Monday 18 March 2013

TƯỜNG THUẬT CUỘC HỘI THẢO VỀ BIỂN ĐÔNG Ở NEW YORK (Việt Hà - RFA)




Việt Hà, phóng viên RFA
15 & 16-3-13

I.
Việt Hà, phóng viên RFA
2013-03-15

Một hội thảo quốc tế về tranh chấp biển Đông do Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa phối tổ chức với trường đại học Lý Quang Diệu, vừa diễn ra vào ngày 14 tháng 3 tại New York. Đây là một hội thảo kéo dài hai ngày, quy tụ nhiều học giả quốc tế từ Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore với chủ đề chính được bàn thảo bao gồm nguồn gốc tranh chấp trên biển Đông, vấn đề pháp lý trong trách chấp này, và quan hệ Mỹ Trung trong mối quan hệ với tranh chấp ở biển Đông.

Đảm bảo tự do hàng hải
Ngày đầu tiên của hội thảo biển Đông diễn ra tại Asia Society, New York phần nào cho thấy sức nóng của những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải giữa các nước có liên quan tại khu vực này.

Ngay bài phát biểu mở đầu hội thảo, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Christopher Hill khẳng định lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông và mong muốn duy trì tự do hàng hải tại khu vực này:
“Nước Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Đây không phải là do chúng tôi thấy vấn đề phức tạp mà không tham gia, mà do lập trường đã có từ lâu và chính sách của Mỹ, tức là không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền nếu nó không lien quan đến chủ quyền của Mỹ. Hoa Kỳ cũng duy trì quan điểm đảm bảo tự do hàng hải, đây là điều Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói về biển Đông và cũng là chính sách có từ lâu của Mỹ. Chúng tôi cũng muốn thấy một giải pháp hòa bình ở khu vực này. Nhưng liệu có được một giải pháp hòa bình không thì là một vấn đề khác.”

Ông cũng thừa nhận việc giải quyết tranh chấp này giữa các nước không dễ dàng, nhất là đối với thái độ từ Trung Quốc, nước lớn nhất trong tranh chấp, ông nói tiếp:
“Không có một quốc gia nào phức tạp như Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và có thể có đến 2 tỷ quan điểm khác nhau về một vấn đề, chúng ta không thể nghĩ đến một giải quyết dễ dàng, hoặc tiếp cận dễ dàng khi đụng đến vấn đề thái độ của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hay bất cứ vấn đề nào khác.”

Ông Christopher Hill cũng chỉ trích Trung Quốc trong cách tiếp cận vấn đề tranh chấp biển Đông bằng song phương và kêu gọi nước này nên cân nhắc lại cách tiếp cận này.

Tôn trọng lợi ích cốt lõi
Bài phát biểu có lẽ gây nhiều ý kiến tranh cãi sôi nổi nhất vào buổi sáng đầu tiên của hội thảo có lẽ đến từ trung tướng Zhu Chenghu, thuộc học viện quốc phòng Trung Quốc. Ông Zhu nói đến mối quan hệ tốt đẹp về nhiều mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng thừa nhận có những khác biệt đối với các vấn đề an ninh và quân sự, dẫn đến mất lòng tin từ hai phía.

Ông Zhu cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác vì cả hai đều có những quyền lợi chung. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo hợp tác mà không có sự tôn trọng lợi ích cốt lõi của bên kia sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng:
“Theo tôi thì cả Mỹ và Trung Quốc đều cần từ bỏ cách suy nghĩ theo thời chiến tranh lạnh, đừng tìm kiếm một kết quả không có lợi cho cả hai bên, sẽ không có điều đó trong tương lai quan hệ hai nước. Chúng ta cần ý tưởng mới, ý kiến mới, và thái độ mới. Theo tôi cả Mỹ và Trung Quốc phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của hai bên trong khi xem xét đến các quan ngại về an ninh của mỗi nước. Theo tôi mỗi nước chỉ có thể đạt được quyền lợi của mình qua hợp tác. Nếu anh lờ đi lợi ích cốt lõi của bên kia, thì bên kia sẽ không tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại an ninh của anh.”

Vào năm 2011, một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, đã lên tiếng nói rằng biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuyên bố này đã đặt ra nhiều thắc mắc về chính sách và hành xử của Trung Quốc tại khu vực này có giống như cách Trung Quốc đã làm với Tây Tạng và Đài Loan là hai lợi ích cốt lõi khác của Trung quốc.
Các học giả đã chất vấn Trung tướng Zhu về định nghĩa và phạm vi của lợi ích cốt lõi là gì? Liệu biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hay không? Trung tướng Zhu Chenghu giải thích:
“Ở Trung Quốc có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người đã hỏi ông Đới Bỉnh Quốc là biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không. Còn nhiều tranh cãi về vấn đề này vì có nhiều người tin biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc vì nó thuộc với yếu tố toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Một số người cho rằng biển Đông không giống như Đài Loan hay Tây Tạng. Vào lúc này chúng tôi vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về vấn đề này.”

Trung tướng Zhu cho biết có yếu tố thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc: thứ nhất là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, thứ hai là môi trường cho phát triển hòa bình, thứ 3 là sự tiếp tục của hệ thống chính trị hiện tại ở Trung Quốc.

Trung Quốc không gây hấn?
Điểm đáng chú ý thứ hai trong bài phát biểu của ông Zhu khiến những người dự hội thảo thắc mắc đó là khi ông nói đến việc Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng tại biển Đông.
“Trung Quốc không phải là nước thích phá vỡ hiện trạng tại Điếu ngư hay biển Đông. Tôi tin là các hành động của Trung Quốc luôn là phản ứng chứ không phải gây hấn với bất cứ bên nào duy trì hiện trạng lúc này tại biển Đông có nghĩa là Trung Quốc không muốn chiếm tất cả các đảo đã được các nước khác chiếm đóng, và chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác bình thường từ trước. Không một nước nào được tăng số đảo chiếm đóng hiện tại lên.”

Trả lời câu hỏi chất vấn của một người dự hội thảo về hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc hồi năm 1974 có phù hợp với chính sách duy trì hiện trạng của Trung Quốc, ông Zhu cho rằng Hoàng Sa thuộc Trung Quốc theo công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề tự do hàng hải, Trung tướng Zhu Chenghu khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ là người gây hấn, và trong vòng 3 năm qua chưa có một sự kiện nào cho thấy Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải tại khu vực này, hay ngăn chặn tàu của Mỹ.

Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Christopher Hill thì cho rằng nếu nói về tự do hàng hải tại biển Đông, những ngư dân Việt Nam có lẽ là những người hiểu rõ nhất về vấn đề này:
“Chắc chắn nếu bạn là một ngư dân Việt Nam vào lúc này, bạn sẽ không cảm thấy mình có tự do hàng hải.”

Từ nhiều năm nay, các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống là khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc lánh bão tại đây đã bị lực lượng có vũ trang của Trung Quốc đánh đập, bắt giữ và đòi tiền chuộc.
Trong phần trả lời câu hỏi về cách tiếp cận đa phương trong giải quyết tranh chấp biển Đông, người đại diện từ Trung Quốc cho biết Trung Quốc không chống lại đa phương và sẵn sàng hợp tác nếu Singapore là nước đứng ra trung gian dàn xếp với các nước ASEAN trước khi tiếp cận với Trung Quốc.

Quý vị vừa theo dõi phần 1 tường thuật hội thảo biển Đông tại Asia Society ngày 14 tháng 3. Mời quý vị đón xem phần 2 tường thuật hội thảo ngày 15 tháng 3, phần 2 có chủ đề về vụ kiện của Philippines và đề xuất giải pháp.


II.
Việt Hà, phóng viên RFA
2013-03-16

Tiếp theo phần tường thuật đầu tiên tại buổi hội thảo biển Đông ở Asia Society tại New York, phần tường thuật tiếp theo có chủ đề về vụ kiện của Philippines ra tòa trọng tài và các đề nghị cho giải pháp.

Tại sao Trung Quốc từ chối ra tòa với Philippines
Một khía cạnh đáng chú ý khác được các học giả tập trung bàn thảo nhiều trong ngày hội thảo đầu tiên là việc Philippines đưa tranh chấp biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS).

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Christopher Hill tỏ ra không mấy lạc quan về vụ kiện này:
“Theo quan điểm của tôi thì lúc này chưa phải là lúc chín muồi cho các giải pháp pháp lý và giải pháp cuối cùng cho vấn đề này dù chúng ta rất muốn. Tôi không nghĩ là đã có sự đồng thuận cao trong việc giải quyết vấn đề này một lúc dù qua tòa trọng tài hay một thủ tục nào khác.”

Ngày 22 tháng giêng vừa qua, Philippines đã quyết định đưa vụ tranh chấp ra tòa trọng tài quốc tế theo UNCLOS. Tuy nhiên vào ngày 19 tháng 2, Trung Quốc đã chính thức từ chối tham dự phiên tòa, điều đã được nhiều chuyên gia dự đoán từ trước đó vì từ năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố không chịu những phán quyết của tòa quốc tế theo UNCLOS.

Học giả Việt Nam, Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa luật trường đại học Ngoại giao Việt Nam, đồng tình với quan điểm cho rằng các nước có liên quan hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra tòa quốc tế để phán xử.

Trong khi đó, một học giả Trung Quốc khác tại hội thảo là luật sư Zhang Xinjun thuộc Đại Học Tsinghua, Bắc Kinh cho rằng vụ kiện này chỉ có thể gây khó khăn cho các nước liên quan mà không giải quyết được vấn đề.

Đã có nhiều câu hỏi được đưa ra đối với luật sư Zhang về lý do thực sự Trung Quốc không thể tham gia tòa nếu Trung Quốc luôn cho rằng mình có nhiều cơ hội chiến thắng hơn bên kia. Luật sư Zhang đã rất khó khăn khi tìm cách trả lời các câu hỏi này, viện dẫn lý do rằng là một luật sư, ông không nên dự đoán kết quả tòa. Học giả này nói vụ kiện không có tính cơ sở pháp lý chắc chắn.

Học giả đến từ Philippines, ông Angelo Azura Jimenez, Phó Giám đốc Asia Pacific Basin for energy strategies, nói rằng Philippines đã sử dụng hết mọi cách để giải quyết vấn đề tranh chấp với Trung Quốc trước khi quyết định đưa vụ việc ra tòa.

Người đại diện của Philippines nói đến những khó khăn trong việc đạt được một bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông. Ông cũng không hy vọng vào kết quả của tòa án có thể giải quyết được những tranh chấp hiện tại nhưng cho rằng nó sẽ giúp điều tiết các hành động của Trung Quốc tại biển Đông. Ngay kể cả khi phán quyết của tòa có lợi cho Philippines, đó cũng chỉ là một chiến thắng về mặt đạo đức vì Trung Quốc sẽ không tuân thủ, điều này có thể dẫn đến phá hỏng UNCLOS.

Cuối ngày hội thảo đầu tiên là thảo luận về vai trò của ASEAN trong tranh chấp biển Đông. Các học giả phê phán ASEAN đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề này, thể hiện rõ nhất qua việc không đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông trong suốt 20 năm qua.

Giải pháp cho tranh chấp biển Đông
Ngày thứ hai của buổi hội thảo biển Đông tập trung vào những đề xuất giải pháp cho tranh chấp trong khu vực.
Mở đầu ngày hội thảo thứ hai là bài phát biểu của ông Stephen Loosly, Chủ tịch Viện chính sách chiến lược của Úc. Ông Loosly mở đầu bài phát biểu khẳng định tầm quan trọng của biển Đông với Úc.
“Biển Đông có vai trò quan trọng với Úc với 57% thương mại của Úc đi qua vùng biển này. Ngoài ra chúng tôi cũng có những quan ngại về an ninh, hợp tác chính trị và ngoại giao trong khu vực, nơi Úc có quan hệ sâu rộng với nhiều nước.”

Tuy nhiên thay vì nói đến một giải pháp thực sự cho các tranh chấp biển Đông, ông Loosly nói đến một kiến trúc giải quyết tranh chấp về lâu dài qua các kênh ngoại giao, các tổ chức đa quốc gia và dựa theo kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Ông cũng kêu gọi các nước trong khu vực nên bỏ vấn đề tranh chấp chủ quyền sang một bên để hợp tác phát triển.
“Hãy bỏ tranh chấp chủ quyền sang một bên để đặt hợp tác phát triển kinh tế lên hàng đầu, tìm cách tiếp cận tới các nguồn lợi ở đây như dầu, khí đốt và các nguồn lợi khác như ví dụ hợp tác giữa Úc và Timor về dầu khí trên biển.”

Học giả Yang Fang thuộc đại học Quốc gia Singapore cho rằng không thể có một giải pháp sớm cho tranh chấp biển Đông. Các giải pháp bây giờ chính là biện pháp xây dựng lòng tin giữa các nước.
“Lập luận của tôi với vấn đề này là không có giải pháp cho tranh chấp trên biển Đông trong thời gian gần. Thay vào đó các nước có liên quan nên tập trung xây dựng cơ chế điều tiết tranh chấp và các biện pháp xây dựng lòng tin.”

Chuyên gia về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, ông Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ góp ý 4 điểm chính trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông, bao gồm đẩy mạnh việc thực hiện luật quốc tế qua các hội nghị, tổ chức tại khu vực như ASEAN và xem xét yếu tố trọng tài quốc tế như bên thứ 3.

Ông Patrick Cronin cũng kêu gọi tăng cường hoạt động hiệu quả của các tổ chức hiện có ở khu vực trong việc giải quyết tranh chấp, nhất là việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Hợp tác Mỹ Trung trong khu vực cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong đề nghị của ông Cronin.

Ông Cronin cho rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á chỉ là góp thêm sức mạnh cho các nước trong khu vực. Điểm thứ 4 đáng chú ý được ông Cronin đề cập tới là thiết lập một cơ cấu hợp tác tại khu vực châu Đông Nam Á và kêu gọi các nước khác tham gia.
“Thiết lập một cơ quan có trách nhiệm trong việc hợp tác có trụ sở tại khu vực ASEAN tương tự như văn phòng Liên Hiệp Quốc về các hoạt động nhân đạo. Cách này sẽ giúp cải thiện việc đối phó với thảm họa thiên nhiên, tăng cường khả năng thông tin, các biện pháp bảo vệ người dân khỏi các thảm họa tự nhiên, chỉ định các lực lượng đặc biệt được huấn luyện quân sự và chuẩn bị cho các hoạt động phối hợp.”

Kết thúc hội thảo các học giả thống nhất không thể có một giải pháp sớm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Các học giả kêu gọi các bên dẹp sang bên tranh chấp chủ quyền để hợp tác phát triển kinh tế khoa học, xây dựng lòng tin giữa các bên trước khi đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề này.


-----------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats