14-6-2014
Giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông mà tôi đã
đề nghị hôm rồi, theo tôi, không cần phải có đèn xanh hay đèn đỏ của BCT, mà chỉ
cần sự can đảm của những người có trách nhiệm trong chính phủ. Những người này
có dám vượt qua « ý đảng », sử dụng thẩm quyền hiến định của mình để bảo vệ quyền
lợi của đất nước hay không ?
Nhắc
lại đề nghị :
Nhân tổ chức LHQ vừa mở lời đồng ý đứng ra làm trung
gian phân giải tranh chấp, VN nhanh chóng lập hồ sơ đệ trình lên Tòa Công lý Quốc
tế (CIJ). VN yêu cầu Tòa tuyên bố :
- Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực
là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
- Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách
chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa
chủ quyền.
- Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm
1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
Đồng thời kiện TQ lý do :
- Vi phạm nội dung Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Việt
30-12-2000 về việc chủ trương hiệu lực các đảo, áp dụng cho việc phân định
ngoài cửa vịnh Bắc Việt.
Các yêu cầu lên Tòa CIJ không liên quan gì đến TQ, tức
việc Tòa phán không cần có sự hiện diện của TQ.
Mục đích việc yêu cầu này, nếu thành công (điểm 3),
là đưa quần đảo HS (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng « có tranh chấp
».
Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến),
thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói
đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay
không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.
Còn nếu thắng, VN được nhiều thứ.
Theo tập quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu
các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó
cũng có tranh chấp.
Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng
biển « có tranh chấp ». Nhưng tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS
chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo
HS).
Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp,
việc giải quyết sẽ là chia hai, mỗi bên được một phần lãnh thổ đó. Tức là, quần
đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vinh. VN có thể nhận
nhóm Nguyệt Thiềm và TQ nhóm An Vĩnh. Hải phận sinh ra do quần đảo này cũng sẽ
chia hai.
Đó là cái lợi thứ nhất.
Cái lợi thứ hai ở TS. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ không
có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện
phòng không » trong khu vực này được.
Cái lợi thứ ba, là VN giành được tính « chính đáng
». Nhiều người cho rằng các phán quyến của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không
tuân thủ.
Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. Trong vụ giàn khoan 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận.
Điều cần có, như đã nói, là các nhân sự có thẩm quyền
trong chính phủ có can đảm hay không ? có dám vượt lên trên quyết định của đảng
để bảo vệ quyền lợi của đất nước hay không ?
Làm anh hùng bảo vệ đất nước không phải chỉ là đem
thân lấp lỗ châu mai. Mà còn là những hành động sáng suốt và can đảm, bảo vệ
thành công quyền lợi của đất nước.
------------------------
13-6-2014
Sự
liên tục quốc gia – vấn đề kế thừa - Quan hệ giữa quốc gia và lãnh thổ :
Trong những án lệ của tòa quốc tế phân xử những
tranh chấp về lãnh thổ giữa hai quốc gia, đặc biệt các quốc gia cựu thuộc địa vừa
dành được độc lập, sự liên tục quốc gia và vấn đề kế thừa quốc gia là hai yếu tố
quan trọng nhất, được Tòa xét đến trước hết.
Quốc gia VN trải qua nhiều biến cố lịch sử khiến chủ
quyền lãnh thổ bị mất vào tay ngoại bang. Hiệp ước Patenotre 1884 chuyển danh
nghĩa chủ quyền của Việt Nam (titre de souveraineté) sang mẫu quốc Pháp. Việt
Nam trở thành một nước « thuộc địa » của Pháp (trong khi những nước
có qui chế « bảo hộ » thì vẫn giữ được danh nghĩa chủ quyền, như các
nước Bắc Phi). Sau đó danh nghĩa chủ quyền này chuyển sang Nhật, khi nước này đảo
chánh Pháp. Nhật thua Thế chiến II, bị phe chiến thắng buộc phải từ bỏ các lãnh
thổ đã chiếm trái phép trước đó, trong đó có VN. Danh nghĩa chủ quyền của VN lại
chuyển sang Đồng minh. Qua một số thủ thuật chính trị, năm 1946 Pháp vào lại VN
(thay thế Anh và Trung Hoa giải giới quân đội Nhật), chủ quyền quốc gia VN vào
lại tay Pháp. Đến năm 1949 Pháp tuyên bố trả Nam kỳ lại cho VN (thay vì cho
Miên, theo yêu cầu của Sihanouk), đồng thời ký hiệp ước (theo Tuyên bố Elysée)
trả độc lập lại cho VN. Tức là Hiệp định 1949 Pháp quyết định trả độc lập cũng
như danh nghĩa chủ quyền (titre de souveraineté) lại cho Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, tại Hoàng Sa và Trường Sa, chủ
quyền của VN vẫn được liên tục, thông qua các thủ tục kế thừa quốc gia, từ nhà
nước vương quyền nhà Nguyễn, chuyển sang nhà nước bảo hộ Pháp 1884, sau đó trả
lại cho Quốc Gia Việt Nam năm 1949.
