Saturday, 7 June 2014

ĐIỂM SÁCH "HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955-1975" của NGUYỄN VĂN LỤC (Hoàng Nhất Phương)




Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Bảy, 07/06/2014


Thật khó có thể đưa ra một định nghĩa trọn vẹn về lịch sử, bởi vì lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, gắn liền với đời sống của nhân loại, bao trùm tất cả mọi lãnh vực trong xã hội. Theo Tiến Sĩ Sue Peabody thuộc Khoa Lịch Sử của Đại Học Washington State Vancouver: "Lịch sử là câu chuyện kể trong đó chúng ta nói chúng ta là ai. History is a story we tell ourselves who we are." Hay như nhà tâm lý kiêm chính trị gia Cicero người La Mã từng nhận xét: "Phải chăng lịch sử - một tiếng nói khác vang vọng hơn tiếng nói của nhà hùng biện - là bằng chứng của thời gian, là ánh sáng của sự thật, là giòng sống của ký ức, là nữ chúa của cuộc đời, là sự khởi đầu của thời cổ đại, và là một cam kết bất tử." ["By what other voice, too, than that of the orator, is history, the evidence oftime, the light of truth, the life of memory, the directress of life, theherald of antiquity, committed to immortality?"] Lịch sử còn được hiểu là toàn thể các sự kiện đã diễn ra theo từng cột mốc thời gian, sau đó được ghi chép lại thành những pho sử ký. Dựa vào một vài quan điểm nói trên, tác phẩm "Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975" của Nguyễn Văn Lục là một tài liệu lịch sử-chính trị-văn học, ghi lại những điều đã xảy ra trong suốt hai thập niên mà tác giả vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân.

Đối với những ai sinh vào cuối thập niên 1950 hay trong những thập niên 1960, 1970, 1980…v.v…, khái niệm "di cư, ám sát, vào tề, về thành, việt gian, đảo chánh…" chỉ là những từ ngữ in trên báo chí, đọc được trong các bài xã luận, hay trong những tài liệu nói về các cuộc chính biến có liên quan đến xã hội Việt Nam. Nhưng với Nguyễn Văn Lục đó là một giòng lịch sử ông đã chứng kiến, đã từng trải, để sau này tỉ mỉ ghi lại trong “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975" - tác phẩm do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành năm 2010, gồm có 3 phần chính:
*. Phần 1: Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam, gồm sáu chương từ trang 31 đến trang 211
*. Phần 2: Sinh Hoạt Văn Học Miền Nam, gồm sáu chương từ trang 267 đến trang 366
*. Phần 3: Sinh Hoạt Dịch Thuật & Báo Chí Miền Nam, gồm sáu chương từ trang 375 đến trang 512

Chương 1 của phần 1 "Cuộc di cư 1954-1955" mở đầu bằng những giòng tự thuật:

"Tôi chỉ là một hạt cát trong biển người di cư từ Bắc vào Nam. Xấp xỉ 60 năm rồi, hiểu biết trước đây của tôi về cuộc đi cư ấy chỉ là những mảnh rời lãng đãng, nhớ nhớ quên quên qua cuốn Cuộc Di Cư Vĩ Đại, Sài Gòn 1956 do chính quyền miền Nam xuất bản…Nay nhìn lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh quá khứ - như một cái vẫy cánh của con chim đã xa tổ, lìa cành nhìn lại…Cũng khó tránh khỏi bùi ngùi nhớ đến những người muốn đi mà không đi được, đành chịu cảnh đọa đầy thêm mấy chục năm và nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua…"

Cái vẫy cánh của con chim đã xa tổ lìa cành dẫn đưa người đọc bước lên boong tàu LST "gọi nôm na là tàu há mồm dùng để vận chuyển khí cụ, xe cộ…v.v… - rất quen thuộc đối với người tị nạn. Những con tàu vốn chỉ chuyên chở xe tăng, vũ khí hạng nặng dùng để giết người, nay chở nhữngcon người tị nạn." [Chương 1] Chiến dịch "Operation Passage To Freedom" với 113 chiếc tàu LST-526, LST-803, LST-825, LST-840…v.v… như hiện ra trước mắt người đọc. Gần hai triệu người "với những đôi chân trần, chưa hề biết xỏ vào giầy, dép" đã bồng bế-gồng gánh-dìu dắt nhau lên tàu vượt biển vào Nam tìm con đường sống. Có ít nhất 66 người chết trên biển vì nhiều nguyên do, và có 184 trẻ sơ sinh chào đời trên các tàu chiến. Nhưng không thể biết bao nhiêu người đi trên những bè mảng ghép vội vàng đã chết trên biển, trong lần vượt trùng dương tìm tự do thuở ấy! Nguyễn Văn Lục vẽ ra một vùng biển mênh mông, trên đó có đoàn tàu há mồm đưa người Miền Bắc vượt cơn gió mạnh vượt làn sóng dữ, chạy trốn hiểm họa cộng sản lần thứ nhất sau hiệp định Geneva 1954 vào Miền Nam. Tác giả kết luận: "Những người di cư đều quyết tâm mới đi được, nên đã có lời ví với cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân. Gần hai triệu đôi chân đã bỏ phiếu như thế. .., đôi chân của những dân quê nghèo nàn, cơ cực. Không chỉ người Thiên Chúa Giáo di cư, mà có đủ loại người, đủ thành phần xã hội."

