Có những thứ bất bình thường mà ở Việt Nam người ta
cảm thấy bình thường. Một trong những thứ đó là ... khẩu hiệu. Khẩu hiệu xuất
hiện khắp nơi trên đất nước, từ đồng quê ra thành thị. Thường thường, chúng
mang nội dung tuyên truyền chính trị, ca ngợi công lao trời biển của đảng và
bác, và chính quyền. Nhưng tôi nghĩ trong thời hội nhập quốc tế và internet,
cái kiểu tuyên truyền bằng khẩu hiệu này cần phải xem lại, chứ không thì sẽ là
một trò cười cho thế giới văn minh.
Hôm nọ, người bạn đồng nghiệp đi du lịch ở Việt Nam
về, và chị ấy hồ hởi kể cho tôi nghe những cảm nhận về VN. Điều đầu tiên chị ấy
ngạc nhiên là những chiếc xe hơi sang trọng và xa xỉ ở một đất nước còn nghèo.
Điều thứ hai chị ấy cứ ngạc nhiên là những khẩu hiệu, mà chị ấy chỉ đoán là
tuyên truyền chứ không biết có ý nghĩa gì. Chị kể là vào họp trong hội trường của
một bệnh viện (chị này là bác sĩ nghiên cứu) chị thấy khẩu hiệu treo 2 bên và
phía trên hội trường, rồi chị ấy chụp lại, và hỏi tôi có ý nghĩa gì. Hoá ra, đó
là khẩu hiệu mà chúng ta đã quen thuộc về "quang vinh muôn năm". Khi
được giải thích, chị ấy kinh ngạc hỏi tại sao hội trường mà treo những thứ này.
Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua cơn khổ, chứ không muốn giải thích.
Có lẽ nói không ngoa rằng Việt Nam là một xứ sở của
khẩu hiệu, của tuyên truyền. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu treo đầy đường. Khách
quốc tế đi du lịch Việt Nam sẽ thấy khẩu hiệu ngay từ lúc đáp xuống phi trường.
Từ phi trường về khách sạn cũng thấy khẩu hiệu đỏ vàng, có khi xanh, hai bên đường,
thậm chí trên cây cổ thụ. Đi từ thành phố về làng quê, đâu đâu cũng thấy khẩu
hiệu. Đi vào họp trong hội trường, nếu không may là hội trường bệnh viện hay đại
học, thì xác suất khẩu hiệu xuất hiện là gần 100%. Có lần về Hà Nội, đang thả
bách bộ từ Melia ra bờ hồ, đi trên đường Lý Thường Kiệt, tôi thấy người ta treo
biểu ngữ giữa những cây đại thụ hai bên đường, hay giữa những cột đèn. Giữa những
giây điện rối như màng nhện mà cộng thêm những biểu ngữ như thế thì thật là khó
coi, vì nó càng làm cho đường xá thêm rối rắm. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến
quan sát rất thơ tuyệt vời của Trần Dần: “Tôi bước đi / không thấy phố / không
thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa / trên màu cờ đỏ.”
Về nội dung thì biểu ngữ hoàn toàn mang tính tuyên
truyền. Tuyên truyền chính trị, nhắc nhở dân chúng phải nhớ công ơn của đảng, của
bác. Tuyên truyền về giáo dục, như "tiên học lễ, hậu học văn". Tuyên
truyền phòng ngừa bệnh, kế hoạch hoá gia đình (như "Mỗi gia đình hai con vợ
chồng hạnh phúc" -- nguyên văn). Tuyên truyền kêu gọi người dân đóng thuế.
Tuyên truyền về an toàn giao thông. Nhưng nhiều nhất và đập vào mắt nhất vẫn là
các khẩu hiệu ca ngợi đảng và bác.
Một
số khẩu hiệu tôi sưu tầm là:
• Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm.
• Đảng cộng sản Việt Nam người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm.
• Đảng ta là đạo đức là văn minh.
• Mừng đảng quang vinh, mừng xuân quí tị, mừng đất nước đổi mới.
• Mừng đảng, mừng xuân.
• Toàn đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
• Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm.
• Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
• Chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm.
• v.v.
• Đảng cộng sản Việt Nam người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm.
• Đảng ta là đạo đức là văn minh.
