Trọng Thành - RFI
Thứ bảy 07 Tháng Sáu 2014
Chiều
05/06/2014, tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, Hà Nội, đã
diễn ra một cuộc hội thảo mang tên « Làm sao để thoát Trung ? ». Hội thảo
do Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh tổ chức. Để chuyển đến quý vị các thông tin về cuộc
hội thảo, RFI phỏng vấn nhà giáo Phạm Toàn (Hà Nội), một người có mặt tại chỗ.
Là chủ đề của một sinh hoạt tọa đàm thường kỳ của Quỹ,
buổi hội thảo hôm 05/06 được công chúng đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh từ hơn
một tháng nay, giàn khoan Trung Quốc thăm dò dầu khí cách bờ biển Việt Nam 120
hải lý, nằm sâu trong khu vực mà Việt Nam khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế
(có thể tham khảo bài tường thuật trên trang blog Nguyễn Xuân Diện).
Nghe
(08:51) : Nhà giáo Phạm Toàn (Hà Nội) 07/06/2014
RFI
: Xin ông cho biết ý nghĩa chính của cuộc hội thảo này.
Phạm
Toàn : Từ lâu rồi, thường là cứ chiều thứ Sáu, anh em gặp
nhau để thảo luận về những vấn đề mà mọi người quan tâm. Những buổi đầu còn lưa
thưa, nhưng trong khoảng mấy tháng nay, các hội thảo rất đông người tham gia. Đặc
biệt buổi « thoát Trung », ngồi xuống đất, đứng đằng sau, chen chúc
nhau.
Vấn đề « thoát Trung » bây giờ là vấn đề thiết
thân của mọi người, những người nào biết lo cho đất nước. Vì những vấn đề vặt
vãnh của gia đình, của cuộc sống thì có thể quên, còn thì chuyện này nó hiện diện
lù lù ra trước mọi người : từ hàng hóa Trung Quốc, tin tức… đặc biệt là cái
giàn khoan, đặc biệt là sự hống hách của người Tàu.
*
RFI
: Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể về các diễn giả.
Phạm
Toàn : Tôi ấn tượng với anh Giáp Văn Dương, vốn là giảng
sư đại học Singapore. Nhưng anh ấy bỏ hết, anh ấy về nước mở trường, lập trường
trên mạng, tham gia vào những hoạt động xã hội. Bài tường trình diễn giải mở đầu
của anh ấy hay lắm. Anh ấy lập luận chặt chẽ. Trước hết anh ấy nói rằng : « chúng
ta thoát Trung, chứ không phải bài Trung ». Xác định giới hạn rõ ràng ! Rõ
ràng đấy là những con người lịch sự, chứ không phải là làm cho người ta có thể
khó chịu.
Và đặt ra vấn đề là, « thoát Trung » thì
thoát đi đâu ? thoát để làm gì ? thoát bằng cách gì ? Trước đó, tôi có nói với
anh ấy : « đầu đề của anh là ‘‘Làm sao’’ để thoát Trung, chứ không phải làm
‘‘Làm gì’’ ? ». Anh ấy nói là « Làm sao ? » chứ, nêu ra vấn đề lớn
như thế đã ! Chứ còn « Làm gì ? » thì từng người, từng tổ chức, từng mắt
xích một, phải nghĩ xem mình làm gì và mình phải làm thế nào cho nó thiết thực
! Thế còn (việc) bây giờ là phải xới vấn đề ra !...
Sau đó, đến lúc mọi người phát biểu, thì hay lắm.
Anh Nguyễn Vi Khải – nguyên là cố vấn trong nhóm cố vấn của Thủ tướng Phan Văn
Khải trước đây (dàn cố vấn đã bị giải tán) – nói : Hôm nay, tôi nói chuyện với
tư cách một người cách đây bảy mươi mấy năm đã ra đời ở Thượng Hải. Ông ấy bảo,
không nên coi thường người Trung Quốc, người ta thật sự đang hiện đại hóa, người
ta thật sự đang lớn mạnh, thế nhưng mà, trong sự lớn mạnh, hiện đại của người
Trung Quốc, hàm chứa nhiều điều mà anh ấy gọi là « bí ẩn »... Như thế đặt
ra vấn đề mình phải nghiên cứu họ.
Tôi thấy có các ý kiến của anh Trần Vũ Hải, của anh
Nguyễn Quang A, của anh Phạm Khiêm Ích hay lắm… Anh Phạm Khiêm Ích đem Hiến
pháp ra nói : đảng Cộng Sản Việt Nam đã có lần đưa vào Hiến pháp, coi Trung Quốc
- có máu « bành trướng », « Đại Hán » - là « nguy cơ thường trực
», « nguy cơ đại họa ». Thế nhưng mà, giải pháp mà (chính quyền Việt Nam
dùng - ndr) để chống nguy cơ ấy là phải xây dựng « chuyên chính vô sản
». Anh Phạm Khiêm Ích, anh ấy chỉ ra một căn bệnh (của chính quyền Việt Nam -
ndr) là dùng phương thuốc sai. « Đáng nhẽ lấy nước dập lửa, thì lại lấy lửa
dập lửa ; đáng nhẽ lấy thuốc giải độc để giải độc, thì lại lấy độc trị độc
». Thế thì khó lắm ! Nói chung là lúng ta lúng túng.
Cuộc họp diễn ra ở một hội trường, có một khẩu hiệu
to đùng (Khẩu hiệu "Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm"
- ndr). Tôi cố tình đưa ảnh ấy lên trên mạng. Còn có cả tượng (tượng
Hồ Chí Minh - ndr)… Mọi người cứ cười. Anh Nguyễn Quang A nói rất vui : Cái hội
trường này hình như nó không đủ chứa, lần sau chúng ta phải ở một hội trường chỗ
khác thôi. Thế là tất cả đều cười bò ra. Mọi người đều hiểu nhau. Cho nên, tôi
phải nói rằng, cử tọa, công chúng, con người ở Việt Nam bây giờ khôn lắm, cực kỳ
thông minh rồi đấy.
Nhưng tôi chỉ hơi đáng buồn là thanh niên tham gia
ít quá... Một em thanh niên nêu các vấn đề ra, rồi nói « chúng tôi là những
người hoang mang »… Tôi có nói với lại, các cậu làm đi, việc gì phải chờ mấy
ông già, mấy ông ấy dậy… Các cậu làm đi, sợ cái gì ?! Tất cả giống hệt như các
nội dung mà anh Giáp Văn Dương đã chuẩn bị. Con người là con người tự do, tự do
làm những điều theo trách nhiệm của mình. Anh Giáp Văn Dương nói, muốn thoát
Trung thì thoát từ từng con người, với tư cách là « người tự do và có trách
nhiệm », chứ không phải là cứ chờ đợi.
Và cái kết luận lúc cuối cùng cũng là gần như thế.
Là mỗi người phải tìm ra những gì mình cần làm, những gì mình tin rằng mình làm
được, tính khả thi của mọi kế hoạch. Tôi nghĩ rằng những lần họp sau, những hội
thảo tiếp theo, nếu có thì có những phương án thực thi, tôi tin như thế.
*
RFI
: Thưa ông, những điều ông nói có nhiều hương vị lạc quan, tuy nhiên, một số
bài tham luận hội thảo, cụ thể là bài của Tiến sĩ, cựu đại sứ Đinh Hoàng Thắng,
có nói đến « bóng ma » ám ảnh của « Thành Đô-2 » (tức một thỏa thuận
bí mật có thể xẩy ra giữa ban lãnh đạo hai đảng CS Việt Nam và Trung Quốc), gây
lo ngại. Về vấn đề này, xin ông cho biết ý kiến.
Phạm
Toàn : Nếu chúng ta đọc "Hồi ký" của Trần
Quang Cơ, chúng ta có thể hiểu một chút. Nhưng vì không có sự minh bạch, nên
không thể nào biết được nội dung thực sự của những thỏa thuận ngầm, « đi đêm
» là những gì. Tại làm sao sau khi bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào mình chết như
thế, mà lại có thể lờ tảng những chuyện đó đi ? Thậm chí những đài tưởng niệm ở
biên giới bị đục bỏ, rồi những chuyện khác… Coi như không có gì nữa. Rồi lại trở
lại bao nhiêu « chữ vàng », bao nhiêu « 4 tốt », bao nhiêu vớ vẩn…
Cái đó vẫn là một quá trình. Anh Đinh Hoàng Thắng anh ấy gợi ra là sẽ có thể có
« một Thành Đô » nữa.
Tôi thấy rằng, cái không khí của việc thảo luận là
người nào cũng nghĩ thầm trong đầu là : thoát Hán chỉ như là một cái « biển
hiệu » thôi, muốn thoát Hán thì phải thoát Cộng, mà thoát Cộng, thì cực kỳ
khó khăn, phải từ từ. Thế và, có một diễn giả cũng nói rất là giữ kẽ, là « Thoát
tính toàn trị chứ không phải là thoát Cộng ». Thế nhưng, thoát toàn trị, giả
định đã là cái kia rồi.
Nói chung là mọi người cũng rất là dè dặt, cực kỳ dè
dặt. Đặc biệt là sau khi hội nghị đã tan, mọi người còn ở lại ít nhất là một tiếng
đồng hồ. Và có một câu hỏi cứ lởn vởn : hôm nay có bao nhiêu an ninh theo dõi ?
Thế nhưng, rất là may, hôm nay (07/06), có một người làm việc ở chỗ Quỹ Phan
Chu Trinh gọi điện cho tôi nói chuyện là, hôm qua, Ban Tuyên giáo có gọi điện
cho anh Chu Hảo là hoan nghênh cuộc thảo luận đó. Tôi chưa xác minh lại thông
tin này. Tuy thế, nhưng mà trước khi tổ chức, thì có những người yêu cầu
là phải làm thật gọn, không được lan man, và làm đúng 4 giờ rưỡi là phải giải
tán, không được ở lại thêm, không được tụ tập lâu hơn.
Tôi cho rằng, tóm lại, ở Việt Nam bây giờ đương rất
là lộn xộn, không biết thế lực nào là thế lực chính, không biết người nào là
người nói thật, và không biết người nào là người nói thật và làm thật. Thế lực
mà đang nói thật được, nhờ cuộc cách mạng internet, thì lại chưa thể làm thật
được, vẫn còn bị trên đe, dưới búa. Cái không khí tôi cảm nhận là như thế. Ngay
cả diễn giả, anh Giáp Văn Dương, cũng đề ra vấn đề hết sức là chừng mực, chừng
mực. Và vẫn chưa có người nào gọi tên được « con vi trùng » là cái gì ?
*
RFI
: Trong bài « ghi chép » ông thực hiện về hội thảo này, đăng tải trên trang Văn Việt, ông có cho biết « thế
hệ ông » đã thoát Trung từ lâu. Vậy xin ông cho biết cụ thể.
Phạm
Toàn : Bọn tôi thoát Hán từ lâu rồi. Từ những năm 1950,
chúng tôi đã có những chuyện tiếu lâm, chuyện thật, nhưng kể thành tiếu lâm, ví
dụ như tính giáo điều của những ông chuyên gia, cố vấn Trung Quốc... Chúng tôi
giễu nhiều lắm. Mới đầu khi thoát Trung, thì hơi ngả về Nga. Nhưng từ khi ông
Khruchtchep ông ấy thể hiện sự ngu dốt, khi đả kích các nhà văn hóa, vẽ như
Picasso, thà lấy đuôi ngựa nhúng vào thùng màu quật lên toan… thì có thể có được
bức tranh trừu tượng... Cuối những năm 1950, chúng tôi đã thoát Trung, cuối những
năm 1960, chúng tôi đã thoát Xô Viết, để còn lại là những người tư duy tự do,
và buồn. Vào những năm 1970, chúng tôi đã truyền nhau một câu : « chủ nghĩa
xã hội ở đâu ? c’est partout et nulle part ». Và từ khi chúng tôi đã truyền
tay nhau những bài viết của tạp chí « Les Lettres françaises », bị đình
bản, các bài viết của ông Aragon « J’ai gâché ma vie »... Chúng tôi đã
truyền tay nhau những bài ấy.
Chúng tôi đã biết rằng mình phải thoát. Chỉ còn lại
là, mình phải độc lập, mình phải tự do. Nhưng mà sức mỏng, lực thì lại yếu, và
cũng ba bốn năm lần, một chân ở trong cùm rồi… Thoát Trung, thoát Xô Viết,
thoát cùm, ba cái thoát chúng tôi đều đã thoát cả rồi. Phải nói rằng, tôi là
người lạc quan, và tôi là người tự do. Bây giờ, tôi tổ chức các em soạn lại bộ
sách (bộ sách giáo khoa phổ thông của nhóm "Cánh buồm" -
ndr). Để làm gì, vì muốn thoát gì, suy cho cùng cũng phải chấn hưng nền
văn hóa, phải làm những việc có ích, việc có thật, việc đúng đắn. Chính những
cái đó bảo vệ cho mình, bảo vệ cho danh dự, cho sinh mệnh của mình, và mình có
nhiều người thông cảm, người cùng làm việc. Đấy là ý của tôi.
*
RFI
: Như vậy, ông được cả hai đường. Thế còn những ai phải mạo hiểm cuộc sống… để
làm những việc mà họ cho là đúng ?
Phạm
Toàn : Tất cả các con đường đều đáng tôn trọng, tất cả
các cách làm việc đều phải tôn trọng. Có những cái tích cực theo phương thức
này, hoặc theo phương thức kia. Cái nguy cơ đặt ra với Việt Nam bây giờ là
phong trào dân sự chưa có tổ chức… Hiện nay, thế lực mà có khả năng tổ chức là
thế lực toàn trị. Thế lực ấy không đồng tình lắm với các cuộc hội thảo thoát
Trung. Bởi vì thoát Trung chính là thoát cả cái toàn trị ấy.
RFI
xin cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn.
---------------------------------------
XEM
LẠI :
VỀ
CUỘC HỘI THẢO “LÀM SAO ĐỂ THOÁT TRUNG?” TẠI HÀ NỘI NGÀY 5/6/2014 (Phạm Thành -
Bà Đầm Xòe) 5-6-2014
No comments:
Post a Comment