Hàng loạt địa phương có dự án xây dựng tượng Hồ Chí
Minh (1). Có thể xem đây là một phong trào. Phong trào xây thêm tượng vốn đã
quá nhiều ở đất nước này. Nhưng ý nghĩa của phong trào này là gì thì không ai
rõ. Chỉ có thể giải thích rằng phong trào này xuất phát từ ý tưởng kinh doanh
hình tượng lãnh tụ, và như thế là một sự khinh thường người dân đóng thuế.
Tôi có cảm tưởng rằng VN là một nước có nhiều tượng
đài nhất nhì thế giới. Đi từ thành phố đến tỉnh lẻ và làng xã, hầu như chỗ nào
cũng có một vài tượng đài. Có nơi có hàng chục tượng lớn nhỏ đủ kiểu. Ví dụ như
Hà Nội đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng
khác từ nay đến 2020. Sẽ rất thú vị nếu biết con số thống kê về tượng đài trên
cả nước, nhưng với con số trung bình 20 tượng đài/tỉnh, tổng số tượng đài rất
có thể lên đến con số hàng ngàn.
Tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta từ xưa đã rất quan
tâm đến tượng, nhưng ý nghĩa thì không giống như kiểu xây tượng đài ngày nay.
Ngày xưa (trước 1975) ở miền Nam cũng có (tuy không nhiều) tượng đài, nhưng đa
số là tượng của các anh hùng dân tộc. Chúng ta đã biết ở Sài Gòn có những bức
tượng nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Thánh Giống, bên cạnh những
tượng Phật Thích Ca và Chúa Jesus. Còn ở Rạch Giá có tượng Nguyễn Trung Trực rất
nổi tiếng, nghe nói sau 1975 bị "cách mạng" cho xe tải đến kéo sập,
nhưng không sập và thế là còn tồn tại đến ngày nay. Người dân xem tượng là cái
gì linh thiêng, để tôn thờ; nếu không tôn thờ thì cũng là nơi để tỏ lòng kính
trọng. Do đó, dù là đơn giản được cấu trúc bằng đất sét, nhưng không ai dám phá
các tượng.
Ở miền Nam sau 1975 thì các tượng đài theo kiểu XHCN
mới bắt đầu xâm nhập các miền quê và tỉnh lẻ. Sau 1975, các tượng đài trở thành
đối tượng để ngắm nhìn là chủ yếu, chứ không phải để thờ phượng. Hồi còn nhỏ,
tôi chưa biết cảm nhận được cái đẹp của những bức tượng đó; phải đến sau 1975
có dịp so sánh với các bức tượng theo motif XHCN (sẽ nói sau) tôi mới thấy cái
thẩm mĩ và dân tộc tính của những bức tượng trước 1975.
Cái đặc điểm chủ yếu của các tượng đài VN là liên
quan đến các sự kiện và nhân vật "cách mạng." Phổ biến nhất có lẽ là
tượng CT Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có 31 tỉnh thành xây dựng tượng đài Hồ
Chí Minh, và sẽ có 58 tượng HCM sẽ được xây dựng từ nay đến 2030. Đi đâu cũng
thấy ông, lúc thì giơ tay chào ai đó, lúc thì mặc cái áo khoác hờ hững, lúc thì
nhìn ra sông (như tượng ở Cần Thơ) lúc thì nhìm chằm chằm vào người đối diện,
lúc thì ôm trẻ em, v.v. Nói chung là ông xuất hiện khắp nơi và dưới vài kiểu
cách. Kế đến là những nhân vật từng là đồng chí hay đàn em của ông. Một số khác
là các tượng đài ghi lại một sự kiện xảy ra trong thời chiến tranh, và những tượng
này không phải ai cũng biết và hiểu. Nhưng nhìn chung, các tượng đài sau này được
dựng lên chủ yếu là để ngắm nhìn, thỉnh thoảng làm nơi chụp hình, chứ không phải
là các tượNg đài cho sự tôn kính và thờ phượng.
Một đặc điểm nổi bậc sau này là rất ít những tượng
đài liên quan đến các nhân vật trong lịch sử trước "cách mạng". Tượng
Lê Lợi ở bùng binh Cây Gõ đã bị cho "ra đi" không trở lại. Ngoài một
số ít tượng đài mà VNCH để lại (như tượng Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn (cũng
sắp ra đi), Thánh Gióng, v.v.) tượng của các anh hùng thời xưa đều bị thay thế
bằng các đồng chí của cụ Hồ hay các sự kiện liên quan đến “cách mạng”. Có thể
xem sự phân bố tượng đài vừa là một cách tuyên truyền, mà cũng là một cách xem
thường và ngạo mạn với lịch sử.
Có thể nói rằng hầu hết các tượng đài “cách mạng”
khá thô kệch và thiếu tính dân tộc. Tôi không phải là nhà điêu khắc, nên không
biết phân tích sao cho có hệ thống; tôi chỉ biết nói lên cảm nhận cá nhân mà
thôi. Cảm nhận của tôi là các bức tượng do các nhà điêu khắc VN thiết kế mang
tính xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nói trắng ra là bắt chước. Bắt chước Tàu, bắt chước
Nga. Chẳng hạn như hình dưới đây cho thấy cách thiết kế tượng chủ tịch HCM theo
kiểu giơ tay là bắt chước theo tượng của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành. Các
loại tượng khác cũng thế. Vì bắt chước các nước vốn là thủ đô của tuyên truyền,
nên các tác phẩm tượng đài của VN không có tính nghệ thuật cao, nếu không muốn
nói là lai căng.
Chẳng
những lai căng, mà còn rất thô và rất phi dân tộc tính. Rất nhiều bức tượng nhìn cứ như là những viên đá sắp xếp lại cho có thứ
tự, chứ không có hồn. Thử nhìn và so sánh hai bức tượng Trần Hưng Đạo dưới đây
sẽ thấy. Thử so sánh bức tượng Trần Nguyên Hãn hay tượng Thánh Gióng và bức tượng
gì mà có mấy người chụm lại chung quanh những tảng đá màu trắng ở Sài Gòn sẽ thấy
rất khác (xem hình). Một bên là thanh thoát và gần gũi, một bên là nặng chịch,
dữ tợn. Hay hãy so sánh với bức tượng "Thương tiếc" (2) trong nghĩa
trang Biên Hoà (nay đã bị giật sập) các bạn sẽ thấy tôi so sánh không quá đáng.
Còn các nhân vật trong tượng đài HXCN thì thường được cho mập ú (không giống
người Việt), lực lưỡng (như ông Tây), tay lúc nào cũng giơ cao, có khi tay cầm
búa hoặc lưỡi liềm (rất ghê), có khi tay nắm lại như sắp đánh lộn, có khi tay
mang súng trông rất hung dữ như sắp bắn ai, mặt thì lúc nào cũng vênh váo, v.v.
Tóm lại, những bức tượng đó chẳng giống thần thái của người Việt chút nào cả.
Hay có khi họ tạc tượng Lý Thái Tổ (ngoài Hà Nội)
thì lại trông giống một ông vua Tàu nào đó, như Tần Thuỷ Hoàng! Bức tượng Lý
Thái Tổ còn làm cho ông già đến tuổi 60 trong khi ông dời đô về Thăng Long mới
36 tuổi. Có thể nói rằng những công trình tượng đài đang ngự trị ở VN ngày
nay, dưới cái nhìn của một người bình thường, là những hình tượng thô kệch, xa
lạ, vô hồn, phi dân tộc, và lai căng.
Các tượng đài ở VN còn rất kém chất lượng. Chẳng đâu
xa, mới đây bức tượng lớn mới được khánh thành gọi là “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” bị
hư hỏng do … sét đánh. Bức tượng ở Quảng Ninh trị giá 25 tỉ đồng khi bị sét
đánh mới tiết lộ chất lượng chẳng ra gì. Tượng Phật mới xây thì bị sập. Ngay cả
tượng đài ở Điện Biên Phủ (41 tỉ đồng) cũng cùng chung số phận bị hư hỏng dù chỉ
mới khánh thành, thậm chí còn bị rút ruột 30%. Nói chung là bất cứ tượng đài
hoành tráng nào do VN xây đều có vấn đề về phẩm chất.
Chính
vấn đề phẩm chất đặt câu hỏi lợi ích đằng sau phong trào xây dựng tượng Hồ Chí
Minh. Người ta phải hỏi ông cụ Hồ đã có quá nhiều tượng
trên khắp nước, lí do gì để xây thêm cho ông. Chẳng có lí do nào thuyết phục cả,
ngoài lí do lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân. Ai cũng biết ở VN có xây dựng là
có “chia chác”, có lại quả (kickback), hay nói trắng ra là có tham nhũng. Xây
càng nhiều, lại quả càng cao, như một bài báo rất sinh động vừa phản ảnh (3).
Thật
ra, nhìn toàn cảnh, phong trào xây tượng HCM chỉ là một nhánh trong phong trào
bao quát hơn. Đó là phong trào xây dựng viện bảo tàng, Văn Miếu, và đài tưởng
niệm. Có lẽ khởi đầu là mấy đền thờ của những nhân vật
như Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, v.v. dần dần lan sang
đền thờ cả ba má ông cụ Hồ. Sau đó là trào lưu xây viện bảo tàng, có khi lên đến
hàng vạn tỉ đồng. Sau viện bảo tàng là đến văn miếu, dù người chủ trương xây
chưa biết thờ ai! Sau văn miếu, như chúng ta thấy là đến tượng chủ tịch HCM. Tất
cả là một dòng chảy về xây dựng, nó y chang như trào lưu bên Tàu, nơi mà tượng
đài và khu du lịch được xây dựng rất nhiều.
Tôi đếm sơ qua những tượng đài và đền miếu xây trong
thời gian gần đây (ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hà
Tĩnh, Nghệ An, v.v.) thì số tiền bỏ ra đã hơn 1300 tỉ đồng (tức khoảng 65 triệu
USD). Ngay Sơn La đòi xây tượng HCM với cái giá 1400 tỉ đồng thì không ngạc
nhiên ai nghe tin cũng sốc. Càng sốc hơn khi Sơn La là một trong những tỉnh
nghèo nhất ở VN, với tỉ lệ nghèo là 64%. Thật ra, các tỉnh vừa kể đều là những
tỉnh nghèo hay rất nghèo. Ví dụ như Hà Giang và Điện Biên có tỉ lệ nghèo lên đến
71%. Nghèo mà đòi xây tượng nghìn tỉ đồng thì người bình thường nhất cũng nghĩ
đến cái lợi ích đằng sau việc xây tượng.
Điều đáng nói là những lợi ích đó đã làm mờ mắt những
người có quyền chức. Tại sao họ lại nghĩ đến việc xây tượng đài trong khi đất
nước còn nghèo và người dân còn đói. Như Quảng Nam, mới xây xong tượng đài
hoành tráng là ngay sau đó phải đi xin viện trợ gạo để cứu đói. Nghệ An và Hà
Tĩnh cũng thế, cũng xin gạo trong khi có những dự án lớn nhằm vinh danh những
người trong gia đình của ông cụ Hồ! Tại sao các quan chức không cảm thấy động
lòng khi một em bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh vì đói quá mà phải chết trên đường từ trường
học về nhà (5). Đừng nói một cách vô cảm rằng đó là trường hợp cá biệt. Phong
trào xây tượng đài nó chẳng những thể hiện cái tâm của các quan chức có vấn đề,
cái tầm của họ quá thấp, mà còn thể hiện một sự ngạo mạn của họ trước những người
dân nghèo đóng thuế để nuôi dưỡng họ. Những tượng đài như Sơn La đang có dự án
xây dựng, nếu thực hiện, chỉ có chức năng chính là lưu lại cho đời sau một chứng
tích của một trào lưu vô cảm từng một thời ngự trị trên đất nước này.
====
---------------------------
TIN LIÊN QUAN :
.
Tháng Tám 3, 2015 at 9:41 chiều
.
No comments:
Post a Comment