24/06/2014
Ngày 14/6/2014, một cuộc hội luận về chủ đề TPP và
Biển Đông đã được Đài SBTN Úc châu tổ chức. Tham gia cuộc hội luận này có giáo
sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc, đại diện cộng đồng người Việt ở đất
nước những chú chuột túi Kangaroo, và nhà báo Phạm Chí Dũng từ dân tộc đang phải
hứng chịu tủi nhục bởi Trung Quốc.
Dưới đây là phần diễn đạt của nhà báo Phạm Chí Dũng
trong tương tác với các vấn đề đặt ra từ người điều phối chương trình SBTN – luật
sư Nguyễn Văn Thân – và các diễn giả khác.
---------------
-
LS Nguyễn Văn Thân: Chúng tôi xin
trân trọng đón chào TS Phạm Chí Dũng là một nhà báo tự do ở Việt Nam, và tuy
câu hỏi đặt ra là thái độ của người Việt hải ngoại nên như thế nào đối với
khuynh hướng thương thảo của nhà nước CHXHCN Việt Nam hiện nay về vấn đề TPP,
tuy nhiên chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến của nhà báo Phạm Chí Dũng, là đối
với anh thì các cộng đồng người Việt hải ngoại nên có thái độ như thế nào và vấn
đề Việt Nam thương thảo để vào TPP gồm những phần nào ?
-
TS Phạm Chí Dũng: Tôi nói với quý vị về cảm nhận của tôi là một người
trong nước. Theo tôi, có thể là ngay trong năm nay, vào khoảng tháng 9, tháng
10 sẽ có những tín hiệu mới về vấn đề TPP, tức nhà nước Việt Nam có thể được
tham gia vào TPP một cách đặc cách chứ không phải theo cách bình thường. Những
vấn đề được đặt ra vào năm 2013 và lời hứa của ông Barack Obama – tổng thống
Hoa kỳ – về khả năng sớm nhất để Việt Nam có thể tham gia vào TPP, theo tôi chỉ
là một lời hứa không có thời hạn cụ thể, và năm 2013 đã kết thúc mà vẫn không
có tín hiệu nào cho thấy Việt Nam có thể tham gia vào TPP.
Tới nay đã có 21- 22 vòng đàm phán. Vòng đàm phán vừa
qua cũng chỉ giải quyết một số khúc mắc giữa Nhật Bản và Mỹ, trong khi đó Việt
Nam được đặt ra như một tiêu điểm. Theo ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công
Thương trong đoàn đàm phán phía Việt Nam, sau khi ở Mỹ về thì ông Khánh có nói
là Việt Nam là một trường hợp khó khăn. Một khi Bộ Công thương là một thành phần
thường trực của phái đoàn Việt Nam ở TTP mà đã nhận xét như vậy thì có lẽ Việt
Nam là một trường hợp khó khăn nhất. Điều khó khăn nhất có lẽ là vấn đề mà như
anh Paul Huy Nguyễn và Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tiến vừa nói, đây chính là vấn đề dân
chủ và nhân quyền. Ông Tom Malinowski trưởng phái đoàn đàm phán của Hoa kỳ
trong đối thoại Việt Mỹ vừa rồi tại Washington đã nói nhân quyền là một ưu tiên
đặc biệt, ưu tiên cao nhất trong quá trình làm việc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Như vậy dân chủ nhân quyền là vấn đề luôn được ưu tiên trong đàm phán TPP.
