Phạm
Vũ Lửa Hạ dịch
Tháng 6 2, 2014
Trong bài viết sau đây, ký giả Ian Johnson điểm hai
cuốn sách mới về Thiên An Môn: Cộng hòa Nhân dân Lãng quên: Nhìn lại
Thiên An Môn (The People’s Republic of Amnesia: Tiananmen Revisited)
của Louisa Lim, do Oxford University Press xuất bản, và Những người
lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung
Quốc (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China)
của Rowena He [Hà Tiểu Thanh] do Palgrave Macmillan xuất bản.
Ian Johnson là phóng viên đóng tại Bắc Kinh của tờ The
New York Times. Ông đã giành giải Pulitzer Prize cho tin bài về Trung Quốc,
và đang viết một cuốn sách về việc Trung Quốc đi tìm các giá trị.
_____________
Mỗi độ xuân về, một người bạn lớn tuổi của tôi tên
là Từ Giác đến nghĩa trang Bát Bảo Sơn ở ngoại ô mạn tây Bắc Kinh để đặt hoa
trên mộ của chồng và con quá cố. Bà luôn sắp xếp đi viếng vào ngày 5 tháng 4,
nhằm lễ Thanh Minh. Lịch cổ truyền Trung Hoa có ba ngày lễ để tưởng niệm người
chết, trong đó quan trọng nhất là Thanh Minh – quan trọng đến nỗi vào năm 2008,
sau mấy chục năm cố gắng cấm đoán các tập quán tôn giáo truyền thống, chính quyền
đã công bố đó là ngày lễ toàn quốc và cho người dân được nghỉ một ngày để làm
tròn bổn phận của mình. Ngày nay các quan chức Đảng Cộng sản cũng tham gia; gần
như năm nào cũng vậy, truyền hình quốc gia chiếu cảnh họ viếng thăm đài tưởng
niệm các liệt sĩ cộng sản hay cúng bái Hoàng Đế, theo thần thoại là vị vua sáng
lập của dân tộc Trung Hoa, tại một lăng mộ hùng vĩ trên sông Hoàng Hà.
Nhưng tưởng nhớ có thể đặt ra những câu hỏi khó chịu.
Vài ngày trước cuộc viếng mộ dự kiến của Từ Giác, hai công an đến nhà bà và cho
biết họ sẽ có một ân huệ đặc biệt dành cho bà. Họ sẽ đích thân hộ tống bà đến
nghĩa trang và giúp bà quét dọn hai ngôi mộ và đặt hoa. Họ đặt điều kiện là sẽ
không đi vào ngày 5 tháng 4 dễ bị xúc động. Thay vì thế, họ sẽ đi sớm vài ngày.
Bà biết mình không có lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận. Năm nào họ cũng tạo
ra cảnh tượng lạ: một bà lão đến bằng ô tô đen với bốn công an mặc thường phục,
theo bà đến ngôi mộ của hai người thân đã ra đi của bà.
Con trai của Từ Giác bị lính bắn chết. Chỉ vài tuần
sau, tóc chồng bà bạc trắng. Năm năm sau, ông qua đời. Khí tử liễu, bà
giải thích: uất ức đến chết. Trên bia mộ của chồng có khắc một bài thơ lý giải
nguyên nhân giết chết hai người:
Xin dâng một bó hoa tươi
Tám cánh loa kèn
Chín đóa cúc vàng
Sáu bông tulip trắng
Bốn nụ hồng đỏ
Tám-chín-sáu-bốn: ngày 4 tháng 6 năm 1989
Tám cánh loa kèn
Chín đóa cúc vàng
Sáu bông tulip trắng
Bốn nụ hồng đỏ
Tám-chín-sáu-bốn: ngày 4 tháng 6 năm 1989
Đó là cái ngày mà Đảng Cộng sản xưa nay cố gắng hết
sức để xóa khỏi ký ức người dân. Vào đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 6, lãnh tụ tối
cao của Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình, và một nhóm lãnh đạo cao cấp phát lệnh cho
Quân đội Giải phóng Nhân dân đàn áp Bắc Kinh. Với mục đích bề ngoài là giải tán
sinh viên biểu tình khỏi Quảng trường Thiên An Môn, đó thực ra là một cuộc phô
trương vũ lực đẫm máu, một lời cảnh báo rằng chính quyền sẽ không chấp nhận việc
công khai phản đối sự cai trị của họ. Đến thời điểm đó, các cuộc biểu tình đã
lan đến hơn tám mươi thành phố trên khắp Trung Quốc, với hàng ngàn người biểu
tình kêu gọi có một hình thức chế độ chính trị cởi mở hơn, dân chủ giúp chấm dứt
nạn tham nhũng, đặc quyền, và sự tàn bạo của chế độ cai trị cộng sản.[i] Cuộc thảm sát ở Bắc Kinh và bạo lực do chính quyền chỉ đạo ở
nhiều thành phố khác cũng là lời nhắc nhở rằng quyền lực của Đảng Cộng sản xuất
phát từ nòng súng. Trong những thập niên tiếp theo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng
với tốc độ đáng kể, giúp hàng trăm triệu người thực sự giàu lên và có cuộc sống
tốt đẹp hơn. Nhưng đằng sau đó là một lời răn đe, một thông điệp nhắn nhủ rằng
chính quyền sẵn sàng tàn sát một số bộ phận dân chúng nếu họ cư xử không phải
phép.
