Sunday, 9 August 2015

Biển Đông tại Hội nghị Ngoại giao ASEAN (Trần Gia Hồng Ân)





08:12:pm 08/08/15

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 48 của ASEAN kết thúc tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ngoài 10 quốc gia thành viên: Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippine, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam còn có đại diện của 29 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nam Hàn, Nhật, Úc, Nga v.v. Điểm lại những sự kiện chính liên quan đến biển Đông tại Hội nghị này.

Thoạt đầu, bằng sự giật dây của Trung Quốc, phái đoàn của các nước không liên quan đến tranh chấp tại biển Đông như Cambodia, Thái, Lào… định loại vấn đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự. Nhưng Malaysia không phải là Cambodia. Phái đoàn Trung Quốc không thể thao túng nổi như họ đã từng làm tại Phom Peng, Cambodia năm 2012. Đây là thành tích nổi bật của Ngoại trưởng Malaysia, quốc gia chủ nhà.

Để ra được một thông cáo chung về tình hình biển Đông, ngoại trưởng của 10 nước ASEAN đã trải qua một cuộc đấu cam go. Philippines, Việt Nam, và Malaysia muốn lên án Trung Quốc tại diễn đàn, trong khi đó Cambodia, Singapore, Thái Lan, Brunei có vẻ như đứng về phía Trung Quốc.

Mỹ lên giọng
Tại phiên bế mạc ngay trước mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Hoa Kỳ không chấp nhận bất cứ một sự giới hạn nào về tự do hằng hải và hàng không tại biển Đông. Ông nhất mạnh: “Hãy cho tôi nói một cách rõ ràng mạch lạc rằng: Hoa Kỳ không chấp nhận bất cứ một giới hạn nào về tự do hằng hải, hàng không, và hành động vi phạm luật biển”. Kerry nói tiếp: Một con tàu chiến khổng lồ hay chiếc thuyền chài nhỏ chẳng có ý nghĩa gì. Pháp lý rất minh bạch. Quyền của tất cả các quốc gia phải được tôn trọng.” Kerry cũng tỏ thái độ không tin tưởng vào những lời hứa hẹn của phái đoàn Trung Quốc.

Trung Quốc hạ giọng
Tại Hội nghị này, ông Vương tuyên bố Trung Quốc đã dừng việc cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo tại biển Đông. Tuy vậy ông vẫn giữ ý kiến rất cũ rằng việc xây dựng cải tạo trên lãnh hải Trung Quốc và nhằm vào mục đích hòa bình, nghiên cứu hải dương, và cấp cứu. Nhưng ông cho rằng Mỹ không phải là một thành viên tranh chấp, không nên tham gia vào công việc trong vùng. Ông bảo “Trung Quốc và ASEAN có đủ khả năng làm việc cùng nhau để gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực.” Tuy vậy, Trung Quốc là bậc tổ sư của “nói một đằng làm một nẻo”. Những hình ảnh vệ tinh gần đây đã chứng minh họ đang cố hoàn tất đường băng dài 3000 mét trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố bốn nước Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan trong vòng 45 năm qua đã cải tạo 40 hectares trên những hòn đảo nổi lên hẳn mặt nước biển. Trong khi đó, chỉ trong vòng 18 tháng Trung Quốc đã cải tạo 1200 hectares trên những đảo chìm.

Philippines công phẫn
Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario lớn tiếng tuyên bố rằng Philippines tin tưởng và luôn sát cánh kề vai cùng với người Mỹ để gìn giữ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Ông ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch “ba dừng” mà Mỹ kêu gọi: 1) Dừng ngay việc đòi hỏi chủ quyền. 2) Dừng ngay việc cải tạo, nới rộng. 3) Dừng ngay những hành vi hiếu chiến gây ra căng thẳng. Tuy vậy, Albert nói Philippines sẽ không lùi bước, nếu những quốc gia khác không đồng ý làm như vậy.

Việt Nam sập bẫy song phương
Là một quốc gia có chiều dài bờ biển trên 3000 Km, và bị Trung Quốc chèn ép trực tiếp cả trên đất liền và biển. Hơn nữa, Việt Nam bị thiệt thòi nhất trong cuộc tranh chấp này. Thế nhưng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh khá nhu nhược, nhợt nhạt, không có hoạt động gì đáng kể được truyền thông ghi nhận như ngoại trưởng Philippine. Ngược lại cùng với phái đoàn của Lào, Cambodia, Việt Nam đã có hội kiến riêng với Vương Nghị, được Tân Hoa Xã ca ngợi là hữu hảo, và đồng ý giải quyết những tranh chấp bằng phương pháp song phương. Nếu bản tin của Tân Hoa Xã chính sác, thì Việt Nam lại bị sập bẫy.

Ai cũng biết, một mình Việt Nam không thể ứng phó với một Trung Quốc to mạnh mà khôn lường. Hơn nữa tranh chấp lãnh hải là vấn đề vô cùng lớn và phức tạp. Nó đòi hỏi phải huy động mọi lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị, pháp luật và quân sự của nhiều quốc gia, và nhiều thể chế quốc tế. Nếu Việt Nam vẫn giữ thái độ giải quyết song phương, chuyện nội bộ của hai nước với nhau, thì Việt Nam tiếp tục sập bẫy Tàu. Chỉ có “Đa Phương” mới hy vọng giải quyết được vấn đế hóc búa này. Truyền thông Việt Nam không đưa tin chi tiết về cuộc gặp gỡ riêng giữa Phạm Bình Minh và Vương Nghị.

Cambodia hai mặt
Cambodia là đồng minh của Việt Nam, nhưng nay đã ngả hẳn vào vòng tay Trung Quốc. Sáng 4/8 Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc và Hor Namhong của Cambodia đã gặp nhau riêng và cùng ra thông cáo chung.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại đôi dòng về Hun Sen, đương kim Thủ tướng Cambodia. Năm 1977 Hun Sen là sỹ quan cấp trung đoàn của Khmer Đỏ, đào ngũ qua Việt Nam. Dưới bàn tay phù thủy của Lê Đức Thọ, đã đưa Hun Sen tới chức thủ tướng vào năm 1984, khi mới 32 tuổi, nói tiếng Việt rành. Mãi đến 1999, chính quyền của Hun Sen vẫn không được ASEAN chấp nhận. Việt Nam lại làm tất cả, dùng mọi chiêu, từ mánh mung, vận động hành lang, đến gây sức ép chính trị để ASEAN công nhận tư cách thành viên cho Cambodia. Thế nhưng ngọn thốt nốt vẫn lắc lư nghiên ngả. Đây không phải lần đầu Việt Nam bị đồng minh Cambodia phản bội. Tập đoàn lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot – Isary trước đây đã làm như vậy, vâng lời Trung Quốc gây hấn với Việt Nam ngay khi cộng sản Việt Nam chiếm được Sài Gòn.

Hor Namhong và Vương Nghị

Hor Namhong, không những là Ngoại trưởng mà còn là người thông gia với Hun Sen, thông báo Cambodia luôn luôn ủng hộ Trung Quốc. Cambodia và Trung Quốc là hai người bạn tin tưởng, tin cậy, hợp tác toàn diện, cùng chia sẻ mọi quyền lợi trong vùng. Mỗi khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc nóng lên, thì Cambodia lại lôi vấn đề biên giới và Khmer Krom ra xào xáo.

© Trần Gia Hồng Ân
© Đàn Chim Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats