Khoảng
hơn 20 năm nay tôi hầu như không bao giờ mở nghe đài VOA hoặc BBC bởi vì nếu là tin tức thế giới thì đã được các hãng
thông tấn AP, UPI, Reuters… rồi các hãng truyền hình lớn như CNN, Fox News, các
báo như New York Times, Washington Post tranh nhau loan tin sớm nhất. Rồi thì
báo chợ, báo biếu Việt ngữ lan tràn ở cộng đồng cho nên chẳng cần nghe BBC hay
VOA làm gì. Nhưng mấy lúc gần đây vì cần theo dõi tin tức ở trong nước cũng như
những diễn biến dồn dập ở Biển Đông cho nên tôi mới “mò” vào xem các trang Việt
ngữ của BBC và VOA bởi vì các hãng này loan tin khá nhanh song nhiều khi cũng
“cóp” lại bản tin trong nước. Nhưng tôi thật kinh hoàng khi phải đọc một thứ
Việt ngữ xa lạ, không còn là thứ Việt ngữ mẫu mực mà tôi đã được học, được
nghe, rồi viết rồi học hỏi gần như suốt đời. Đó là một thứ Việt ngữ cẩu thả,
kém cỏi của những người không biết học tiếng Việt ở đâu. Văn phạm thì sai, chữ
dùng thì làm dáng hoặc “đao to búa lớn”, câu văn tối nghĩa, què hoặc văn
không phải là văn Việt mà là văn dịch theo kiểu “mot à mot”. (*).
Việt
Nam đã bước vào Thế Kỷ 21 với một gia tài học thuật, văn chương phong phú, trác
tuyệt do bao thế hệ cha ông để lại từ Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Gia Văn Phái,
La Sơn Phu Tử, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều…rồi
cận đại có Hoàng Xuân Hãn, Tự Lực Văn Đoàn, Đặng Thái Mai, Ngô Tất Tố, Đào
Trinh Nhất, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Vũ Hoàng
Chương. Về kinh tế, luật học, chính trị học có Vũ Văn Mẫu, Đoàn Thêm, Nguyễn
Cao Hách…và bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo lỗi lạc của Miền Nam…mà
lại sản sinh ra một thứ Việt ngữ “đương
thời” như thế. Thật chua xót!
Càng
đọc các trang Việt ngữ của BBC và VOA ngày nay tôi lại càng tiếc thương những
khuôn mặt cũ của BBC và VOA - hoặc đã qua đời hoặc đã về hưu vì tuổi già bóng
xế như: VOA với Lê Văn, Nguyễn Sơn, Bùi Bảo Trúc, Phạm Trần v.v.. BBC với Đỗ
Văn, Thành Xuân Hồng, các xướng ngôn viên như Xuân Kỳ, Hữu Đại, Hồng Liên, Vĩnh
Phúc v.v.. Văn sao chải chuốt, khuôn mẫu, đứng đắn, chừng mực và giọng đọc thu
hút người nghe như những xướng ngôn viên thượng thặng của đài truyền hình Mỹ.
Tôi cảm phục tài lựa chọn người đọc và biên tập viên Việt ngữ của các vị giám
đốc VOA & BBC ngày xưa …có lẽ các vị này cũng đã già nua quá hoặc đã qua
đời.
Làm
văn hóa mà sai thì di hại đến ngàn đời sau. Viết loại văn “ba trợn ” mà đăng trên các báo chợ thì tác hại không bao
nhiêu, nhưng nếu nó được đăng trên trang điện tử lớn như BBC hoặc VOA với cả
triệu người đọc thì tác hại khôn lường. Loại “tiếng Việt kinh hoàng” này lâu dần sẽ trở thành tiếng Việt
chính thống. Và khi đó thì thì ôi thôi…4000 năm văn hiến: “Quốc Tổ có về cũng khóc thôi”!
Nói có sách, mách có
chứng. Dưới đây tôi sẽ trích dẫn một số tiêu đề hoặc một số đoạn văn để quý vị
thấy trình độ Việt ngữ của các biên tập viên người Việt của BBC và VOA như thế
nào:
1)
BBC tiếng Việt ngày 27/1/2013: “Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim.” Đây là câu
văn quái dị. Danh từ “tiền sử”
(Pre-history) có nghĩa là thời kỳ ăn lông ở lỗ. Không ai dùng hai chữ “tiền
sử” để nói trong quá khứ đã từng mắc một bệnh gì đó. Câu văn gọn nhẹ là, “Nhạc
sĩ Phạm Duy đã từng bị bệnh tim và đã qua hai lần giải phẫu.”