Khi tôi trở lại Trung Quốc làm báo vào đầu những năm
1990, các sự kiện Thiên An Môn đã trở thành một tấn tuồng được trình diễn vào mỗi
mùa xuân. Cứ đến gần ngày đó, những người bất đồng trên khắp Trung Quốc sẽ bị
triệu tập, an ninh ở Bắc Kinh tăng gấp đôi, kiểm duyệt được siết chặt. Đó là một
trong nhiều ngày nhạy cảm trong lịch cộng sản, những ngày ngầm cấm kỵ phản ánh
nỗi sợ chủ yếu của bộ máy điều hành đất nước. Cứ như thể ngày 4 tháng 6, hay lục
tứ trong tiếng Hoa, đã trở thành một ngày Thanh Minh mới, một ngày mà chính
quyền xấu hổ khi phải thừa nhận là nó tồn tại. Hiện nay những vụ bắt bớ trong
tháng 5 và tháng 6 đã bớt đi nhưng vẫn là một phần trong đời sống thường nhật của
hàng trăm người trên khắp Trung Quốc, chẳng hạn như Từ Giác, mẹ của một nạn
nhân Thiên An Môn.
Còn lại gì? Tác giả Christa Wolf dùng cụm từ này làm
nhan đề cho một truyện vừa có bối cảnh ở Đông Berlin vào cuối thập niên 1970. Một
phụ nữ nhận thấy mình bị theo dõi và cố gắng khắc ghi một ngày trong đời mình
vào ký ức để bà có thể nhớ lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai khi mọi
việc được bàn luận tự do hơn. Đó là câu chuyện về sự uy hiếp và nỗi khát khao bị
đè nén. Đây có phải là cách thích hợp để nghĩ về Thiên An Môn, xem nó như một hồi
kịch đóng băng trong thời gian, chờ đến lúc được công nhận thực sự và có kết cục
trong một tương lai mơ hồ nào đó?
HAI cuốn sách mới tìm hiểu các sự kiện Thiên An Môn
từ góc nhìn này. Một cuốn có bối cảnh ở Trung Quốc và bàn về việc kiềm chế ký ức;
cuốn kia có bối cảnh ở nước ngoài và bàn về việc gìn giữ ký ức. Cả hai cuốn đồng
ý rằng ngày 4 tháng 6 là một thời điểm trọng đại trong lịch sử Trung Quốc đương
đại, một bước ngoặt làm chấm dứt lý tưởng và sự thử nghiệm của thập niên 1980,
và đưa đến một Trung Quốc siêu tư bản chủ nghĩa và siêu nhạy cảm của thời nay.
Cả hai cuốn sách không nhận là kể lại tường tận vụ
thảm sát đó, hay những sự kiện dẫn đến vụ thảm sát. Câu chuyện lịch sử đó được
kể lại trong cuốn Dẹp yên nhân dân: chuyện quân đội đàn áp phong trào dân chủ
Bắc Kinh (Quelling the People: The Military Suppression of the Beijing
Democracy Movement) của Timothy Brook, một sử gia được đào tạo kinh viện biết
sử dụng khả năng phân tích và truy tìm dữ kiện để tìm hiểu vụ thảm sát này.[ii] Tuy cuốn sách của Brook không dẫn một số tác phẩm quan
trọng xuất bản trong những năm 2000 (đặc biệt là hồi ký của tổng bí thư thời đó
Triệu Tử Dương[iii] và tuyển tập những tài liệu [nhà nước] bị rò rỉ gọi là Hồ
sơ Thiên An Môn [The Tiananmen Papers]), Dẹp yên nhân dân vẫn
là cuốn sách sử hay nhất kể về những sự kiện ở Bắc Kinh. Lời kết của ông tóm
tắt phần lớn những gì được viết về sau:
Những sự kiện ban đầu ngày càng chìm sâu vào trạng
thái quên lãng mà trong đó nhiều người, cả ngoại quốc lẫn Trung Quốc, muốn thấy
chúng biến mất, khi một mối quan hệ mới và có lợi hơn với nền kinh tế thế giới
bắt buộc thế hệ kế tiếp tránh lo ngại về nhân quyền.[iv]
Hai cuốn sách mới lấy bối cảnh thời kỳ hậu Thiên An
Môn, tìm hiểu xem sự kiện Thiên An Môn đã góp phần định hình xã hội Trung Quốc
ra sao, và có ảnh hưởng ra sao đối với một số nhân vật chủ yếu từng tham gia sự
kiện đó và nay đang sống lưu vong.
