Wednesday 11 June 2014

LIÊN HIỆP QUỐC CHỊU LÀM TRUNG GIAN HÒA GIẢI GIỮA TQ & VN về BIỂN ĐÔNG (RFI, BBC)




Đức Tâm  -  RFI
Thứ tư 11 Tháng Sáu 2014

Theo hãng tin Nhật NHK, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, ông Stephane Dujarric, hôm qua (10/06/2014) cho biết, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon có thể sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải nếu như các bên liên quan yêu cầu.

Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cũng nói rằng Tổng Thư ký Ban Ki Moon bày tỏ hy vọng các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cũng trong ngày hôm qua, đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan dầu và hơn 100 tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để tạo « môi trường » cho việc tiến hành các đàm phán về những tranh chấp ở Biển Đông.

Theo đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, chính quyền Bắc Kinh từ chối tiến hành đối thoại vì cho rằng không có tranh chấp, đồng thời khẳng định toàn bộ vùng biển nơi hạ đặt giàn khoan là của Trung Quốc.

Ông Lê Hoài Trung nói, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại nơi mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu, đó là nơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tuyên bố, việc Trung Quốc từ chối đối thoại là khiêu khích và làm dấy lên những quan ngại sâu sắc. Ông Trung nhấn mạnh : « Chúng tôi không muốn khiêu khích trong vấn đề này. Chúng tôi muốn có các cuộc thương lượng, có đối thoại hoặc bất kỳ biện pháp hòa bình nào để giải quyết tranh chấp. Cho đến nay, chúng tôi đã kiềm chế, nhưng đương nhiên, như mọi quốc gia khác, chúng tôi sẵn sàng thực hiện quyền tự vệ ».

Trong thời gian qua, chính quyền Hà Nội đã ba lần cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc các tài liệu tố cáo Trung Quốc.

Ngày 09/06 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo biện hộ cho việc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam và hôm qua, đại diện phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị cho lưu hành văn bản này tại Liên Hiệp Quốc.

Giới quan sát đặt câu hỏi, phải chăng với động thái này, Trung Quốc muốn « quốc tế hóa » hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Bởi vì cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chỉ trích các nước có tranh chấp, cũng như bên thứ ba, như Hoa Kỳ, là có ý đồ « quốc tế hóa » vấn đề này.

Thậm chí, Trung Quốc còn từ chối tham gia vụ Philippines kiện lên tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh cho rằng các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ song phương, giữa Trung Quốc với từng bên liên quan.

Còn tại Việt Nam, báo chí trong nước cho biết, ngày 06/06/2014 vừa qua, một tàu cá của Việt Nam lại bị tàu Trung Quốc đe dọa và đâm thủng, trong khu vực đường phân định Vịnh Bắc Bộ, cách quần đảo Hoàng Sa 500 cây số về phía tây bắc.

-----------------------

BBC
Cập nhật: 07:06 GMT - thứ tư, 11 tháng 6, 2014

Liên Hiệp Quốc nói họ sẵn sàng trung gian hòa giải cho cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.
Phát ngôn nhân Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric đã kêu gọi cả hai phía giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật.

Trong tuần qua, cả Bắc Kinh và Hà Nội đều gửi văn bản bày tỏ lập trường trong tranh chấp Biển Đông đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.
Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền với gần hết vùng biển này dựa trên một bản đồ mà họ vẽ vào giữa thế kỷ 20 với một đường biên giới ôm trọn Biển Đông và những yêu sách lịch sử mơ hồ từ hơn 1.000 năm trước.
Hôm thứ Ba ngày 10/6, Trung Quốc đã cho lưu hành ở Liên Hiệp Quốc một văn bản giải thích ‘chủ quyền lịch sử’ của họ trên Biển Đông và cáo buộc Việt Nam cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của họ một cách bất hợp pháp.
Trong khi đó, Việt Nam nói họ đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ qua.

‘TQ từ chối đàm phán’

Trả lời hãng thông tấn Mỹ AP hôm thứ Ba ngày 10/6, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Lê Hoài Trung kêu gọi Trung Quốc dời giàn khoan và hơn 100 tàu ra khỏi khu vực đang đóng để tạo ‘môi trường đàm phán’.
Tuy nhiên Đại sứ Trung cho biết Bắc Kinh từ chối đối thoại và một mực nói rằng vùng biển đặt giàn khoan không có tranh chấp gì cả và hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Ông nói Việt Nam có ‘nền tảng pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan’ mà ông nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ông cho biết việc Trung Quốc không chịu đàm phán là ‘khiêu khích’ và ‘gây quan ngại nghiêm trọng’.
“Chúng tôi không muốn khiêu khích trên vấn đề này,” ông nói, “Chúng tôi muốn đàm phán, đối thoại hay bất kỳ biện pháp nào giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.”
“Cho đến giờ chúng tôi vẫn kiềm chế nhưng dĩ nhiên chúng tôi luôn có quyền tự vệ như bất kỳ quốc gia nào khác.”
Tuy nhiên, Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh sau hàng chục năm chiến tranh người dân Việt Nam mong muốn hòa bình và ‘quan hệ thân thiện với Trung Quốc’.
Về các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc gây chết người, ông nói đó là do ‘một số phần tử cực đoan’ bị kích động bởi việc Trung Quốc đặt giàn khoan và Chính phủ Việt Nam ‘rất hối tiếc’.
Ông cho biết Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp ngăn ngừa những sự việc tương tự lặp lại và rằng nhiều nghi phạm đã bị bắt giữ và truy tố.

------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats