Thursday, June 12, 2014
Bài
viết dưới đây của tôi, “Cuộc
chiến không cân sức giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc”, được đăng tải
trên Tuần Việt Nam vào ngày 16/3/2009, một ngày trước hội thảo quốc gia đầu
tiên về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Hơn 5 năm đã trôi qua. “Cuộc chiến” vẫn không cân sức.
Sự xuất hiện những gương mặt mới, những nghiên cứu mới bên phía Việt Nam, vẫn
hoàn toàn là các nỗ lực cá nhân của những người Việt còn quan tâm đến chủ quyền
đất nước. 5 năm qua, giới truyền thông vừa viết bài vừa nghe ngóng, đoán ý lãnh
đạo, thấy “bật đèn xanh” thì dấn tới, thấy “không ổn” thì im bặt. Dư luận viên
vẫn canh từng diễn đàn, từng trang FB, blog chính trị, hối hả lao vào định hướng
mỗi khi thấy có ý kiến nào có vẻ bất lợi cho chính quyền. Thỉnh thoảng, lại thấy
một đồng chí cán bộ cao cấp nào đấy, kiểu như Đại tá-PGS-TS-NGƯT Trần Đăng Thanh,
được mời đi “nói chuyện chính trị” tại những “Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng,
Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường
Đại học-Cao đẳng Hà Nội” về Biển Đông và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, huấn thị
rằng “ta” thế này, “bạn” thế kia…
Để rồi tới hôm nay thì báo chí được bật đèn xanh, phỏng
vấn, viết bài, đưa tin rõ náo nhiệt, được tố cáo Trung Quốc “lập luận vô lý”,
“bất nhất”, “lấy thịt đè người”, “vu cáo” cái lọ cái chai… Thể nào cũng có đồng
chí cán bộ nào đó đã và đang chém tay vào không khí mà nói rằng “ta làm truyền
thông chưa đủ mạnh cho thế giới biết chính nghĩa của ta”, rồi thì “cần đề nghị
đẩy mạnh truyền thông bằng tiếng Anh ra cộng đồng quốc tế”, v.v.
Đúng là đi theo đường lối của Đảng thì đến con rắn cũng
phải gãy xương sống.
Trong khi đó, bao nhiêu năm qua, có nhiều học giả,
nhà khoa học, ở trong và ngoài nước, có hoặc không có chuyên môn liên quan, vẫn
thầm lặng nghiên cứu về Biển Đông, vượt qua những khó khăn, cực nhọc về điều kiện
vật chất và tinh thần, vượt qua sự dò xét, nghi ngờ của các đồng chí an ninh rỗi
việc, vượt qua cả muôn vàn ức chế đời thường. Tất cả đều đã lao vào nghiên cứu,
lặng lẽ và âm thầm, chỉ với mục đích “vì chủ quyền của Việt Nam”, “vì công lý
và hòa bình trên Biển Đông”… Không được một xu trợ cấp của Nhà nước (tất nhiên
rồi), không được hỏi một lời, không được đếm xỉa đến trong mọi sự kiện ngoại
giao, mọi quyết định ngoại giao; không những thế còn thường xuyên bị an ninh hạch
sách, quấy rối.
Hỏi ai mới đã và đang liên tục lợi dụng lòng yêu nước
của họ, của người dân Việt Nam?
* * *
CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC GIỮA HỌC GIẢ VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Trong
đàm phán lãnh hải với Trung Quốc, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng
để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không
cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học
giả Việt Nam. Sự thua thiệt thể hiện rõ trên các mặt: số lượng học giả, số lượng
và diện phổ biến của công trình nghiên cứu, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự tham
gia của tư nhân…
Để cất
lên tiếng nói khẳng định chủ quyền
Ngày nay, tất cả các học giả về quan hệ quốc tế đều
khẳng định rằng: Thời hiện đại, để chiến thắng trong những cuộc đấu tranh phức
tạp như tranh chấp chủ quyền, điều kiện cốt yếu là sự ủng hộ của cộng đồng quốc
tế, chứ không đơn thuần là ưu thế về quân sự. Việc quốc tế hóa vấn đề lãnh thổ,
lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa, do đó, là điều Việt Nam không thể không làm.
