Ying
Hongwei
Phạm
Hải Hồ dịch và chú thích
Tháng 6 9, 2014
Bài báo sau đây do nhà báo tự do Ying Hongwei viết
trên quan điểm lợi ích của Trung Quốc về một dự án năng lượng trong chương
trình hợp tác giữa nước này với Myanmar, một dự án rất quan trọng đối với an
ninh năng lượng của Trung Quốc. Nó được quảng bá là ít tốn kém và an toàn hơn
việc vận chuyển dầu thô bằng đường thủy qua eo biển Malacca. Cũng như một số
nhà nghiên cứu Trung Quốc, Ying Howei phê phán dự án đường ống dẫn dầu khí từ vịnh
Bengal xuyên qua đất nước Chùa Vàng đến tận thành phố Côn Minh, không những về
mặt kinh tế – tài chính, an toàn dự án, mà còn về trách nhiệm doanh nghiệp đối
với văn hóa, xã hội và môi trường của nước sở tại.
Trở về quá khứ, khi Myanmar còn sống dưới chế độ
quân phiệt thẳng tay đàn áp đối lập, bị quốc tế lên án và phương Tây cấm vận
kinh tế thì hầu như chỉ có quốc gia láng giềng phương Bắc làm hậu thuẫn cho nước
ấy, bất chấp dư luận thế giới và xem thường mọi giá trị nhân văn. Điều đó chỉ
có thể giải thích phần nào bằng sự đói năng lượng của một nước phát triển quá
nóng với 1,3 tỉ dân, phải bằng mọi cách thu hút tài nguyên dồi dào của Myanmar
và nhiều nước Á- Phi khác. Nhưng một lý do không kém phần quan trọng là chính
sách bành trướng của Bắc Kinh núp dưới danh nghĩa “trỗi dậy hòa bình”. Theo
“logic” của chính sách này, một phần Siberia, bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ,
Biển Hoa Đông, phần lớn Biển Đông Nam Á[1] đều thuộc chủ quyền Trung Quốc, còn những nước như Myanmar,
Lào, Campuchia, Việt Nam v.v. thì nằm trong vùng ảnh hưởng của nó. Hơn nữa, vị
trí địa lý của Myanmar rất lý tưởng để tiếp cận vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Vì
các lý do ấy nên khi Myanmar khởi sự quá trình dân chủ hóa và phương Tây lần lượt
tháo gỡ lệnh cấm vận, Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, mặc dù chi phí
tăng lên rất nhiều so với dự tính, người dân Myanmar phản kháng ngày càng gay gắt
hơn trước những vấn đề xã hội – môi trường do các dự án của họ gây ra và Tổng
thống Thein Sein đã cho dừng việc xây dựng đập Myitsone khổng lồ vì “nó trái với
ý chí của nhân dân”.
Phạm
Hải Hồ
___________
Ngày 28 tháng Bảy 2013, ở miền Tây Bắc Vịnh Bengal[2], các ngọn đuốc dầu khí trên những giàn khoan khổng lồ ngoài
khơi Myanmar gây một ấn tượng dị kỳ. Khi ấy, đại diện bốn quốc gia Trung Quốc,
Myanmar, Hàn Quốc và Ấn Độ cùng mở van đưa khí đốt từ Vịnh Bengal vào các đường
ống dẫn của dự án dầu khí Trung Quốc – Myanmar ở trạm phân phối đầu tiên − trạm
Kyaukpyu. Vài giờ sau đó, Phó Tổng thống Myanmar U Nyan Tun Aung cùng đại sứ
Trung Quốc tại Myanmar Yang Houlan mở van điều chỉnh ở trung tâm điều chỉnh hệ
thống đường ống Mandalay, và họ đốt khí flare[3] ở trạm đo lường Namkham. “Ý tưởng về đường ống dẫn dầu khí
Trung Quốc – Myanmar” vốn được hỗ trợ mạnh mẽ cuối cùng đã thành hiện thực.
[Chú thích của nhà xuất bản: Theo kế hoạch, tiếp
theo việc khởi động đường ống dẫn khí vào tháng Bảy 2013, đường ống dẫn dầu thô
song song với nó sẽ được khởi động. Việc này hoãn lại đến đầu năm 2014 nhưng chắc
không được hoàn thành đúng thời hạn vì những vấn đề môi trường và sự chống đối
của công chúng Trung Quốc.]
Trong lúc ấy, một tổ chức phi chính phủ Myanmar công
bố một báo cáo về quyền sử dụng, sở hữu đất đai, nó cho thấy hơn 18 thành phố lớn
nhỏ sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án đường ống dẫn dầu khí đi qua các bang Rakhine,
vùng Magway, vùng Mandalay và bang Shan[4], với điểm cuối là thành phố Muse [ở sát biên giới Myanmar -
Trung Quốc][5] đối diện thành phố Ruili thuộc tỉnh Vân Nam.
Không những các đường ống dẫn được xây dựng dưới điều
kiện địa lý và xã hội khó khăn, mà cũng không rõ chúng sẽ hoạt động suôn sẻ
trong tình trạng phức tạp hiện nay ở Myanmar hay không.
Việc
lắp đặt đường ống dẫn đối mặt với nhiều trở ngại
Theo tuyên bố chính thức của Trung Quốc, việc nhập
năng lượng qua các đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc – Myanmar rất quan trọng,
chỉ sau việc nhập khẩu dầu thô bằng đường thủy, đường ống dẫn dầu Trung Quốc –
Kazakhstan, đường ống dẫn khí Trung Á và đường ống dẫn dầu thô Trung – Nga. Sau
khi lập xong kế hoạch, đối tác Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống
đường ống dẫn [Trung Quốc - Myanmar] và hy vọng nó sớm được hoàn thành. Tuy
nhiên, sự việc không đơn giản như họ nghĩ, quá trình xây dựng đã gặp nhiều trở
ngại.
Trước hết, dự án không mang lại lợi ích cho người
dân. Lại phải xây dựng các đường ống dẫn trong những vùng rất khó khăn, không
có hạ tầng cơ sở. Các đường ống phải vượt biển, băng qua đồi núi, cao nguyên
Shan và nhiều con sông lớn. […]
Với công nghệ tân tiến và tinh thần làm việc cật lực,
trong ba năm qua, công nhân Trung Quốc đã vượt qua nhiều khó khăn không thể tưởng
tượng và tạo ra một công trình kỳ diệu. Ngày 13 tháng Hai 2012, họ đã hoàn
thành công việc xây dựng ở khu du lịch Phật giáo với ngọn núi Popa trong vùng
Mandalay. Đây là di sản tôn giáo quốc gia thuộc những Khu Bảo tồn Cảnh quan Quốc
gia (National Scenic Area) được bảo vệ nghiêm ngặt nhất về mặt môi trường và du
lịch văn hóa – tâm linh.
Tuy nhiên, các cộng đồng địa phương không xem đó là
một tin tốt. Ngày 1 tháng Ba 2012, hơn 100 người Myanmar biểu tình phản đối trước
tòa đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan và yêu cầu Tổng thống Thein Sein dừng dự án
xây dựng đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc – Myanmar. Lãnh đạo tổ chức Myanmar với
tên gọi “Phong trào Khí Shwe” (Shwe Gas Movement) nói: “Dự án này không chia sẻ
lợi ích và quyền lợi với nhân dân địa phương, những người vừa mới mất tài sản
và phương tiện sinh sống. Trong khi đó, nó lại thiếu minh bạch, trách nhiệm giải
trình và trách nhiệm của doanh nghiệp [đối với xã hội và môi trường]. Hoạt động
của chúng tôi không chỉ nhằm vào Trung Quốc, mà tất cả các công ty tham gia và
các nhân vật có liên quan tới dự án.” Chiến dịch được tổ chức đồng thời trước
các đại sứ Myanmar, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc tại Thái Lan.
Hơn nữa, sự thay đổi chính trị ở Myanmar đã tạo ra
những lực lượng mới trong dân chúng ngăn cản dự án đường ống dẫn dầu khí. Tháng
Ba 2011, chính quyền quân sự Myanmar đã chuyển đổi thành một chính quyền dân sự,
Tổng thống mới U Thein Sein có nhiều sáng kiến, đặc biệt về tự do ngôn luận
trên các phương tiện truyền thông đại chúng và quyền xuống đường phản đối. Dưới
“sức ép của công luận”, Tổng thống U Thein Sein không những dừng đập Myitsone
do Trung Quốc đầu tư xây dựng mà còn yêu cầu đánh giá lại việc đầu tư của Trung
Quốc vào dự án khai thác đồng Letpadaung.
