Song Chi/Người Việt
Friday,
March 08, 2013 6:00:14 PM
Xã hội VN từ nhiều năm nay là một xã hội đầy những nghịch lý,
tồn tại một cách ngang nhiên. Có thể kể ra rất nhiều những sự lạ lùng mà chỉ VN
mới có.
Nhưng
điều đáng nói là người dân do phải sống quá lâu trong một môi trường như VN đã
trở nên quen và không còn thấy, thậm chí không biết là những chuyện như vậy
không thể chấp nhận được ở rất nhiều nước khác.
Từ
một ví dụ rất nhỏ như chuyện mua thuốc chữa bệnh. Ai cũng thấy ở VN mua thuốc
rất dễ. Rất nhiều người khi đau các loại bệnh thông thường như cảm cúm, ho, sổ
mũi, đau bụng tiêu chảy... chẳng cần đi bác sĩ, cứ ra tiệm thuốc tây khai bệnh,
dược sĩ cứ thế mà bán thuốc.
Ðau
đầu thì có hàng chục nguyên nhân khác nhau, đau bụng cũng thế, nhưng người đau
cứ khai, nhà thuốc vẫn bán. Mà cũng không chỉ các loại bệnh thông thường. Còn
trụ sinh, kháng sinh các loại thì mua “vô tư,” không cần toa bác sĩ.
Báo
VNExpress có loạt bài “Cái chết âm thầm từ việc lạm dụng kháng sinh,” “Sai lầm
thường gặp khi dùng kháng sinh,” “Kháng sinh bán theo đơn mà mua dễ như rau”
cho thấy việc mua thuốc kháng sinh dễ dàng cho tới việc bác sĩ thường hay cho
toa có nhiều thuốc kháng sinh các loại... như thế nào.
Người
bệnh thì thường có tâm lý muốn dứt bệnh nhanh, phải chăng vì vậy mà nhiều bác
sĩ ở VN thường cho thuốc loại nặng “đô” để chóng khỏi, nếu không, bệnh nhân sẽ
chê là bác sĩ chữa dở, lần sau không thèm ghé. Lâu dần bệnh nhân bị lờn thuốc,
không thể xài thuốc nhẹ được nữa.
Trong
khi đó ở nhiều nước, việc mua thuốc cực kỳ khó khăn. Trừ những thuốc quá thông
thường và quá nhẹ chữa bệnh nhức đầu, cảm ho sơ sơ, mọi thứ bệnh, mọi loại
thuốc đều phải có toa bác sĩ, tiệm thuốc mới bán. Các loại kháng sinh lại càng
kiếm không ra.
Ở
nhiều nước, người dân từ trẻ đến già đều có bác sĩ gia đình, do vậy từ nhỏ đến
lớn đau bệnh gì, từng chữa các loại thuốc gì đều có hồ sơ của bác sĩ gia đình
lưu trữ. Thậm chí tiệm thuốc tây cũng lưu giữ “hồ sơ” của người mua thuốc trong
máy vi tính. Chỉ cần gõ tên, số đăng ký cá nhân là ra người đó đã từng mua loại
thuốc gì, bao nhiêu lần, nhất là những loại thuốc đặc biệt hay thuốc có chất
gây nghiện, thuốc an thần...
Nhờ
vậy, bác sĩ, nhà thuốc dễ theo dõi tình trạng sức khỏe, sử dụng thuốc của mỗi
người. Chẳng bù cho ở VN có mua hàng chục viên thuốc ngủ về tự tử cũng chẳng ai
hỏi.
Vừa
rồi ở Sài Gòn xảy ra một vụ nổ thương tâm làm sập 3 căn nhà, chết 11 mạng
người, trong đó căn nhà nơi phát nổ là của một chuyên viên trong lĩnh vực khói
lửa, cháy nổ của ngành phim ảnh, cả nhà anh 6 người đều chết hết. Nguyên nhân
được cho là vì bị tai nạn, bất ngờ phát nổ khi trong nhà có chứa quá nhiều chất
nổ, vũ khí, súng đạn làm đạo cụ phim trường...
Sau
đó báo Phụ Nữ có bài “Sản phẩm dễ gây cháy nổ: mua dễ như rau” cho thấy các
loại hóa chất, sản phẩm dễ gây cháy nổ, chất độc các loại... được bày bán tràn
lan ở chợ Kim Biên, Sài Gòn. Ai cũng có thể mua được. Nhiều vụ chế thuốc nổ,
chế mìn gây sát thương cho người khác, truy ra nguồn gốc chất nổ đều từ... chợ
Kim Biên.
Acid
cũng vậy, mua rất dễ. Biết bao nhiêu vụ tạt acid để trả thù tình, ân oán trong
làm ăn... cũng vì mua acid quá dễ, có thể mua ở chợ Kim Biên hay một số tiệm
bán dụng cụ lắp ráp, sửa chữa xe máy, tiệm bán vật liệu xây dựng nào đó.
Người
dân và chính phủ của nhiều quốc gia chắc sẽ kinh hãi lắm khi biết được thực tế
này ở VN!
Trong
những thứ có thể “mua dễ như rau” này, có cả hóa chất thực phẩm độc hại dùng để
bảo quản thực phẩm, nhằm bảo quản rau quả, thịt... khỏi iu, thối, thậm chí có
thể “biến” thịt từ ôi thành tươi, ngon.
Báo
chí, dư luận từ lâu đã thường xuyên lên tiếng về tình trạng thực phẩm “bẩn,”
không bảo đảm an toàn vệ sinh ở VN. Hầu như ngày nào cũng đọc thấy những tin
tức về thực phẩm “bẩn,” bị nhiễm độc.
