Sunday, 22 June 2014

SỰ THỐNG NHẤT CỦA VIỆT NAM - MỘT TRƯỜNG HỢP SÁP NHẬP ? (Konrad G. Bühler)




Konrad G. Bühler

Đinh Lý Trần Lê chuyển ngữ
Dịch giả gửi đến Dân Luận
Thứ Hai, 23/06/2014

Đôi lời giới thiệu của người dịch:
Thời gian gần đây xuất hiện một loạt các vấn đề có liên quan tới câu hỏi kế thừa nhà nước (state succession) trong liên quan tới Việt Nam sau thời gian 1975-1976. Việc một nhà nước kế thừa một nhà nước tồn tại trước đó như thế nào có ảnh hưởng trực tiếp tới việc kế thừa quyền lợi và trách nhiệm của tiền quốc (predecessor) trước nó.
Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một phần trong nghiên cứu phân tích trường hợp Việt Nam của ông Konrad G. Bühler, trích từ cuốn Kế thừa nhà nước và vai trò thành viên trong các tổ chức quốc tế: Lý thuyết pháp lý v. chủ nghĩa thực dụng chính trị (State Succession and Membership in International Organizations: Legal Theories Versuc Political Pragmatism) được nhà xuất bản Springer cho ra mắt tháng Hai năm 2001.
Mag. Dr. Konrad G. Bühler là cố vấn pháp lý của Phái bộ Thường trực của Cộng hòa Áo tại Liên Hợp Quốc từ năm 2004. Trước khi vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Cộng hòa Áo trong các năm 1999-2004 với tư cách chuyên viên pháp lý, ông là cán bộ giảng dạy chuyên ngành luật pháp quốc tế và và quan hệ quốc tế tại Đại học Viên.
Trong bài dịch này chúng tôi cố gắng dùng đúng câu từ của tác giả, nhưng bỏ qua tất cả các ghi chú. Toàn bộ phân tích về sự kế thừa nhà nước của Cộng hòa XHCN Việt Nam với đầy đủ ghi chú, trích dẫn xin xem chi tiết trong cuốn sách trên.

*

Tương tự như các trường hợp Cộng hòa A-rập Thống nhất và Tanzania, học thuyết về xác định loại hình pháp lý cho quá trình thống nhất của Việt Nam có nhiều điều tranh cãi. Trong khi một số tác giả cho rằng sự thống nhất của Việt Nam là một trường hợp của hợp nhất (merger), liên quan tới sự tiêu vong (extinction) của hai nước được thống nhất và hình thành một nhà nước kế thừa mới, phần lớn các tác giả có nhìn nhận rằng nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thống nhất là đồng nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được mở rộng thêm về lãnh thổ bởi Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước đó, và tư cách cá nhân (personality) quốc tế của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã biến mất như là kết quả của việc sát nhập.

Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, việc áp dụng các yếu tố khách quan và chủ quan đã nói tới ở trên để vạch ra một phân biệt giữa trường hợp hợp nhất và sát nhập (incorporation) không đưa lại một câu trả lời rõ ràng. Trong lúc lý thuyết sát nhập, lý thuyết chiếm ưu thế, có thể được ủng hộ bởi thực tế là Cộng hòa XHCN Việt Nam thống nhất tiếp tục giữ nguyên thủ đô ở Hà Nội, giữ nguyên hệ thống kinh tế và chính trị, cũng như màu cờ quốc gia và quốc ca của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phần lớn các yếu tố khách quan khác như độ lớn của lãnh thổ, dân số hay lực lượng quân sự là không rõ ràng, không có yếu tố nào có thể đặt Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam vào vị trí có ưu thế rõ ràng.

Tương tự như vây, các yếu tố chủ quan thí dụ như tự nhìn nhận (self-conception) của nước thống nhất và nhìn nhận của các nước thứ ba cũng khó đưa đến kết luận rõ ràng. Việc đánh giá sự tự nhìn nhận của Việt Nam thậm chí còn trở nên phức tạp hơn bởi yếu tố cả Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam, khẳng định nguyên tắc thống nhất và không thể chia cắt được của lãnh thổ Việt Nam trong các hiến pháp của họ, đã liên tục giữ lập trường rằng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam tạo thành một quốc gia duy nhất, chỉ bị chia cắt tạm thời. Kết quả là trong tự nhìn nhận của Việt Nam thì việc thống nhất của Việt Nam được cho là hoàn toàn không liên quan tới trường hợp kế thừa mà chỉ là một thay đổi của chính phủ. Tuy nhiên, xét tới các hoàn cảnh thực trạng không thể chối cãi được thì việc bác bỏ sự tồn tại của hai thực thể nhà nước riêng biệt ở Bắc và Nam Việt Nam trước thống nhất 1976 có vẻ là không vững chắc về mặt pháp lý. Hơn nữa, cách hiểu như thế là mâu thuẫn rành rành với các thông điệp của Việt Nam tới các tổ chức quốc tế như WHO, trong đó nêu rõ là hai nhà nước thành viên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt nam đã hợp nhất tạo thành Cộng hòa XHCN Việt Nam và nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể tiếp nối vai trò thành viên chính thức; điều này có xu hướng ủng hộ lý thuyết hợp nhất hay hợp tạo (fusion) của hai nhà nước Việt Nam trước đó.

Mặt khác, hành vi thực tiễn của nước Việt Nam thống nhất nói chung là bãi bỏ tiếp nối hiệu lực của các hiệp định quốc tế do Nam Việt Nam ký kết trước đó có thể đưa đến suy luận rằng Cộng hòa XHCN Việt Nam nhìn nhận sự thống nhất của Việt Nam như là một trường hợp sát nhập. Tuy vậy người ta thường bỏ qua bối cảnh Cộng hòa XHCN Việt Nam có phân biệt rõ ràng giữa các hiệp định được ký kết bởi chính phủ Sài Gòn trước đó (Quốc gia Việt nam, Việt Nam Cộng hòa) và các hiệp định được ký kết bởi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cộng hòa miền Nam Việt Nam) cộng sản, chính phủ mà Bắc Việt Nam coi là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Nam Việt Nam. Thế là nước Việt Nam thống nhất, như một vấn đề có tính nguyên tắc, không bãi bỏ mọi hiệp định quốc tế của Nam Việt Nam trước đó mà chỉ bãi bỏ những hiệp định được ký kết của chế độ Sài Gòn bất hợp pháp. Theo vậy, ngày 4.7.1976, chỉ hai ngày sau thống nhất VN, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa XHCN Việt Nam đã gửi một bức thư tới chính phủ Thụy Sĩ, chủ thể lưu trữ bốn Công ước Genève năm 1949, trong đó có tuyên bố như sau:

“Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ tiếp nối sự tham gia của Việt Nam Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong bốn Công ước Genève 1949 liên quan tới bảo vệ nạn nhân chiến tranh với những điều kiện hạn chế đồng nhất với những điều kiện hạn chế đã được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đặt ra.”

Là quan trọng để nhấn mạnh rằng trong bức thư này Việt Nam thống nhất không tuyên bố ý định kế thừa (succeed to) mà tiếp nối (continue) vai trò của Bắc Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam/Cộng hòa miền Nam Việt Nam) như các bên tham gia các Công ước Genève, những hiệp định đa phương duy nhất mà cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cộng sản đều là các bên tham gia. Theo đó, Cộng hòa XHCN Việt Nam thống nhất được đưa vào danh sách thành viên các Công ước Genève với ngày tháng 28.6.1957, ngày tháng tham gia có hiệu lực của Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng với các điều kiện hạn chế của cả hai nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đặt ra khi tham gia.

Thêm vào đó, quốc gia Việt Nam thống nhất có vẻ không chỉ tiếp nối các hiệp định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cộng hòa miền Nam Việt Nam) cộng sản, mà – trái ngược với chính sách chung của họ - thậm chí cũng tiếp nối một vài hiệp định của chế độ Sài Gòn. Thí dụ như thực trạng Hiệp định Tương trợ (Agreement of Assistance) giữa Trương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP và Việt Nam Cộng hòa ngày 5.7.1974, đã được tuyên bố kết thúc rõ ràng bởi Cộng hòa XHCN Việt nam khi nước này ký kết một thỏa thuận tiếp sau đó ngày 21.3.1978, dẫn đến việc tiếp tục áp dụng sau khi Việt Nam thống nhất vào tháng Bảy 1976. Tương tự như thế, Hiệp định cho Trao đổi Ấn phẩm chính thức (Exchange of Official Publications) song phương được ký kết giữa Úc và chế độ Sài Gòn vào năm 1954 tiếp tục có hiệu lực trong quan hệ với Cộng hòa XHCN Việt Nam thống nhất. Do vậy, xét theo khía cạnh tiếp nối vai trò thành viên trong các tổ chức quốc tế và chính sách có lựa chọn trong việc ngừng tham gia các hiệp định của Nam Việt Nam, có nghi ngờ liệu các hành vi thực tế của nhà nước Việt Nam thống nhất có được đặt nền móng trên các cơ sở pháp lý giáo điều hay không hay chúng được dẫn hướng bởi các cân nhắc chính trị và thực dụng thiết thực.

Không may là việc dùng tới yếu tố chủ quan về công nhận và thừa nhận của các nước thứ ba cũng không đem lại nhiều ánh sáng cho câu hỏi xác định loại hình sự thống nhất của Việt Nam. Bên cạnh việc hiếm hoi tài liệu, quan điểm của các nước thứ ba và tòa án của họ cũng rất khác biệt nhau. Thí dụ như một loạt các tòa án Mỹ giữ quan điểm về sự thống nhất của Việt Nam là vào tháng Bảy năm 1976, Bắc Việt Nam, nhận lấy tên mới, đã đơn giản sát nhập Việt Nam Cộng hòa, điều này dẫn tới nước Việt Nam Cộng hòa kết thúc tồn tại:
“Tháng Bảy 1976, lãnh thổ trước đó của Việt nam Cộng hòa đã được nối kết vào lãnh thổ của Bắc Việt Nam và nhà nước nảy sinh được gọi là Cộng hòa XHCN Việt Nam. Như thế, Việt Nam Cộng Hòa […] đơn giản không phải là suy tàn; nó đã chết.[…]
Việt Nam Cộng hòa, cả với tư cách nhà nước và chính phủ, chấm dứt tồn tại về mặt pháp lý cũng như thực trạng và Mỹ cho tới nay chưa công nhận một chính phủ nào là quyền lực hợp pháp trên lãnh thổ trước đó được biết tới như là Nam Việt Nam.”

Một nhìn nhận tương tự, tuy diễn đạt ít rõ ràng hơn, xem ra có vẻ là được Bộ trưởng Ngoại giao Pháp dùng tới, khi trả lời quốc hội nước này ngày 9.9.1978 đã có nhận định như sau:

“Sau khi Việt Nam Cộng hòa chấm dứt tồn tại, chính phủ Việt Nam mới không đưa ra tuyên bố cho biết có tiếp tục tham gia các hiệp định 16 tháng Chín 1954 và 16 tháng Tám 1955, đã được ký kết bởi Cộng hòa Pháp và chính phủ nam Việt Nam trước đó, hay không. Điều này, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế hiện thời về kế thừa nhà nước, dẫn đến kết quả là các hiệp định trên không còn tính ràng buộc với chính phủ Việt Nam hiện thời và trở thành vô hiệu lực.”

Mặt khác, vào ngày 20.1.1981, một tòa án Thụy Sĩ cho rằng: “Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được coi là người kế thừa pháp lý của Việt Nam Cộng Hòa”. Trong liên quan tới sự thống nhất của Việt Nam và địa vị của Cộng hòa XHCN Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, tòa án này nhận định tiếp như sau:
“Cộng hòa XHCN Việt Nam không phải là kết quả của một sự phân chia. Ngược lại, nó là một quốc gia duy nhất được hình thành trên lãnh thổ Việt Nam. […] Theo cách nói chung, Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp nhận các quyền lợi [và trách nhiệm] của Việt Nam Cộng hòa trước đó. […] Điều này dẫn đến bên bị tự động tiếp nối các chức năng [của Việt Nam Cộng hòa] liên quan đến các mối quan hệ ngoại giao.”

Tuyên bố này cho thấy, trong liên quan chỉ riêng tới Việt Nam Cộng hòa trước đó và sự thành lập của nhà nước mới Cộng hòa XHCN Việt Nam như là một nhà nước duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, sự thống nhất của quốc gia Việt Nam được coi là một trường hợp hợp nhất, dẫn đến sự tiêu vong của hai nhà nước đã được thống nhất lại và sự ra đời của một nhà nước mới, nhà nước này tự động có tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ của hai nhà nước tiền quốc trước đó. Trong bối cảnh này, là rất thú vị nhắc tới hành vi thực tiễn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong tư cách chủ thể lưu trữ các hiệp định đa phương, cá nhân này xem ra cũng có vẻ xác định sự thống nhất của Việt Nam như một trường hợp của loại hình hợp nhất .

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam (nước đã thay thế cho Việt Nam Cộng hòa) đã thống nhất vào ngày 2 tháng Bảy 1976 để lập ra một nhà nước mới, Cộng hòa XHCN Việt Nam (Việt-Nam)”.

Tuy nhiên, trong liên quan tới vai trò thành viên trong các tổ chức quốc tế, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lại không hành động trên cơ sở giả định như trên, mà lại coi sự thống nhất của Việt Nam là một sự hàn gắn(amalgamation) hai tư cách cá nhân (personalities) được tiếp tục, bao gồm cả địa vị thành viên của họ, vào thành một tư cách cá nhân, tương tự như thực tiễn đã được thành lập trong liên quan tới sự thống nhất của Cộng hòa A-rập Thống nhất và Tanzania. Cuối cùng, theo sau sự công nhận quốc gia Việt Nam thống nhất từ phía Vương quốc Anh, nhìn nhận như sau đã được trình bày bởi Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan trong một tuyên bố vào ngày 19.7.1976:

“Quan điểm của Hà Lan là, do Cộng hòa XHCN Việt Nam tự coi mình là một sự tiếp nối của hai Việt Nam trước đó, một sự công nhận chính thức của Hà Lan là không cần thiết.”

Tóm lại, với tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan đã được xem xét trên đây, có vẻ khó mà đặt Việt Nam vào một loại hình nhất định nào. Một số các yếu tố khách quan, đặc biệt là ưu thế của giới công chức và chính trị gia Bắc Việt Nam sau khi thống nhất, có thể ủng hộ cho thuyết sát nhập, trong khi các yếu tố khác như độ lớn của lãnh thổ hay dân số lại không ủng hộ cho thuyết này. Theo các yếu tố chủ quan, trường hợp Việt Nam phản ánh một cách hoàn hảo sự non yếu của một trắc nghiệm dựa trên các yếu tố này, các yếu tố này không chỉ là khó nắm bắt mà trong phần lớn các trường hợp, chúng không nhất quán rõ ràng và mâu thuẫn nhau. Nếu thiếu một tự nhìn nhận rõ ràng của quốc gia đang được xét tới, cũng như thiếu tính nhất trí, hoặc ít nhất là một xu hướng phổ biến trong nhìn nhận của các nước thứ ba, một trắc nghiệm dựa vào các yếu tố chủ quan trên trở thành bất khả thi.



No comments:

Post a Comment

View My Stats