Chắc hẳn các biện pháp ấy đã tạo sức ép với việc xây
dựng đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc – Myanmar. Trước đây, ba dự án nói trên
được xem là “ba dự án đầu tư trọng điểm của Trung Quốc tại Myanmar” dùng để thử
đánh giá sự thay đổi trong quan hệ giữa chính quyền mới của Myanmar với Trung
Quốc.
Trung
Quốc nhượng bộ
Chính quyền và các công ty Trung Quốc đã kịp thời nhận
thấy tình hình mới và có những biện pháp ứng phó tức thời. Trên bình diện chính
phủ, quan chức cấp cao liên tục viếng thăm Myanmar nhằm điều phối việc đầu tư
và mời các nhà chính trị chủ chốt của nước này sang thăm Trung Quốc. Cũng như vậy,
các công ty cố gắng tạo ra những dự án nhân đạo và cải thiện hình ảnh Trung Quốc
trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Myanmar.
Theo thỏa thuận trước đây, dự kiến đường ống dẫn khí
đã hoàn thành mỗi năm sẽ chuyển 12 tỉ mét khối khí [sang Trung Quốc]. Sản lượng
hàng năm của đường ống dẫn dầu dự kiến sẽ là 22 triệu tấn.
Dù mặc cả, chính phủ Myanmar cũng không thể có được
điều kiện tốt hơn nữa: họ sẽ nhận đến 2 triệu tấn dầu thô và 20 % tổng số lượng
khí tự nhiên sản xuất hàng năm. Các điều kiện này tốt hơn nhiều so với thỏa thuận
trước kia: 13 triệu đô la Mỹ cho chi phí quá cảnh. Ngày 28 tháng Bảy, khi tham
dự lễ khai mạc nói trên, Phó Tổng thống Myanmar U Nyan Tun tuyên bố dự án đường
ống dẫn là một thắng lợi chung của cả bốn quốc gia liên quan, nó “sẽ cải thiện
nền kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và điện khí hóa của Myanmar, nó quan trọng
đối với sự phát triển lâu dài của Myanmar.”
Dầu khí rất quan trọng đối với công cuộc phát triển
kinh tế của Myanmar. Kể từ năm 2000, Myanmar là nước xuất khẩu khí tự nhiên nhiều
nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhà máy lọc dầu thô dự kiến thành lập cũng sẽ
góp phần tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Chính phủ hy vọng các đường ống dẫn dầu khí
sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của Myanmar trong 20 năm tới và giúp nước này khắc
phục tình trạng nghèo nàn lạc hậu.
Lý
lẽ giả tạo của Trung Quốc cho việc đầu tư ở Myanmar
Mặc dù thế, tầm quan trọng của đường dẫn dầu khí
Trung Quốc – Myanmar là điều có thể tranh cãi. Đại diện của Tập đoàn Dầu khí
Trung Quốc (China National Petroleum Corporation, CNPC) tuyên bố dự án ấy có tầm
quan trọng chiến lược: “Sau khi hoàn thành đường ống dẫn, dầu thô nhập từ Trung
Đông và khí tự nhiên từ Myanmar sẽ không còn qua eo biển Malacca nữa. Điều này
có tầm quan trọng chiến lược đối với việc đa dạng hóa và an ninh năng lượng của
Trung Quốc.”
Cho đến nay, eo biển Malacca đặc biệt quan trọng đối
với việc cung ứng dầu thô cho Trung Quốc. Sự đói khát năng lượng khiến Trung Quốc
rất lệ thuộc vào dầu thô từ Trung Đông. Chừng 80 % lượng dầu thô mà Trung Quốc
nhập khẩu từ Trung Đông đi qua eo biển Malacca.
Do đó, vài học giả nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần gấp
rút tạo cho mình những nguồn dự trữ dầu riêng vì nếu eo biển Malacca bị kiểm
soát bởi những nước khác, Trung Quốc sẽ mất khả năng vận chuyển dầu.
Nhằm giải quyết “tình trạng tiến thoái lưỡng nan ở
Malacca”, một số nhóm tư duy chiến lược (think tank) Trung Quốc nảy ra ý tưởng
thay thế eo biển Malacca. Đào một đường hầm xuyên qua eo đất Kra ở miền Nam
Thái Lan hay hợp tác với Malaysia để xây dựng một đường ống dẫn qua Ấn Độ, đó
chỉ là hai trong nhiều sáng kiến. Nhưng đa số các dự án đều rất khó thực hiện
vì những lý do địa lý, địa chất, địa chính trị hay tài chính.
Dự án đường ống dẫn xuyên qua Myanmar được chấp thuận
ở một thời điểm mà chính quyền quân sự của nước này rất bị cô lập trong cộng đồng
quốc tế.
Sau khi hoàn thành, đường ống dẫn sẽ thu ngắn đường
vận chuyển dầu thô của Trung Quốc từ Trung Đông và châu Phi đến 1200 kilomet.
Nó sẽ giảm chi phí vận chuyển so với đường qua eo biển Malacca và sẽ đạt được
10 % khả năng đảm bảo an ninh năng lượng (energy capability).
Tuy nhiên, tình trạng gọi là “tiến thoái lưỡng nan ở
Malacca” dưới cái nhìn của vài học giả thật ra là một lý lẽ giả tạo. Trước hết,
không ai dám công khai ngăn chặn tàu Trung Quốc, trừ phi họ muốn chiến tranh với
Trung Quốc. Trong trường hợp này, quân đội hùng mạnh của Trung Quốc có thể tấn
công một cách hợp lý để bảo vệ lợi ích quốc gia. Hơn nữa, nếu thực sự muốn ngăn
chặn tàu Trung Quốc, thì họ cũng có thể làm việc ấy ở Ấn Độ Dương và vịnh Aden,
tại sao phải đợi đến eo biển Malacca?
Ở Trung Quốc, những nhà nghiên cứu và hoạch định
chính sách phê phán các đường ống dẫn dầu khí chủ yếu vì phí tổn xây dựng cao
và những rủi ro chính trị tiềm ẩn. Ông Zha Daojiong[6], chuyên gia an ninh năng lượng thuộc Đại học Bắc Kinh phát biểu
trong một cuộc phỏng vấn của Financial Times: “Trên lý thuyết, nếu lực
lượng thù địch nào muốn quấy rối việc vận chuyển bằng tàu chở dầu của anh, tại
sao họ phải chăm chăm nhìn vào Malacca? Có lẽ chỉ vì dự án ở Myanmar gây tranh
cãi và bị chỉ trích nên nhà chức trách Trung Quốc mới nhấn mạnh yếu tố chiến lược
ấy.”
Hơn nữa, dường như dự án đường ống dẫn Trung Quốc –
Myanmar gây nhiều vấn đề hơn “tình trạng bế tắc ở Malacca”.
Đến nay, xung đột quân sự trong nội địa Myanmar đã
kéo dài hơn hai năm.[7] Trên 50 kilomet đường ống dẫn nằm trong vùng có chiến tranh,
tình trạng an ninh ở Myanmar còn xấu hơn ở eo biển Malacca. Thậm chí chúng ta
có thể tưởng tượng nông dân Myanmar sống dọc theo đường ống dẫn có thể dùng cuốc
đập vỡ nó một cách dễ dàng. Vì đường ống dẫn nằm trong lãnh thổ Myanmar, Trung
Quốc không thể và không có phương tiện để kiểm soát hành vi của họ.
Đánh
giá phức tạp của Myanmar về tình trạng thực sự
Trung Quốc không phải là khách hàng duy nhất của
Myanmar. Nhất là trong năm 1998, Myanmar trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên
và từ năm 2000 đã xuất khẩu nhiều khí tự nhiên nhất vùng châu Á – Thái Bình
Dương.
Thứ nhì, cũng nên lưu ý là các đường ống dẫn không
chỉ được đầu tư bởi Trung Quốc. Chúng còn được vận hành bởi “Công ty đường ống
dẫn Đông Nam Á”, một công ty cổ phần đầu tư liên kết sáu công ty từ Trung Quốc,
Myanmar, Ấn Độ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc nắm giữ hơn 50 %
cổ phần. Nhưng cũng không nên đánh giá thấp phần lợi nhuận mà chính phủ Myanmar
thu được.
Thứ ba, các cộng đồng Myanmar phải chịu tác động
nhưng lại không hưởng lợi ích từ dự án. Một mặt, ngoài lãi cổ phần hàng năm ra,
chính phủ Myanmar còn thu được nhiều tiền thuế, tiền thuê đất, chi phí quá cảnh,
từ quỹ đào tạo kỹ thuật và nhiều nguồn khác. Vì dự án sử dụng một phần lớn nhân
viên địa phương ở Myanmar để vận hành các đường ống dẫn nên cũng sẽ tập huấn một
số lớn kỹ thuật viên trong ngành công nghiệp năng lượng.
Tuy nhiên, không dễ gì các mối lợi nhuận và lợi ích ấy
được phân phối trực tiếp cho người dân thường, nhất là những cộng đồng ở dọc
theo đường ống dẫn đã mất tài sản và bị thiệt hại bởi dự án. Họ than phiền chỉ
nhận được ít tiền đền bù, trong khi sinh kế và môi trường của họ bị hủy hoại.
Thật ra, Công ty đường ống dẫn Đông Nam Á đã cung cấp hơn 20 triệu đô la Mỹ cho
việc bảo đảm an toàn sinh kế, số tiền này được dùng để xây dựng 43 trường học,
2 trường mầm non, 3 bệnh viện, 21 trung tâm y tế, một hồ chứa nước ở đảo Ma Day
và đường dây dẫn điện ở bang Rakhine. Nhưng vì công ty không có khả năng thực
hiện các dự án ấy ở cộng đồng, họ chỉ cung cấp tiền cho chính phủ Myanmar thực
hiện; vì vậy nên việc làm của họ không được nhiều người dân địa phương ghi nhận.
Hậu quả là tình trạng bất ổn và những cuộc biểu tình
phản đối của dân địa phương làm chậm tiến trình của dự án và khiến số tiền đầu
tư ban đầu 2,54 tỉ tăng lên tới hơn 5 tỉ đô la Mỹ.
Trách nhiệm không được phân chia một cách hợp lý.
Công ty tham gia dự án đã giao mọi trách nhiệm thu mua đất, tái định cư và đền
bù cho nhà chức trách Myanmar. Nhưng chính quyền địa phương không dùng trọn số
tiền đóng góp cho việc đền bù và phúc lợi xã hội. Dân làng ở những vùng bị ảnh
hưởng cho phóng viên biết là họ không nhận được khoản đền bù nào cả. Sau khi
báo chí đưa tin ấy, chính quyền địa phương mới dần dần trả tiền đền bù.
Các
đường ống dẫn làm tăng thêm xung đột
Một điều đáng lo ngại hơn, là xung đột vũ trang ở
Myanmar. Trong hai năm qua, xung đột vũ trang giữa quân chính phủ và Quân đội Độc
lập Kachin (Kachin Independence Army, KIA) ở miền Bắc Myanmar đã leo thang. Các
tác động phụ của chiến tranh ngày càng tăng thêm, như số nạn nhân thương vong,
người tị nạn, người bị cưỡng bức di cư, tình trạng suy thoái kinh tế, việc cắt
điện v.v. Ngày 23 tháng Mười 2011, lấy danh nghĩa bảo đảm an toàn cho việc xây
dựng đường ống dẫn dầu khí, quân đội chính phủ đã tấn công vào lãnh địa của KIA
ở bang Shan.
Việc xây dựng đường ống dẫn làm xung đột giữa quân đội
Myanmar và KIA trở nên gay gắt, nhưng cuộc xung đột cũng gây nguy hiểm cho đường
ống dẫn vì nó đi ngang qua vùng này hơn 50 kilomet. Nếu cuộc tranh cãi về đường
ống dẫn Trung Quốc – Myanmar vẫn tiếp diễn, nhân dân Myanmar sẽ không chấp nhận
và ủng hộ hoàn toàn dự án ấy, và chắc hẳn trong tương lai nó sẽ gặp nhiều khó
khăn.
Phía
Trung Quốc cũng phản đối
Cách đây không lâu, ở Trung Quốc cũng xảy ra những vụ
phản đối. Giữa lúc tiến hành dự án đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc – Myanmar,
dự án lọc dầu công suất 10 triệu tấn / năm của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung
Quốc ở Côn Minh và những dự án phụ của dự án đường ống dẫn, người dân Côn Minh
đã xuống đường phản đối.[8] Vài nhà nghiên cứu đã lưu ý: “Bất kể ở Myanmar hay Trung Quốc,
các công ty Trung Quốc quen thương lượng với cấp lãnh đạo cao nhất, phớt lờ những
thách thức mà xã hội dân sự và cộng đồng gặp phải. Nếu dự án không hoạt động
theo kế hoạch, CNPC sẽ đối mặt với gánh nặng nợ nần và những thiệt hại kinh tế
to lớn.”
