thấy chúng khử trùng và tẻ nhạt và khó mà tới đó khi tôi ở nhà. Nhưng trung tâm thương mại Thành phố Hoàng Gia của thành phố Hà Nội làm vỡ mọi ý tưởng mà tôi đã từng có về Việt Nam, và nó còn làm tôi kinh ngạc, thậm chí sau một tuần ở thành phố này. Kỳ dị làm sao lại có một chỗ như thế này trong một đất nước được điều hành bởi một chính phủ tự gọi mình là Đảng Cộng sản! Hồ Chí Minh chắc sẽ phải dội pháo vào cho nó biến đi.

Một người đàn ông nhìn vào một thác nước bên trong trung tâm thương mại Royal City Hà Nội, gồm 600 cửa hàng và hơn 700.000 bộ vuông. Photo credit: LUONG THAI LINH/EPA/CORBIS

Lối vào trông giống như cung điện của hoàng đế La Mã được bao quanh bởi các tòa nhà cao tầng sang trọng. Phía trong rộng lớn và ăn sâu dưới mặt đất. Bạn có thể đi bộ xung quanh nhiều dặm mà không phải dẫm lên bước đi cũ – ngang qua nhiều suối nước lấp lánh, nhà hàng và các cửa hàng địa phương cũng như chuỗi các cửa hàng quốc tế, cửa hàng ăn nhanh, sân chơi, một sân trượt băng, và một khu vực rộng lớn giống như một phiên bản hoạt hình của khu phố cổ Hà Nội nhưng không có giao thông nguy hiểm, tiếng ồn, tiếng va đập công trường xây dựng, các chướng ngại vật trên vỉa hè, và may mắn là cái nóng và độ ẩm. Nơi này cũng sang trọng như Las Vegas. Thật ra, bản sao trong nhà của khu phố cổ đúng là cái mà một ông trùm Las Vegas sẽ xây dựng nếu ông ta quyết định tạo ra một khách sạn và casino có chủ đề Việt Nam tương tự như những bản sao của Venice, New York, và Paris kiểu Disney. Tôi không thể nhịn được cười. Phiên bản Vegas của Hà Nội tồn tại… ngay tại Hà Nội.

Tôi chỉ có thể tưởng tượng một người Cuba sẽ cảm thấy ra sao nếu anh từ Havana bay lướt tới đây thấy mình với một tem phiếu trong túi và khoản lương tối đa do nhà nước áp đặt là 20 đô la một tháng trong ví. “Trung tâm thương mại” duy nhất mà tôi nhìn thấy ở Cuba là một không gian ảm đạm, nằm bên trong một hộp bê tông trông như một nhà để xe và không nhiều hàng để lựa chọn. Tôi đã từng đến trung tâm thương mại tốt hơn ở Iraq.

Royal City chỉ là một trung tâm thương mại khổng lồ trong số rất nhiều trung tâm khác ở Hà Nội, tất cả đều được hàng ngàn người trung lưu lui tới mỗi ngày. Các trung tâm thương mại dường như cung cấp bằng chứng rằng, trên thế giới, dù có các nền văn hóa khác nhau, mọi người đều khao khát thành tư sản. Khi họ có phương tiện, họ muốn đi tới các trung tâm thương mại có nhiệt độ được kiểm soát. Họ mua sắm. Họ ăn tối. Họ xem phim trong Cinemaplex. Họ dẫn con cái theo. Họ tiếp xúc với bạn bè. Một số người có thể kết án rằng người Việt đã bị lây căn bệnh của xã hội tiêu thụ phương Tây và đang đánh mất linh hồn của nó, giống như người Mỹ. Nhưng nếu bạn muốn ngăn chặn mọi người sống theo cách này thì bạn sẽ cần phải đặt họ trong các trại tập trung.

Mặc dù mối quan hệ với Trung Quốc vô cùng tồi tệ, Hà Nội rõ ràng theo mô hình kinh tế và chính trị của Bắc Kinh. Việc đánh đổi khá đơn giản: nhà nước sẽ tạo ra tự do kinh tế miễn là công dân không đòi tự do chính trị. Perry Link, giáo sư Princeton và là chuyên gia về Trung Quốc mô tả việc mặc cả như sau, “Câm mồm lại thì tôi sẽ cho anh làm giàu”. Cho đến nay, điều này có hiệu quả ở cả hai nước. Có lẽ không chỗ nào trong điều sau là đáng ngạc nhiên. Ông Pete Peterson, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói: “Việt Nam không bao giờ đến mức hoàn toàn cộng sản về ý thức hệ. Họ luôn là xã hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa hơn. Tôi nói với họ rằng họ nên ngưng việc tự gọi mình là Đảng Cộng sản, nhưng chẳng đi tới đâu. Ở đó mọi người trả tiền cho tất cả mọi thứ, kể cả chăm sóc sức khỏe. Chính phủ hầu như không cung cấp bất cứ thứ gì. Thụy Điển còn xã hội chủ nghĩa hơn Việt Nam nhiều”.

