Wednesday, 19 August 2015

Cách mạng tháng 8 năm 1945 hay một cuộc cướp chính quyền? (Hoàng Sâm - Dân Luận)





Hoàng Sâm
Tác giả gửi tới Dân Luận
20/08/2015

Đã tròn 70 năm trôi qua, kể từ ngày 19/8/1945 đến nay. Chắc chắn rất nhiều người (trong số đó có tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai, ban tuyên giáo trung ương) đều sinh ra sau ngày lịch sử đó nên không được chứng kiến những gì xảy ra trong những ngày sôi động như vậy. Để bù đắp sự thiệt thòi này, chúng ta hãy đọc những trang viết của lớp người lão thành là nhân chứng của những sự kiện lịch sử đó như Trần Đĩnh, Phạm Duy, Trần Độ.  

Trần Đĩnh, tác giả cuốn Đèn Cù, nguyên là đảng viên cộng sản, đã viết trong chương 50, tập 2 như sau:

Ở Hanoi, sáng ngày 17/8/1945, Tổng hội công chức của Chính phủ Trần Trọng Kim đã tổ chức một cuộc mít tinh đông tới hàng chục ngàn người tại Nhà hát lớn để bày tỏ ý chí bảo vệ tổ quốc. Cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì một nữ thanh niên trí thức xưng tên là Nguyễn Khoa Diệu Hồng (*) leo lên khán đài cướp micro, hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh“ và một người khác rải một lá cờ đỏ sao vàng từ trên ban công xuống. Đám đông hô khẩu hiệu hưởng ứng. Từ đó cuộc mít tinh của Tổng hội công chức biến thành cuộc biểu tình của Việt Minh. Hai ngày sau, ngày 19/8/1945, Việt Minh lại tổ chức một cuộc mít tinh khác, có số người tham gia tương tự tại sân phía trước Nhà hát lớn Hanoi, sau đó kéo đến bao vây Bắc Bộ Phủ để cướp chính quyền từ Khâm sai Phan Kế Toại, rồi kéo sang Trại Bảo an bịnh (còn gọi là trại lính khố xanh) trên phố Đồng Khánh. Một cuộc thương lượng đã được thỏa thuận giữa Sĩ quan chỉ huy người Nhật và đại diện Việt Minh, để Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng trên trại Bảo an binh. Từ đó, cuộc cướp chính quyền của Việt Minh từ chính phủ Trần Trọng Kim ở Hanoi đã thành công.

Trong thời gian này, quân đội đồng minh chưa vào Việt Nam để tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật. Việt Nam vẫn dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của quân đội Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim, từ Thủ tướng đến các khâm sai như Phan Kế Toại, Nguyễn Xuân Chử đều từ chối lời gợi ý của phía Nhật can thiệp, đàn áp Việt Minh để giữ trật tự an ninh. Tối 17/8/1945, Hoàng Xuân Hãn trong chính phủ Trần Trọng Kim, do Nguyễn Thành Lê của Việt Minh dẫn đến gặp Lê Trọng Nghĩa (là 1 trong 3 nhân vật chủ chốt của Việt Minh ở Hanoi là Lê Trọng Nghĩa, Trần Tử Bình, Nguyễn Khang) ở nhà số 101 Trần Hưng Đạo để báo tin đó và đề nghị Việt Minh cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim nhưng bị Việt Minh từ chối. Họ không biết rằng Tổng tư lệnh quân đội Nhật là tướng Tê-Ran-Chi, tại Saigon đã gặp Suharto và Hatta của Indonesia, Aung Sau của Miến Điện, Sơn Ngọc Thành của Campuchia và Phạm Ngọc Thạch là lãnh tụ Thanh niên tiền phong thân Nhật ở Saigon, hứa sẽ giúp các nước này độc lập nên cuộc cướp chính quyền của Việt Minh không bị đàn áp. Đặc biệt tướng Tê - Ran - Chi còn cấp máy bay cho Suharto về nước ngay nên Indonesia độc lập sớm trước Việt Nam 2 ngày (sau này có tin nói Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên đã đứng dậy đấu tranh và đưa cách mạng đến thắng lợi là nói lấy được).

Sau khi đã cướp được chính quyền, trước khi quân đồng minh vào Việt Nam, Việt Minh muốn làm gì có liên quan đến trật tự an ninh đều phải được phép của quân đội Nhật, chẳng hạn Đội quân giải phóng của Việt Minh từ Thái Nguyên về Hanoi, muốn qua sông Đuống đã phải xin phép quân đội Nhật. Cuộc cướp chính quyền của Việt Minh ở Hanoi diễn ra không theo quân lệnh số 1 của trung ương ĐCSVN chủ trương nổ súng vào quân đội Nhật. Khi đã cướp được chính quyền ở Hanoi, ông Hồ Chí Minh còn ở trên Khu căn cứ chưa biết gì. Ông Trường Chinh và ông Võ Nguyên Giáp cũng chưa biết gì. Sau này Lê Trọng Nghĩa (**) kể lại với Trần Đĩnh: ”Tôi trực tiếp đàm phán với Nhật nên tôi biết tuy họ đã hàng đồng minh nhưng ở Việt Nam họ còn rất mạnh và rất oai. Ai nói quân Nhật đã mất tinh thần và tan rã là nói không đúng sự thật. Nếu cứ theo quân lệnh số 1, nổ súng vào quân Nhật thì chắc chắn bị đàn áp và thất bại“. Khi quân đồng minh vào Việt Nam, Việt Minh cũng không có danh nghĩa gì để cùng đồng minh tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật. Vì vậy nói rằng Việt Minh đã đánh Nhật để giành chính quyền từ tay quân Nhật cũng là nói lấy được.

Thật ra tình thế lúc đó là vận hội khách quan cực kỳ thuận lợi của toàn dân ta để giành độc lập nhưng cuối cùng đã bị Việt Minh ẵm gọn làm vốn liếng riêng.
Đó là ở Hanoi, còn ở Saigon thì sao?

Phạm Duy, một nhạc sĩ không phải là đảng viên cộng sản, thành viên Đội vũ trang tuyên truyền của Việt Minh ở Sài Gòn kể lại trong chương 3, tập 2, cuốn Hồi ký Phạm Duy như sau:

Ngay từ Thế chiến thứ hai mới khởi đầu “Mẫu quốc Pháp“ đã thua trận ở chính quốc, mất dần uy tín ở các thuộc địa. Uy quyền của Pháp tại 3 xứ thuộc địa Đông Dương đã mất vào tay quân đội Nhật vào ngày 9/3/1945. Nhiều tin tức cho biết Nhật sẽ ủng hộ cho Việt Nam độc lập. Trước đây những cuộc khởi nghĩa Cần Vương, Đông Du, Văn Thân, Việt Nam Quốc dân đảng đã bị thất bại, nhưng nếu các cuộc khởi nghĩa đó xảy ra vào lúc này thì chắc chắn có nhiều cơ hội để thành công, nhất là sau nạn đói năm Ất Dậu. Rồi tình hình biến chuyển rất nhanh. Tại Saigon đã có một số đoàn thể chính trị được thành lập, như VNQDĐ, Liên đoàn công chức, Thanh niên tiền phong, Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ và cùng nhau thành lập một Mặt trận Quốc gia thống nhất. Ai cũng bồi hồi trong lòng. Tôi thấy ngứa ngáy chân tay quá.

Tin từ Hanoi báo vào ngoài Bắc đã có Mặt trận Việt Minh. Tôi tham gia Thanh niên tiền phong do Phạm Ngọc Thạch đứng đầu và tham gia cướp chính quyền ở Saigon ngày 25/8/1945. Thật ra mọi việc đã an bài kể từ khi Việt Minh ở Hanoi đã cướp chính quyền thành công. Lúc đó cuộc mít tinh ngày 25/8/1945 ở Saigon với lá cờ vàng sao đỏ của Thanh niên tiền phong chứ không phải là cờ đỏ sao vàng, chỉ để làm một việc là ủng hộ một Ủy ban hành chính lâm thời của Saigon do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Sự thật về cuộc cướp chính quyền ở Việt Nam vào tháng 8 năm 1945 là như thế. Còn ý nghĩa của nó ra sao?

* Trong cuốn “Đường Kách Mệnh“ xuất bản năm 1927, ông Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa về “Kách Mệnh“ tức Cách Mạng như sau:
“Kách Mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt“.
Việt Minh đã cướp chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim để xây dựng một Chính quyền mới như thế nào?