Vấn đề thứ hai là như giáo sư Carl Thayer đã nói là
vấn đề cải cách kinh tế. Hiện nay Việt Nam đang tái lập lại tiến trình cải cách
khoảng 20.000-30.000 doanh nghiệp nhà nước, tức là phải tiến hành cổ phần hóa
20.000-30.000 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên thế độc quyền của doanh nghiệp
nhà nước thì cho đến nay vẫn chưa giải quyết được một chút nào. Muốn cải cách
kinh tế thì trước hết phải cải cách từ độc quyền sang sự đa dạng về quyền năng
trong các doanh nghiệp. Hiện Việt Nam đang có các doanh nghiệp độc quyền về các
ngành điện, nước, xăng dầu, nhưng đến nay chưa có bất kỳ thay đổi nào. Vừa qua
giá các mặt hàng này vẫn liên tục tăng, trở thành vấn nạn đối với dân chúng, kể
cả những người làm cho nhà nước và cả những người trong lực lượng vũ trang. Một
khi Việt Nam chưa thể đáp ứng được những điều kiện này thì rất khó cho Việt Nam,
dù có được đặc cách để vào TPP thì khả năng đối ứng của cách doanh nghiệp Việt
Nam đối với đối tác nước ngoài vẫn khó khăn.
-
LS Nguyễn Văn Thân: Xin được hỏi
TS Phạm Chí Dũng, thái độ Việt Nam sẽ như thế nào? Liệu Việt Nam sẽ tiếp tục đu
dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và những bước kế tiếp của nhà cầm quyền Việt Nam
sẽ như thế nào? Như luật sư Lưu Tường Quang vừa nói, họ sẽ vẫn không nghiêng hẳn
về phía Hoa Kỳ hay họ sẽ tìm cách để thoát Trung như nhiều người trong nước đã
thảo luận về vấn đề này trong mấy ngày qua?
-
TS Phạm Chí Dũng: Tôi cho là chính sách đu dây của Việt Nam giữa
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã xuất phát từ thời điểm tháng 5-2013 khi diễn ra cuộc gặp
thượng đỉnh giữa ông Barack Obama và ông Tập Cận Bình, từ đó Việt Nam có chính
sách đu dây, đi hàng hai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cũng từ thời điểm đó, ta thấy
việc gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông giảm hẳn, nửa cuối năm 2013 hầu như
không có sự gây hấn mạnh mẽ quyết liệt nào ở khu vực Biển Đông, và mối tình Việt
Nam – Trung Quốc có thể nói khá là nồng ấm. Thời gian ấy, sau khi ông Trương Tấn
Sang đến Bắc Kinh, báo chí Việt Nam có thể nói là tô hồng lắm, liên tục ra rả
nói về 16 chữ vàng và người bạn 4 tốt như thế nào với Trung Quốc, ngược hẳn với
tình hình hiện nay khi người ta không nói đến 16 chữ vàng nữa, không nói về 4 tốt
nữa và các tờ báo đảng kiên định nhất như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An
Nhân Dân… im lặng, không nói một tý nào về 16 chữ vàng, thậm chí là ra rả phê
phán Trung Quốc.
Thời điểm tháng 5-2014 cần được coi là chấm dứt một
năm đu dây của Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chúng tôi – những người bất
đồng chính kiến, những người dân chủ – có nói chuyện và thảo luận với nhau thế
này: rất cảm ơn Trung Quốc, rất cảm ơn giàn khoan HD 981 vì họ đã mang một món
quà từ trên trời rơi xuống, làm cho cộng đồng người Việt Nam trong nước cũng
như ngoài nước có thêm sự liên đới với nhau, lần đầu tiên có sự khơi dậy. Tôi kể
cho quý vị một câu chuyện nhỏ thế này, cách đây hai tuần lễ lần đầu tiên chúng
tôi có 16 hội đoàn dân sự độc lập đã tụ họp nhau tại chùa Liên Trì quận 2 ở Sài
Gòn một cách thành công và không bị ngăn cản đáng kể. Các lực lượng an ninh lên
đến hàng trăm người nhưng họ đứng vòng ngoài không can thiệp trực tiếp. Đây là
một cuộc họp đầu tiên của xã hội dân sự tại Việt Nam mà không bị ngăn trở đáng
kể, trong khi vào năm 2013 chuyện đó khó xảy ra, còn từ năm 2012 trở về trước
chuyện này đã không thể xảy ra.
Vì vậy tôi cho rằng vấn đề TPP, vấn đề an ninh biển
Đông là có gắn kết liên đới với nhau rất mật thiết, cùng với các vấn đề mà TPP
đặt ra như dân chủ nhân quyền, vấn đề biểu tình, vấn đề lao động cho tới vấn đề
mà GS Carl Thayer đặt ra là cải cách kinh tế, cho đến vấn đề vũ khí sát thương,
kể cả vấn đề về chuyến đi được hứa hẹn của tổng thống Obama đến Việt Nam…, tất
cả các vấn đề đều có tính liên đới với nhau. Tất cả các vấn đề ấy dường như làm
cho nhà nước Việt Nam dịu đi một chút trong đối sách đối với giới dân chủ và bất
đồng chính kiến.
Cũng là lần đầu tiên phái đoàn của Liên minh châu Âu
tổ chức được một cuộc hội thảo với một số tổ chức dân sự độc lập tại Việt Nam,
ngay tại Hà Nội mà không bị ngăn cấm. Chuyện đó trước đây chưa hề xảy ra, cho
thấy một đối sách dường như kiềm chế của Hà Nội đối với giới dân chủ và bất đồng
chính kiến. Có vẻ nhà nước Việt Nam đang trở lại giai đoạn cuối 2006, đầu 2007
khi Việt Nam gần được chấp thuận tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế WTO,
cũng là giai đoạn huy hoàng của kinh tế Việt Nam, rồi sau đó Việt Nam cũng được
dỡ bỏ khỏi Danh sách cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC) của
Mỹ.
Như vậy hiện nay tình hình đang lặp lại, và nhà nước
Việt Nam không chỉ là đu dây quốc tế, mà tôi cho đó là một sự đi dây kể cả với
giới bất đồng chính kiến và dân chủ trong nước. Vừa qua luật sư Trần Vũ Hải ở
Hà Nội có kể cho mọi người biết là có những vị khách cao cấp trong chính quyền
đến đặt vấn đề với anh và có thể cả với một vài người khác nữa về khả năng tạo
ra một nhóm độc lập về luật sư để có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Đó
cũng là những chuyện trước đây chưa hề xảy ra. Tại sao nhà nước lại có sự “hàm
ơn” hay một thiện chí bất ngờ như vậy đối với những người bất đồng chính kiến
mà trước đó họ vẫn chỉ lăm le muốn bắt? Tôi đặt ra vấn đề đó để cho thấy là đã
có một sự chuyển đổi, và điều đó trả lời câu hỏi của LS Nguyễn Văn Thân là sắp
tới nhà nước Việt Nam sẽ làm gì.
Tôi cho là sắp tới họ sẽ không thể đi dây giữa Trung
Quốc và Hoa Kỳ được nữa, vì sự kiện giàn khoan HD 981 đã là một dấu ấn, một
thách thức không chỉ đối với Hoa Kỳ mà ngay trong vấn đề nội bộ của Việt Nam, tạo
ra một xu thế làm cho những người có khuynh hướng gần gũi hơn với phương Tây và
Hoa Kỳ phải quyết đoán, dứt khoát hơn. Có lẽ tôi không cần nói ra nhiều thì mọi
người cũng đoán được đó là những ai. Trong thời gian vừa qua những người như
ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những người như ông bộ trưởng ngoại giao Phạm
Bình Minh đã chịu lên tiếng một chút so với trước là không có một chút nào đối
với Trung Quốc. Một khi xu hướng trong nội bộ ngả về phương Tây rõ hơn thì xu
hướng thân Trung Quốc sẽ bị hạn chế phần nào đó, nhưng chỉ là hạn chế phần nào
chứ không có nghĩa là biến mất, bởi một số vụ bạo loạn xảy ra ở Bình Dương như
một số đồn đoán cho thấy là có sự lũng đoạn khá lớn của những lực lượng tình
báo ở đâu đó mà người ta cho là Hoa Nam, cho là có bàn tay của Bắc Kinh đã đi
sâu trong nội bộ Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam sắp tới không chỉ phải đối phó về
đối ngoại, không chỉ là về Biển Đông mà còn phải đối phó cả trên đất liền nữa.