2)
VOA tiếng Việt ngày 7/2/2013: “Các phần tử cực đoan đang đe dọa sẽ làm trật đường rầy tiến trình chuyển đổi
sang dân chủ của Tunisia.” Động từ “derail
“ nghĩa đen là làm trật bánh, nhưng nghĩa bóng là “làm lệch hướng” hoặc “làm
chệch hướng”. Do đó câu văn chỉnh sẽ là, “ Các phần tử cực đoan đang
đe dọa làm lệch tiến trình dân chủ
của Tunusia.”
3)
BBC tiếng Việt ngày 8/2/2013: “Giáo sư Mỹ bị đòi đuổi việc vì chê VN”.
Đây là câu văn tối nghĩa, giống như một ông Tây, ông Mỹ không rành tiếng Việt
mà nói tiếng Việt. Đọc kỹ nội dung thì ông giáo sư này xúc phạm tới người Việt
Nam chứ không phải “chê”. Chê và xúc phạm- mức độ nghiêm trọng khác nhau. Do đó
câu văn chỉnh sẽ là, “ Kêu gọi sa thải giáo sư Mỹ đã xúc phạm người Việt Nam.”
4)
VOA ngày 7/2/2013; “Chuyện làm tình nguyện ở Mỹ”. Câu văn không sai
nhưng thiếu trình độ. Câu văn khá hơn là, “Chuyện phục vụ thiện nguyện ở Mỹ”.
5)
BBC ngày 10/2/2013: “Hà Nội cũng có kế hoạch đóng mới một tàu biển đa năng có khả năng chịu sóng lớn để làm tàu
bệnh viện.”. Chữ “mới” ở
đây thừa vì đóng tàu là đóng tàu mới rồi. Không ai đóng tàu cũ cả.
6)
VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: “Hơn một tỉ người châu Á trên khắp thế giới
đã bước vào năm con Rắn bằng những màn pháo bông, ăn nhậu và đi thăm người thân.” Tết Nguyên Đán đối với người
Việt Nam ngoài việc đón mừng năm mới còn là cả một truyền thống văn hóa bao
trùm lên các lãnh vực gia đình, làng nước, xã hội, tâm linh chứ không phải là
chuyện “ăn nhậu” bình thường. Người viết bài này có thể không phải là
người Việt Nam hoặc dịch từ một bài viết bằng Anh Ngữ của một ký giả người Anh
không am hiểu văn hóa Á Đông. Tiêu đề gọn, chỉnh về ý và lời có thể như sau,” Hơn
một tỉ người Châu Á khắp thế giới bước vào năm con Rắn bằng những màn đốt pháo
bông, tiệc tùng và thămviếng người
thân.”
7)
VOA tiếng Việt ngày 10/2/2013: “Vùng đông bắc nước Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau
cơn bão tuyết hung bạo.” Hai chữ “hung bạo” dùng cho người.
Còn đối với loài động vật hoặc thiên nhiên thì người ta thường dùng các chữ “dữ
dội”, “ác liệt” v.v…Do đó câu văn chỉnh sẽ là “ Vùng Đông Bắc nước
Mỹ bắt đầu dọn dẹp sau trận bão tuyết dữ dội.”
8)
BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: “Xuất hiện ảnh hậu phẫu của Hugo Chavez”. Đây là loại tiếng Việt kém mà lại
làm dáng. Tại sao không viết cho gọn nhẹ và trong sáng hơn: “Ảnh Ô. Hugo
Chavez sau cuộc giải phẫu” hoặc
ngắn gọn hơn, “Ô. Hugo Chavez sau cuộc giải phẫu”.
9)
BBC tiếng Việt ngày 16/2/2013: “Malaysia bắt giữ thượng nghị sỹ Úc”. Đọc tiêu đề người ta ng tưởng rằng
ông thượng nghị sĩ Úc bị chính quyền Mã Lai bắt vì phạm tội gì đó. Nhưng khi
đọc nội dung thì không phải vậy. Ông thượng nghị sĩ này chỉ bị giữ tại phi
trường, không cho nhập cảnh vì lý do an ninh. Vậy tiêu đề đúng và phản ảnh nội
dung là “ Malyasia chặn giữ
thượng nghị sĩ Úc tại phi trường.”
10)
BBC tiếng Việt ngày 17/2/2013: “Bắc Hàn kỷ niệm ngày mất Kim Jong-il”. Đáng lý ra phải viết “Bắc Hàn kỷ niệm
ngày Kim Jong-il qua đời”. Đây là loại tiếng Việt kém cỏi, xem thường người
đọc quá đỗi.
11)
BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: “Báo TQ phê
Mỹ về Bắc Triều Tiên”. Hiện nay trong nước và hải ngoại, hai chữ “phê bình”. “phê điểm”
được tóm gọn thành một chữ là “phê”.
