Thursday, 21 March 2013

TỨC NƯỚC VỠ BỜ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 19, 2013 6:10:42 PM

Tạp Chí Dân Chủ (Journal of Democracy) mới ra một số đặc biệt với chủ đề là “Trung Quốc tới cảnh tức nước vỡ bờ,” trong tiếng Anh viết là “China at the Tipping Point.” Tipping Point là sắp lật đến nơi, một ẩn dụ về tình trạng một vật nặng (thí dụ, hòn đá, tảng tuyết) nghiêng dần dần tới một độ nghiêng nào đó thì trọng tâm lệch ra ngoài và lật đổ, kéo theo những hòn đá hay các đám tuyết khác. Trong tiếng Việt chúng ta dùng hình ảnh tức nước vỡ bờ; khi nước dâng lên cao quá sẽ tới lúc bờ đê phải sụp đổ.

Tình trạng sắp lật đến nơi của cộng sản Trung Quốc cũng không khác gì ở Việt Nam. Khối người dân uất ức, chán ghét và khinh bỉ chế độ ngày càng đông hơn. Hiện nay đại đa số dân Việt cũng như dân Trung Quốc đã chán và khinh đám quan chức nắm quyền rồi. Nhưng nhiều người còn sợ, đại đa số thì thờ ơ, lãnh đạm. Nhưng đến lúc số người uất ức đông đúc hơn, nỗi phẫn uất của họ mạnh hơn và vượt lên trên nỗi sợ hãi, thì số người dân công khai đòi thay đổi các chính sách của đảng sẽ lên cao, lôi cuốn theo những người khác, giúp họ hết sợ. Và phong trào này sẽ đưa tới những đòi hỏi phải thay đổi cả chế độ. Các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam biết như vậy, và họ đang tìm cách ngăn không cho hiện tượng đó xẩy ra, càng lâu càng tốt. Họ ngăn cản được bao lâu, điều này không thể đoán trước được. Nhưng một điều ai cũng thấy, là lòng dân đang ngày càng phẫn uất, như mực nước ngày càng dâng cao hơn.

Cuộc biểu tình tại Vĩnh Phúc trong mấy ngày qua cho thấy lòng phẫn uất đã đưa tới hành động. Cái chết của anh Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ một trong trăm, ngàn cái chết oan khuất khác đã xẩy ra,. Một số được đăng trên báo chí từ mấy năm qua. Ông Trịnh Xuân Tùng bị một trung tá công an đả thương đến nỗi thiệt mạng. Ông Nguyễn Lập Phương chết một cách bí ẩn trong đồn công an ở Hải Phòng sau bốn ngày bị giam. Ông Ðặng Ngọc Trung chết một ngày sau khi bị bắt giam ở đồn công an Bình Phước. Cả ba vụ đều xẩy ra vào đầu năm 2011. Nhưng ba vụ này chưa gây ra những cuộc biểu tình đông đảo khiến chế độ phải đưa hàng ngàn công an tới trấn áp như trong vụ Vĩnh Phú này.

Trong vụ Vĩnh Phú, có đủ những sự kiện tiêu biểu cho các tội ác của chế độ cộng sản hiện nay, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc. Thứ nhất là đám con cái các quan chức lộng hành, tự coi họ có quyền sống bất chấp pháp luật. Giống như Lý Khải Minh, một sinh viên Trung Hoa lái xe cán chết người trong một trường đại học thuộc tỉnh Hà Bắc trong năm 2010. Sau đó Lý Khải Minh còn đưa tay dọa những người bạn của nạn nhân tới ngăn không cho hắn bỏ đi: “Có giỏi thì kiện đi! Bố tao là Lý Cương!” Lý Cương là phó giám đốc công an địa phương. Một vụ cãi nhau trong quán rượu đã khiến anh Nguyễn Tuấn Anh tử vong, chỉ vì anh đụng phải con cái của bọn cường hào. Vì họ nghĩ rằng cả các khâu điều tra, truy tố và xét xử của bộ máy tư pháp sẽ không dám đụng tới họ.

Thứ hai, là cả bộ máy chính quyền, công an, tòa án nằm trong tay một đảng cộng sản, từ trên xuống dưới. Họ đồng lõa với nhau ăn gian nói dối, bất chấp công lý và đạo đức, để bảo vệ đặc quyền của các quan chức và gia đình họ. Trong vụ Vĩnh Phúc, các bác sĩ hay y tá của tổ chức pháp y đã làm giấy chứng nhận là anh Nguyễn Tuấn Anh chết vì say rượu rồi ngã xuống nước chết đuối. Nhưng gia đình cho biết thi thể nạn nhân có nhiều vết tích bầm tím, miệng thì gẫy răng, cho thấy anh đã bị đánh gần chết trước khi bị đẩy xuống nước. Khi gia đình phẫn uất kêu oan thì cả bộ máy công an được sử dụng để đàn áp.

Từ trước đến nay, người dân có thể thờ ơ, lãnh đạm trước những nỗi khổ của những người phải kêu oan khi bị mất ruộng, mất đất, hay bị bắt giam vô lý. Nhưng có dân chúng nước nào có thể chịu đựng cảnh lộng hành của một giai cấp quyền thế coi mạng người như rác mãi hay không? Có người dân ở đâu có thể thản nhiên trước cảnh cả guồng máy cai trị được sử dụng chỉ để bảo vệ đặc quyền của một nhóm quan chức tham ô mãi hay không? Hàng ngàn công an từ Hà Nội kéo nhau về Vĩnh Phú đàn áp một gia đình mất con là một hình ảnh đánh thức lương tâm của tất cả mọi người dân Việt Nam.

Một vụ Vĩnh Phúc khiến người ta nhớ lại tất cả những vụ giết người trước đó. Ai cũng phải tự hỏi bao giờ sẽ đến lượt mình? Ai sẽ là nạn nhân sắp tới, chịu số phận giống như Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Lập Phương, hay Trịnh Xuân Tùng? Nếu vụ Vĩnh Phúc chưa là lúc tức nước vỡ bờ thì sẽ còn nhiều vụ khác.

Tại Trung Quốc, đảng cộng sản biết phản ứng nhanh chóng để làm dịu nỗi phẫn uất của dân. Trong vụ Lý Cương năm 2010, sau khi các công dân mạng khắp nước phản đối, Cương được lệnh phải lên ngay truyền hình toàn quốc khóc lóc nhận lỗi đã không biết dậy con. Nhưng từ đó tới nay, còn bao nhiêu chuyện khác xẩy ra và được đưa lên mạng, lòng người dân vừa ghét, vừa khinh đảng cộng sản ngày càng lên cao. Trong tuần trước, 500 triệu người Trung Hoa trong lục địa vào mạng coi hình ảnh hàng ngàn con heo chết trôi trên con sông ở Thượng Hải. Đó chính là một hình ảnh tiêu biểu cho một chế độ chỉ biết làm giầu mà không thèm bảo vệ môi trường sống của người dân. Dân Trung Quốc lên mạng cũng phơi bầy cảnh chênh lệch giầu nghèo khiến nỗi bất mãn ngày càng sâu xa.

Năm nay, các đại biểu quốc hội Trung Quốc đi dự phiên họp đầu tiên đã ăn mặc rất khiêm tốn, vì năm năm trước các công dân mạng đã trình ầy hình ảnh của các đại biểu với những bộ y phục đắt tiền, những đồng hồ của đàn ông và ví sách tay đắt tiền của phụ nữ.

Tuần báo Economist tuần này cho biết trong Quốc hội Trung Cộng có 70 người là tỷ phú đô la Mỹ; còn trong quốc hội Mỹ không ai có tài sản đến một tỷ đô la. Người giầu nhất Trung Quốc hiện nay, với tài sản 13 tỷ, cũng là một đại biểu quốc hội từ năm 2002. Ông Tống Khánh Hậu (Zong Qinghou, 宗慶後) vốn là một người tự lập thân ở tỉnh Triết Giang. Chỉ được đi học trung học, ông đi làm công việc lao động ở một trường học tại Hàng Châu; rồi mở quán bán nước ngọt trong trường. Chung vốn với hai giáo sư, ông mở một công ty bán sữa, từ đó tiến tới một đại công ty tên là Wahaha (Oa Cáp Cáp, nghĩa là cô gái uống nước, 娃哈哈). Tống Khánh Hậu dùng quan hệ với đảng Cộng sản để mua bán với một công ty sữa lớn của Pháp là Groupe Danone, rồi dùng quan hệ với Danone để làm các cán bộ đảng kính trọng. Năm 1996 Wahaha liên kết với Danone mở nhiều công ty chung, trong đó Danone bỏ vốn 70 tỷ đô la Mỹ và được cho 51% cổ phần. Nhưng đến năm 2007, Danone tố cáo Tống Khánh Hậu đã đem tiền của các công ty chung đó mở các xí nghiệp riêng, cùng bán một thứ sản phẩm sữa. Vụ này được đưa lên báo chí khắp thế giới. Hai bên đi tới thỏa hiệp để khỏi phải ra tòa. Tạp chí Kinh Tài ở Trung Quốc còn cho biết Tống Khánh Hậu bị công an hỏi thăm về tội trốn thuế. Nhưng Tống Khánh Hậu đã trở thành một đảng viên cộng sản ngay khi đảng này mở cửa nhận các nhà tư bản, và đắc cử đại biểu quốc hội từ năm 2002, cho nên không ai nói đến tội trốn thuế nữa.

