Monday 11 March 2013

TÍNH BỀN VỮNG của BỘ LUẬT CƠ BẢN trước NHỮNG THAY ĐỔI CỦA THỜI CUỘC (Birgit Grundmann - Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Đức)




Birgit Grundmann

VN2006A chuyển ngữ, Mai Lê hiệu đính
Thứ Hai, 11/03/2013

Bài phát biểu "Tính bền vững của bộ Luật Cơ Bản trước những thay đổi của thời cuộc" của Thứ trưởng Bộ Tư Pháp [*], tiến sỹ Birgit Grundmann, tại trung tâm Pháp Luật Đức trường đại học luật Hà Nội ngày 3 tháng 4 năm 2102 ở Hà Nội.

*
*

Xin chú ý vào lời phát biểu!

Kính thưa ngài Trưởng Khoa,

Thưa quý vị,

Rất cám ơn lời mời của trường đại học Luật Hà Nội. Đây là vinh dự và niềm vui lớn lao cho tôi khi được phát biểu trước quý vị ở đây, tại trung tâm cho Pháp Luật Đức của trường.

"Never change a winning team" - mối quan hệ giữa người Đức với hiến pháp của mình - tức bộ Luật Cơ Bản - có thể diễn tả bằng câu châm ngôn có xuất sứ trong lĩnh vực thể thao này một cách khá tốt, theo ý của tôi. Bởi vì từ hơn 6 thập niên qua, từ khi bắt đầu có hiệu lực cho đến nay, bộ Luật Cơ Bản đã có nhiều sửa đổi nho nhỏ, nhưng rất ít các thay đổi lớn. Mặc cho có nhiều thay đổi về thời cuộc, kể từ khi thành lập CHLB Đức.

Ngay cả việc Thống nhất nước Đức - sáp nhập CHDC Đức vào CHLB Đức năm 1990 - cũng không dẫn đến một cải cách lớn lao nào. Thậm chí Thống Nhất chẳng hề làm cho Hiến pháp của chúng tôi mất đi tên gọi mang tính tạm thời " Luật Cơ Bản". Vì nếu gọi là "Hiến Pháp", thì có nghĩa là xác nhận sự chia cắt nước Đức, điều chúng tôi không muốn.

Thưa quý vị,

Đối diện với những thay đổi nhiều mặt về xã hội, chính trị, kinh tế và các mối tương quan trong cuộc sống bộ "Luật Cơ Bản" đã làm cho ta ngạc nhiên về tính bền vững của nó. Những nguyên dẫn đến tính bền vững này, trong bối cảnh đang có một cuộc thảo luận về thay đổi hiến pháp ở Việt Nam là điều đáng làm cho quý vị ở đây quan tâm.
Để hiểu được sự thành công của "Luật Cơ Bản", ta hãy nhìn vào sự ra đời của nó: năm 1948 -tức là 3 năm sau khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai - việc soạn thảo hiến pháp cho nhà nước phần Tây nước Đức được bắt đầu.

Một giải pháp cho toàn nước Đức, tức cho cả phần Đông đang dưới sự kiểm soát của Liên Xô, vào năm 1948 là không tưởng, vì nước Đức bị chia đôi về chính trị đã là một thực tế. Tây Đức nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, Anh và Pháp. Đông Đức dưới sự chiếm đóng của Liên Xô.

Sự hình thành của Bộ Luật Cơ Bản trải qua nhiều giai đoạn: trước hết một hội nghị soạn ra một dự án Hiến Pháp tương lai cho Tây Đức, dựa theo truyền thống của một nhà nước liên bang, bao gồm một chính quyền Trung Ương với các thành viên là Tiểu Bang có chính quyền, cơ quan lập pháp và tòa án riêng.

Vài tháng sau khi công việc sơ bộ quan trọng của hội nghị lập hiến hoàn tất, nó được đưa ra thảo luận trong hội đồng nghị viện, bao gồm các đại diện từ các nghị viện tiểu bang thuộc vùng chiếm đóng phía Tây.

