Posted on 14/03/2013 by gocomay
Tưởng niệm 64 liệt sỹ đã ngã xuống ở Gạc Ma ngày
14.3.1988
Rất mừng là 14/3 năm nay, báo Thanh Niên đã không quên (như hôm 17/2). Đã
tri ân tưởng niệm tới 64 chiến sỹ đã ngã xuống trước họng súng của quân xâm
lược Trung Quốc ở đảo đá chìm Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường
Sa của Việt Nam) đúng 25 năm về trước. Với loạt bài 25 năm hải chiến
Trường Sa. Qua lời kể của những người lính dũng cảm. Đã trực
tiếp chứng kiến sự việc. Nay còn sống trở về…
Chị Mai Thị Hoa
và con gái bên mộ AHLS Trần Văn Phương
Càng mừng hơn Thanh Niên đã không ngại húy kỵ mà chỉ thẳng
người anh em cùng ý thức hệ phương Bắc là “quân xâm lược Trung Quốc“.
Chứ không còn phải né tránh không dám chỉ rõ ai, kẻ nào là quân xâm lược. Như
kiểu “hành động xâm chiếm trái phép của nước ngoài“ mà chính bài
báo đã trích dẫn lại một đoạn từ cuốn Lịch sử Vùng 3 hải quân (đã
viết theo định hướng bấy nay của đảng và nhà nước).
Mặc dù vậy cái
từ “hải chiến“ cũng làm nhiều người (trong đó có tôi) thấy chưa thỏa đáng. Bởi
nếu xét theo đúng những gì nhân chứng (hai cựu binh Phan Văn Đức và Dương Văn
Dũng) kể lại thì các chiến sĩ ta hoàn toàn thúc thủ bằng tay không. Khi chỉ có
độc quần đùi và áo may ô bơi vào giữ đảo. Mang lén được 2 khẩu AK 47, lại phải
dìm xuống nước mà không được phép bắn trả. Hành động được cho là có tính “chiến
đấu“ nhất là của anh binh nhất Nguyễn Văn Lanh là “nhảy lên gạt súng“ của tên
giặc bắn chết người chỉ huy của mình (Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy
trưởng đảo Gạc Ma). Và anh Lanh bị một tên khác đâm lưỡi lê từ phía sau lưng,
làm anh ngã gục máu tuôn trào nhuộm đỏ biển đảo thân yêu. Như lời kể của Dương
Văn Đức như sau: “Lúc ấy, tôi hỏi anh em là 2 cây súng AK đâu rồi, thì được
biết là mọi người đã dụi xuống biển trước đó để tránh bị hiểu lầm. Lúc đó tôi
nghĩ mình chỉ cần 1 cây súng thôi thì ít nhất cũng bắn được trên chục mạng vì
lính Trung Quốc đứng rất đông”
Không khuất phục
được các chiến sĩ tay không giữ đảo, bọn Trung Cộng đã đã xả súng (12,7 mm) từ
chiến hạm tàn sát dã man tất cả các chiến sỹ may ô quần đùi tay không tấc sắt
giữ cán cờ bảo vệ đảo như lời kể của anh Đức: “Trước thái độ cương quyết giữ
đảo của phe ta trên bãi đá Gạc Ma, phía Trung Quốc bất ngờ bắn một loạt đạn dày
đặc. Tôi nhớ đạn dày đến nỗi lúc đó chỉ có đạn tránh người thôi chứ người không
thể tránh đạn. Tôi bị trúng đạn ở vai trái ngã xuống nước…”. (xem thêm Video-clíp)
Từ nhân chứng
sống và qua đoạn clíp ngắn do chính phía Trung Quốc đưa lên mạng như trên. Thì
trận chiến ở Gạc Ma hôm 14.3.1988 có lẽ nên thay từ “hải chiến“ giữa Ta và quân
Trung Quốc xâm lược bằng từ “thảm sát“ của quân Trung Quốc đối với các chiến sỹ
công binh tay không tấc sắt của ta thì chính xác hơn chăng?
Sự tàn ác của
quân xâm lược Trung Quốc còn thể hiện ở việc sau khi đánh chìm 3 tàu vận tải
của Việt Nam, Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội chữ thập đỏ đến cứu những
người đang bị thương trên biển. Dẫn đến kết cục bi thương. Ngoài 9 chiến sĩ ta
bị bắt làm tù binh, 61 chiến sỹ mất xác, chỉ 3 liệt sỹ (trong đó có thi thể của
Thiếu úy Trần Văn Phương) được ngư dân tìm thấy sau đó. Đây là một sự vi phạm
những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của luật pháp quốc tế.