Việc phức tạp chỉ đến vào tháng 7 năm 1954. Hiệp định
Genève quyết định phân chia VN thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh
việc phân chia chỉ tạm thời, đường vĩ tuyến 17 trong bất kỳ trường hợp nào cũng
không thể xem là đường biên giới phân định lãnh thổ hay chính trị. Hai miền Nam
và Bắc lần lượt mang tên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Câu hỏi đặt ra, « danh nghĩa chủ quyền – titre
de souveraineté » của Việt Nam, từ thời điểm này, do phía nào nắm ?
Hai miền VNCH và VNDCCH được khai sinh do Hiệp định
Genève 1954, được các cường quốc bảo hộ và được thế giới nhìn nhận.
Năm 1956 VNCH công bố Hiến pháp, điều 1 khẳng định lại
nội dung Hiệp định Genève 1954 : VN là một nước cộng hòa, độc lập, thống
nhất và bất khả phân. Điều 2 xác định « chủ quyền –
souveraineté » thuộc về toàn dân.
Về phía VNDCCH, Hiến pháp 1946, điều 2 xác định VN
là một khối thống nhất bắc, trung, nam không thể phân chia. Hiến pháp 1959, những
dòng đầu đã khẳng định VN là một nước thống nhất từ Lạng sơn đến Cà Mau. Dĩ
nhiên, vì theo chế độ cộng hòa XHCN, không phải là quân chủ chuyên chế, danh
nghĩa chủ quyền (titre souveraineté) của VN thuộc về nhân dân (ngoại trừ quốc hội
VN có quyết định khác) chứ không thuộc về cá nhân nào đó (như ông vua).
Cả hai miền như vậy đều tôn trọng nội dung hiệp định
Genève 1954 : Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba miền) độc lập và có
chủ quyền.
Cả hai bên, VNCH và VNDCCH, đều tự nhận mình là đại
diện chính đáng (nhà nước) của toàn thể nhân dân VN, trên toàn lãnh thổ VN,
nhưng không bên nào có tư cách « quốc gia », đúng theo định nghĩa của
Công ước Montévidéo 1933.
Lý do : VNCH cũng như VNDCCH, đều chỉ kiểm soát
½ lãnh thổ, ½ dân chúng cũng như không hoàn toàn có quan hệ ngoại giao với tất
cả các nước trên thế giới. Các nước trên thế giới, không nước nào nhìn nhận có
hai nước VN, mà chỉ nhìn nhận hoặc VNCH, hoặc VNDCCH, là nhà nước đại diện cho
quốc gia VN.
Hai bên VNCH và VNDCCH do đó chỉ là các « quốc
gia chưa hoàn tất – Etat partiel », chứ không phải là quốc gia đúng nghĩa.
Hai bên chưa hề là đối tượng của công pháp quốc tế, chưa hề có đầy đủ quyền lợi
và nghĩa vụ trước những vấn đề quốc tế.