Tôi hỏi một người dân Hà Nội từ “cộng sản” có nghĩa là gì hiện nay tại Việt Nam. Ông nói: “Cộng sản ngày nay chỉ có nghĩa là chúng tôi đang bị một một đảng chính trị cai trị. Một số người phàn nàn về điều đó, nhưng nó không quan trọng với tôi miễn là chính phủ tạo ra môi trường làm ăn và sinh sống tốt, và họ làm được điều đó. Tôi không muốn nhiều đảng chính trị khác nhau cạnh tranh lẫn nhau và gây ra khủng hoảng như ở Thái Lan”. Ông ta có thể không quan tâm việc cai trị độc đảng, nhưng rất nhiều người Việt khác quan tâm. Chính phủ đã tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu nổi dậy đã nổ ra tại Đài Loan và Nam Hàn trước khi những nước này phát triển thành các nền dân chủ đa đảng.

Việt Nam đang tận hưởng một đợt nghỉ lễ trong lịch sử, đang tắm mình trong giai đoạn thịnh vượng và tương đối “tự do” hậu toàn trị trong bước đường tiến triển của mình. Giữa tất cả những động lực kinh tế và văn hóa, nhà nước là một thứ lỗi thời xa xăm lạ thường, bảng biển và khẩu hiệu của họ trông trái khoáy giống như bây giờ lại treo áp phích Thế chiến II ở Mỹ. Trên hệ thống truyền thanh ở mọi nơi, đảng vẫn tuôn ầm ĩ “tin tức” vào các đường phố và vào nhà của mọi người dân mỗi buổi sáng và buổi tối, nhưng những người Việt mà tôi trò chuyện lại bác bỏ xem nó như “chỉ là chuyện tuyên truyền”. Không chỉ ý thức hệ mà bản thân nhà nước cảm thấy hầu như không liên quan đến bất cứ ai nếu họ không phải là bất đồng chính kiến ​​thẳng thắn. Việc kiểm soát người dân Việt Nam và áp đặt trật tự trên sự hỗn loạn phóng túng là việc làm vô vọng. Dấu hiệu không được nhấn còi xe và các quy định giao thông thường xuyên bị coi thường, những hạn chế đậu xe cũng thế. Từ khách sạn đang ở, tôi nhìn thấy hai nhân viên cảnh sát dừng xe lại trên đường phố và dùng loa tay hét lên yêu cầu mọi người dời xe máy của họ ra khỏi vỉa hè. Họ tuân thủ, nhưng ít hơn năm phút sau khi cảnh sát lái xe đi, chỗ đó lại đầy ắp một lần nữa.

Ví dụ nổi bật nhất mà tôi gặp phải về khoảng cách xa xôi của nhà nước so với thực tế nằm bên trong một cửa hàng điện tử, ở đó có thể có rất nhiều các thứ công nghệ tiên tiến để lựa chọn so với các cửa hàng tốt nhất ở Silicon Valley. Cửa hàng cho phép nhiều lựa chọn thông thường về điện thoại thông minh và máy tính bảng, tất nhiên, mà còn có các nồi nấu cơm “thông minh” với nhiều tính năng mà người Mỹ chưa bao giờ nghe nói đến. Tôi thấy một TV 82-inch Ultra HD với độ rõ sắc nét đên nỗi đã làm tôi dừng lại bất ngờ. Nó có giá $ 15.000.