Một cuộc exodus - một cuộc di cư của hàng triệu con người biểu lộ thái độ quyết liệt giữa sống và chết, giữa nền dân chủ tự do và chế độ cộng sản đã từ Bắc vào Nam, để rồi sau đó vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân của những điều tốt xấu, thành bại, hay dở, đã xảy ra tại vùng đất di cư mới. Thuở ấy Miền Nam thiếu vắng người trí thức, vì họ bị thực dân Pháp và Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản giết hại quá nhiều như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Phú Sổ… Nhưng sau đó rất nhiều trí thức từ Miền Bắc di cư vào đã lấp đầy khoảng trống này, và họ đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng sự ổn định tại Miền Nam, như tác giả ghi nhận: "Vào thời gian này, cuộc sống người dân đã có nhiều cải tiến. Về giáo dục, các trường tiểu học, trung học được thành lập từ cấp tỉnh đến quận. Về y tế, mỗi tỉnh đều có trạm y tế và nhà thương. Vấn đề đào tạo giáo viên, y tá, cán sự y tế, giáo sư trung học được đẩy mạnh. Các trường đại học, kỹ thuật, hành chánh, các trường võ bị mỗi năm đã đào tạo một số lượng chuyên viên, sĩ quan đáp ứng đủ nhu cầu." [Chương 2]

Tuy nhiên xã hội Việt Nam không trường tồn vĩnh cửu trong bức tranh thanh bình nói trên. Sự ổn định chính trị dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa tại Miền Nam chẳng kéo dài. Dân chúng đã có những dấu hiệu bất mãn . Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Lục: Sự phát triển và thành công của lý thuyết cần lao nhân vị, đoàn thể thanh niên thanh nữ cộng hòa, lực lượng giáo dân di cư…, khiến chính phủ Ngô Đình Diệm dư đầy hào hãnh tự cho mình có đủ năng lực điều hành đất nước, không những từ chối đối thoại với các thành phần đối lập quốc gia mà còn bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu; khiến tình trạng bất mãn, rạn nứt giữa dân chúng và các nhà lãnh đạo càng ngày càng trầm trọng. Nguyễn Văn Lục hồi tưởng: "Tình trạng bất mãn thực sự công khai hóa vào ngày 26 tháng 4 năm 1960, với sự kiện 18 nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam họp báo tại khách sạn Caravelle, phổ biến bản tuyên ngôn gửi tổng thống Ngô Đình Diệm. Ký tên trên bản tuyên ngôn gồm các nhân vật Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Trần Văn Lý, Nguyễn Tiến Hỷ, Trần Văn Đỗ, Lê Ngọc Chấn, Lê Quang Luật, Lương Trọng Tường, Nguyễn Tăng Nguyên, Phạm Hữu Chương,Trần Văn Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất và linh mục Hồ Văn Vui." Hầu hết những người ký tên đều bị bắt giam.

Theo như ông Nguyễn Văn Lục nhận xét: Bản tuyên ngôn của nhóm trí thức Caravelle mở đầu cho vụ đảo chánh, dội bom, và cao điểm là vụ đàn áp Phật Giáo năm 1963. Sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, sự kiện Nhà Văn Nhất Linh tự sát trong tù, sự kiện Giáo Sư Vũ Văn Mẫu từ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao và cạo đầu phản đối chính phủ, là những đóng góp quan trọng nhất của giới trí thức đã biến đổi cục diện chung của xã hội dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tác giả viết: "Thời kỳ mới do phong trào Phật Giáo 1963 mở ra, chính là thời kỳ giới trí thức Việt Nam chọn lựa thái độ dấn thân đấu tranh thay vì giới hạn đóng góp trong phạm vi chuyên môn như từng có." [Chương 2]

Bên cạnh những ghi nhận về thời cuộc, tác giả Nguyễn Văn Lục còn đề cập đến văn học nghệ thuật suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam. Ông nhắc đến Phạm Duy, Bùi Giáng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Bình An, Nguyễn Huy Lịch, Hải Linh, Ngô Duy Linh, Nguyễn Quang Lãm, Võ Long Triều, Nguyễn Văn Chung, Lý Chánh Trung… Giới văn nghệ sĩ Miền Bắc di cư năm 1954 đồng hành với giới văn nghệ sĩ Miền Nam, cùng những người trí thức du học từ Âu Mỹ trở về, đã làm thay đổi bộ mặt văn học nghệ thuật của thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa. "Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975" ở chừng mực nào đó giống như tập hồi ký, giúp những người nay đã ở lứa tuổi 70, 80 nhìn lại niềm vui nỗi buồn có trong cuộc di cư từ Bắc vào Nam, có trong chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, và hơn mười năm chiến tranh khốc liệt cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 phải di tản một lần nữa, lưu lạc tứ tán nơi đất khách quê người. Với thế hệ trẻ Việt Nam, "Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975" là cuốn phim tài liệu, giúp họ biết được những biến động đã xảy ra trên một phần đất quê hương. Biết để cùng chung chia nước mắt ngậm ngùi, khi hồi tưởng cuộc hành trình đi tìm tự do vô cùng bi thiết của thế hệ cha anh.

Hoàng Nhất Phương
4:5am Thứ Bảy ngày 31 tháng 5 năm 2014

--------------------------------

XEM THÊM :

Trăng Vàng  -  Thursday, May 31, 2012 4:38:16 PM

Người đọc: Phạm Phú Minh   -   Thứ Sáu, ngày 23 tháng 7 năm 2010



No comments:

Post a Comment

View My Stats