• Mừng đảng quang vinh, mừng xuân quí tị, mừng đất nước đổi mới.
• Mừng đảng, mừng xuân.
• Toàn đảng, toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
• Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm.
• Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
• Chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm.
• v.v.
Có
thể rút ra một vài đặc điểm của các khẩu hiệu Việt Nam:
Thứ nhất là các khẩu hiệu
ca ngợi tài đức của đảng là nhiều nhất. Như thấy trên, số khẩu hiệu liên quan đến
đảng rất nhiều, nhiều hơn hẳn số khẩu hiệu liên quan đến HCM và Nhà nước. Điều
này thì chắc cũng không khó hiểu, vì đảng sinh đẻ ra Nhà nước, nên đảng phải xuất
hiện nhiều hơn. Chẳng những nhiều hơn mà còn đứng đầu. Như thấy trên, các khẩu
hiệu có danh sách vài thành phần thì đảng lúc nào cũng đứng đầu, đứng trước cả
dân, và đứng trước luôn thiên nhiên (mùa xuân)! Những khẩu hiệu này cũng nhằm mục
tiêu nhắc nhở cho công chúng biết ai đang điều hành đất nước này, và đất nước
này vẫn theo Mác Lê Mao.
Thứ hai là lời lẽ trong khẩu
hiệu thường mang tính đạo cao đức trọng, và lúc nào cũng ... tự khen. Thú vị nhất
là tự hô "muôn năm", tức là bắt chước theo các vua thời chế độ phong
kiến bên Tàu. Đả phá phong kiến, nhưng lại dùng ý tưởng của phong kiến. Thật là
trớ trêu! Nhưng tôi thấy thích nhất là khẩu hiệu "Đảng ta là đạo đức, là
văn minh". Nhưng nếu người đọc tự hỏi "ta" là ai? Chắc chắc số
người tự nhận "ta" trong văn cảnh này chỉ có chừng 2-3 triệu. Ấy thế
mà họ tự nhận là "đạo đức, văn minh". Mà, thật ra, hai chữ này -- là
danh từ -- cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Đạo đức có thể là tốt, nhưng cũng có loại
đạo đức tồi, đạo đức xuống cấp. Còn "văn minh" là gì? Chẳng lẽ dân tộc
này chưa có nền văn minh? Toàn bộ câu khẩu hiệu, do đó, rất tối nghĩa.
Thứ ba là các khẩu hiệu
mang tính dạy đời, nhắc nhở. Có thể nói rằng tất cả các khẩu hiệu ở VN nó giống
như ai đó lơ lửng ở trên cao trong vòm trời đang nói với lương dân phía dưới,
mà lương dân không biết kẻ đó là ai. Ví dụ như khẩu hiệu nhắc nhở người dân rằng
đảng CSVN là người lãnh đạo mọi thắng lợi, và phải đời đời nhớ ơn chủ tịch HCM.
Ai là tác giả khẩu hiệu đó? Tại sao tác giả có cách viết trơ trẽn như thế?
Nhưng có lẽ do không đủ thì giờ và kích thước, nên người viết khẩu hiệu không
nhắc nhở người dân phải nhớ ơn gì. Điều làm người ta khó chịu là những khẩu hiệu
đó cứ như là dí vào mặt công chúng, tức là một sự ép buộc và tra tấn tinh thần.
Thứ tư là tất cả các khẩu
hiệu chính trị xã hội chỉ mang tính "tích cực" chứ tuyệt đối không có
tiêu cực. Thật vậy, hoàn toàn không có biểu ngữ nào chống tham nhũng, chống việc
mua quan bán chức, chống nạn quan liêu. Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề
liên quan đến người dân, chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân
không được biết (hay không có quyền biết) Có lẽ chính vì thế mà các khẩu hiêu
được thiết kế để nói với người dân bằng những lời lẽ trịch thượng. Đọc qua tôi
có cảm giác như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe,
hay thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân. Hàm ý trong cách nói đó là
một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về đạo lí xã hội
và sức khỏe.
Thứ năm là khẩu hiệu ở Việt
Nam thường mang một thông điệp ngầm, và thông điệp này có khi hoàn toàn ngược lại
180 độ so với ý nghĩa bề ngoài của chữ viết. Ngày xưa, khi người dân không có độc
lập và tự do, thì khẩu hiệu "Không có gì quí hơn độc lập tự do" xuất
hiện đầy đường (nhưng nay thì rất hiếm). Ví dụ như khi nhắc nhở "Toàn đảng,
toàn dân, toàn quân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh" thì người ta hiểu rằng hiện nay các đảng viên không học theo tấm
gương của ông. Hay như "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"
có nghĩa là cán bộ đã quên ơn ông. Và, qua cách hiểu đó người đọc cũng có thể
suy luận ra khẩu hiệu "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm" có ý nghĩa
gì. Do đó, những biểu ngữ này là một loại ngôn ngữ mà George Orwell từng đề cập
đến: phản nghĩa.
Về hình thức những biểu ngữ như thế giống như là một
sự gây ô nhiễm cho không gian và môi trường. Dĩ nhiên, trong thế giới cộng sản
và XHCN người ta rất chuộng màu đỏ. Nhưng màu đỏ cũng là màu "high
energy", dễ làm cho người xem nhức mắt và có cái gì đó ghê rợn (chỉ là cảm
giác tâm lí thôi). Ấy thế mà cái màu chói chang đó xuất hiện trên những lùm
cây, hai bên đường, và trong hội trường! Sự xuất hiện của cái màu đó cũng nội
dung phản cảm như thế là một sự khuấy động môi trường yên tĩnh. Các bạn thử tượng
tượng đang đi trên một con đường hai bên là những cây cổ thụ, với lá cây xanh
và bóng mát, đột nhiên xuất hiện cái màu đỏ vàng giăng ngang, như xé bầu trời
xanh lơ và làm hư hỏng cái màu xanh của cây. Phải nói là rất ư phản cảm và
không có tính thẩm mĩ. Thành ra, toàn cảnh đường phố Việt Nam vốn đã hỗn độn,
các khẩu hiệu lại càng làm cho tình trạng hỗn độn thêm bầy hầy.
Nhìn qua biểu ngữ người ta có thể đoán được một phần
nào tình hình xã hội hiện nay. Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng
con trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối giới
tính và giết thai nhi. Tôi có đọc đâu đó rằng ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu
nữ vị thành niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Đó là một con số chẳng
ai lấy làm tự hào. Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình, chúng ta
có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.
Tôi đoán rằng những biểu ngữ này xuất hiện trên đường
phố chắc là sản phẩm của một cuộc vận động hay một phong trào nào đó. Nhưng có
nhiều cách vận động, vậy tại sao người ta chỉ dùng biểu ngữ? Tôi nghĩ đó là
cách tuyên truyền đơn giản nhất và là một cách làm lười biếng nhất. Cứ giăng biểu
ngữ để đó, rồi sau khi phong trào chìm xuống thì cũng là lúc những tấm vải kia
phai màu và đến lúc … nghỉ hưu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế
có hiệu quả không? Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của
những cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không. Tôi nghĩ chắc là
không, vì chưa thấy một tài liệu hay nghiên cứu nào cả.
Tôi thì nghi ngờ hiệu quả của cách tuyên truyền như
thế. Lí do đơn giản là tôi thấy rất ít ai để ý đến những biểu ngữ đó. Có lẽ tôi
chỉ là một trong những người lẩm cẩm hay để ý chung quanh, chứ tôi thấy người
dân địa phương đang phải mệt mỏi đương đầu với nạn kẹt xe hàng giờ thì hơi đâu
mà để ý đến những biểu ngữ đó. Mà, có lẽ đối với họ cũng chẳng có gì mới (nhưng
với tôi thì có cái gì đó … mơi mới, và vui vui).
Tôi chú ý thấy ở VN, cứ mỗi khi có vấn đề gì hay sự
kiện gì cần đến công chúng là người ta nghĩ ngay đến tuyên truyền và "giáo
dục". (Hai chữ "giáo dục", như tôi có lần nói, là hết sức trịch thượng
và vô giáo dục. Ai cho phép và các cán bộ có tư cách gì mà giáo dục công
chúng?) Tuyên truyền do đó là hình thức thụ động nhất trong việc huy động quần
chúng. Hình như giới tuyên truyền ở Việt Nam vẫn làm theo mô hình và cách thức
mà họ đã học từ Tàu, từ Liên Xô cũ, chứ không sáng tạo ra cái gì mới. Tại sao họ
không nghĩ ra cách thức chuyển tải những thông điệp chính trị - xã hội đi vào
người dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn, và nhất là bình đẳng. Do đó, cho đến
nay, người dân vẫn phải chịu trận với cách tuyên truyền rất trịch thượng, phản
cảm, vô duyên, và có khi vô nghĩa. Đó là môt sự tra tấn tinh thần mà tôi nghĩ cần
phải chấm dứt.
-----------------------------
Nhân dịp nói chuyện khẩu hiệu, tôi chợt nhớ đến những
phát ngôn mang tính hứa hẹn của các lãnh đạo và quan chức trước đây. Bây giờ
nhìn/đọc lại những phát ngôn đó cũng rất thú vị, và nó làm cho con người (nếu
còn sống) trở nên khiêm tốn hơn.
Đầu tiên, câu nói nổi tiếng nhất về tương lai Việt
Nam sáng chói phải kể đến câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước 1975, ở ngoài Bắc,
ông nói rằng “Còn non còn nước còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Tôi nghĩ câu này rất
quan trọng, vì sau ngày "giải phóng", đi đâu cũng nghe thấy câu nói
này. Nó có hiệu lực vừa như là một lời hiệu triệu quần chúng, vừa hứa hẹn một
tương lai xán lạn cho Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ vì câu đó mà biết bao người hăng
hái lao ra chiến trường sẵn sàng hi sinh vì một tương lai "Hơn mười ngày
nay". Nhưng lúc đó chắc chẳng có ai hỏi thế nào là 10 lần hơn? Để rồi 40
năm sau khi kết thúc chiến tranh thì Việt Nam nằm trong số những nước nghèo kém
nhất thế giới.
Một câu nói quan trọng khác cũng mang tính hứa hẹn
nhưng cụ thể hơn là từ TBT Lê Duẩn. Năm 1976 (lúc đó tôi còn ở trong nước và
đang hăng say góp phần xây dựng XHCH), tôi còn nhớ như in là trong một bài diễn
văn ông hứa rằng "Trong vòng mười
năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh."
Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, bởi vì những thứ vật dụng đó đâu có gì là quá khỏi tầm
tay. Trước năm 1975 tôi đã có xe Honda rồi, còn nhà Ba Má tôi ở trong quê đã có
radio và tivi rồi (nhưng chưa có tủ lạnh). Thời đó, tôi còn nhớ cứ mỗi tối về,
nhà tôi y như cái rạp hát. Tối nào có chương trình tuồng cải lương thì ôi thôi,
tôi rất bận rộn. Ba tôi và mấy trưởng lão thì ngồi ghế sofa trong phòng khách,
còn má tôi và mấy dì cô khác thì trên bộ ván ngựa có tuổi đời lớn gấp hai lần
tôi, còn mấy đứa con nít trong làng thì ngồi ngoài nhà, chống cằm lên xem cải
lương. Tôi thì bận rộn ra oai, làm trật tự, tên nào lộn xộn bị tôi doạ là
"lần sau không cho mày xem". Những kỉ niệm thời thơ ấu là thế, vậy mà
bây giờ có cái ông kia ổng nói 10 năm nữa sẽ có tivi và radio, thì tôi ngạc
nhiên, vì tôi không biết ổng nói với ai.
Dĩ nhiên, ai cũng biết những năm sau khi ông phát biểu
câu nói nổi tiếng đó thì VN bắt đầu lụn bại. Miền Nam chưa bao giờ thiếu gạo mà
phải đói và ăn bo bo. Thuốc thì chỉ có xuyên tâm liên trị bách bệnh. Bây giờ mà
tìm lại những bài báo của các giáo sư y khoa thời đó quảng bá cho xuyên tâm
liên thì chắc đọc hay lắm. Những gia đình ở thành phố có đồ đạt trong nhà thì dần
dần bán hết. Thay vì 10 năm nữa mỗi gia đình VN có cái tivi, radio và tủ lạnh,
thì thực tế ngược lại là họ mất tivi, radio và tủ lạnh. Chẳng những mất mấy thứ
gia dụng đó, mà còn mất luôn xe cộ, và trong nhiều trường hợp, mất luôn mạng sống.