Cuốn Cộng hòa Nhân dân Lãng quên: Nhìn lại
Thiên An Môn của Louisa Lim có nhan đề tuyệt vời, cho thấy phần lớn những
gì chúng ta xem là đương nhiên ở Trung Quốc ngày nay là do những nỗ lực quên hoặc
vượt qua vụ thảm sát đó. Cuốn sách này là một loạt chân dung những người từng
tham gia ở Thiên An Môn hoặc chịu ảnh hưởng của nó, trong đó có một số đã xuất
hiện trong chương trình chuyên đề của Đài Phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR) – tác giả
làm phóng viên của NPR ở Bắc Kinh trong nhiều năm. Cấu trúc kể chuyện riêng rẽ
của sách có một số nhược điểm, chủ yếu là ở đầu sách thiếu một phần kiến thức nền
tảng hoàn chỉnh về vụ thảm sát – những diễn biến dẫn đến sự kiện, diễn ra như
thế nào và tại sao.
Nhưng Lim mở đầu bằng một chương hữu ích tên là “Người
lính”, mô tả cơ chế của vụ giết chóc, theo lời kể của một anh lính quèn thuộc
đơn vị trong Quân đội Giải phóng Nhân dân được lệnh giải tán quảng trường. Ai
cũng đã biết rằng quân đội không giải tán được quảng trường, trước tiên tập
trung binh lính ở ngoại ô, rồi chỉ cố gắng nửa vời để tiến vào Bắc Kinh trong
nhiều ngày liên tiếp khi các đám đông quần chúng nài nỉ và chọc ghẹo những người
lính trẻ, bảo họ đừng nghe theo lời tuyên truyền của các chính ủy và quay lại
doanh trại của họ. Cuối cùng, khi binh lính nhận được lệnh dứt khoát để ra tay,
họ gây thương vong khủng khiếp cho dân thường, những thương vong mà ta có thể
lý giải – tùy theo quan điểm của mỗi người – là do binh lính được huấn luyện
kém, các thủ đoạn thô bạo của cấp trên, hoặc là một nỗ lực có chủ đích để bình
định bằng khủng bố.
Lim phả hơi thở sinh động vào những kết luận tổng
quát này thông qua nhân vật của mình, một thanh niên u mê, bị tẩy não thuộc một
đơn vị bị lén lút đưa vào thành phố trên những phương tiện giao thông giả trang
trông như xe buýt công cộng, trong khi các đơn vị khác đi bằng tàu điện ngầm.
Đó là cách duy nhất để đơn vị của anh vượt qua được các chiến lũy dân sự và để
nhanh chóng tuồn binh lính và vũ khí vào Đại Lễ đường Nhân dân, một trong những
tòa nhà chính yếu trên quảng trường mà họ dùng làm nơi triển khai cuộc tấn
công. Trong những ngày sau vụ thảm sát, chúng ta biết có chuyện còn đáng ngạc
nhiên hơn – dân thường bắt đầu nhanh chóng đứng chung phía với binh lính, ít nhất
là ở nơi công khai:
Anh không tin là sự trở mặt này xuất phát từ nỗi sợ,
mà do ước nguyện sâu xa – thậm chí là điều cần thiết – muốn đứng chung phía với
những người chiến thắng, bất luận tổn hại đến đâu: “Đó là một cơ chế tồn vong
mà người dân ở Trung Quốc đã dần dần học được nhờ sống lâu dưới chế độ này. Để
tồn tại, tất tần tật đều là tuân thủ thượng lệnh.”
Cuốn sách tiếp tục với những chương khác xây dựng
xung quanh chân dung của nhiều nhân vật khác nhau. Chúng ta gặp một lãnh tụ
sinh viên về sau thành một doanh nhân, một sinh viên đương đại tò mò nhưng cẩn
trọng về quá khứ, một quan chức có đầu óc cải cách luôn bị chính quyền theo
dõi, một lãnh tụ sinh viên sống lưu vong, người mẹ của một sinh viên đã chết,
và một thanh niên có đầu óc dân tộc chủ nghĩa. Mỗi nhân vật giúp Lim đưa ra các
nhận định tổng quát hơn về việc chuyện lãng quên tổn hại ra sao đối với một người,
và đối với một xã hội.
Trong chương về vị cựu quan chức, Bào Đồng (Bao
Tong), Lim cũng sử dụng các hồi ký mới xuất bản để chất vấn các luận điểm chủ yếu
về cách chúng ta hiểu các mưu toan chính trị nội bộ đã dẫn đến cuộc thảm sát.
Cho đến nay, phần lớn các nhà quan sát giả định rằng sinh viên đã gây ra sự
chia rẽ trong giới lãnh đạo, với Đặng Tiểu Bình đứng về phe cứng rắn chống lại
Triệu Tử Dương, tổng bí thư có chủ trương cải cách và có phần thông cảm với
sinh viên. Đây cũng là quan điểm của Bào Đồng cho đến khi ông đọc hồi ký của thủ
tướng thời đó Lý Bằng, vốn cũng là một người có đường lối cứng rắn. Lý Bằng cho
rằng từ trước đó khá lâu Đặng Tiểu Bình đã phật ý với các khuynh hướng tự do của
Triệu Tử Dương. Khó mà biết được liệu cách lý giải này có đúng hay không, nhưng
Lim đúng khi nhấn mạnh điều này, cho thấy ngay từ đầu Triệu Tử Dương đã sa cơ
thất thế ra sao:
“Điều này chẳng liên quan gì đến sinh viên,” Bào Đồng
nói với tôi. Ông tin rằng Đặng đã dùng sinh viên làm công cụ để phế truất người
được chỉ định kế nhiệm ông. “Ông ta phải tìm ra được một lý do. Sinh viên càng
đấu tranh mạnh mẽ, Đặng Tiểu Bình càng có lý do. Nếu sinh viên đều về nhà, Đặng
Tiểu Bình chẳng có lý do gì.”
Điều này đặt ra câu hỏi được bàn luận nhiều trong một
phần tư thế kỷ qua là liệu sinh viên có thể tránh bị thảm sát hay không nếu họ
đã giải tán vài ngày trước khi hành động quân sự có vẻ trở thành tất yếu. Tuy
nhiên, khi xem lại tư liệu, ta có cảm nhận rằng không chỉ sự thất sủng của Triệu
Tử Dương mà cả vụ thảm sát cũng gần như là điều tất yếu. Đặng Tiểu Bình trước
đó đã luôn phản đối bất cứ sự bất đồng chính trị nào và ông dường như quyết tâm
dứt khoát phát đi một thông điệp rằng sự chống đối công khai sẽ không được dung
thứ.
TUY nhiên, mối quan tâm lớn hơn của Lim là sự kiện
Thiên An Môn có ý nghĩa ra sao trong xã hội ngày nay. Bà nhiều lần chứng minh rằng
những người dưới bốn mươi tuổi biết rất ít về Thiên An Môn. Trong một chương,
người sinh viên từng hoạt động nay thành doanh nhân thấy chẳng nghĩa lý gì đem
chuyện Thiên An Môn nói với cô vợ trẻ của mình. “Lý do họ không thích nói về
năm 1989 không phải là vì đó là một chủ đề nhạy cảm chính trị hoặc nó khiến họ
thấy khó chịu. Chỉ đơn giản là nó chẳng nghĩa lý gì với họ.”
Điểm này được thể hiện mạnh hơn trong một chương về
một sinh viên Trung Quốc đại lục mà Lim gặp tại một cuộc triển lãm về vụ thảm
sát này ở Hong Kong (ở đó một bảo tàng chuyên về Thiên An Môn vừa mở cửa). Bà
thấy chàng trai này, tên là “Feel” vì anh có “cảm nhận đặc biệt” về tiếng Anh,
rất tất bật và háo hức muốn biết nhiều hơn. Nhưng về sau khi bà đến thăm anh tại
trường ở Trung Quốc, anh trầm ngâm và cẩn thận, biết càng ít càng tốt về chuyện
đã xảy ra và tuân theo các chuẩn mực xã hội yêu cầu phải phớt lờ chuyện đó. Lim
giải thích sự nói dối và ngờ vực phổ biến trong giới trẻ bằng cách trích dẫn một
phát biểu của người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) nói rằng
Trung Quốc đã bước vào một thời đại “trong đó người ta chẳng còn tin vào bất cứ
điều gì và trong đó lời nói của họ không đi đôi với hành động, vì họ nói điều
này nhưng lại có nghĩa khác.”
Một trong những điểm quan trọng nhất của Lim là
Thiên An Môn khiến bạo lực trở thành điều có thể chấp nhận trong thời kỳ cải
cách hiện nay. Sau bạo lực của thời kỳ Mao Trạch Đông, người ta đã hy vọng rằng
các bất đồng xã hội sẽ không được giải quyết bằng vũ lực – rằng sẽ không còn Hồng
Vệ binh lục soát nhà để lùng bắt các kẻ thù có thật cũng như tưởng tượng, hay sử
dụng đại trà các trại lao động. Và tuy nhiều loại bạo lực trong những hình thức
bạo lực tàn khốc này đã được hạn chế, Đảng thường xuyên dùng vũ lực chống lại
những người phản đối mình, khám xét và giam giữ một cách phi pháp những người
chỉ trích. Biểu tình chưa chấm dứt. Dù nhà nước liên tục nói về sự hài hòa xã hội
và chi tiêu nhiều cho “việc duy trì ổn định” hơn cho các lực lượng vũ trang,
Trung Quốc còn đầy rẫy hàng chục ngàn cuộc biểu tình quy mô nhỏ mỗi năm, “các
tiểu Thiên An Môn” như lời của Bào Đồng nói với bà. Có khi là biểu tình vô thưởng
vô phạt của người lao động về hưu đòi lương hưu, nhưng có khi là biểu tình của
những người cố giữ không để nhà của mình bị cướp đi, và họ bị trừng phạt bằng
các cuộc tấn công bạo lực của bọn côn đồ nhà nước hoặc bằng các màn hạ sát phi
pháp của bọn công an trật tự đô thị thành quản [cách gọi tắt của Sở Quản
lý Hành chính và Chấp pháp Thành thị, N.D.]