Không biết đi học lại từ lúc nào mà trong tiểu sử của ông ghi ông có bằng MBA của Đại học Triết Giang. Năm 2008, mấy tờ báo loan tin cả Tống Khánh Hậu và vợ là Thi Ấu Trân (Shi Youzhen,
施幼珍) đều có “thẻ xanh,” tức là di dân thường trú ở Mỹ; và con gái hai người, Kelly Zong (Tống Phức Lợi, 宗馥莉) là công dân nước Mỹ. Điều này không đáng ngạc nhiên. Trong năm 2011 đã có 150,000 người dân Trung Cộng xin làm di dân thường trú ở Mỹ. Theo Nhật báo Wall Street Journal thì trong 12 tháng, tính đến tháng Chín năm 2012 đã có 225 tỷ đô la được chuyển từ Trung Quốc sang các nước Mỹ, Canada, Úc, vân vân. Trong khi đó thì luật lệ chỉ cho phép mỗi người dân Trung Cộng được đem ra ngoài mỗi năm tối đa 50,000 đô la!

Tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, các nhà tư bản đỏ đang chuyển tiền bạc ra nước ngoài, cho con cái đi du học nước ngoài, lấy vợ hay chồng ngoại quốc, trở thành dân thường trú và lấy quốc tịch ngoại quốc. Nơi nhận được nhiều tiền và đông người nhất là nước Mỹ. Con cái ông Nguyễn Tấn Dũng đã đi theo con đường du học và kết hôn đó; và chắc còn nhiều trường hợp khác. Tại Hương Cảng, khi các đại biểu đối lập tố cáo mấy nhân viên cấp “phó chưởng quan” trong chính quyền đang giữ quy chế di dân thường trú tại Mỹ, nhiều người đã xin trả lại “thẻ xanh” cho chính phủ Mỹ. Ở Trung Quốc và Việt Nam chưa thấy trường hợp nào.

Đây có thể coi là là một chiến thuật trong kế hoạch rút dù, hay hạ cánh an toàn, của các lãnh tụ cộng sản. Cô Huỳnh Thục Vi coi đó là một cảnh “tháo chạy” của họ để chuẩn bị cho ngày chế độ sụp đổ. Chắc họ chưa lâm vào cảnh “tháo chạy;” nhưng vẫn cẩn thận, chuẩn bi sẵn sàng. Bởi vì họ cũng đầy đủ tin tức và có trí thông minh để hiểu rằng chế độ này không thể tồn tại mãi được. Nỗi bất mãn ngày càng gia tăng, sẽ đưa tới cảnh tức nước vỡ bờ.

Hai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang tìm cách thay đổi chế độ cho bớt tàn ác, giảm bớt niềm uất hận của dân. Nhưng họ sẽ lâm vào một thế lưỡng nan. Thế lưỡng nan là: Không thay đổi thì sẽ đến cảnh tức nước vỡ bờ; nhưng nếu thay đổi thì lại mở đường cho dân đòi hỏi thay đổi nhiều hơn. Đây là một bài học của chế độ quân chủ Pháp trước cuộc cách mạng 1789. Như Alexis de Tocqueville đã nhận xét, trong cuốn “Chế độ cũ và Cách mạng” (L'Ancien Régime et la Révolution, 1856), chế độ quân chủ sụp đổ không phải vì vua Louis XVI chống lại việc thay đổi, mà vì ông ta chấp nhận thay đổi. Dân Việt Nam và dân Trung Hoa hiện nay có trình độ cao hơn dân Pháp vào thế kỷ 18. Các mạng lưới thông tin trên internet của họ cũng rộng lớn hơn. Nỗi uất ức của họ mạnh không kém. Không ai đoán trước được lúc nào sẽ đến cảnh tức nước vỡ bờ. Nhưng không cách nào tránh được.






No comments:

Post a Comment

View My Stats