Tú Anh - RFI
Thứ ba 03 Tháng Sáu 2014
Trong
vòng một phần tư thế kỷ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công áp đặt « quốc
sách lặng im » triệt tiêu mọi thông tin, mọi hình ảnh, mọi ký ức về vụ thảm
sát đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn đêm 03 rạng 04/06/1989. Đặng Tiểu
Bình bật đèn xanh cho quân đội nổ súng sát hại sinh viên, còn trách nhiệm xóa
ký ức dân tộc dành cho các thế hệ lãnh đạo kế thừa.
Theo một bài phóng sự của AFP gửi đi từ Bắc Kinh thì
một phần ba dân số Trung Quốc chưa được 25 tuổi. Đây là những người chào đời
sau vụ đàn áp phong trào « Mùa Xuân Bắc Kinh ». Họ gần như không biết gì
về biến cố lịch sử ngày 04/06/1989. Một sinh viên 20 tuổi không giấu vẻ bối rối
khi được AFP đặt câu hỏi về vụ đàn áp : Xin lỗi, tôi không biết ông muốn nói đến
chuyện gì ?
Một thanh niên già dặn hơn, 27 tuổi, làm việc trong
ngành quảng cáo cho biết là « có nghe nói ». Tuy nhiên, một lần anh nêu
vấn đề với bạn bè để tìm hiểu thêm thì được một người trả lời « hoàn toàn
không biết gì ».
Vì
sao một biến cố lịch sử mới xảy ra cách nay 25 năm mà giới trẻ Trung Quốc hoàn
toàn mù tịt ?
Jeremy Goldkorn, sánh lập viên trang mạng Danwei, và
là một chuyên gia về internet Trung Quốc giải thích : Chương trình kiểm soát
giáo dục và kiểm duyệt thông tin báo chí loại trừ những từ ngữ liên quan xa gần
đến phong trào Thiên An Môn, đến khát vọng tự do dân chủ trong suốt 25 năm qua
đã làm cho rất nhiều người trẻ không biết chuyện gì đã xảy ra hoặc nếu biết thì
cũng rất mù mờ.
Đó là chưa kể bản tính ít muốn tìm hiểu của một bộ
phận dân chúng Trung Quốc ngày nay không muốn nhắc đến những cơn ác mộng đau
thương quá khứ.
Thật ra, giới chuyên gia, trí thức Trung Quốc biết
rõ thâm ý của giới lãnh đạo. Từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, đến Tập Cận Bình,
liệu có ai muốn cho thế hệ trẻ biết rằng, cách nay 25 năm, có hai vị Tổng bí
thư là Hồ Diệu Bang và Triệu Tự Dương muốn cải cách hệ thống chính trị chuyên
chế và tham ô này, như Gorbachev thực hiện ở Liên Xô ?
Một giáo sư đại học Bắc Kinh xin giấu tên phân tích
: Giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc bị phong trào Thiên An Môn ám ảnh. Họ
không muốn tái diễn làn sóng tranh đấu đòi dân chủ của năm 1989 mà một bộ phận
rất lớn đảng viên đã ngả theo.
Cũng như trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, chế
độ kiểm duyệt không tha các mạng thông tin xã hội từ khi internet ra đời. Tự điển
bách khoa toàn thư trên mạng Baidu (Bách độ) không có sự kiện của năm 1989. Còn
trên công cụ tìm kiếm của tiểu blog Weibo (Vi bác), tất cả các từ có thể gợi nhớ
Thiên An Môn kể cả con số 4 và 6 cũng bị chận.
Chính
sách « xóa ký ức » đã đưa đến nhiều hệ quả nực
cười. Năm 2007, cô thư ký xuất bản mới tốt
nghiệp khoa báo chí đã cho đăng bài « Vinh danh những người mẹ nạn nhân ngày
4/6 » trên báo Thành Đô buổi chiều làm chính quyền điên tiết.
Tháng 6/2012, chỉ số sàn giao dịch Thượng Hải mất
64,89 điểm. Lập tức chỉ số Thượng Hải bị xóa trên các mạng vì bộ máy kiểm duyệt
tự động tưởng lầm là « tháng 6 ngày 4 năm 1989 ».
Các nhà tranh đấu Trung Quốc, trong đó có khôi
nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba công khai kêu gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc cải
cách để tránh tái diễn một vụ Thiên An Môn thứ hai, mà theo họ không thể tránh
được tại một nước mà trung bình mỗi 5 phút có một cuộc phản kháng.
Tuy nhiên, sau khi Tập cận Bình lên nắm quyền thì tức
khắc đưa ra một nghị quyết 7 thứ cấm. Ngoài vụ Thiên An Môn, còn có cấm giảng dạy
hay đề cập đến cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, nạn đói của chính sách đại
nhảy vọt làm hơn 30 triệu người chết.
Chính sách viết lại lịch sử, xóa ký ức sẽ còn kéo
dài, nhưng người dân Trung Quốc vẫn tìm cách lách kiểm duyệt và những bà mẹ mất
con vẫn kiên trì chống lại sự vô tâm. Bà Đinh Từ Lâm, nguyên là giáo sư đại học
Bắc Kinh có đứa con 19 tuổi bị bắn chết, khẳng định : Cho dù thế hệ trẻ hôm nay
mải lo kiếm tiền, nhưng một đại thảm nạn như thế không thể nào bị che dấu mãi.
Sự thật sẽ được phơi bày.
Tại Hoa Kỳ, nhân ngày 04/06/2014, hai cựu lãnh đạo
sinh viên Thiên An Môn là Vương Đan và Vương Quân Đào tung ra một phong trào mới
lấy tên là « Thiên hạ vây thành » với mục đích huy động những tiếng nói
đồng tâm thúc đẩy nhân quyền tại Hoa lục, xây dựng chế độ dân chủ thay thế chế
độ độc đảng, như lời hai ông tuyên bố tại Quốc hội Mỹ ngày hôm trước.
-------------------------------
Các
bà mẹ Thiên An Môn: Không muốn trả thù, nhưng từ chối sự lãng quên (Le
Figaro/ Thụy My).
4.6.1989:
THIÊN AN MÔN ĐẪM MÁU (Khối 8406)
THIÊN
AN MÔN VẾT NHỤC NGÀN NĂM (FB Nguyễn Hữu Quý).
No comments:
Post a Comment