Sunday 1 June 2014

SÁCH LƯỢC ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC (FB Nguyễn Hưng Quốc)




2-6-2014

Việt Nam có sách lược gì để đối đầu với những sự gây hấn của Trung Quốc, cụ thể nhất là qua vụ giàn khoan HD-981?

Có lẽ không ai biết cả. Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng, ở Philippines) nói một đàng, Đại tướng (Phùng Quang Thanh, ở Singapore) nói một nẻo. Thủ tướng hơi hơi cứng; Đại tướng thì lại mềm xìu. Thủ tướng muốn khều lại Trung Quốc một chút; Đại tướng thì từ đầu đến cuối chỉ thích xoa và vuốt. Vậy là sao?

Thật ra, cũng không có gì khó hiểu. Việt Nam tìm mọi cách để tránh đương đầu với Trung Quốc. Họ cương vừa đủ để bày tỏ lập trường, và đặc biệt, để trấn an dân chúng trong nước nhưng lại không muốn tạo bất cứ một cái cớ gì để Trung Quốc tấn công.

Trước mắt, nếu sách lược này có thể chấp nhận được, về phía Trung Quốc, nó lại bất lợi, nếu không muốn nói là tai hại, từ góc nhìn của phương Tây: Không ai hiểu được Việt Nam muốn gì cả. Không hiểu, người ta sẽ không tin. Không tin, người ta sẽ không làm bạn. Không làm bạn, người ta sẽ không giúp.

Về lâu dài, chính sách này chỉ có hại. Tránh làm cho Trung Quốc giận cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích Trung Quốc cứ lấn tới. Không tranh thủ được sự giúp đỡ từ bên ngoài, Việt Nam cứ cô đơn mãi.

Hiện nay, đối diện với lực lượng áp đảo của Trung Quốc chung quanh giàn khoan HD-981, Việt Nam hoàn toàn cô đơn. Với chính sách lập lờ và mập mờ như thế này, vài năm sau, khi Trung Quốc gia tăng mức độ uy hiếp hơn nữa, chắc chắn Việt Nam lại cũng vẫn cô đơn.

Và vì cô đơn nên lại vẫn tiếp tục nhượng bộ.

Việt Nam càng nhượng bộ, Trung Quốc càng lấn tới.

Lấn tới đâu nhỉ?

----------------------------------

1-6-2014

Trong status “Xin lỗi các ông Hùng Dũng Sang Trọng” vừa rồi, tôi có viết: những người cầm quyền Việt Nam hiện nay chỉ “giỏi cai trị (rule), nhưng hoàn toàn bất tài trong quản trị (governance) và đào nhiệm trong vai trò lãnh đạo (leadership) ngay cả khi đất nước bị khủng hoảng và lâm nguy”.

Sự khác nhau giữa ba khái niệm này rất rõ: Cai trị chỉ cần thủ đoạn và sự tàn độc; quản trị cần kiến thức và khả năng tổ chức, trong khi đó, lãnh đạo thì cần nhất là viễn kiến và khả năng đoàn kết mọi người lại với nhau.

Viễn kiến của các nhà cầm quyền Việt Nam, từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay, ai cũng thấy rõ, không vượt qua khỏi chiếc ghế dưới đít và tài sản kếch sù sau lưng họ và con cháu họ.
Một thứ viễn kiến như thế không thể tạo nên sự đoàn kết được, ngay cả sự đoàn kết trong nội bộ những người trong đảng nắm quyền lực cao nhất nước.

Chính sự thiển cận, tham lam và chia rẽ ấy là những mối nguy lớn nhất cho đất nước hiện nay cũng như trong tương lai. Chứ không phải là sự hiện diện của cái giàn khoan HD-981 hay chủ quyền trên các hòn đảo thuộc Hoàng Sa hay Trường Sa, những hòn đảo, nói theo ngôn ngữ của nhiều cán bộ cao cấp trong nước được nhiều người nhắc, “nhỏ xíu và chỉ toàn cứt chim”.

------------------------
PHỤ LỤC :

XIN LỖI CÁC ÔNG HÙNG DŨNG SANG TRỌNG

Với giới lãnh đạo cộng sản thuộc thế hệ thứ nhất, chủ yếu thời kháng chiến chống Pháp, tôi không thích nhưng vẫn phục; với giới lãnh đạo sau đó, tôi vừa không thích vừa không phục; với giới lãnh đạo hiện nay, tôi vừa ghét vừa khinh: Họ giỏi cai trị (rule), nhưng hoàn toàn bất tài trong quản trị (governance) và đào nhiệm trong vai trò lãnh đạo (leadership) ngay cả khi đất nước bị khủng hoảng và lâm nguy.




No comments:

Post a Comment

View My Stats