Ngày 23 Tháng 5 năm 1949 Luật Cơ Bản được ban hành, và nước Cộng Hòa Liên Bang Đức chính thức ra đời.
Công việc soạn thảo Luật Cơ Bản chịu ảnh hưởng trực tiếp và dấu ấn của 2 kinh nghiệm lịch sử: nền cộng hòa Weimar và nền chuyên chính quốc xã.

Nhà nước dân chủ Đức đầu tiên tồn tại trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1933. Vì Hiến Pháp của nó được soạn thảo và thông qua tại Weimar, thời kỳ này cũng được gọi là nền cộng hòa Weimar. Hiến Pháp đế chế của Weimar bộc lộ một số điểm yếu trong thực tại, ví dụ vị trí có nhiều quyền lực của tổng thống đế chế, đã dẫn đến việc thâu tóm quyền lực của Hitler sau này, hoặc quyền phán quyết hạn chế của tòa bảo hiến.

Gây dấu ấn đậm hơn bài học từ nền cộng hòa Weimar khi soạn thảo Luật Cơ Bản là kinh nghiệm của 12 năm dưới nền thống trị bạo lực của chế độ quốc xã. Dưới ấn tượng của hàng triệu người chết vì khủng bố và chiến tranh thì quyền cơ bản cần phải được khẳng định mạnh mẽ, để những chuyện như thế không thể xảy ra một lần nữa.

Hiến pháp Weimar quả thật cũng có một danh mục khá đầy đủ về quyền cơ bản, nhưng nó chỉ được xem như là một chương trình có kết cấu rời rạc. Cái mà ngày nay người ta thường gọi là "soft law".

Ngược lại các quyền căn bản trong Luật Cơ Bản được đặt lên đầu bộ luật và trao cho các công dân quyền được khiếu kiện nhà nước. Bởi vậy điều 1, khoản 3 của Luật Cơ Bản ghi rõ: " Các quyền cơ bản sau đây có giá trị áp dụng trực tiếp và ràng buộc quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp".

Để thực thi được các quyền căn bản được ghi trong danh mục của Luật Cơ Bản, một tòa án hiến pháp độc lập được tạo ra. Cơ quan này, tòa án hiến pháp liên bang, bản thân nó cũng được ghi rõ trong Bộ Luật Cơ Bản. Đây là một tòa án độc lập về nhân sự và ngân sách, chịu trách nhiệm diễn giải về Luật Cơ Bản và thậm chí có thể phán quyết các điều luật là không hợp lệ.

Thưa quý vị,

Những bài học được rút ra trong quá trình lập hiến chắc chắn đã góp phần làm Bộ Luật Cơ Bản, cho đến hôm nay, bị thay đổi rất ít. Những thay đổi - như việc tái thành lập quân đội (Tây) Đức vào năm 1952 và quy định mới trong trường hợp khẩn cấp trong những năm 60 - là những ngoại lệ. Gần như không có các yêu cầu đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc Bộ Luật Cơ Bản một cách then chốt.

Điều này thậm chí đúng cho cả giai đoạn sau khi thống nhất đất nước vào năm 1990. Vào thời điểm đó đã có một ủy ban hiếp pháp đồng nhất gồm cả hai bên được thành lập, có nhiệm vụ tìm hiểu khả năng cải thiện Bộ Luật Cơ Bản.

Có 2 khuyến nghị của ủy ban này được chấp nhận: bảo vệ môi trường được ghi vào là mục tiêu quốc gia và điều 3, điều quy định quyền bình đẳng giữa nam và nữ được bổ sung. Trong đó giờ đây ghi rõ: " Nữ Giới bình đẳng vói Nam Giới. Nhà nước thúc đẩy việc thực thi quyền bình đẳng Nam Nữ, gây tác động nhằm xóa bỏ các thua thiệt của phụ nữ hiện còn tồn tại."

Tiếp theo là quá trình phát triển để hội nhập vào châu Âu đã đưa đến những thay đổi trong Bộ Luật Cơ Bản. Một ví dụ là điểm 16 GG, hạn chế việc cấm dẫn độ một công dân Đức sang một quốc gia khác (trong khối EU).
Những thay đổi hiến pháp gần đây nhất chứa đựng các từ khóa "cải cách chính sách liên bang I" và "giảm nợ". Ở đây trước tiên là thay đổi lại sự phân bố thẩm quyền, trách nhiệm giữa liên bang và tiểu bang. Đặc biệt, quyền lập pháp bị thay đổi đôi chút, làm giảm bớt các trường hợp cần có đồng thuận giữa Thượng viện và đại diện tiểu bang ở cấp liên bang cho một điều luật.

