Mặc
Lâm, biên tập viên RFA
2014-06-21
2014-06-21
Ngày 21 tháng Sáu hằng năm được dành cho báo giới Việt
Nam. Trong ngày này báo chí có những sinh hoạt nhất định để kỷ niệm những sự kiện
lớn đã xảy ra cũng như những bài viết, những hồi tưởng về sinh hoạt báo chí
trong một năm hay một khoảng thời gian nào đó trong cộng đồng người làm báo.
Cay
đắng lẫn ngọt ngào
Hội nhà báo Việt Nam có lẽ là nơi bận rộn nhất trong
ngày 21 tháng Sáu, dù muốn hay không đây là ngày trọng đại được dành riêng cho
người cầm bút được người đọc tin tưởng và trân trọng ban cho tên gọi thân quen:
nhà báo.
Ký giả, phóng viên hay nhà báo đều là những danh
xưng mà người nào đã chọn vào nghề báo chí cũng cảm thấy hãnh diện khi nghe người
đọc gọi đến. Niềm hãnh diện ấy càng nhân rộng nếu người phóng viên có những
phóng sự nổi tiếng, gan góc và tinh tế lột tả được thông tin cũng như số phận
những con người hay cộng đồng trong bài viết khiến xã hội chú ý, chính phủ bị
buộc phải có chính sách giải quyết hoặc lớn hơn là thay đổi cả một tư duy sai lầm
do bảo thủ.
Tuy nhiên không phải nhà báo nào cũng vinh quang và
thành công. Nhiều phóng viên trong mắt nhìn của người đọc có lúc nhợt nhạt, méo
mó do tư cách cá nhân của họ. Trong hoàn cảnh chập choạng tranh tối tranh sáng
hiện nay, không ít nhà báo đã chấp nhận dùng ngòi viết của mình để câu miếng lợi
danh, bất chấp tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cũng như lương tâm của một người
cầm bút.
Nhà báo Việt Nam không có may mắn như những nước
khác khi chế độ chính trị không cho phép họ thực hiện quyền làm chủ ngòi bút của
mình. Những vấn đề nhà nước không muốn cho người dân biết thường nằm dưới vỏ bọc
“nhạy cảm” và khu vực này ngày càng rộng ra từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến
chính trị, và đặc biệt là dân chủ nhân quyền. Đề tài mà người làm báo muốn viết
bị thu hẹp dần đến nỗi nhiều phóng viên không biết mảng đề tài nào nằm trong
khu vực “nhạy cảm” để mà tránh xa.
Phóng viên không thể viết theo niềm tin, theo sự thật
và nhận thức nên không ít người đã bỏ nghề và nếu không chấp nhận bỏ nghề họ sẽ
trở thành một con người khác, hoàn toàn xa lạ với danh xưng nhà báo mà xã hội
thường thân ái gọi họ.
Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, ông Tô Nhuận Vỹ
nhìn những người kế thừa làng báo hôm nay qua góc nhìn của một người trải nghiệm
nhiều cay đắng lẫn ngọt ngào trong nghề:
“Vấn đề là anh có thực sự muốn trở thành tờ báo của
nhân dân, của trí thức không. Vấn đề là anh có thực sự muốn là tiếng nói của cộng
đồng không. Còn anh thật sự muốn nói thì dù khó mấy anh cũng có thể nói được
tâm trạng nào đó của tầng lớp trí thức và những bức xúc của xã hội.
Cái khó là ở chỗ tờ báo có được mục tiêu cao cả
không. Tờ báo có thật sự có ích cho mọi người, cho nhân dân không. Anh có phần
nào đó nói được cái khát vọng, cái đau đớn đang diễn ra của nhân dân không. Có
những vấn đề của xã hội thời chiến tranh thì mình thấy những hạn chế có thể hiểu
được nhưng có cái không hiểu được, không thể chấp nhận: có những cái rõ ra rồi
nhưng cuối cùng không chịu nhìn thẳng vào nên yêu cầu vấn đề là theo tiến triển
của nhân dân, của xã hội. Thật sự ra vấn đề là ở con người của nhà báo: anh có
phải là người chân chính, người lương thiện hay không.”
Viết
theo lệnh?
Không ít những phóng viên miễn cưỡng ấy cũng là nhà
báo nhưng họ viết theo lệnh của đồng tiền vì không còn con đường nào khác. Những
đơn đặt hàng của doanh nghiệp thậm chí một đại gia nào đó đã dìm chết hai chữ
nhà báo khi ngòi viết phải nhúng vào thứ chất lỏng không phải là mực đã cho ra
những sản phẩm khó gọi là một bài báo đúng nghĩa.
