TS.
Dương Danh Huy
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Cập nhật: 13:38 GMT - thứ sáu, 20 tháng 6,
2014
Điều còn có thể cho là may mắn là cuộc đối đầu về giàn
khoan HD-981 chưa chuyển sang đấu súng. Thay vào đó, nó đã đi đến một cuộc đấu
chữ tại LHQ.
Trong cuộc đấu chữ này, Việt Nam đã “khai hỏa” trước.
Ngày 2/6/2014 Việt Nam yêu cầu Tổng Thư ký LHQ lưu hành một công hàm cho phiên
họp thứ 68 của tổ chức này, phản đối về giàn khoan HD-981, cũng như ghi mệnh đề
thường lệ nói rằng “Việt Nam có đầy đủ dẫn chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng
định chủ quyền đối với Hoàng Sa”.
Ngày 9/6/2014 Việt Nam gửi thêm một công hàm, có lẽ
liên quan đến việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc “phản pháo” bằng cách gửi đến LHQ
một “văn bản về lập trường”.
'Giành thế thượng phong'
Không chỉ cáo buộc ngược lại Việt Nam, văn bản này
còn ghi Trung Quốc đã quản lý Hoàng Sa từ đời Bắc Tống, cũng như đưa ra những vấn
đề như công hàm Phạm Văn Đồng, các tuyên bố có hại khác của quan chức và truyền
thông của VNDCCH, sách giáo khoa và bản đồ của VNDCCH ghi Hoàng Sa, Trường Sa
là của Trung Quốc.
Phản
công mạnh mẽ của Trung Quốc đã đạt được ba thành công quan trọng cho họ.
Thành công thứ nhất là nó làm cho một số nhà bình luận nghiêng về phía Trung Quốc, hay ít nhất
không còn nghiêng về phía Việt Nam như trước. Chúng ta chỉ có thể dự đoán nó có
ảnh hưởng gì với thế giới.
Thành công thứ nhì là nó đã đẩy
cuộc thảo luận ra khỏi phạm trù của luật biển, nơi Trung Quốc chắc chắn đã vi
phạm luật quốc tế, vào phạm trù tranh chấp chủ quyền đảo, nơi có rủi ro pháp lý
cho Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại có nhiều lợi thế tuyên truyền.
Với hai thành công trên, Trung Quốc đã gây nhiều thiệt
hại cho vị trí thượng phong mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc tranh thủ dư luận
trong suốt tháng trước đó, nếu không muốn nói rằng Trung Quốc đã giành được thế
thượng phong.
Thành công thứ ba là, với việc nêu ra công hàm Phạm Văn Đồng và các hành vi có hại khác của
VNDCCH, Trung Quốc đã đánh một đòn tâm lý mạnh vào lãnh đạo Việt Nam cũng như
người dân Việt.
Trong khi Bộ Chính trị Việt Nam còn đang chần chừ về
việc kiện Trung Quốc thì đòn này có thể đã làm cho họ thêm bối rối và mất tinh
thần, mặc dù thật ra để đơn phương kiện Trung Quốc thì hồ sơ sẽ không phụ thuộc
vào Hoàng Sa là của nước nào.
Đòn này cũng làm cho người Việt bị chia trí. Như vậy,
khả năng đối phó của Việt Nam trong vấn đề giàn khoan HD-981 bị sút giảm đi nhiều.
Thế
nhưng, đòn phản công này của Trung Quốc cũng bao hàm một số rủi ro cho họ.
Rủi
ro thứ nhất là lập luận của họ có thể bị Việt Nam phản biện trước
LHQ. Phản biện của Việt Nam có thể có ba mũi nhọn.
Mũi nhọn thứt nhất, Việt Nam buộc phải phản biện Trung Quốc về công hàm Phạm Văn Đồng và các
hành vi có hại khác của VNDCCH.
Mũi nhọn thứ nhì, Việt Nam
có thể lập luận cho rằng bất kể Hoàng Sa là của nước nào, vùng đặc quyền kinh tế
thuộc Hoàng Sa không thể vươn ra đến các nơi Trung Quốc đã triển khai giàn
khoan, cho nên các nơi đó chắc chắn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của đất liền
và các đảo ven bờ Việt Nam.