Chỉ bước tới một chút cùng lối, một TV nhỏ được chỉnh vào kênh “tin tức” chính thức của chính phủ. Nó cho thấy những cụ già trong bộ quân phục đang giảng giải trong một phòng đầy các bà tuổi đủ lớn để nhớ tới chiến tranh và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại, đang ngồi trong các ghế kim loại với tay xếp vào lòng lắng nghe giống như đám học trò ngoan. Giá trị sản xuất của chương trình không tốt hơn các bộ phim gia đình được quay trên một máy quay phim vào năm 1986, làm cho chính chiếc TV dường như lỗi thời vài thập kỷ, mặc dù nó vừa mới xuất khỏi dây chuyền lắp ráp tại Nhật. Tôi nhìn chằm chằm vào nó, cuốn hút bởi cảm giác ảm đạm thời thập niên 1970 của nó trong một gian phòng đầy các kỹ thuật gây kinh ngạc. Không ai trong số những người Việt đi mua sắm có chút chú ý tới nó. Họ dường như nhận ra, giống như tôi, rằng chế độ là một di tích chưa chết thuộc thời đại khác, bị làm lỗi thời bởi sự thịnh vượng ngày càng gia tăng của đất nước.

Người Việt chống Mỹ hầu như không tồn tại. Cái mà chúng ta gọi là Chiến tranh Việt Nam, và cái mà họ gọi là cuộc chiến chống Mỹ, không có chút bóng dáng nào – đặc biệt không có miền Nam, vốn từng cùng phía với Mỹ trong cuộc chiến, nhưng thậm chí cũng  không có ở Hà Nội, một thành phố bị Mỹ dội bom nặng nề. Tôi không thấy bằng chứng nào rằng Mỹ (hoặc nước nào khác) đã từng ném bom Hà Nội. Tất cả các thiệt hại có vẻ đã được sửa chữa, và hầu hết người Việt ở độ tuổi dưới 30, còn quá trẻ để nhớ được điều đó.

Cuộc chiến tranh đó chỉ là một cuộc chiến trong lịch sử lâu dài của nhiều cuộc xung đột và thậm chí nó không phải là cuộc chiến gần nhất. Sau khi Mỹ rút quân, người Việt vẫn tiếp tục đánh nhau. Trịnh Công Sơn viết “Hãy mở mắt ra lật xác quân thù. Mặt người Việt Nam trên đó”. Việt Nam xâm lược Campuchia vào năm 1978 và đã đánh bại chế độ quá hạn của Pol Pot và bè đảng diệt chủng của ông ta. Trung Quốc xâm lược Việt Nam vào năm 1979. Trước các cuộc xung đột trong thế kỷ hai mươi, Việt Nam lúc này lúc khác đã từng đánh nhau với Trung Quốc hơn 1000 năm. Cuộc chiến mà người Mỹ chúng ta biết rất rõ và phiền muộn chỉ là một tiếng nổ lách tách trong lịch sử Việt Nam, một cuộc chiến mà ở cả hai nước mọi người đều biết sẽ không lặp lại.

Có lẽ không quá đáng chú ý là người Việt Nam đã nhìn tới. Hầu hết người Mỹ cũng không giữ hận thù lâu, sau khi cơn nóng giận của chiến tranh đã giảm bớt. Hầu như không ai trong chúng ta ghét người Nhật, người Đức, hay người Việt. Chúng ta đúng là khinh bọn Taliban và ISIS, nhưng không khinh người vô tội Afghanistan hay Iraq. Vì vậy, người Việt Nam không phải độc nhất với việc trưởng thành về mặt cảm xúc lịch sử, nhưng họ trái ngược với một số người, đặc biệt là ở Trung Đông, những kẻ không thể vượt qua ngay cả những bất bình xa xưa nhất. George Santayana có phát biểu nổi tiếng rằng những ai không thể nhớ quá khứ bị lên án, sẽ lặp lại nó, mà đối với điều đó P.J.  O’Rourke thêm vào, qua xung đột Ả Rập-Israel trong đầu, rằng “điều đó tăng gấp đôi đối với những ai không thể nhớ bất cứ điều gì khác”.

Hiện nay, cả người dân Việt Nam lẫn chính phủ, ở miền Bắc cũng như miền Nam, đều xem Mỹ là đồng minh. Các lãnh đạo là những người cộng sản tự nguyện dấn thân vào một cuộc hành trình năng động kinh tế và tình hữu nghị với Hoa Kỳ, trước từ bỏ và sau đó đảo ngược tất cả mọi thứ mà họ đã từng chiến đấu và chết cho. Kết quả lả họ đang khởi sắc. Mong rằng điều như vậy sẽ xảy ra ở Havana và Bình Nhưỡng một ngày nào đó.
_______

Michael J. Totten là biên tập viên của City Journal và là tác giả của sáu cuốn sách, gồm Tower of the SunWhere the West Ends.

Trích từ Ba Sàm


No comments:

Post a Comment

View My Stats