Lim kể chuyện sinh động và rõ ràng. Bà nhanh nhẹn
chuyển đổi qua lại giữa chuyện kể của các nhân vật và các chiêm nghiệm tổng
quát, điểm xuyết cả hai bằng các tình tiết ngắn, cay nghiệt, ví như chuyện một
nghệ sĩ cắt đứt một phần ngón tay để phản đối vụ thảm sát, nhưng nay thấy ông
không thể giải thích lý do với đứa con trai mười hai tuổi. Rõ ràng Lim đã suy
nghĩ và quan tâm rất nhiều về sự kiện Thiên An Môn, và bà chấp nhận rủi ro lớn
khi viết cuốn sách này; nếu ta lấy lịch sử làm căn cứ, cuốn sách này có thể khiến
bà khó trở lại Trung Quốc, ở đó chính quyền có danh sách đen gồm những học giả
và ký giả có tác phẩm đụng đến các chủ đề nhạy cảm. Bởi vậy cuốn sách của bà đầy
can đảm, nghiên cứu một trong những vết thương đau đớn nhất của Đảng Cộng sản.
Chương cuối của Lim là một trong những chương đáng đọc
nhất, nhưng cũng cho thấy một số trở ngại của cuốn sách này. Thay vì phác họa
chân dung một nhân vật, bà kể lại vụ đàn áp người biểu tình ở Thành Đô, một
thành phố lớn ở miền tây nam và là trung tâm tri thức quan trọng thứ nhì của
Trung Quốc. Lim đào xới các công điện của Bộ Ngoại giao Mỹ và qua phỏng vấn
nghe các nhân chứng kể về sự đàn áp hết sức bạo lực các cuộc biểu tình ở đó.
Đây là một chương đọc đến sợ, viết đầy cao hứng.
Tuy nhiên, đôi khi Lim hơi gấp gáp khi mô tả các
phát hiện mới mẻ của mình. Các tác giả khác đã đưa ra luận điểm tổng quát cho rằng
điều đã xảy ra vào năm 1989 là một phong trào trên toàn quốc, nhất là trong cuốn The
Pro-Democracy Protests in China: Reports from the Provinces (Biểu
tình đòi dân chủ ở Trung Quốc: Tường thuật từ các tỉnh, xuất bản năm
1991), do Jonathan Unger chủ biên. Về các sự kiện ở Thành Đô, các tác giả đã
bàn về chúng, nhất là nhà văn Liệu
Diệc Vũ.[v] Lim đáng được khen vì đã kể lại các sự kiện dưới một hình
thức hoàn chỉnh hơn, và vì đã tìm ra rất nhiều thông tin mới. Nhưng việc người
ngoài cuộc thường xem sự kiện ngày 4 tháng 6 chỉ là chuyện ở Bắc Kinh chủ yếu
phản ánh sự thật là các sự kiện trên toàn quốc năm 1989 vẫn chưa được đề cập trọn
vẹn trong một cuốn sách. Có lẽ điều này cho thấy nhiều về sự thiển cận và tủn mủn
của các nghiên cứu học thuật hiện đại hơn là về chủ đề chính “sự lãng quên” của
Lim.
ROWENA He [Hà Tiểu Thanh] cũng đưa bức tranh vượt ra
khỏi ranh giới Bắc Kinh trong câu chuyện cảm động và rất riêng tư về cuộc đời của
một người di cư chính trị, Những người lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng
nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc.[vi] Nay là một giảng viên dạy một môn học nổi tiếng về Thiên
An Môn cấp đại học tại Harvard, Hà Tiểu Thanh chỉ mới là học sinh trung học
trong đợt biểu tình năm đó. Song bà vẫn hăng hái tham gia các cuộc biểu tình ở
Quảng Châu, quê của bà tại miền nam Trung Quốc, bà xuống đường dù cha mẹ cảm thấy
bất an. Sau khi các cuộc biểu tình bị dẹp tan ở đó, bà ngoan ngoãn học thuộc
lòng luận điệu tuyên truyền của chính quyền để có thể thi đỗ đại học, tốt nghiệp,
và cuối cùng kiếm được một việc làm tốt trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bắt đầu
bùng nổ.
Tuy nhiên, trong thâm tâm bà không thể quên được các
cuộc biểu tình. Rốt cuộc, bà khiến gia đình và bạn bè ngạc nhiên khi nghỉ việc
để sang Canada học cao học. Bà chọn chuyên ngành giáo dục với suy nghĩ rằng
giáo dục có ý nghĩa quan trọng để tránh một sự kiện Thiên An Môn khác. Bà cũng
bắt đầu kể chuyện lịch sử về cuộc nổi dậy này.