Việc này mở đầu bằng quá trình đưa các quan điểm của phía Việt Nam ra trường quốc
tế.
Có ba kênh chính để đưa quan điểm của Việt Nam ra quốc
tế.
Thứ nhất là thông qua các tuyên bố ngoại giao, như
chúng ta vẫn thường thấy phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trả lời báo giới:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ
quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Thứ hai là thông qua các tạp chí khoa học quốc tế,
các diễn đàn thế giới. Sự xuất hiện những bài viết khoa học, công trình nghiên
cứu của phía Việt Nam trên các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới về lịch
sử, địa lý, hàng hải, công pháp quốc tế… sẽ cực kỳ có sức nặng trong việc tranh
biện.
Thứ ba là thông qua các nỗ lực ngoại giao và truyền
thông như ra sách trắng, tổ chức hội thảo quốc tế, giảng bài tại các trường đại
học ở nước ngoài, v.v…
Trung
Quốc "chiếm sóng"
Trên kênh thứ hai, có thể thấy phía Việt Nam đang yếu
thế so với Trung Quốc. Dù không nhiều, nhưng đã có những bài viết khoa học của
học giả Trung Quốc về vấn đề lãnh hải đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới
và khu vực như: Marine Policy, Marine Custom Management, Marine and Coastal Law
Journal (các tạp chí về hàng hải và luật biển), American Journal for
International Law (tạp chí nghiên cứu luật pháp, của Mỹ), Southeast Asia
Studies (tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, của Singapore).
Đây là các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới,
nghĩa là uy tín của chúng được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Một bài viết được
đăng trên những tạp chí loại này mang lại danh tiếng cho sự nghiệp cá nhân của
nhà khoa học - tại một số nước, bậc lương và số lần tăng lương của giáo sư tỷ lệ
thuận với số bài viết khoa học được đăng ở tạp chí đầu ngành.
Quan trọng hơn nữa, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng
đồng. Trong ngắn hạn và trung hạn, nó là tiếng nói có sức nặng với giới khoa học
quốc tế. Trong dài hạn, nó là nguồn tài liệu tham khảo có tác động đáng sợ. Một
nhà khoa học trẻ Việt Nam từng đặt vấn đề: "Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà
nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và
Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục
bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng
Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó.
Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng
thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam".
Về phía các học giả Việt Nam ở trong nước, cũng đã
có những bài viết khoa học liên quan tới vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường
Sa. Tuy nhiên, các bài này chỉ được đăng tải bằng tiếng Việt trên các tạp chí
chuyên ngành của Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Nghiên
cứu Phát triển - tạp chí của Thừa Thiên - Huế) . Số lượng
bản in hạn chế - chừng 1.000 bản, phát hành trên diện rất hẹp, tới mức gần như
“lưu hành nội bộ”.
Trung Quốc đã đưa
bài viết tố cáo "Việt Nam khiêu khích" lên báo Philippines
(Philippines Star, 12/6/2014)
Việt
Nam yếu thế
Trung Quốc cũng đã có khoảng 60 cuốn sách về Hoàng
Sa - Trường Sa, bằng tiếng Trung và tiếng Anh, như Trung Quốc dữ Trung Quốc
Nam Hải vấn đề (Trung Quốc và vấn đề biển Nam Trung Quốc, Phó Côn Thành -
Thủy Bỉnh Hòa, 2007), Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam Uy, 1996), Nam
Hải chư đảo địa lý - lịch sử - chủ quyền (Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992)... Chưa
kể, còn hàng chục công trình của các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc ở Đài Loan,
Hong Kong, Singapore, Anh, Mỹ.
Việt Nam có vài đầu sách, như Cuộc tranh chấp Việt -
Trung về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Lưu Văn Lợi, Nhà xuất bản Công an
Nhân dân, 1995), Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (Nguyễn Hồng Thao chủ
biên, Nhà xuất bản Sự thật, 11/2008)… Nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay,
các sách đều bằng tiếng Việt, phát hành rất ít. Đa số là "tài liệu
tham khảo nội bộ" hoặc cũng gần như "lưu hành nội bộ" bởi không
được quảng bá và phát hành rộng.
