Viễn
Kiều (VRNs)
Đăng ngày: 09.06.2014
VRNs ( 09.06.2014) – Sài Gòn- Sau hơn 1 tháng hạ đặt giàn khoan HD 981 trong thềm
lục địa Việt Nam, cuộc “rượt đuổi và phun nước” của các tàu Trung Quốc đối với
tàu Việt Nam vẫn diễn ra, và có vẻ trong những ngày đầu tháng 6, cường độ xung
đột mà bên Trung Quốc chủ động ngày càng tăng.
Các báo Việt Nam vẫn đưa tin sự kiện này từng ngày
trên các trang nhất. Theo báo Thanh Niên số ra ngày 5.6 thì các tàu Trung Quốc
càng lúc càng hung hăng, đã đâm hư hại nặng tàu kiểm ngư Việt Nam. Ngoài ra tàu
Trung Quốc số hiệu 32101 còn mở bạt che, khoe những khẩu pháo lớn! Theo tờ báo
này thì “đã khiến 8 giường ở hai phòng ngủ gần mạn tàu và hai bàn làm việc bị
gãy toàn bộ. Toàn bộ trần bị bóp méo. Nhiều công trình bên trong bị thiệt hại nặng.
Một số hệ thống máy phát điện và thông tin bị chập cháy”.
Dù vậy các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam có
vẻ đang áp dụng nghiêm ngặt “chiến thuật” mềm dẻo, họ chị phát loa tuyên truyền
và bỏ chạy khi bị tàu Trung Quốc tấn công mà không phản ứng lại bằng sức mạnh.
Còn báo Tuổi trẻ đưa tin Việt Nam đang dự tính phải
có 30.000 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ. Hiện ước tính Việt Nam có khoảng 25.000
chiếc từ 90 mã lực trở lên (tàu có khả năng đánh bắt xa bờ từ 50 hải lý trở lại)
nhưng là vỏ gỗ nên cần được nâng cấp từ tàu gỗ lên thành tàu vỏ thép và phải có
công suất lớn, có thể đi biển xa hơn, dài ngày hơn. Điều này cho thấy Việt Nam
đang tính đến một cuộc “chiến tranh nhân dân” lâu dài trên biển, dù việc đưa
ngư dân tiếp cận khu vực giàn khoan bị không ít cư dân mạng chỉ trích.
Trong khi đó phía Trung Quốc tuyên bố sẽ không nhượng
bộ tại Biển Đông và đang chuẩn bị đóng hoặc đưa thêm các giàn khoan khổng lồ
vào khu vực hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Những động thái này của hai bên
làm nhiều người nghĩ đến một kịch bản nguy hiểm hơn khi có thể có một chiếc tàu
bị chìm, gây thương vong, dẫn đến một cuộc nổ súng? Và dù Việt Nam luôn nhấn mạnh
yếu tố “hòa bình, hữu nghị” nhưng các nhà nhận định tình hình cho rằng Trung Quốc
sẽ khó mà từ bỏ tham vọng có tính toán từ nhiều năm của họ bằng cách đàm phán,
và vì vậy việc nhượng bộ chỉ là một ảo tưởng cần nhanh chóng dứt bỏ nếu không
muốn đánh mất chủ quyền quốc gia.
Điều gì sẽ xảy ra vào thời gian tới? Một cuộc đụng độ
tại khu vực giàn khoan? Việt Nam sẽ gửi đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế?
Hay là Việt Nam sẽ nhượng bộ?
Trong tình hình hiện nay, có lẽ kiện là phương pháp
Việt Nam phải chọn lựa khi Trung Quốc tiếp tục càng lúc càng lấn tới.
Viễn
Kiều
No comments:
Post a Comment