Cuốn sách của bà được viết theo truyền thống nghiên
cứu tự sự học thuật đương đại, qua đó bà kể chuyện của chính mình theo cách
giúp nhấn mạnh quan điểm của mình. Chúng ta biết về quãng đời bà lớn lên trong
Cách mạng Văn hóa, những khó khăn gia đình bà gặp phải, và chuyện lý tưởng của
cha bà đã bị đập tan ra sao trong thời Mao Trạch Đông. Bà theo mẹ rong ruổi với
một gánh hát, và đi đi lại lại giữa thành thị và nông thôn trong khi cha mẹ bà
phải chật vật thích nghi với những chiều hướng chính trị của thời kỳ đó. Tất cả
những chi tiết này giúp chúng ta hiểu cảm giác bị mắc bẫy mà thế hệ Thiên An
Môn cảm nhận khi lớn lên trong thời Mao Trạch Đông, và nỗi khát khao xuất phát
từ cảm giác đó được thoát ra và đi theo phong trào năm 1989.
Chuyện của chính tác giả được cân đối bằng ba câu
chuyện khác của các nhân vật nổi tiếng tham gia biểu tình: các lãnh tụ sinh
viên Dịch Đan Hiên (Yi Danxuan), Thẩm Đồng (Shen Tong), và Vương Đan (Wang
Dan). Những lời hỏi đáp của bà được điểm xuyết bằng các phần mở ngoặc chú thích
các câu trả lời, những lúc im lặng, và tâm trạng của những người nói chuyện với
bà.
Dù chuyện của Thẩm Đồng và Vương Đan đã được khá nhiều
người biết, những câu hỏi thăm dò nhẹ nhàng và các hiểu biết sâu sắc về tâm lý
giúp chúng ta hiểu cái lý tưởng đôi khi vị kỷ của những nhân vật này, những người
lao mình vào phong trào sinh viên mặc cho cha mẹ nài nỉ đừng tham gia. Như Dịch
Đan Hiên kể với tác giả:
Bạn bè và tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng chính quyền sẽ
ra lệnh cho quân đội nổ súng dù ngay từ đầu cha tôi đã nói là sẽ có chuyện đó.
Đúng là chúng tôi chẳng hiểu rõ bản chất của chế độ này.
Những nhân vật trong sách của Rowena He có thể được
xem là những kẻ thất bại. Thua cuộc, họ buộc phải sống ở nước ngoài, nơi họ
luôn ở trong tâm trạng ngờ vực và bất an – cũng chẳng đáng ngạc nhiên nếu biết
rằng chính quyền tiếp tục tìm cách lẻn vào máy vi tính của họ và theo dõi nhất
cử nhất động của họ. Cho dù họ đã tạo dựng cuộc sống có ích cho chính mình
trong môi trường kinh doanh hay học thuật, theo cách viết của tác giả,
xét về nhiều mặt Thiên An Môn là một bi kịch vẫn tiếp
diễn vì các nạn nhân không còn được xem là nạn nhân, còn bọn thủ ác không còn
được xem là kẻ thủ ác. Thay vì thế, kẻ thủ ác đã trở thành người thắng cuộc
trong bối cảnh một “Trung Quốc vươn lên”.
Nhưng Rowena He có những mối quan tâm sâu xa hơn là
chỉ tính ai thắng ai bại. Thay vì thế, bà cố hình dung chuyện gì xảy ra khi điều
ta yêu quý bị tiêu diệt. Nó có thật sự chết đi hay vẫn sống dưới những dạng
khác? Phải chăng ký ức của những người lưu vong không giá trị bằng hiện thực của
một chế độ quả đầu chính trị và kinh tế mà lâu nay đã xóa sạch lý tưởng của một
thế hệ trước? Tầm nhìn nào có khả năng tồn tại lâu dài hơn?
Với tôi, nghiên cứu là một trải nghiệm về không gian
và thời gian, một mối liên kết giữa nơi này và chốn kia, giữa quá khứ và tương
lai, với chúng ta sống ở hiện tại, cố gắng biến các giấc mơ cũ thành hiện thực.
Cội rễ luôn còn đó, nhưng các giấc mơ của ta có thể chết đi. Tôi hy vọng cuốn
sách này sẽ giữ cho các giấc mơ đó còn sống mãi – không chỉ những giấc mơ của
chính tôi mà cả các giấc mơ của những người khác.
Thảng hoặc, cuốn sách của Rowena He lãng mạn thái
quá và chú trọng quá nhiều vào trải nghiệm của các sinh viên để xem đó là tiêu
biểu của toàn phong trào đấu tranh này – hàng ngàn người lao động cũng đã tham
gia, và hầu như chẳng được nhắc đến. Nhưng tôi thấy cuốn sách này lý giải đầy
thuyết phục và rất hay về một trải nghiệm quan trọng trong đời sống Trung Quốc
đương đại. Ta không nên quên rằng, vì sự kiện Thiên An Môn, một số trí thức thuộc
hàng vĩ đại nhất của Trung Quốc ở cuối thế kỷ hai mươi đã chết ở xứ người.
Phương Lệ Chi (Fang Lizhi), Lưu Tân Nhạn (Liu Binyan), và Vương Nhược Vọng
(Wang Ruowang) nằm trong số những người nổi tiếng nhất. (Phương Lệ Chi và Lưu
Tân Nhạn từng cộng tác với The New York Review).