* Tướng Trần Độ viết trong phần 1 cuốn Nhật ký Rồng Rắn như sau:
“Cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Việt Nam đã đập tan và xóa bỏ một chính quyền thực dân phong kiến, một xã hội nô lệ, mất nước, đói nghèo nhục nhã – nhưng lại xây nên một xã hội chưa tốt đẹp, nhiều tệ nạn, một chính quyền phản dân chủ, chuyên chế của một chế độ độc đảng và toàn trị, nhiều thói xấu giống và tệ hại hơn trong chế độ cũ“.
Ông đã gửi cho ông Lữ Phương mấy câu thơ cay đắng như sau:
Những mơ xóa Ác ở trên đời,
Ác xóa để thay bằng cực Thiện,
Tháng ngày biến hóa, Ác luân hồi
“.
Bùi Minh Quốc, nguyên trung đoàn trưởng Vệ Quốc quân thời kỳ kháng chiến lần thứ nhất viết:
Cay đắng thay,
Mỉa mai thay,
Trọn tuổi Xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt,
Lại đúc nên chính bộ máy này!
”.

Đã có biết bao nhiêu dẫn chứng:
Ở Việt Nam, ngày nay nạn tham nhũng đã nảy mầm trong toàn bộ hệ thống quản lý xã hội. Nạn tham nhũng ăn sâu rộng và tàn phá nguy hại gấp nhiều lần trong chế độ Việt Nam cộng hòa mà những người cộng sản đã chửi rủa, kích động dân chúng đứng lên lật đổ.

Ngay dưới chế độ thực dân Pháp và chế độ Việt Nam cộng hòa, chưa bao giờ lại có chiến dịch giết oan hàng chục vạn người dân vô tội như trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc những năm 1953 - 1956. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã dẫn chứng vụ án Đoàn Văn Vươn để so sánh nền tư pháp CHXHCNVN thiếu tinh thần nhân văn và tệ hơn rất nhiều so với nền tư pháp của chế độ Việt Nam cộng hòa. Ở chế độ thực dân phong kiến, chỉ một bộ phận nông dân không có ruộng đất nhưng ở chế độ CHXHCNVN thì tất cả nông dân đều không có quyền tư hữu đất đại.

Vậy thì sự kiện tháng 8 năm 1945 sao có thể gọi là một cuộc Cách mạng? Đó chỉ có thể gọi đó là một cuộc cướp chính quyền để xây dựng nên một chính quyền khác, như tướng Trần Độ nói tệ hại hơn so với chính quyền cũ.

Mặc dù ông Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Ái Quốc) không làm được cái nội dung mà ông đã định nghĩa về Kách Mệnh thì đối với chúng ta, ý nghĩa chân chính về “Cách Mạng“ vẫn luôn luôn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, thúc đẩy trách nhiệm của chúng ta đối với chính chúng ta và với Dân, với Nước.

Trong Hội thảo về “Đường Kách Mệnh“ ngày 12/9/2007, do Bộ VHTT và Du lịch tổ chức, ông Nguyễn Văn Khoan đã giải thích cho thêm rõ như sau: ”Định nghĩa của Nguyễn Ái Quốc về Kách Mệnh có nghĩa là một con người, một đảng, một nhà nước mà chỉ làm cách mạng một lần thôi là không đủ. Vì Cách mạng có vận động, có làm, tìm được, xây nên cái mới. Nhưng do nhiều nguyên nhân, cái mới cái tốt đó trở thành cái cũ cái xấu lại đòi hỏi một cuộc cách mạng phá cái xấu đổi ra cái tốt, phá cái cũ đổi ra cái mới. Như thế có nghĩa là cách mạng phải luôn luôn đổi mới, đổi mới ngay trên cái mới đã cũ, ngay trên cái tốt đang dần dần xấu đi“.

Còn học giả Quang Đạm thì giải thích: “Chữ Kách Mệnh là từ Nho giáo, có nghĩa là đổi cái Mệnh Trời đã giao cho con Trời (tức là Vua - Thiên tử) , nếu Vua không làm tròn nhiệm vụ, không giữ cái Mệnh ấy thì giao Sứ Mệnh đó cho con Trời khác“.

(*) Sau này Nguyễn Khoa Diệu Hồng đã bị truy tố trước Toà án nhân dân Hanoi về tội kích động tự do dân chủ.

(**) Lê Trọng Nghĩa đã bị đảng quy tội “phần tử xét lại“, bỏ tù không xét xử, tước đoạt sạch nhẵn tất cả những gì anh đã góp cho đất nước./.

Hoàng Sâm, có mặt buổi mít tinh ngày 19/8/1945 ở Hà Nội.

-----------------------------------------

19-08-2015








No comments:

Post a Comment

View My Stats