Bản đồ bãi Union
Banks, nơi diễn ra cuộc thảm sát Gạc Ma của Trung cộng
Vậy mà theo
giọng lưỡi tuyên truyền của Trung Quốc thì trong khi các tàu của họ đang bỏ neo
để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì bị Hải quân Việt
Nam nổ súng tấn công, vì thế Hải quân Trung Quốc “bắt buộc phải tự vệ”? Họ còn
lừa bịp rằng, lúc đó Trung Quốc đang đưa phái đoàn khoa học của Liên Hiệp Quốc
đi khảo sát. Rằng chủ trương ban đầu của họ là chỉ chiếm đóng các đảo còn bỏ
hoang, chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ
trước.
Sau khi bình
thường hóa, hai đảng CS “anh em“ nguyện cùng nhau thực hiện “giải pháp đỏ“ bảo
vệ CNXH và ban tặng nhau 16 chữ vàng. Lại thề bồi tam tương tứ tốt (3 tương
đồng; 4 tốt). Cùng chống “diễn biến hòa bình“; chống đa nguyên đa đảng ở phần
còn lại (khoảng 4%) của thế giới. Từ đó 2 đảng đã đi đến “cam kết không nhắc
lại qúa khứ nữa”. Nhưng từ thực tế kỷ niệm 34 năm Trung Quốc xua hàng trăm ngàn
quân sang phá nát 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, phía Việt Nam đã
nghiêm chỉnh quán triệt. Vậy mà người anh em cùng ý thức hệ vẫn tưng bừng kỷ
niệm cái ngày mà theo họ, đó là ”cuộc chiến đấu phản kích tự vệ, bảo vệ biên
giới”. Trong khi cả thế giới đều nhận diện đó là cuộc chiến tranh xâm lược (một
dạo Trung Quốc từng tuyên bố để “dạy cho Việt Nam một bài học“).
Không biết những
người cầm lái “vĩ đại” mất bò đã biết lo làm chuồng chưa? Song động thái để cho
một số báo chí quốc doanh và việc làm ngơ cho dân chúng được xả tress phần nào
nhân sự kiện vào ngày 14.3 kỳ này cũng đã chứng tỏ lòng dân đã không còn một lòng
một dạ tin vào thứ “đỉnh cao trí tuệ“ luôn tồn tại bằng ánh hào quang của dĩ
vãng một thời…
Do không có điều
kiện để về cùng thả hoa đăng với bà con bên nhà, Gocomay xin có nén tâm nhang
bái vọng. Gọi là chút lòng thành tưởng nhớ tới 64 anh hùng liệt sỹ Gạc Ma (cả
74 người con yêu vị quốc vong thân của đất Việt trong trận chiến 19.1.1974 ở
Hoàng Sa nữa).
Cầu cho hương
linh của tất cả các anh luôn siêu sinh và linh hiển. Phù hộ độ trì cho quê
hương xứ sở luôn đứng vững trước mọi mưu đồ thôn tính thâm hiểm của kẻ thù!
Kính bái!
* * *
Sáng 14/3/2013, tại Chùa Tảo Sách,
Quận Tây Hồ, Hà Nội, một số bà con đã tổ chức một buổi tưởng niệm nho nhỏ tri
ân 64 Liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến không cân sức chống lại quân Trung
Quốc xâm lược tại đảo Gạc Ma, Trường Sa. Nhiều bạn trẻ đã tham gia cùng các bậc
cha anh như Nhà giáo Phạm Toàn, KTS Trần Thanh Vân, Nhà báo Nguyễn Đình Ấm, bà
Nguyễn Nguyên Bình, LS Hà Huy Sơn, Đại tá quân đội Phạm Xuân Phương, Đại tá an
ninh Đăng Quang, TS Nguyễn Trường Tiến, v.v…
(Theo Ba Sàm)
PS: Để rõ hơn bộ mặt thật của người
anh em 16/4 môi hở răng lạnh, hãy xem Trung Cộng đã làm gì ở Gạc Ma nói riêng
và các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam nói chung qua một số hình ảnh sau
đây:
PS.1- Ảnh: Hoạt động của quân Trung Quốc
trên Đá Gạc Ma, Trường Sa - http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Anh-Hoat-dong-cua-quan-Trung-Quoc-tren-Da-Gac-Ma-Truong-Sa/211404.gd?i=0
PS.2 – Ảnh: nhà nổi quân TQ xây trộm trên Đá
Châu Viên, Trường Sa - http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Xem-Nghe/Anh-nha-noi-quan-Trung-Quoc-xay-trom-tren-Da-Chau-Vien-Truong-Sa/209926.gd?i=0
PS.3 – Ảnh: quân TQ xây trộm 9 trạm phát sóng di
động ở Trường Sa - http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Xem-Nghe/Anh-quan-TQ-xay-trom-9-tram-phat-song-di-dong-o-Truong-Sa/209230.gd?i=8
No comments:
Post a Comment