Về mặt này, phong trào lưu vong của Trung Quốc tương
đồng với các cộng đồng lưu vong lớn ở Châu Âu trong thế kỷ 20: người Ba Lan ở
London, người Nga ở Paris, sự lẩn tránh và ngờ vực của các sắc dân thiểu số
Đông Âu và Xô-viết ở Munich thời chiến tranh lạnh. Họ đôi khi bị chế nhạo và chỉ
còn làm phông trong các tiểu thuyết gián điệp, nhưng họ cũng có phẩm giá của
mình và thành tựu lớn lao, mặc dù họ hầu như không được biết đến nhiều ở quê
hương sau khi Bức
màn sắt sụp đổ.
SỐNG ở Trung Quốc ngày nay, người ta nhận ra rằng
nhà nhà người người lãng quên và lưu vong là chuyện phổ biến, nhưng cũng phổ biến
không kém là ý nghĩ cho rằng các sự kiện Thiên An Môn vẫn còn có ý nghĩa – rằng
chúng tiếp tục hiện diện, không chỉ theo nghĩa tiêu cực về việc gây ra trấn áp
và kiểm duyệt, mà còn theo nhiều cách tích cực. Tôi được nhắc về các phóng viên
của tờ New York Times Nicholas Kristof và Sheryl WuDunn; họ đã đặt
nhan đề cho cuốn sách bán chạy trong những năm 1990 của họ về thời kỳ đó là China
Wakes (Trung Quốc thức tỉnh). Ngày nay, một cuốn sách như vậy có lẽ
sẽ bàn về GDP, sự di cư của nông dân [lên thành thị], và các hàng không mẫu hạm,
nhưng các tác giả thiên tài ở chỗ cũng bàn đến Thiên An Môn, không chỉ như là một
bối cảnh cho tăng trưởng kinh tế – trong đó lý thuyết cho rằng sự cất cánh kinh
tế, về căn bản, là sự đền bù cho trấn áp chính trị – mà còn là một sự thức tỉnh
nói chung của người Trung Quốc, cho dù các khía cạnh chính trị của sự thức tỉnh
đó đã bị lu mờ trước sự phát triển kinh tế trong một phần tư thế kỷ qua.
Nếu điều này nghe có vẻ ngây thơ, hãy nhớ là gần
đúng một thập niên sau Thiên An Môn, mười ngàn người biểu tình lặng lẽ bao vây
khu đầu não lãnh đạo Trung Nam Hải của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, đòi cho Pháp
Luân Công được hợp pháp hóa. Phải chăng họ đã không nhận ra thông điệp tàn bạo
của chính quyền, hay họ đang ở một mức độ tiềm thức nào đó được khích lệ bởi một
ý thức đang gia tăng của dân thường – một ý thức cảm nhận rằng họ cũng có quyền?
Những người biểu tình Pháp Luân Công bị đàn áp dữ dội,
trong đó có tra tấn, và hiện nay phần lớn người dân thận trọng hơn về việc kêu
gọi thay đổi. Nhưng khi nói chuyện với các trí thức, nhà hoạt động, giáo viên,
mục sư, cha xứ, và nhà đấu tranh vì môi trường trong những năm qua, tôi đã nhận
thấy rằng hầu như tất cả đều nói rằng Thiên An Môn là một thời điểm hệ trọng
trong đời họ, giây phút mà họ thức tỉnh và nhận ra rằng xã hội cần được cải thiện.
Ví dụ, không thể nào trùng hợp ngẫu nhiên mà nhiều lãnh tụ Tin Lành quan trọng ở
Trung Quốc bàn về Thiên An Môn theo chiều hướng này, hoặc hàng ngàn cựu sinh
viên – không phải những lãnh tụ nổi tiếng đang lưu vong hay ở tù, mà là những
người tràn ngập các quảng trường và đường phố ở các thành phố Trung Quốc cách
đây hai mươi lăm năm – đang lặng lẽ đấu tranh cho các quyền hợp pháp và vận động
cho các vấn đề môi trường.
Đúng là nhiều người trong số này đã ít nhất bốn mươi
tuổi, và ta có thể có băn khoăn hợp lý, như tác giả Lim, về thế hệ sắp đến, thế
hệ mà lý tưởng của họ có thể nghe ấu trĩ hoặc không liên quan. Nhưng những người
theo đuổi lý tưởng chỉ chiếm thiểu số trong bất cứ xã hội nào. Thói ngờ vực cay
nghiệt và thói chuộng vật chất là rất đáng lo ngại, nhưng chính người Trung Quốc
– kể cả giới trẻ – hàng ngày vẫn bàn về sự hiện diện và mối nguy của chúng khi
trao đổi trực tiếp với nhau hoặc khi thảo luận trên mạng.