Chẳng
có thứ thực phẩm nào là không bị, từ cá, thịt ôi thiu, nội tạng thối, rau củ
phun hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc giữ cho tươi lâu, miến, phở, bánh cuốn...
có chứa hàn the, thậm chí formol, các loại gia vị, đồ khô, nước tương cho đến
nước ngọt, trái cây... Chưa kể thịt heo giả làm thịt bò, gạo giả, trứng giả,
sữa nhiễm độc... từ Trung Quốc tuồn qua.
Nhưng
chính người VN cũng làm hại đồng bào và tự làm hại chính mình khi buôn bán, làm
ăn không có lương tâm, ham lời nhiều, làm dối, làm bẩn, từ khâu trồng, chế
biến, bán sỉ cho đến các cửa hàng ăn uống, hàng rong tràn ngập khắp nơi...
Thói
quen ăn uống của người Việt cũng góp phần vào nguy cơ nhiễm độc cao như ăn nội
tạng heo, gà, ăn tiết canh, hải sản tươi sống, thịt tái...
Không
trách gì tình trạng bị ngộ độc thực phẩm hay các loại bệnh như ung thư dạ dày,
ung thư gan... ở người Việt rất cao. Người Việt lại không có thói quen đi khám
sức khỏe định kỳ đều đặn ít nhất một hoặc hai lần mỗi năm, nên đến khi phát
hiện bệnh ung thư thì thường là đã muộn.
Câu
hỏi là tại sao thực phẩm “bẩn,” độc hại lại có thể tồn tại bao nhiêu năm ở VN
mà nhà nước vẫn cứ bất lực không kiểm soát, khống chế, hay trừng phạt thật nặng
để cho những kẻ buôn bán thiếu lương tâm phải biết sợ?
Một
hiện tượng nữa cũng tồn tại ở VN bao nhiêu năm nay là việc xài tiền mặt. Cả một
nền kinh tế xài tiền mặt. Từ lâu, tại các nước phát triền trên thế giới đồng
tiền phải đi qua cửa ngân hàng, còn người dân thì thường xài các loại thẻ tín
dụng, có quốc gia như Thụy Ðiển còn tính đến chuyện sẽ hoàn toàn không cần xài
tiền. Ðồng tiền do vậy được kiểm soát rất chặt chẽ, có “dấu vết,” đi từ đâu đến
đâu.
Ngược
lại, ở VN mua từ con cá mớ rau ngoài chợ cho đến mua nhà, ô tô, trả thuế...
hàng tỷ đồng VN vẫn cứ trả tiền mặt, chở từng bao tiền đi thanh toán! Việc trả
tiền mặt tạo điều kiện cho nhiều tệ nạn có thể tồn tại như cướp giật tiền giữa
đường, tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế v.v...
Gần
đây bài “Cấm mua nhà, ô tô bằng tiền mặt: điều gì còn lo lắng?,” VTCNews, cho
hay: “Ngân Hàng Nhà Nước đang xây dựng và hoàn thành Dự thảo Nghị định thanh
toán dùng tiền mặt, trong đó có nội dung cấm mua chứng khoán, xe cộ, nhà bằng
tiền mặt...” Nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, sợ khó thay đổi thói quen của
người dân, sợ phiền phức cho dân khi phải mở tài khoản, chuyển khoản... thì rõ
ràng VN quá chậm, quá lạc hậu với thế giới.
Tuy
nhiên, việc nhà cầm quyền từ bao nhiêu năm nay vẫn duy trì một nền kinh tế tiền
mặt còn vì chỉ có như vậy họ mới có thể che giấu được tham nhũng và các tội
kinh tế khác. Chứ nếu cái gì cũng đi qua cửa ngân hàng, cái gì cũng vào thẻ,
công khai, minh bạch thì đám quan chức từ trên xuống dưới làm sao mà “ăn” hối
lộ, mà rửa tiền?
Các
quốc gia phát triển có một nền luật pháp chặt chẽ, có các biện pháp quản lý
kinh tế, quản lý con người khéo mà rất chặt, chỉ cần một cái số cá nhân hay số
an sinh xã hội là có thể gõ tìm dữ liệu ra toàn bộ thông tin cá nhân về người
đó. Chả cần kiểm soát bằng hộ khẩu, rồi lại giấy chứng minh nhân dân, giấy này
giấy kia lôi thôi hàng đống như ở VN.
Nhà
nước cũng chỉ cần kiểm soát người dân về mặt tiền bạc là đủ tránh được lắm dạng
tội phạm, đồng thời không thất thoát thiệt thòi tiền bạc cho phía nhà nước.
Thay vì cứ chăm chăm kiểm soát, quản lý tư tưởng của nhân dân!
Chưa
cần nói đến những nghịch lý về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tín ngưỡng.... những nghịch lý trên tưởng như bình thường vì đã và vẫn
đang tồn tại bao nhiêu năm nay ở VN, cũng đủ cho thấy sự lạc hậu, lạc quẻ của
xã hội VN, sự bất lực của nhà cầm quyền trong việc điều hành quản lý xã hội.
Có
cảm giác như trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, đạo đức xã hội,
đối nội đối ngoại... nhà nước VN đều để mặc cho tình trạng buông lỏng, vô chính
phủ, luật rừng... tràn lan. Cái lĩnh vực duy nhất mà họ quan tâm kiểm soát thật
chặt từ hơn sáu thập kỷ qua là bằng mọi giá giữ lấy quyền lãnh đạo tuyệt đối và
độc nhất của đảng, là sự tồn vong của chế độ. Và họ chỉ cần có thế.
No comments:
Post a Comment