Tôi xin nhắc lại vấn đề một kịch bản mà GS Carl Thayer đặt ra trên đài BBC tiếng
Việt, là nếu chiến tranh Việt Nam và Trung Quốc xảy ra thì thứ nhất sẽ xảy ra
trong một thời gian ngắn, thứ hai là quy mô nhỏ nhưng mà nó sẽ diễn ra không chỉ
trên Biển Đông mà còn trên đất liền. Tôi đồng ý quan điểm của GS Carl Thayer về
điều đó. Khả năng mà Trung Quốc có thể gây chiến với chúng ta hiện nay dù ở quy
mô nhỏ thì sẽ ở xung quanh khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, và có thể diễn tại một
mảng nhỏ ở biên giới phía Bắc mà có thể gây sát thương cho bộ đội Việt Nam.
Tôi xin tổng kết lại bằng một nghiên cứu của
tôi từ năm 2011 đến giờ là bất kỳ lần nào Việt Nam có động thái gần gũi với
phương Tây và Hoa Kỳ thì lập tức là Trung Quốc gây hấn, và đã diễn ra từ 2011 đến
nay ít nhất là 6 lần. Cứ mỗi lần có một chuyến đi hoặc có động tác chìa tay ra
của phương Tây đối với Việt Nam và Việt Nam đối ứng lại thì lập tức trên biển
Đông lại có chuyện. Đó là một quy luật mà tôi cho là đối với lịch sử Trung Hoa
là quy luật vĩnh viễn, rất khó mà có thể thoát Trung trọn vẹn như là câu hỏi của
anh Nguyễn Văn Thân đặt ra.
Cần thoát Trung như thế nào? Trước hết là vấn đề
kinh tế, chúng ta nhập siêu quá nhiều từ 23-24 tỷ USD như đã phân tích. Thứ hai
là về ảnh hưởng chính trị, và thứ ba – vấn đề lớn nhất – là thoát Trung về mặt
văn hóa. Hiện nay tư tưởng thoát Trung mới chỉ nhấp nhá manh nha khởi động chứ
chưa thật sự đóng góp cụ thể cho chiến lược thoát Trung của đất nước. Muốn
thoát Trung, chúng ta phải có một ý thức hệ chính trị đủ mạnh, đủ độc lập. Với
những ý thức hệ ngổn ngang như hiện nay, tôi không biết là có thể làm được điều
gì.
Vấn đề còn lại là cộng đồng người Việt Nam ở Úc và
các nước khác có thể làm gì để giúp cho chúng tôi – những người ở trong nước.
Tôi nghe câu hỏi này khá nhiều lần, và chúng tôi xin nói rằng một sự ủng hộ
tinh thần chia sẻ mà hôm nay chúng ta ngồi với nhau thế này đã là quý, là tốt,
và chúng tôi cũng chưa biết là sẽ cần gì hơn nữa. Nhưng bất kỳ một chế độ chính
trị nào ở Việt Nam, kể cả những chế độ sau chế độ này vẫn cần đến xã hội dân sự,
và chúng ta đang góp một bàn tay xây dựng xã hội dân chủ và xã hội dân sự cho
Việt Nam. Điều cần thiết là sự kết nối của các tổ chức dân sự trong nước với cộng
đồng người Việt hải ngoại. Một trong những điều cần khắc phục lớn nhất của
chúng ta là làm sao bỏ bớt tật xấu của người Việt đó là sự đố kỵ ganh ghét và
nói xấu lẫn nhau.
P.C.D
Tác giả gửi BVN
Video (2 phần)
HỘI
LUẬN & VẤN ĐÁP (Phần 1) - HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG
HỘI
LUẬN & VẤN ĐÁP (Phần 2) - HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)
No comments:
Post a Comment