Cũng không kém phần mãnh liệt là nỗi khát khao phổ
biến về một điều gì khác – một cuộc tìm kiếm các giá trị và ý nghĩa sâu sắc cho
cuộc sống. Có người Trung Quốc tìm được điều này trong sinh hoạt tôn giáo, nên
tôn giáo có tổ chức liên tục phát triển mạnh. Nhưng nhiều người cũng tích cực
theo những cách khác. Có người đang hồi sinh và tái tạo các truyền thống, hoặc
chiêm nghiệm câu hỏi từ ngàn xưa của người Trung Quốc là làm sao để sống không
chỉ một kiếp bình thường gồm lao động, kết hôn và tạo dựng gia đình, mà còn là
một cuộc đời có đạo đức. Quả là sẽ quá nông cạn nếu ta quy kết mối quan ngại
này chỉ là do Thiên An Môn, nhưng một phần của cái động lực nhân văn này chắc
chắn có cội nguồn từ lý tưởng vô tận của thời kỳ đó. Có lẽ đây là một cách
khác, ít mô phạm hơn để nhìn về Thiên An Môn: xem đó là một sự hy sinh, không
chủ tâm và không ai muốn, đã giúp định hình một thời kỳ mới.
Đây chắc chắn là cách nhìn của Rowena He. Sau vụ thảm
sát, bà trở lại trường trung học, ngang ngạnh mang băng đen tưởng niệm người đã
khuất. Thầy cô buộc bà phải tháo băng đen, và bà đã khóc đầy cay đắng, nghĩ rằng
giấc mơ đã chấm dứt:
Khi tôi bị buộc phải tháo băng đen năm 1989, tôi
nghĩ rằng mọi việc xem như đã chấm dứt. Các thi thể đã bị nghiền nát, những cuộc
đời đã bị hủy hoại, các tiếng nói đã bị dập tắt. Họ có súng, nhà tù, và các cỗ
máy tuyên truyền. Chúng tôi chẳng có gì cả. Song, bằng cách nào đó chính vào
ngày 4 tháng 6 các hạt giống dân chủ đã được gieo trong tim tôi, và nỗi khát
khao tự do và nhân quyền đã ấp ủ. Như vậy hóa ra đó không phải là một sự kết
thúc, mà là một sự khởi đầu khác.
__________
Ảnh
1: Binh lính Trung Quốc quan sát cuộc biểu tình ở Quảng
trường Thiên An Môn vào tháng 5 năm 1989 trước khi quân đội được lệnh tấn công.
(Ảnh: Ken Jarecke/Contact Press Images)
Ảnh
2: Dựng tượng Nữ thần Dân chủ, Quảng trường Thiên An
Môn, tháng 5 năm 1989 (Ảnh: Alon Reininger/Contact Press Images)
Nguồn: Ian Johnson, The Ghosts of Tiananmen Square, The New York Review
of Books, số ra ngày 5/6/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ &
pro&contra
[i] Số thành phố có biểu tình được nêu rõ trong một triển lãm sau
vụ thảm sát ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự ở Bắc Kinh và được James Miles trích dẫn
trong The Legacy of Tiananmen: China in Disarray [Di sản của
Thiên An Môn: Trung Quốc hỗn loạn] (University of Michigan Press, 1996).
[ii] Độc giả cũng nên lưu ý tác phẩm của Ngô Nhân Hoa, một người
tham gia biểu tình ở Thiên An Môn và tác giả của hai tác phẩm bằng tiếng Hoa,
cùng với một cuốn sách sắp xuất bản của Jeremy Brown thuộc Đại học Simon
Fraser. Cảm ơn Perry Link đã nhắc đến các tác phẩm này.
[iii] Được Jonathan Mirsky điểm trên tạp chí The New York
Review of Books, ngày 2/7/2009.
[iv] Stanford University Press, 1998, trang 218. Cuốn sách này được
xuất bản lần đầu vào năm 1992. Ấn bản năm 1998 có thêm lời bạt, và câu này được
trích dẫn từ đó.
[v] For a Song and a Hundred Songs: A Poet’s Journey Through a
Chinese Prison (Vì một bài hát và một trăm bài hát: Hành trình của
một nhà thơ qua một nhà tù Trung Quốc), nhà xuất bản Houghton Mifflin
Harcourt, năm 2013, được Perry Link điểm trên tạp chí The New York Review of
Books ngày 24/10/2013. [Chú thích của người dịch: độc giả có thể đọc
một bài khác của Ian Buruma điểm cuốn sách này trên tạp chí The New Yorker
ngày 1/7/2013; xem bản dịch tiếng Việt Ngục tù của trí tuệ.]
[vi] Độc giả có thể đọc một phiên bản của lời giới thiệu do Perry
Link viết cho cuốn sách này đăng trên NYRblog ngày 31/3/2014 với nhan đề
China After Tiananmen: Money, Yes; Ideas, No (Trung Quốc sau
Thiên An Môn: tiền thì được, tư tưởng thì cấm). [Chú thích của người dịch:
một phiên bản khác dài hơn của cùng tác giả Perry Link có nhan đề “The
Specter of June Fourth” đăng trên trang China File ngày 20/4/2014; xem bản
dịch tiếng Việt Bóng
ma Lục Tứ.]
No comments:
Post a Comment