Monday 11 March 2013

VỀ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI TRONG DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI (Trần Vinh Dự)




11.03.2013
Một trong những nội dung được góp ý nhiều cho Dự thảo Hiến pháp mới của Việt Nam là vấn đề sở hữu đất đai. Nhiều người cho rằng đã đến lúc nhà nước cần phải trả lại cho dân quyền sở hữu đất đai - cái mà nhà nước đã lấy đi từ nhiều năm trước.
Sở hữu đất đai từ trước đến nay là một khái niệm phức tạp. Nó phức tạp vì thực chất sở hữu đất đai chưa bao giờ được coi là một quyền sở hữu tuyệt đối trong bất kỳ hệ thống pháp lý nào. Sở hữu đất đai là một thứ quyền chịu sự điều chỉnh của cái gọi là “eminent domain”. Eminent domain là một thứ quyền thực hiện tước đoạt quyền sở hữu này của nhà nước, chính quyền địa phương, một cá nhân, hoặc một tổ chức được lệnh thực hiện chức năng của nhà nước, sau khi thực hiện nghĩa vụ đền bù công bằng cho người chủ sở hữu đất đai đó.

Để thực hiện việc trưng thu đất đai, nhà nước phải thực hiện thông qua một quá trình gọi là “due process”. Thí dụ như ở Hoa Kỳ, Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp Mỹ quy định việc tước đoạt này chỉ thực hiện được khi có đủ 4 yếu tố: (1) tài sản tư nhân (2) được trưng thu (3) cho mục đích công cộng (4) và với việc đền bù công bằng.

Việc thực hiện due process này giúp đảm bảo công bằng cho người dân khi bị trưng thu đất đai. Vấn đề (1) tài sản tư nhân thì khá là dễ hiểu. Vấn đề (2) được trưng thu không chỉ được hiểu đơn giản là nhà nước lấy lại miếng đất đó. Một số dạng “trưng thu từng phần” cũng phải được đền bù công bằng. Thí dụ như nhà nước làm sân bay ở gần khu đất của người dân. Ô nhiễm tiếng ồn do sân bay gây ra cho người dân trong nhiều trường hợp cũng phải được đền bù vì mặc dù nhà nước không lấy đi đất của dân, nhưng việc xây sân bay đã làm cho miếng đất đó bị mất một phần giá trị, vì thế được coi là bị “trưng thu một phần”.

Vấn đề thứ (3) là vấn đề hết sức gai góc và thường phải được giải quyết ở tòa án. Trong đa số trường hợp, nhà nước không chờ người dân đi kiện, mà chủ động đưa ra tòa. Hệ thống tòa án ở các nước như Mỹ độc lập với cơ quan hành pháp nhà nước, vì vậy có thể coi là “trung lập” và phán xử của họ không chịu sức ép của bộ máy hành pháp nhà nước như ở Việt Nam. Định nghĩa “cho mục đích công cộng” ở Mỹ cũng được nới rộng khá nhiều, cho tới nay đã bao gồm tất cả các công trình có lợi ích công cộng, thí dụ các trung tâm thương mại, các trung tâm hành chính, hoặc sân bay. Tối cao pháp viện của Mỹ còn mở rộng định nghĩa này tới chỗ bao gồm cả các vấn đề liên quan đến thẩm mĩ. Thí dụ, các khu ổ chuột có thể bị dẹp bỏ để làm cho thành phố đẹp hơn. Một số tòa án cấp bang còn coi một số dự án của doanh nghiệp là “cho mục đích công cộng”. Thí dụ tòa thượng thẩm bang Michigan hồi năm 1981 cho phép General Motors được trưng thu đất của dân để xây dựng nhà máy vì cho rằng dự án này sẽ làm hồi sinh nền kinh tế của địa phương.

Vấn đề thứ (4) cũng thường được giải quyết ở tòa án và nhà nước cũng không chờ người dân đi kiện mà chủ động đưa ra tòa. Phương pháp để xác định thế nào là “công bằng” là dựa trên giá trị thị trường hợp lý của tài sản bị trưng thu (hoặc bị làm tổn hại). Giá trị thị trường công bằng được hiểu là giá trị mà giả sử không có việc trưng thu sẽ được giao dịch tự do giữa người mua và người bán hoặc giá trị từ việc sử dụng tài sản này một cách hiệu quả nhất.

Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn không có khái niệm sở hữu đất đai cá nhân. Người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Và quyền này, tùy theo từng “loại” đất mà có thể được sử dụng vĩnh viễn hoặc sử dụng có thời hạn. Quyền sử dụng đất cũng bị hạn chế ở mục đích sử dụng đất. Có nghĩa là có quyền sử dụng nhưng tùy theo mục đích sử dụng của mảnh đất được nhà nước quy định mà người có quyền sử dụng đất được làm gì với mảnh đất đó, thí dụ xây nhà hay chỉ là đất vườn.

Nhưng ngay cả việc phân xếp loại và cấp giấy tờ theo cách nói trên cũng chưa được triển khai toàn diện. Nhiều vùng, đặc biệt là nông thôn Bắc bộ, vẫn trong tình trạng có nhiều (thậm chí đa số) hộ gia đình không có bất cứ loại giấy tờ gì đối với mảnh đất mà họ cư trú. Điều này bắt nguồn từ cải cách ruộng đất hồi cuối thập niên 50 - đầu thập niên 60, khi người dân phải “tự nguyện” nộp toàn bộ giấy tờ quyền sở hữu đất đai (thời đó vẫn là sở hữu) cho hợp tác xã. Kể từ đó, nhiều hộ gia đình vẫn tiếp tục được sinh sống trên mảnh đất của gia đình, nhưng không có bất cứ thứ giấy tờ gì khẳng định quyền của họ (dù là quyền sử dụng) trên các mảnh đất đó. Việc làm “sổ đỏ” cho các hộ gia đình ở nông thôn đã được triển khai từ nhiều năm trước, nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được nhiều.

Quyền sử dụng hay quyền sở hữu chỉ là cái tên. Thực tế là dù có gọi là quyền sở hữu thì cũng không có thứ quyền sở hữu tuyệt đối về đất đai vì khái niệm eminent domain nói trên. Tuy nhiên, nếu tạm gọi nó là “quyền trên đất” thì cái tối thiểu nhất người dân phải có là khả năng không bị tước đoạt đi một cách vô lý. Việt Nam là một đất nước đang phát triển, việc xây dựng các dự án công nghiệp hoặc các khu đô thị lớn là việc vẫn cần phải làm. Vì thế trong nhiều trường hợp việc trưng thu vẫn phải được thực hiện. Thế nhưng quyền lợi của người dân trong các vụ trưng thu này phải được đảm bảo thông qua quá trình tố tụng công khai, minh bạch và công bằng. Nhà nước vẫn có eminent domain, nhưng đổi lại người dân phải có due process. Đó là thứ căn bản nhất.

Ngay cả khi người dân có quyền sở hữu đất đai theo luật, nhưng nếu không có due process, bộ máy hành pháp vẫn có thể tùy tiện áp đặt ý chí chủ quan của nó lên công chúng, thì trên thực tế quyền lợi của người dân vẫn không được bảo đảm. Với tình trạng hệ thống tố tụng chịu sự chỉ đạo của hệ thống hành pháp như hiện nay, có vẻ như dù có thay đổi luật đất đai, thì người dân vẫn không có due process mỗi khi chính quyền có ý muốn trưng thu đất đai của họ.


* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.




No comments:

Post a Comment

View My Stats