Gần đây, Nhà xuất bản Tri thức bắt đầu tham gia giới
thiệu rộng rãi tới công chúng các cuốn sách nghiên cứu về chủ quyền biển, với mục
tiêu giới thiệu được khoảng 5 đầu sách/năm. Tuy nhiên, theo ông Chu Hảo, Giám đốc
Nhà xuất bản, khó khăn lớn nhất là nguồn kết quả nghiên cứu của giới học giả Việt
Nam còn hạn chế.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có ba cơ quan nhà nước từng đặt
vấn đề nghiên cứu chính thức về lãnh hải và luật biển, là Vụ Biển thuộc Ủy ban
Biên giới Quốc gia, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Tổng cục Quản lý
Biển và Hải đảo. Đếm số lượng các nhà nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề lãnh hải
và Hoàng Sa - Trường Sa, tính cả người đã mất, thì “vét” trong cả nước được gần
một chục người.
Còn Trung Quốc đã có hàng chục cơ quan nghiên cứu
chuyên sâu về tranh chấp lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa từ hơn nửa thế kỷ
qua. Ít nhất, có thể kể tới trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học
Bắc Kinh, Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Sơn, hoặc trực thuộc Ủy ban Nghiên cứu Biên
cương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, v.v…
Với kênh thứ ba - thông qua việc tổ chức hội thảo quốc
tế, đưa các học giả đi giảng bài tại các trường đại học ở nước ngoài v.v. - thì
sự tham gia của giới khoa học gia Việt Nam càng yếu ớt hơn.
Cộng đồng các nhà khoa học người Việt tại nước ngoài
đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng giúp Việt Nam tranh biện
trong vấn đề lãnh hải. Chẳng hạn, Tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Luật
Sorbonne), luật gia Đào Văn Thụy từng đọc bài tham luận tại
Hội thảo hè "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" (New York, 1998), phân tích
lập luận của Việt Nam và Trung Quốc với nhiều lý lẽ khoa học xác đáng. Tuy
nhiên, không rõ vì lý do gì mà các công trình như vậy lại chưa được phổ biến
chính thức tại Việt Nam.
Danh mục một số sách
của các học giả TQ và thế giới về tranh chấp chủ quyền và quan hệ VN-TQ.
Vì
đâu giới nghiên cứu Việt Nam yếu thế?
Tiến
sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhận xét: "So
tương quan lực lượng với Trung Quốc trong chuyện nghiên cứu về lãnh hải, thì
các công trình của học giả Việt Nam vừa ít ỏi, manh mún về số lượng, lại vừa
không được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội".
Ai cũng biết rằng điều kiện cần để có bài viết khoa
học là một quá trình nghiên cứu tập trung cao và kéo dài. Nghiên cứu về vấn đề
lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa lại càng khó khăn hơn, nó đòi hỏi rất nhiều
công sức, thời gian, kinh phí. Người nghiên cứu phải có khả năng tiếp cận với
các tài liệu cổ bằng nhiều thứ tiếng khó (Hán, Nôm, Pháp, Anh, thậm chí tiếng
Latin), phải bỏ chi phí mua tài liệu, đi thực địa, trao đổi tìm kiếm thông tin,
v.v... Đổi lại, mỗi bài viết trên các tạp chí của Việt Nam được nhận vài trăm
nghìn đồng nhuận bút.
Còn việc đưa bài viết ra tạp chí quốc tế thì gần như
không tưởng, bởi thật khó để các nhà khoa học dồn sự nghiệp cho cả một công
trình nghiên cứu để rồi không biết… đi về đâu, có được đăng tải hay không. Thiếu
kinh phí, khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu "nhạy cảm" là những
vật cản lớn. Chỉ riêng việc dịch bài viết sang một thứ tiếng quốc tế, như tiếng
Anh hay tiếng Trung, cũng đã là vấn đề.
Một nhà nghiên cứu độc lập, ông Phạm Hoàng Quân,
cho biết: "Ở Trung Quốc, việc tuyên
truyền về Hoàng Sa - Trường Sa và lãnh hải được phân chia thành ba cấp. Cấp thấp
nhất là cấp phổ thông, cho quần chúng. Cấp hai và cấp ba là cho các độc giả có
trình độ cao hơn và các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Như ở Việt Nam thì chẳng cấp
nào phát triển cả".
Không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu
liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên được
coi là "nhạy cảm", "mật", và một cá nhân khó mà có đủ tư
cách để "xin" được nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa hay chủ quyền đất
nước. Ông Quân, với tư cách nhà nghiên cứu độc lập, gặp khó khăn tương đối
trong việc tiếp cận các tài liệu khoa học phục vụ cho công việc. Dĩ nhiên là chẳng
bao giờ ông được mời tham dự những hội thảo chuyên đề về lĩnh vực mình nghiên cứu
- thường chỉ dành cho những nhà khoa học đã có biên chế chính thức ở một
cơ quan nhà nước nào đó.
Với một cá nhân là như vậy. Với các viện nghiên cứu
trực thuộc Nhà nước, tình hình cũng không khả quan hơn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân
Diện nhận xét: "Về nguyên tắc,
phải là cấp trên đặt hàng, cấp dưới đề đạt lên. Nếu Nhà nước không đặt hàng,
các cơ quan chuyên môn có khả năng làm cũng e dè không muốn đề xuất. Các cá
nhân nghiên cứu độc lập thì không thể có điều kiện thuận lợi về sưu tập tư liệu,
điền dã thực địa, công bố kết quả của đề tài".
Không tiếp cận được với các công trình nghiên cứu
chuyên sâu đã đành, người dân còn không được giới truyền thông cung cấp thông
tin và kiến thức về chủ quyền đất nước. Trong khi, trên thực tế, "Việt Nam
có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt
Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" - như khẳng định của Bộ
Ngoại giao. (Các tuyên bố ngoại giao theo thông lệ này lại không kéo theo việc
công bố một bằng chứng cụ thể nào, khiến cho người nghe ngay cả khi muốn tham
gia vào một nỗ lực chung để xác lập chủ quyền cho Hoàng Sa - Trường Sa cũng bớt
phần tự tin).
Nhà nghiên cứu Phạm
Hoàng Quân trong một lần làm "ông đồ cho chữ" ngày Tết.
Chúng
ta có thể làm gì?
Về bản chất, nghiên cứu khoa học là các nỗ lực cá
nhân, tuy nhiên, với những vấn đề thuộc diện "công ích" như tranh chấp
chủ quyền, thì Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhà nước phải đặt hàng giới nghiên cứu, tạo thành một
chiến lược lâu dài và bài bản, đồng thời để cho giới truyền thông diễn giải và
phổ biến những công trình nghiên cứu chuyên sâu tới quần chúng sao cho tất cả mọi
người đều có ý thức về chủ quyền đất nước. Một số học giả người Việt Nam ở nước
ngoài gợi ý rằng, cách tốt nhất là Nhà nước "xã hội hóa" công việc
nghiên cứu khoa học, bằng cách tạo điều kiện để xã hội dân sự (tư nhân, các tổ
chức phi chính phủ, hiệp hội, quỹ...) tài trợ cho các dự án khoa học, tạo điều
kiện, thậm chí "luật hóa", để người nghiên cứu được tiếp xúc với
thông tin khi cần.
Một điểm cần lưu ý là hoạt động nghiên cứu phải mang
tính liên ngành, toàn diện, trên mọi lĩnh vực: văn bản học, khảo cổ, địa chất lịch
sử, thổ nhưỡng, công pháp quốc tế...Theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu
càng nhiều thì khả năng có những công trình chất lượng càng cao.
Sau hết, không thể thiếu nỗ lực công bố các công
trình nghiên cứu đó ra diễn đàn quốc tế, nỗ lực diễn giải và phổ cập chúng tới
người dân trong nước, cũng như, thông qua chính sách "ngoại giao nhân
dân", tới được dư luận quốc tế và cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài.
Posted by Đoan Trang at 3:08 PM
No comments:
Post a Comment