Trên phương diện công pháp quốc tế, hiện hữu một hiện
tượng gọi là « dualité – nhị nguyên » về danh nghĩa chủ quyền. Tức là
có hai cách nhìn về quốc gia Việt Nam : phía XHCN nhìn nhận VNCCH là phía
chính thống đại diện cho nước Việt Nam (thống nhất ba miền). Cách nhìn của phe
tư bản thì công nhận VNCH. Như hai mặt của một đồng tiền, như hai dạng sóng và
hạt của ánh sáng. Vấn đề là không có một học thuyết nào nói về danh nghĩa chủ
quyền cho trường hợp một quốc gia bị phân chia như Việt Nam (hay Đại Hàn và Đức).
Điều quan trọng cần nhắc ở đây, thời điểm phát xuất
công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, là phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất
đất nước. Phía VNDCCH nhiều lần hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, việc thương
nghị giữa hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định
Genève 1954.
Về chủ quyền HS và TS, VNCH là bên « quản
lý », có « thẩm quyền quốc gia » trên vùng lãnh thổ này. Tháng
giêng năm 1974, TQ xâm lăng Hoàng Sa, chiếm được quần đảo này, qua một trận chiến
giữ nước bi hùng không cân sức của phía VNCH.
Đến năm 1975, VHCN ngừng hiện hữu. CPLTCHMNVN thay
thế thực thể VNCH tại các định chế quốc tế. Đến thời điểm này, « danh
nghĩa chủ quyền » của quốc gia Việt Nam vẫn không thay đổi, tức vẫn hiện hữu
một tình trạng « dualité – nhị nguyên » về pháp lý.
Năm 1976 VN thống nhất đất nước.
Qua những biến cố làm thay đổi lãnh thổ, dân số,
chính quyền... như thế, các yếu tố « liên tục quốc gia – continuité
d’état » và « kế thừa quốc gia - sucession d’ état » trở
thành vấn đề cốt lõi trong hồ sơ chủ quyền HS và TS của VN.
Hồ sơ chủ quyền của VN tại Hoàng Sa sẽ được kết tinh
ra sao ? TQ đã chiếm quần đảo này trên tay VNCH, bằng cách nào VN hôm nay
kế thừa danh nghĩa này ?
Đây cũng là điểm yếu nhất trong hồ sơ pháp lý Hoàng
Sa của các học giả VN (đã công bố).
Điểm
yếu trong hồ sơ Biển Đông của Quĩ Nghiên cứu Biển Đông.
Dường như có điều bất cập về ý nghĩa pháp lý và quan
hệ giữa « quốc gia » và « lãnh thổ », điển hình trong bài
viết ở đây
của một số « học giả » VN (thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông). Ta thấy
rõ rệt sự lúng túng của họ khi giải thích về quan hệ giữa lãnh thổ và quốc gia.
Các học giả này đã dẫn nội dung « công ước
Montévidéo 1933 », đồng thời dẫn bài viết trên BBC,
để chứng minh VNCH và VNDCCH là hai quốc gia (độc lập, có chủ quyền, theo tinh
thần công ước Montévidéo 1933) :
Trong Công ước Montevideo 1933, một quốc gia phải có
lãnh thổ, dân cư, chính phủ, và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia
khác.
Khi dẫn công ước Montévidéo để định nghĩa, thì
« quốc gia » được thành hình từ ba yếu tố nền tảng : lãnh thổ,
dân cư, và một chính quyền.
Nếu quan niệm vậy thì hồ sơ Hoàng Sa đã khóa sổ. TQ
chiếm HS trên tay một nước thứ ba (VNCH) đã ngừng hiện hữu, không có thừa kế.
Nước CHXHCNVN hôm nay không có tư cách nào để đòi lại. Chưa nói đến những tài
liệu cho thấy quốc gia tiền nhiệm của quốc gia này (VNDCCH) đã nhiều lần nhìn
nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa.
Những người này sau đó lại phát biểu rằng :
« trong luật quốc tế thì chủ quyền lãnh thổ thuộc về quốc gia ».
Không có « luật quốc tế » nào còn hiệu lực nói
thế cả. Quốc gia có thể mất nhưng lãnh thổ vẫn còn.
Đặt thí dụ, bánh chưng được làm thành do các yếu tố :
nếp, đậu, thịt, lá (với động thái gói và nấu). Người ta đâu thể kết luận
« chủ quyền của nếp » thuộc về bánh chưng được ? Nếp là nếp,
bánh chưng là bánh chưng, cũng như quốc gia là quốc gia mà lãnh thổ là lãnh thổ.
Hai yếu tố này có quan hệ « hữu cơ » với nhau, nhưng không thể nói
cái này « thuộc về » cái kia được. (Hiến pháp VNCH 1959 nói rằng chủ
quyền thuộc về toàn dân).
Thực ra đây là thói quen chung của người Việt, quan
niệm lãnh thổ như là một « vật ». Tức là, vùng lãnh thổ này đã thuộc
về mình trong lịch sử, thì nó sẽ thuộc về mình hôm nay (và tương lai). Quan niệm
này đã hiện hữu trong lịch sử, dưới thời kỳ phong kiến, vương quyền. Lãnh địa của
vua là thuộc về vua (và giòng họ ông vua). Khi vua này chết, truyền « ngai
vàng » lại cho con. Ông con này lên làm vua, sở hữu toàn thể lãnh địa của
cha, ông để lại.
Quan niệm này đã lỗi thời.
Công pháp quốc tế hiện thời không nhìn nhận
« lãnh thổ » là một « vật » thuộc sở hữu của ai đó, mà có
quan niệm về « danh nghĩa chủ quyền – titre de souveraineté » và
« thẩm quyền quốc gia » (tức các quyền thuộc chủ quyền như tài phán,
thuế quan, cảnh sát...) trên vùng lãnh thổ đó. Quan niệm quốc gia cũng được định
nghĩa lại, các yếu tố nền tảng « lãnh thổ », « dân chúng »
và « một chính phủ » không thay đổi, nhưng thêm vào đó « quốc
gia » là thực thể duy nhất có được tính « độc lập -
indépendant » và « có chủ quyền - souveraineté ». Ta đã thấy
trong lịch sử, một quốc gia có thể tan rã, « ngừng hiện hữu », trong
khi lãnh thổ và dân chúng vẫn còn đó. Ta cũng thấy, nhiều quốc gia có thể
« khai sanh » do ly khai từ một quốc gia, hay nhiều quốc gia
« liên hiệp » lại thành một quốc gia. Nhiều thực thể chính trị, như
Palestine, có lãnh thổ, có dân chúng, có chính quyền và chính quyền này có quan
hệ với các nước trên thế giới, nhưng nó đâu phải là quốc gia ? Đài Loan
cũng vậy.
Vì thế cần thận trọng khi nói về « quốc
gia » và « lãnh thổ » của nó.
Hồ sơ pháp lý của VN tại HS, đòi hỏi ta phải chứng
minh sự hiện diện liên tục thẩm quyền quốc gia VN (hay một bên VN) tại quần đảo
Hoàng Sa (cho đến hôm nay).
Thực tế pháp lý là, Hoàng Sa bị TQ xâm lăng tháng
giêng năm 1974, (một số đảo TS năm 1988), quốc gia VN (hay một bên VN) không bị
mất danh nghĩa chủ quyền của HS vào tay TQ. (Lý do công pháp quốc tế hiện thời
không nhìn nhận danh nghĩa chủ quyền được chiếm hữu bằng vũ lực.)
Các học giả thuộc Quĩ Nghiên cứu Biển Đông trong hai
bài viết dẫn trên, cho rằng danh nghĩa chủ quyền HS từ VNCH chuyển sang
CPLTCHMNVN, mà không thấy giải thích chuyển bằng cách nào. Trong một bài viết
trước đây, dẫn từ nghiên cứu của bà Joelle Duy Tan Nguyên, tôi có viết :
Việc « kế thừa » VNCH của CPCMLT tại các định
chế quốc tế không gặp khó khăn, chỉ đơn giản là việc « đổi tên nước »,
tại UNESCO vào tháng 7 -1975, U.I.T vào tháng 2 năm 1976.
Các tác giả này đã suy diễn từ ý kiến trên,
suy ra rằng chính phủ này đã kế thừa Hoàng Sa từ VNCH.
Điều này hiển nhiên không đúng. CPLTCHMNVN kế thừa
VNCH tại các định chế quốc tế không gặp khó khăn, nhưng việc này không dễ dàng
trong vấn đề kế thừa lãnh thổ. Nước nào nhìn nhận CPLT CHMNVN kế thừa danh
nghĩa chủ quyền Hoàng Sa từ VNCH ?