Nhà báo giỏi phải là người đánh hơi được dữ kiện có
tính chất khuấy động xã hội nhưng tại Việt nam dù có viễn kiến, tầm nhìn nhưng
không được phép viết là nguyên nhân tiêu diệt hàng ngàn nhà báo giỏi. Không được
khai thác những đề tài nóng bỏng, những câu chuyện bị giấu nhẹm trong bóng tối,
nhà báo trở thành bị động, như những cây viết được nhồi bông. Câu chữ trở thành
mềm mại và uốn éo theo chỉ đạo của Ban tuyên giáo từ trung ương tới địa phương…
tất cả góp phần làm báo chí Việt Nam trở nên xơ cứng và lá cải dưới mắt người đọc.
Mỗi nhà báo chỉ có vài cơ hội để khẳng định mình
nhưng cơ hội ấy nhiều khi quá lớn hay quá nguy hiểm do nhiều nguyên nhân khách
quan, đặc biệt là cơ hội đến từ những sự kiện lịch sử có thể làm sụp đổ một huyền
thoại hay mang tới một kết quả trái với những gì mà hệ thống chính trị cố tình
che dấu.
Ông
Tô Nhuận Vỹ, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương kể lại trường hợp
của ông qua sự kiện tết Mậu Thân trong nghề làm báo của mình:
“Trong chiến tranh mình sống cùng với nhân dân trong
vùng giải phóng. Mình có cơ sở nội thành và viết về cái mảng “anh hùng chống Mỹ”
nhưng cái mảng đau đớn của nhân dân thành phố qua sự kiện Mậu Thân thì trước đó
mình không thấy, chưa có điều kiện để thấy. Sau này mình thấy nhưng mình không
thể chạy từ cửa này sang cửa kia. Nếu anh thật sự là người yêu mến nhân dân thì
anh phải chia sẻ niềm vui, nỗi đau của nhân dân, anh sẽ hiểu được và không ít
thì nhiều anh sẽ có cách để nói lên. Phẩm chất của nhà báo mà anh có được là vấn
đề trước hết.
Ngay lúc Mậu Thân ông Tư lệnh trưởng của Mậu Thân là
ông Lê Minh lúc đó trung ương đã đăng một bài của ông ấy. Bài đó có nói rằng
trong Mậu Thân chúng ta có sai lầm: nếu sai lầm với một gia đình thì chúng ta
xin lỗi một gia đình, mười gia đình thì chúng ta xin lỗi mười gia đình nhưng phải
nói là trong chiến tranh rất khó phân biệt giữa đúng và sai.
Vấn đề là người ta đã có tiếng nói như vậy mà nhiều
anh nhà báo còn không dám đăng. Tất nhiên việc Mậu Thân còn dài vì để lâu quá
và còn nhiều chuyện rất là ghê gớm. Đại để mình là người muốn chia sẻ nỗi đau của
nhân dân thì anh sẽ tìm ra được, sau Mậu Thân, một cách khách quan – không bên
này hay bên kia. Rất nhiều năm mình mới hiểu được một phần và mình bắt đầu viết
một chút về tệ hại trong tổ chức cách mạng và hiện nay mình đang viết. Vấn đề Mậu
Thân là vấn đề rất lớn.”
Tờ báo là nơi nâng cao hay chôn vùi một tài năng tùy
theo trình độ và sự tinh tế, dũng khí của một Tổng biên tập. Tuy nhiên trong hầu
hết các tờ báo hiện nay người Tổng biên tập không thể làm gì khác hơn với vai
trò một chuyên gia cắt xén. Nhìn bài viết của phóng viên dưới đôi mắt cảnh giác
khiến chính bản thân người Tổng biên tập mệt mỏi và không ít người đành bỏ nghề
mà không luyến tiếc.
Ông
Kha Lương Ngãi, Phó tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải Phóng là một thí dụ. Trình bày ý kiến của mình nhân ngày nhà báo ông cho biết:
“Nói chung ở một cơ quan báo đảng thì anh đã biết rồi
muốn làm điều gì tốt muốn làm điều gì đúng thì rất là khó. Suốt thời gian tôi
làm Phó Tổng biên tập tôi chẳng làm được điều gì cả cho nên tôi đã từ chức rất
sớm sau đó tôi xin về hưu trước hai năm. Tóm lại làm chính trị hay làm kinh tế
gì mà đã chịu nằm dưới sự lãnh đạo của đảng, thí dụ như làm kinh tế mà kinh tế
quôc doanh thì chỉ phá hoại, tham những thôi chứ không làm điều gì tốt được.
Còn làm một cơ quan chính trị như tờ báo dưới sự lãnh đạo của đảng thì chẳng
nói lên được sự thật gì và muốn làm người tốt thì cũng không được.
Không làm công tâm được đâu anh. Một tờ báo mà nói
lên những điều bức xúc, những điều quần chúng quan tâm, nói lên sự thật thì rất
khó. Một tờ báo làm kinh tế báo chí cũng không thể làm được nói chung đã là quốc
doanh thì không thể làm gì tốt cả.”
Bao
giờ mới bỏ từ “nhạy cảm”?
Ông Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên có
lẽ là người thành công nhất khi tòa soạn báo này có những bài viết hay, vượt
qua sợ hãi. Những phóng sự điều tra nóng bỏng và nhất là tờ báo rất thành công
trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam.
Tuy nhiên khi nhìn lại những hoạt động gần đây trong
lúc Trung Quốc ngang nhiên xâm lược Biển Đông bằng giàn khoan HD 981 người Tổng
biên tập báo Thanh Niên đã phải thốt lên rằng cách đối phó hiện nay của nhà nước
là không thích hợp và có thể mài mòn lòng yêu nước của người dân, ông Nguyễn
Công Khế cho biết nhận xét của mình:
“Muốn thắng ngoại xâm thì trước hết lòng tin của người
dân đối với chính quyền đó phải mạnh. Trước đây hồi chiến tranh với người Mỹ
thì các thế lực bên trong Việt Nam như Mặt trận giải phóng tham gia chống Mỹ
thì nếu so với Mỹ hồi đó chỉ một nghìn và một. Cả vũ khí khí tài, con người, lực
lượng nhưng vì người ta có lòng tin. Dân người ta tin vào lý tưởng đó người ta
yêu nước và có chỗ dựa cho nên Việt Nam trải qua cuộc chiến tranh lớn như vậy,
với những cường quốc nhu vậy nhưng mình thắng vì có lòng tin nơi chính nghĩa,
có lòng tin với chính quyền đó, người lãnh đạo đó.
Bây giờ tôi nói thật với anh là người ta rất yêu nước.
Anh thấy Trung Quốc vừa qua người dân thề hiện rất nhiều cách khác nhau bằng
cách biểu tình thậm chí nếu có chiến tranh họ sẵn sàng tình nguyện ra mặt trận,
thanh niên và kể cả những lớp lớn tuổi nhưng tôi nghĩ cái cách của mình như thế
này thì sẽ không thể động viên được nhân dân. Tôi chỉ sợ là đối với những người
trẻ họ không còn sức đề kháng nữa. Họ sa vào thực dụng ăn chơi thôi.
Nhưng khi Trung Quốc xâm lấn biển Đông thanh niên sẵn
sàng lên đường thì quá tốt. Đáng lẽ nhà nước và chính phủ phải khuyến khích những
điều đó và nhân sự kiện này để tập hợp dân chúng lại vì nó chính là sức mạnh của
dân tộc mình.
Ngày 21 tháng Sáu đối với nhiều nhà báo là dịp để ăn
uống trút buồn phiền bất an vào không gian của tiệc tùng chè chén. Với ông
Tô Nhuận Vỹ, ngày Báo chí Việt Nam là dịp để nhìn lại những mảng tối của
nghề nghiệp đặc biệt vào thời điểm hôm nay khi quá nhiều nhà báo không còn giữ
được phẩm chất của ngòi viết, ông nói:
“Nhà báo bây giờ có vẻ mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên,
nhà báo bây giờ hư nhiều lắm, hư hơn ngày xưa nhiều. Nhà báo phải có dũng khí,
trong sạch thì mới dấn thân đấu tranh được. Tỉ lệ hư không phải ít. Nhiều khi
anh là tập đoàn, nhiều anh có tiền có bạc, quyền lực mua nhà báo rất dễ. Giờ
nhà báo đầy cả. Nhiều người thiếu dũng khí. Ngày xưa nhà báo dũng khí mặc dù hiểu
biết kém nhưng dưới quyền lực của vua thì nô lệ không nhiều như bây giờ.
Bây giờ muốn chống tiêu cực thì chống tiêu cực trong
nhà báo chứ không phải ai khác. Các nhà báo thật sự tốt đẹp mình nghĩ không nhiều
đâu. Ngày 21 tháng Sáu mà đưa chuyện tiêu cực ra mà nói thì buồn quá. Làm người
tốt thì khó nhất trên đời mà làm nhà báo tốt lại khó hơn. Giữ mình tốt đẹp là cực
ký khó. Hãy làm một người tốt thì sẽ có nhà báo tốt.”
Hy vọng rằng trong những năm tới nhà báo Việt Nam sẽ
may mắn hơn những năm vừa qua. Bởi tài năng thì nhà báo Việt Nam không thiếu
nhưng sự may mắn có thể xem là rất khó xảy ra ngày nào Ban tuyên giáo còn nhìn
hai chữ này như một từ “nhạy cảm”.
---------------------------
No comments:
Post a Comment