Thursday 21 March 2013

GIÁ ĐẮT CHO MỚ CHỈ RỐI KINH TẾ CỦA BÊN THẮNG CUỘC ! (Vũ Ánh)




Vũ Ánh
Friday, March 15, 2013 6:02:52 PM

Máy móc bỏ xó và công nhân bị lùa đi cày. Ðó là một hình ảnh rất biểu tượng của tình hình kinh tế Việt Nam sau một thảm kịch chính trị và quân sự cách đây 38 năm khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay người cộng sản.

Từ ở trong rừng ra và từ miền Bắc kéo quân vào chiếm được miền Nam Việt Nam rồi, những người cộng sản đã lúng túng như hóc phải xương. Họ không ngờ là những bài học mà các đảng viên cộng sản dạy cho dân chúng miền Bắc rằng vùng đất trong Nam bị Mỹ “đô hộ” và nghèo đói lắm hóa ra không có một điều nào đúng cả. Những nhân vật của Hà Nội được gởi vào trong Nam để hoạt động “cách mạng” cùng với những cán bộ lãnh đạo ở Xứ Ủy Nam Bộ như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt tương đối hiểu biết hơn, vì họ có cơ hội sống sát với xã hội miền Nam trong suốt thời gian dài vừa hoạt động bí mật, vừa phải trốn tránh tai mắt của mạng lưới an ninh của chính quyền miền Nam Việt Nam. Thực ra, mức phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam trong thời chiến cũng đã bị hạn chế rất nhiều, nhất là về mặt sản xuất, nhưng so với miền Bắc Việt Nam, tốc độ phát triển và tiến bộ về mặt kỹ thuật cũng đã vượt xa đối thủ. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” đã viết những dòng này ở trang 293:

“Hầu hết các hãng, các nhà máy lớn ở Saigon do có xuất nhập cảng nên gần như đã bị quy là tư sản mại bản và bị 'đánh' vào tháng 9,1975. Những hãng xưởng nhỏ hơn thì từ đó cho đến tháng 3, 1978 cũng bị đánh hoặc bị 'vận động công tư hợp doanh'. Ðiều xót xa hơn, theo ông Vũ Ðình Liệu: máy móc thu được của những nhà tư sản không những không tiếp tục làm ra của cải mà bị vất vào kho để cho tới khi hư hỏng.”

Tác giả “Bên Thắng Cuộc” cũng không bỏ lỡ việc trích dẫn lời ông Trần Hồng Quân, người mà vào đầu thập niên 1980 là viện trưởng trường Ðại Học Bách Khoa Sài Gòn:

“Khoảng cuối năm 1978 đầu 1979, trung ương nhờ trường Ðại Học Bách Khoa cho sinh viên vào kho hiện vật cải tạo để xem máy móc trong đó còn có gì dùng được. Nhưng sinh viên chưa bao giờ được tiếp xúc với các máy móc dùng trong công nghiệp nhẹ nên cũng không giúp được gì. Cuối cùng trung ương ra lệnh tháo những chiếc máy đó ra, thu hồi những vòng bi làm phụ tùng, còn phần lớn thì dùng như phế liệu!”

Theo lời tác giả “Bên Thắng Cuộc,” đây là những máy móc mà “trước giải phóng” đã giải quyết việc làm cho hàng vạn công nhân và làm ra không biết bao nhiêu của cải cho xã hội. Ðó là chỉ riêng về phần người cộng sản gọi là “tư liệu sản xuất,” thế còn nhà cửa của “giai cấp tư sản” được đưa vào “quỹ nhà cải tạo” thì ra sao? Một nhân chứng là ông Ðỗ Hoàng Hải, người có trách nhiệm trong ủy ban phân phối nhà đất “cải tạo” ở Saigon cho biết:

“Quỹ được phân chia như chiến lợi phẩm, nghĩa là những căn nhà dùng làm cơ sở thương nghiệp, rất tiện cho việc buôn bán được chia cho những người lao động. Ngôi nhà đang một chủ, bây giờ chia cho mỗi hộ một phòng hoặc một tầng lầu.”

Cha chung không ai khóc, nhà chung thì không ai sửa, các công nhân những chủ nhân mới bắt đầu tranh chấp nhau, cấu trúc căn nhà bị hủy hoại dần do tinh thần vô trách nhiệm của người lưu cư, trong khi những căn nhà được giao cho những cơ sở thương nghiệp quốc doanh phần lớn bỏ không hoặc sử dụng không có hiệu quả. Nhưng nếu tiến trình “Bắc hóa” chỉ có như vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói là cuộc “Nam tiến” của hàng loạt cán bộ từ các bộ, các ngành được đưa vào Nam để tiếp quản các nhà máy, cơ xưởng của tư sản miền Nam.