Tiếp theo năm 2009 đã ban hành cái gọi là " giảm nợ " để tìm cách chặn lại việc nợ quốc gia đang tăng lên và để bảo đảm sự ổn định lâu dài của kinh tế Đức. Ở đây những khả năng của liên bang và tiểu bang thông qua các khoản vay để tài trợ cho ngân sách của mình bị giới hạn một cách đáng kể. Và như vậy nước Đức đã có thể phản ứng nhanh chóng trước những thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính-và nợ toàn cầu.

Song song với những điểm thay đổi nêu trên, những phán quyết của Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang rất quan trọng cho Hiến Pháp của chúng tôi được tiếp tục phát triển. Những phán quyết này đã đạt được nhiều quan tâm, ưng thuận của công chúng trong phần lớn các trường hợp. Nó là nền tảng cho thành công và sự chấp thuận cao độ của dân chúng với Bộ Luật Cơ Bản.

Để hiểu được ý nghĩa của Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang đối với thực trạng Hiến Pháp Đức, việc xem xét bốn loại thủ tục pháp lý quan trọng nhất của Tòa là rất có ích, những cái mà tôi muốn giới thiệu ngắn gọn với quý vị ở đây. Đó là:

- Thủ tục giải quyết tranh chấp (quyền hạn, trách nhiệm) giữa các cơ quan công quyền,
- Thủ tục kiểm định việc vi hiến một cách trừu tượng và cụ thể, cũng như là
- Thủ tục giải quyết khiếu kiện hiến pháp (của cá nhân).

Nhiệm vụ tiêu biểu của Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang là giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan công quyền. Trong đó cơ quan hiến định và các cơ quan khác được trang bị quyền hạn riêng thông qua Luật Cơ Bản tham gia tranh chấp với nhau về quyền hạn và nghĩa vụ của mình theo hiến pháp. Tòa án sẽ hành động như là "trọng tài" giữa các cơ quan công quyền, nếu như một cơ quan khiếu nại về một cơ quan khác đã vi phạm "luật chơi" được ghi trong hiến pháp.

Trường hợp sau đây minh họa cụ thể: các đại biểu của Hạ Nghị Viện Đức có quyền đặt câu hỏi, nhằm phục vụ cho chức năng giám sát của quốc hội đối với chính phủ. Nếu như chính phủ liên bang trả lời câu hỏi của đại biểu không đầy đủ, thì đại biểu này có thể đưa vấn đề ra trước Tòa án hiến pháp liên bang đòi tòa xác định việc chính phủ vi hiến, vi phạm luật, như thế vị đại biểu này đã thực thi quyền của mình.

(còn tiếp)
______________________

[*] Nguyên văn "Staatssekretärin": Tương đương với Thứ Trưởng, phụ trách chuyên môn của bộ.



Birgit Grundmann

VN2006A chuyển ngữ, Mai Lê hiệu đính
Thứ Hai, 11/03/2013

(tiếp theo phần 1)

*
Thủ tục thứ hai là xác định việc vi hiến một cách trừu tượng. Ở đây, tòa Bảo Hiến Liên Bang quyết định - tách rời khỏi một trường hợp cụ thể - về tính hợp hiến của một điều luật. Trong đó không chỉ xem xét về quy trình lập pháp, mà còn xem nội dung của điều luật có phù hợp với các quyền căn bản hay không. Để khởi xướng việc xác định vi hiến một cách trừu tượng chỉ có chính phủ liên bang, các chính quyền tiểu bang và một phần tư số đại biểu hạ nghị viện có quyền.

Thủ tục thứ ba là xác định việc vi hiến một cách cụ thể. Tòa Bảo Hiến sẽ can thiệp, quyết định, nếu một tòa án cho rằng điều luật được dùng trong quy trình xử kiện là vi phạm hiến pháp.