Trong khi đó, nước CHXHCNVN do thống nhất từ hai thực
thể : VNDCCH và CPLTCHMNVN.
CHXHCNVN kế thừa VNCH (thông qua CPCMLT CHMNVN) hay
VNDCCH ? Bằng thủ tục pháp lý nào ?
Cách giải thích của các tác giả trong bài, tương tự
thuyết « reversion – đáo hoàn », cho rằng danh nghĩa chủ quyền của VN
tại HS từ VNCH trao lại (một cách đơn giản) cho CPCMLTCHMNVN. (Làm như còn
trong thời kỳ phong kiến, một lãnh thổ mà người trị vì qua đời mà không có người
nối dõi, sẽ chuyển về cho người chủ trước kia. Lý thuyết này không hề được công
pháp quốc tế chấp nhận.)
Lấy thí dụ án lệ của Tòa Trọng tài Thường Trực xử
ngày 9-10-1998, giải quyết tranh chấp giữa Erythré và Yemen về chủ quyền
các đảo ở Hồng hải.
Hai bên đều cho rằng mình có danh nghĩa chủ quyền lịch
sử (titre historique) ở các đảo tranh chấp. Erythrée vịn vào lý do trước kia chủ
quyền các đảo thuộc về Ý, sau đó chuyển sang cho Ethiopie sau Thế chiến thứ II
(Erythrée thuộc Liên bang Ethiopie từ năm 1962, đến năm 1993 thì tuyên bố độc lập).
Tức là Erythrée dựa vào thuyết « liên tục quốc gia ». Trong khi Yemen
vịn vào thuyết « reversion ». Theo đó Yemen đã có danh nghĩa chủ quyền
từ thời trung cổ, danh nghĩa này vẫn còn tồn tại trong thời bị lệ thuộc đế quốc
Ottoman, cuối cùng Yemen lấy lại do công ước Lausane.
Tòa bác bỏ lý lẽ của Erythrée, vì cho rằng Erythrée
không thể kế thừa cái mà nhà nước tiền nhiệm đã từ bỏ. Thật vậy, Ý đã tuyên bố
từ bỏ chủ quyền các đảo từ năm 1947.
Tòa bác Tòa cũng bác lý lẽ của Yemen, bởi vì, theo
Tòa, thuyết « Reversion » mà Yemen nại ra thì không được luật quốc tế
nhìn nhận.
Ta thấy, dựa trên lập luận có hai quốc gia VN, muốn
chứng minh CPLTCHMNVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền HS của VNCH đã khó khăn.
Bằng cách nào CPLTCHMNVN đã kế thừa « danh
nghĩa chủ quyền » quần đảo HS từ VNCH ? Làm sao có thể kế thừa một
« vật » đã không còn nữa ?
Chứng minh CHXHCNCVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền HS
là việc khó hơn lên trời.
Nếu lý luận của các học giả này được đưa vào hồ sơ
chủ quyền của VN tại HS và TS, tôi cho rằng VN sẽ không có cơ may nào để thắng
kiện.
Giải
pháp đề nghị
Sau khi VN lên tiếng trước các diễn đàn quốc tế, kể
cả ở LHQ, tố cáo TQ đặt giàn khoan 981 trái phép trên thềm lục địa của VN. Phía
TQ vừa mới trả đũa lại bằng việc công bố các bằng chứng trước LHQ, cho thấy VN
đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa, gồm có công hàm 1958 của
Phạm Văn Đồng cùng một số tài liệu, bản đồ khác. Các tài liệu này có giúp gì
cho TQ hay không, có thuyết phục được dư luận quốc tế hay không, việc này sẽ biết
trong những ngày tới. Phía VN thì vẫn một thái độ cũ, cho rằng các tài liệu này
không có gì mới.
Nhưng mà việc TQ trưng bằng chứng ra trước LHQ như vậy
rõ ràng là một điều rất mới. Việc giàn khoan 981, cũng đến từ hệ quả của các
tài liệu đó, cũng là việc rất mới.