Thậm chí chích xì ke ma túy khiến ngây ngất cũng gọi là “phê” (effet của tiếng Pháp). Thật là loại tiếng Việt hỗn
loạn không thấy có trong bất kỳ cuốn từ điển Việt Ngữ nào.
12)
BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: “Phim giá rẻ Trung Quốc gây sốt”. Đọc kỹ
nội dung bài viết chúng ta thấy đây là một cuốn phim sản xuất không tốn kém chứ
không phải giá rẻ, nhưng thu lợi nhiều (thành công) chứ chẳng “gây sốt” gì cả nhưng lại được
tác giả viết bừa bằng lối văn “ giá rẻ hay rẻ tiền”. Câu văn chỉnh hơn
là “Trung Quốc: Phim không tốn kém nhưng thành công bất ngờ”. Xin tác
giả nhớ cho “giá rẻ” và “ít tốn kém” ý nghĩa khác nhau.
Nếu không rõ nghĩa thì nhớ tra từ điển.
13)
BBC tiếng Việt ngày 18/2/2013: “Phóng viên BBC đình công vì giảm việc làm”. Câu văn này
bị lỗi về văn phạm. Phải phải thêm chữ “bị” nữa thì câu văn mới hoàn
chỉnh. Câu văn chỉnh phải viết “ Phóng viên BBC đình công vì bị cắt giảm việc làm” hoặc
“Phóng viên BBC đình công vì việc làm
bị cắt giảm”.
14)
BBC tiếng Việt ngày 7/12/2012: “Cấm quan
chức Nga ‘vi phạm nhân quyền’ “. Câu văn này gây hiểu lầm là Nga ngăn cấm
các viên chức của mình không được phép vi phạm nhân quyền. Nhưng thực ra đây là
biện pháp Hoa Kỳ trừng phạt các giới chức Nga đã vi phạm nhân quyền. Do đó câu
văn chỉnh phải là, “Trừng phạt các quan chức Nga vi phạm nhân quyền”.
15)
VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: “Tàu không gian này sẽ kết nối với một môđun
không gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1.” Môdun= Module= Bộ phận rời, bộ
phận phụ. Ngoài ra đoạn văn “ sẽ kết
nối với một môđun không
gian thử nghiệm gọi là Thiên Cung 1” rất tối nghĩa, phải dịch là, “ sẽ ráp nối với một bộ phận thí
nghiệm ngoài không gian gọi là Thiên Cung 1”
16)
VOA tiếng Việt ngày 28/2/2013: “Công
dân cao niên Mỹ quan ngại về việc cắt giảm ngân sách”. Tác giả tiêu
đề này dùng chữ khó và cầu kỳ quá. Tại sao không viết một câu văn đơn giản hơn?
“Người già ở Mỹ lo sợ việc cắt giảm
ngân sách”. Đây chỉ là một tin tức bình thường của đời sống mà tác giả
lại dùng lối văn “đao to búa lớn” thuộc lãnh vực chính trị của thế giới
chẳng hạn như “Thế giới quan ngại
về việc gia tăng ngân sách quốc phòng bất thường của Trung Quốc.” Điều đó
chứng tỏ tác giả bài viết kém hiểu biết về ngôn ngữ.
17)
BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: “Nhật Bản sẽ giúp phát hiện ra bất kỳ cú phóng tên lửa nào từ Bắc Hàn.”
Lời văn đang chững chạc, bỗng dưng tác giả “phang” câu cú phóng rất
“bình dân” giống như của mấy chú bé cửi trần đánh đinh đánh đáo nói chuyện với
nhau ở vỉa hè. Ngoài ra người ta chỉ nói “cú
đấm”, “cú đá” chứ chẳng ai nói “cú phóng tên lửa” cả!
18)
VOA tiếng Việt ngày 19/3/2013: “Tội danh giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử
hình.” Không ai nói “khung hình
phạt” cả, mà là “mức hình
phạt từ”. hoặc “hình phạt quy
định từ 12 năm tới 20 năm.” Người viết bản tin này không có kiến thức
về luật pháp.
19)
BBC tiếng Việt ngày 18/3/2013: “Mỹ và Nga vẫn nắm giữ hai vị trí đầu tiên trong danh sách (xuất
cảng vũ khí) này.”. Tác giả không phân biệt được thế nào là “đầu tiên” và thế nào là “hàng đầu”. Đầu tiên là trước tiên, nói về thời gian trước sau. Còn hàng đầu/đứng đầu nói về vị trí
cao thấp. Câu văn chỉnh phải là “Mỹ và Nga vẫn nắm giữ vị trí hàng đầu trong danh sách xuất cảng vũ
khí.”