Triển
vọng
Các dự án đường ống dẫn có thể trở thành quân cờ
Myanmar dùng để kiềm chế phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi quyền
hành từ nhóm quân phiệt chuyển sang chính quyền dân sự, xung đột lớn nhất ở
Myanmar là xung đột chủng tộc. Trước sự mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa chính
phủ và các nhóm sắc tộc, cộng với các mối bất hòa và mâu thuẫn về văn hóa – tín
ngưỡng, sự khẳng định bền bỉ của Trung Quốc về “không can thiệp và công việc nội
bộ” sẽ gặp phải nhiều thử thách.
Tóm lại, các đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc –
Myanmar là một dự án gây nhiều tranh cãi vì viễn cảnh của Trung Quốc và sự hiện
thực hóa của nó. Hơn nữa, tương lai của các dự án không chắc chắn bởi tình trạng
xung đột quân sự.
__________
Chú
thích [của nhà xuất bản]
Trên đây là bản rút gọn từ bài báo “The prospects of
the Sino-Myanmar oil and gas pipeline” của Ying Hongwei, đăng trên Phoenix
Weekly No 25, Vol 482, tháng chín 2013, trang 44-46.
Ying
Hongwei là nhà báo tự do sống ở Trung Quốc.
Ảnh: Đường ống dẫn Myanmar – Trung Quốc là một trong 4 hệ thống đường ống
dẫn năng lượng vào Trung Quốc. Ngoài ra, nước này còn nhập dầu thô từ Trung
Đông và châu Phi bằng đường thủy qua eo biển Malacca và Biển Đông Nam Á. Ảnh chỉ
dùng để minh họa, không có trong bài báo.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh: Ying
Hongwei, Chinese investments in Myanmar. The Sino-Myanmar oil and gas
pipeline project could become a chess piece, Stiftung Asienhaus
Hintergrundinformationen 13.03.2014.
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Hải Hồ &
pro&contra
[1] “Biển Đông Nam Á” (tên gọi quốc tế: South China Sea) là vùng
biển nằm giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia và
Singapore. Đường “chín đoạn” hay “lưỡi bò” vô căn cứ mà các thế lực bành trướng
Trung Quốc cho là ranh giới lãnh hải của mình chiếm đến 80-90 % biển Đông Nam
Á. Từ “Biển Đông” thường được người Việt dùng để chỉ vùng biển nằm phía Đông Việt
Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng chưa xác định ranh giới
rõ ràng.
[2] Tác giả đã lầm khi viết “in the southwest of the Bay of
Bengal, Myanmar” (ở miền Tây Nam Vịnh Bengal, Myanmar).
[3] Khí nằm lẫn trong dầu mỏ mà khi khai thác người ta thường đốt
để loại bỏ nó.
[4]Cộng hòa Liên bang Myanmar gồm 7 bang (state), 7 vùng (region),
1 địa hạt liên bang (union territory), 7 khu tự trị (self-administered zone) và
1 vùng tự trị (self-administered division).
[5] Đúng hơn, điểm cuối là thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân
Nam, nơi Trung Quốc xây dựng một nhà máy lọc dầu.
[6] Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế, trình bày quan điểm của
mình về dự án đường ống dẫn Myanmar-Trung Quốc trong bài: Zha
Daojiong, Oil Pipeline from Myanmar to China: Competing Perspectives,
RSIS Commentaries 74/2009.
[7] Chính quyền và 14 trong 16 nhóm quân nổi dậy đã ký thỏa thuận
hòa giải. Tuy nhiên, đến nay xung đột vũ trang giữa quân chính phủ và “Quân đội
Độc lập Kachin” vẫn còn tiếp diễn. Xem: Tú
Anh, “Chiến sự và lòng nghi kỵ đe dọa nỗ lực hòa bình tại Miến Điện”, rfi
07/05/2014.
[8] Thật ra, người dân Côn Minh đã biểu tình phản đối khi hay tin
nhà máy lọc dầu sẽ được xây dựng tại thành phố của họ. Xem: William
Ide, “Chinese Environmental Protesters Demand Transparency”, VOA May
17, 2013.
No comments:
Post a Comment