Đến giáo dục, tôi mới đọc lại một bài báo chưa cũ lắm
(2006), nói đến kế hoạch xây dựng một số đại học đẳng cấp quốc tế. Trong bài
báo "Làm gì để hội nhập giáo dục đại học" (1), GS TSKH Bành Tiến
Long, lúc đó là thứ trưởng Bộ GDĐT, cho biết mục tiêu tổng quát của công cuộc đổi
mới giáo dục đại học là "đến năm
2020, [...] xây dựng một số trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế."
Lúc đó ai cũng phấn khích trước một viển ảnh xán lạn của giáo dục VN, và VN sẽ
làm cho các đại học trong vùng xấu hổ. Thừa thắng xông lên, có đại học kí kết với
tập đoàn dầu khí xây dựng đề án để VN có giải thưởng Nobel.
Thế nhưng năm nay đã là 2015, chỉ còn 5 năm nữa là đến
2020, nhưng các đại học Việt Nam vẫn còn ì ạch, chưa đi đến đâu. Công trình
nghiên cứu thì vẫn rất ít, chỉ bằng "đếm trên đầu ngón tay" so với
các đại học lớn trong vùng. Đại học lớn nhất và khá nhất của VN mỗi năm chỉ
công bố được 200 bài báo, chỉ bằng 1/10 đến 1/20 của các đại học lớn trong vùng
ASEAN. Lượng đã ít mà phẩm còn kém hơn, vì phần lớn các công trình khoa học VN
thường được công bố trên tập san có ảnh hưởng thấp và có ít trích dẫn. Với
thành tích công bố quốc tế như hiện nay, các đại học VN chưa có tư cách để nói
đến "đẳng cấp quốc tế" được. Phải thành thật với nhau như thế.
Trong ngành y tế, chúng ta còn nhớ một lời hứa rất nổi
tiếng của ông Nguyễn Quốc Triệu. Cách đây không lâu (có lẽ là 2008?) ông NQT
lúc đó mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế có hứa trước quốc dân rằng trong vòng 3
năm, mỗi bệnh nhân sẽ có 1 giường riêng, thay vì 3 người nằm chung giường như
lúc đó. Thế nhưng chúng ta biết rằng lời hứa đó đã không thành hiện thực. Một
điều rất thú vị là sau này khi phóng viên nhắc ông về lời hứa đó, ông thản
nhiên nói rằng ông chưa bao giờ hứa như thế!
Tóm lại, các lời hứa hẹn của giới lãnh đạo và quan
chức trong thời gian qua chỉ là ... hứa hẹn cho suông miệng. Tôi gọi những lời
hứa hẹn có cánh đó là buôn bán hi vọng. Điều đáng ngạc nhiên là những món hàng
hi vọng của họ vẫn có khách hàng! Bây giờ thì một số người buôn bán hi vọng đã
qua đời, nên chúng ta không có dịp hỏi họ nghĩ gì khi bán món hàng đó. Nhưng một
số người vẫn còn sống, tôi không biết họ có ngượng khi đọc lại những gì họ từng
phát biểu. Dù họ có ngượng hay tự xấu hổ, thì những gì xảy ra trong quá khứ (xa
và gần) cho thấy chúng ta chẳng có lí do gì để mua những món hàng hi vọng của
giới chính trị, mà cứ xem như là những loại "mãi võ sơn đông" cho vui
mắt.
====
(2) Tôi phải thêm là ở bên Úc cũng có một ông thủ tướng
buôn bán hi vọng, nhưng ông sám hối. Đó là thủ tướng Bob Hawke, lúc mới lên chức,
ông hứa rằng đến năm 1990 sẽ không có trẻ em sống trong nghèo nàn. Nhưng sau
này thì lời hứa đó trớt quớt, và bị phe đối lập đem ra diễu cợt trên TV. Mấy
năm trước, khi phóng viên hỏi ông nghĩ gì câu nói đó, ông tỏ vẻ rất thành khẩn
nói rằng đó là một trong những lời hứa ngu xuẩn nhất trong sự nghiệp. Ông rối
rít xin lỗi dân chúng. Ước gì VN có người hành xử như ông Hawke.
No comments:
Post a Comment