20)
BBC tiếng Việt ngày 19/3/2013: “Ông (Tony Blair) còn được tin là đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP
Morgan và Zurich International.” Đây là bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng
Việt nhưng lại không phải là tiếng Việt! Nếu đúng là tiếng Việt thì phải dịch
như sau, “Còn có tin Ô.
Tony Blair đã cố vấn cho một số tập đoàn tài chính như JP Morgan và Zurich
International.”
Tôi
sẽ còn tiếp tục theo dõi các trang BBC và VOA tiếng Việt để quý vị biết thêm về
trình độ Việt Ngữ của các đài này. Dĩ nhiên họ đều là người Việt Nam và được
đài tuyển chọn, nhưng không hiểu sao họ lại có một thứ Việt ngữ kém cỏi và lạ
lùng đến như vậy? Nếu ngày xưa chúng tôi ở Lớp Nhất (Lớp 5 bây giờ) mà viết
những đoạn văn què và tối nghĩa như thế, chắc chắn thầy/cô sẽ sổ toẹt (gạch
chéo) từ trên xuống dưới và đề nghị hiệu trưởng cho xuống Lớp Nhì (Lớp 4 bây
giờ) để học thêm Việt văn. Nhưng nói thế thì cũng tội nghiệp cho những học sinh
Lớp Nhì thuở xưa. Ở trình độ Lớp Nhì, Lớp Nhất ngày xưa ở Hải Phòng, chúng tôi
đã thuộc lòng như “cháo chảy” Quốc Văn Giáo Khoa Thư, rồi đọc các tiểu
thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng, dã sử như Tiêu Sơn Tráng Sĩ, các
đoạn văn của Thanh Tịnh, các tiểu thuyết ủy mị như Đồi Thông Hai Mộ, Hồng và
Cúc, Phạm Công Cúc Hoa, các truyện Tàu như Tây Du Ký, Hán Sở Tranh Hùng
và đủ loại kiếm hiệp nhảm nhí như Kim Hồ Điệp, Long Hình Quái Khách v.v…
Rồi khi lên Trung Học Đệ Nhất Cấp là cuốn Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển dày
cộm của Dương Quảng Hàm ..xương sống của nền văn chương Việt Nam. Rồi khi lên
lớp Đệ Nhị (Lớp 11) thì học Tiểu Thuyết Luận Đề của các tác giả thuộc Tự Lực
Văn Đoàn. Còn khi lên Lớp Đệ Nhất (Lớp 12) thì phải “nhá” cuốn Luận Lý Học
của Trần Văn Hiến Minh…nhức cả đầu. Riêng bản thân tôi tiếp tục với 4 năm ở Đại
Học Luật Khoa Sài Gòn, hai năm ở Ban Cao Học thuộc Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
– cộng với hơn 20 năm viết văn ở hải ngoại…mà mỗi khi đặt bút viết cũng phải
hết sức đắn đo suy nghĩ xem mình dùng chữ có đúng không, văn có chỉnh, gẫy gọn
không, có lai căng và dễ hiểu không? Tôi còn nhớ văn hào Victor Hugo của Pháp
mỗi khi viết xong một đoạn văn ông đều đọc cho chị quét dọn trong nhà nghe xem
có hiểu không. Khi mình viết một đoạn
văn mà người đọc lúng túng, ngỡ ngàng tức mình đã viết một câu văn tối nghĩa.
Khi người đọc nhăn mặt tức mình viết một câu văn sai hoàn toàn- người xưa gọi
là “văn bất thành cú”.
Là
người cầm bút ai cũng phải thận trọng với văn chương và ngôn ngữ vì nó là bộ
phận văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Do đó tôi mong mỏi các bạn đang phụ trách
các trang Việt Ngữ của Đài VOA và BBC nếu có đọc bài này nên coi lại vốn liếng
Việt Ngữ của mình. Nếu thấy còn thiếu sót nên học thêm các lớp văn chương Việt
Nam, đọc thêm các sách về chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, tôn giáo, triết
học, quân sự, ngoại giao… để cống hiến cho độc giả những bản tin, những bản
dịch có trình độ trí thức và là khuôn mẫu cho các thế hệ mai sau, nhất là cho
ngành báo chí. Ngoài ra cũng nên nhớ cho “Ngoài trời còn có trời” tức là
còn rất nhiều người giỏi hơn mình. Do đó mình cần tiếp nhận những lời phê bình
để thành công và tiến xa hơn. Mong lắm thay.
Đào Văn
Bình
California ngày 20/3/2013
California ngày 20/3/2013
(*) “Mot à mot” là lối dịch theo dòng, từng
chữ một mà không tìm hiểu ý của cả đoạn văn. Dịch theo kiểu “mot à mot” thì văn
ngây ngô giống như ông Tây hay ông Mỹ nói tiếng Việt không rành.
No comments:
Post a Comment