Những chuyển động này để lại một dấu ấn không tốt cho đến 30 năm sau ngày 30 tháng 4, 1975. Trong cuốn “Bên Thắng Cuộc,” Huy Ðức chỉ đưa ra hai trường hợp điển hình của hai nhân vật, nhưng dường như nó cũng đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch “Bắc hóa” vào lúc đó. Một là ông Nguyễn Quang Lộc vào để tiếp nhận nhà máy Viso, một trong những nhà máy sản xuất bột giặt (detergent) lớn nhất miền Nam Việt Nam và bà Nguyễn Thị Ðồng vào tiếp thu cơ sở Tái Thành Kỹ Nghệ, một nhà máy dệt hàng đầu ở miền Nam Việt Nam. Sự hăm hở lúc đầu của họ đã chạm phải một thực tế như gáo nước lạnh: họ không thể điều hành được cơ sở nếu không có sự phụ giúp về chuyên môn của những viên chức cũ từng điều hành các nhà máy, cơ xưởng đó trong chế độ sản xuất tư bản. Hơn nữa, thợ, chuyên viên đưa từ miền Bắc vào thiếu trình độ tay nghề. Các cơ xưởng được tiếp quản lại bị cơ chế giáo điều của chế độ buộc chặt vào chân. Theo ông Nguyễn Quang Lộc, nhà máy Viso trước 30 tháng 4, 1975, có 5 kỹ sư nước ngoài, nguyên liệu phụ tùng thiếu “chỉ cần điện thoại là người ta đưa sang.” Nhưng cách làm này bị cho là lệ thuộc vào ngoại bang, nên khi ông Lộc đề nghị tái lập cách làm của tư sản không được “bên trên” chấp thuận.

Cuối cùng, tác giả “Bên Thắng Cuộc” cho rằng giáo điều, thể diện và sự kém hiểu biết của thượng tầng lãnh đạo đã giết chết hàng loạt những nhà máy, cơ xưởng tiếp quản trong đó có Viso và Tái Thành Kỹ Nghệ tức Dệt Thành Công. Ðứng trước nguy cơ phải đóng cửa, máy móc để cho tơ nhện giăng, thiếu nguyên liệu, các kỹ sư, thợ lành nghề, thợ máy, thợ điện phải đi gặt thuê ở Long An, mở trại nuôi bò ở Long Thành hay xuống Cà Mau làm ruộng, lên Ðồng Nai, Sông Bé khai thác trồng sắn. Bí thư Dệt Thành Công (tiền thân của Tái Thành Kỹ Nghệ) phải trách cứ “mát mẻ” rằng các ông ở trên bị ám ảnh bởi cái đói từ thời chống Pháp thành thử chuyện chẳng ra làm sao cả. Và cuối cùng, sự thay đổi và tiếp quản các cơ sở sản xuất, thương mại, kinh tế ở miền Nam đã trở thành một mớ chỉ rối, những nút thắt đối nghịch nhau không sao gỡ ra nổi.

Một câu chuyện cười ra nước mắt vào thời kỳ này do người thư ký riêng của ông Mai Chí Thọ là ông Nguyễn Văn Ly kể lại. Mai Chí Thọ đã được phân phối một căn biệt thự ở cư xá Lữ Gia nguyên là của Ðại Tá VNCH Ðỗ Kiến Nhiễu, đô trưởng Sài Gòn trước đây. Là nhân vật “hét ra lửa” vào thời đó, ông Thọ xin chuyển vào ở căn biệt thự lớn hơn của tổng giám đốc công ty dầu Esso tại Sài Gòn trên đường Duy Tân. Nhà có hồ bơi riêng, có máy phát điện. Ông Ly có bí danh là Tư Kết kể: “Lúc khó khăn, tôi và Mười Lù bác sĩ riêng của ông Mai Chí Thọ phải phá vườn bông trồng rau muống, còn hồ bơi thì nuôi cá rô phi.”

Không ai có thể tin rằng người như Mai Chí Thọ vào lúc ấy mà có thể gặp khó khăn về kinh tế. Tuy tác giả “Bên Thắng Cuộc” không nói ra, nhưng dường như các tay chân của ông Thọ phải nói như thế ra cái điều họ cũng gặp khó khăn về lương thực, chỉ để biện minh cho một chỉ thị của Ðỗ Mười là tất cả xí nghiệp trong cả nước phải tổ chức cho công nhân viên thay phiên nhau “về nông thôn mượn đất của các hợp tác xã để trồng trọt.” Kỹ sư, bác sĩ, những công nhân lành nghề đi vác cày, vác cuốc đi trồng lúa và khoai sắn. Tuy nhiên, cũng có những đơn vị không chịu thi hành chỉ thị này. Ông Nguyễn Quang Lộc, tổng giám đốc Viso tiếp quản kể: “Tôi bảo thẳng ông Mười Hương, phó bí thư thường trực: việc của chúng em không phải là trồng lúa” và “khi ông Mười Hương vặn hỏi người ta làm được sao mày không làm được thì tôi cũng nói thẳng: Thưa anh, chúng nó lếu láo lấy xăng dầu đổi sắn, đổi gạo hết đấy chứ không trồng cấy gì ra thóc lúa đâu.”

Cái bi kịch của sự thay đổi đó rõ ràng đến từ sự u minh, giáo điều và sĩ diện hão về một xã hội xã hội chủ nghĩa hoang tưởng. Trong khoảng thời gian từ 13 đến 15 năm, Hà Nội thay đổi nhiều lần cái mà họ gọi là “tư duy kinh tế và sản xuất,” và mỗi lần thay đổi như thế, mỗi lần tháo gỡ các nút thắt thì chính họ lại thắt thêm các nút mới.

Chưa có ai tính ra bằng tiền những thiệt hại mà chỉ người dân phải gánh chịu mỗi khi đảng và nhà nước cộng sản “sửa” hay “đổi” mô hình kinh tế. Nhưng người miền Nam Việt Nam thường dùng hai chữ “đổi đời,” đổi từ cái đang có trở thành không có để thay cho những ước tính về thiệt hại mà họ phải chịu đựng trong 38 năm qua, một sự thiệt hại mà cho tới nay vẫn là nguyên nhân của những bế tắc kinh tế hiện nay ở Việt Nam.

Đọc thêm :






No comments:

Post a Comment

View My Stats