Mũi nhọn thứ ba, dù có yêu
sách chồng lấn đi nữa thì việc Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan
trong vùng có yêu sách chồng lấn đã vi phạm Điều 74 của UNCLOS. Hai mũi nhọn
sau là để đặt vấn đề vào lại phạm trù của luật biển, nơi Việt Nam có nhiều lợi
thế.
Rủi
ro thứ nhì là việc tranh cãi qua lại ở LHQ sẽ bác bỏ quan điểm
của Trung Quốc là không có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa.
Rủi
ro thứ ba là qua việc đưa lập luận của họ ra trước LHQ, và
tranh cãi với Việt Nam trước LHQ, chính Trung Quốc đã tham gia việc quốc tế hóa
tranh chấp Hoàng Sa, điều mà họ luôn tránh từ trước đến nay.
'TQ đã sa bẫy'
Do đó, có thể nói rằng, với phản công mạnh mẽ của họ,
và mặc dù đã có một số thành công, chính Trung Quốc đã sa vào bẫy.
Tuy nhiên, bẫy đó sẽ chỉ sập nếu Việt Nam gửi công
hàm đến LHQ phản biện lại Trung Quốc. Cho tới nay, phản ứng của Việt Nam mới chỉ
là đăng bài báo về lập luận của một cá nhân lên trang web của mình ở LHQ, và họp
báo.
Những phản ứng đó rõ ràng là nhẹ ký hơn chính thức
đưa ra lập luận phản biện trước LHQ, và cùng lắm chỉ cho thể là biện pháp tạm
thời, không thể thay thế được việc đó. Thế giới sẽ có câu hỏi, “Tại sao Việt
Nam không chính thức đưa ra lập luận phản biện trước LHQ?”
Vấn đề của Việt Nam không phải là không có lập luận
pháp lý để phản biện, mà là ở quá trình chính trị để đi đến quyết định.
Nếu Việt Nam quyết định không phản biện ở LHQ thì
Trung Quốc đã “có gan làm giàu” và sẽ chuyển bại thành thắng, trong khi Việt
Nam sẽ đi từ thắng và cơ hội đến bại.
Một trong những hệ quả là Việt Nam sẽ bị mất niềm
tin của những nước và những người ủng hộ mình trên thế giới, và lãnh đạo Việt
Nam sẽ bị mất nhiều niềm tin của người Việt. Như thế, tương lai sẽ càng khó
khăn thêm cho Việt Nam.
Có lẽ bất cứ người Việt nào quan tâm về Hoàng Sa,
Trường Sa và Biển Đông cũng mong muốn Việt Nam có công hàm phản biện chính thức
trước LHQ. Có lẽ họ đều cho rằng đó là nghĩa vụ của chính phủ trong việc bảo vệ
chủ quyền lãnh thổ.
Người dân không thể tự đưa ra công hàm chính thức
trước LHQ - nghĩa vụ của chính phủ là đại diện cho quốc gia trước LHQ và làm điều
đó cho họ.
Nhưng chính phủ Việt Nam có sẽ làm không thì vẫn còn
là câu hỏi mở.
Cho
đến nay, chiến lược của Việt Nam để đối phó với Trung Quốc dường như là “nó đấm
thì mình la, nó xoa thì mình im”. Nhưng chiến lược
đó chỉ có thể dẫn đến việc mất hết từng bước, vì chiến lược của Trung Quốc là
“đấm, xoa, đấm, xoa” cho đến khi họ giành được hết.
Trung Quốc đã “đấm” bằng giàn khoan HD-981, cũng như
họ đang “đấm” lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Việt Nam đã “la”,
nhưng Trung Quốc “la” lại lớn hơn. Và Trung Quốc đã gửi Ủy viên Quốc vụ Dương
Khiết Trì sang “xoa”.
Đáng lẽ Việt Nam phải giật sập bẫy bằng cách gửi công hàm phản
biện đến LHQ, nhưng phải chăng thay vào đó Việt Nam sẽ cúi đầu?
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn
của tác giả, một thành viên sáng lập của nhóm Nghiên cứu Biển Đông.
Các
bài liên quan
No comments:
Post a Comment