Trước những động thái mới (lấn biển) như vậy mà
chính quyền CSVN vẫn giữ thái độ cũ là điều không hợp lý.
Nhà nước CSVN cần phải lên tiếng trước quốc dân, giải
thích ý nghĩa và sự hiện hữu của các bằng chứng từ phía TQ vừa đưa ra trước
LHQ.
Có hai lập trường về chủ quyền quần đảo HS hiện nay,
(ngoài lập trường thứ ba của TQ) các học giả VN có thể lựa chọn. Nếu vì quyền lợi
của đảng cầm quyền, thì hãy tiếp tục cố thủ trong những luận điệu lòng vòng cũ,
nghe đã nhàm tai từ bốn thập niên nay, dĩ nhiên nó chỉ có thể thuyết phục được
những người VN bị che mắt, thấp cổ bé miệng trong nước.
Hoặc vì quyền lợi của đất nước VN mà can đảm đi tìm
một giải pháp khác.
Cá nhân tôi đề nghị giải pháp sau đây.
Trong khi trên thực tế đã viết ở trên, trong khoản
1954 và 1975, hai thực thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa chỉ
là hai miền trong một quốc gia Việt Nam. Vĩ tuyến 17 là đường ranh quân sự tạm
thời, không phải là đường phân định biên giới về chính trị hay lãnh thổ.
Nội dung Hiệp định Genève 1954 xác nhận Việt Nam là
nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất. Điều này được tái
xác nhận theo Hiệp định Paris năm 1973.
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời
gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự
hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam.
Trên tinh thần một nước Việt Nam « độc lập, có
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ » của các hiệp ước 1954 và 1973,
thì bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa và Việt Nam Cộng Hòa), nếu có làm tổn hại đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam, chúng đều không có giá trị.
Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng viết trong khoản
thời gian 1954-1973, có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt
Nam, đi ngược lại tinh thần hai Hiệp định 1954 và 1973, do đó không có giá trị
pháp lý ràng buộc.
Việc thống nhất hai miền theo cách của người Việt
Nam, thể hiện nội dung hiệp định 1954 và 1973. Những gì xảy ra trong lãnh thổ
VN, sau khi Mỹ rút quân về, là việc « nội bộ » của quốc gia VN. Điều
này phù hợp với tinh thần « dân tộc tự quyết » được LHQ qui định.
Dĩ nhiên, lập luận này cũng là thủ tục hợp pháp để
nước CHXHCNVN hôm nay kế thừa di sản cùng danh nghĩa chủ quyền của VNCH tại
Hoàng Sa.
Tôi đề nghị hồ sơ đệ trình Tòa Công lý Quốc tế
(CIJ), VN yêu cầu Tòa tuyên bố như sau :
- Việc chiếm hữu một
lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
- Việc chiếm hữu các đảo
ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại
cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
- Việc chiếm hữu quần
đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh
nghĩa chủ quyền.
Đồng thời kiện TQ lý do :
- Vi phạm nội dung Hiệp
định Phân định Vịnh Bắc Việt 30-12-2000 về việc chủ trương hiệu lực các đảo, áp
dụng cho việc phân định ngoài cửa vịnh Bắc Việt.
Ba điều đầu tiên yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc
thẩm quyền của Tòa, cũng không hề dính dáng đến những bảo lưu của TQ về việc
phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.
Việc « yêu cầu tòa CIJ tuyên bố » này hoàn
toàn khả thi. VN cần nhanh chóng giành lấy cơ hội, nhân việc đáp lời LHQ, khi tổ
chức này ngõ ý hôm vừa qua đồng ý đứng ra phân giải cho hai bên.
Đây là một việc làm ít tốn kém nhất, đáng lẽ không cần
phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, VN nên
thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.
Nếu không làm việc này, đảng CSVN dĩ nhiên còn những
cam kết bí mật khác, có giá trị « bán nước » với đảng CSTQ, không kém
công hàm 1958 của PVD cũng như những bằng chứng vừa công bố.
Nếu vậy, việc giải quyết giàn khoan 981 của TQ là
công việc của người trong nước.
Publié par Nhan
Tuan Truong à 07:28
No comments:
Post a Comment