Ở đây có một vấn đề cho ủy ban thành lập Hiến Pháp: một mặt mọi tòa án phải được ràng buộc bởi quyền cơ bản, mặt khác không phải tòa án nào cũng có quyền hạn khiếu nại các điều luật của quốc hội là không hợp hiến. Lối thoát cho các mâu thuẫn chủ đích này nằm ở chỗ, nếu một tòa án cho rằng điều luật được sử dụng là vi hiến, ngưng quy trình xử kiện lại và đưa câu hỏi về tính hợp hiến của điều luật đó ra trước tòa Bảo hiến liên bang. Tòa Bảo Hiến liên bang - và chỉ có nó - mới quyết định được, điều luật đó có chống lại luật cơ bản hay không. Nhưng tòa Bảo Hiến Liên Bang không phán quyết trong trường hợp tranh tụng cụ thể. Đây vẫn là nhiệm vụ của tòa án đã đệ trình điều luật nói trên.

Trong cả hai trường hợp kiểm định việc vi hiến đã nói, phán quyết của tòa án liên bang có hiệu lực như một điều luật và có giá trị cho tất cả, không chỉ riêng cho các bên tham gia trong trường hợp tố tụng cụ thể.

Thưa quý vị,

Tuy nhiên, quan trọng nhất là thủ tục thứ tư, khiếu kiện hiếp pháp: Với thủ tục này mọi công dân đều có quyền khiếu kiện nhà nước, nếu công dân đó cho rằng quyền căn bản của mình đã bị nhà nước vi phạm. Như vậy người dân có quyền tự vệ, phản kháng các phán quyết của tòa án, các biện pháp hành chính và các điều luật. Tất nhiên trước khi ra khiếu kiện hiến pháp, thì mọi khả năng pháp lý của một tòa án "thông thường" phải được tận dụng hết đã.

Quyền kháng cáo của công dân có ý nghĩa to lớn, nó khẳng định (bảo đảm) hiệu lực ràng buộc trực tiếp của quyền cơ bản về mặt pháp lý. Các quyền cơ bản của mỗi một công dân không những phải được mọi quyền lực nhà nước quan tâm, mà bản thân người dân cũng có thể tự khiếu kiện. Người dân không nhất thiết phải dựa vào - như trường hợp kiểm định vi hiến - một cơ quan công quyền hay một tòa án để đưa một điều luật ra kiểm định trước tòa Bảo Hiến liên bang. Anh ta có thể tự mình làm điều đó thông qua con đường khiếu kiện hiến pháp.

Khả năng này đã góp phần làm cho Luật Cơ Bản được chấp nhận rộng rãi trong dân chúng và gia tăng uy tín Tòa Bảo Hiến Liên Bang. Tòa Bảo Hiến có uy tín cao nhất trong các cơ quan công quyền. Con số các vụ khiếu kiện chứng minh điều này: Từ khi tòa Bảo Hiến Liên Bang bắt đầu hoạt động năm 1951 đã có đến gần 190.000 vụ khởi kiện hiến pháp, gần 96% tất cả các thủ tục khiếu kiện ở tòa án này. Mặc dù chỉ có 2,4% tất cả các khiếu kiện thắng cuộc. Nhưng điều đó không làm cho khả năng kháng cáo này đáng chê, mà nó chứng tỏ tính đúng đắn của các điều luật và ý thức trách nhiệm rất cao của tòa trong nhận thức quyền hạn giám sát của mình đối với quốc hội.

Trong các thủ tục tố tụng khiếu kiện Hiến Pháp, tòa Bảo Hiến Liên Bang thường phải trả lời các câu hỏi về Luật Cơ Bản, lúc ra đời còn chưa nhìn thấy trước được. Như vậy tòa đã làm cho hiến pháp liên tục phát triển và kết quả chắc chắn là „tiết kiệm“ được một vài lần thay đổi hiến pháp.

Tôi xin đi sâu vào 2 quyết định điển hình, mà trong đó tòa Bảo Hiến Liên Bang đã lưu tâm xét đến những phát triển mới mang đặc tính tự nhiên của kỹ thuật: Trước hết cần phải nêu đến phán quyết điều tra dân số năm 1983. Đằng sau quyết định này là một điều luật đã cung cấp cơ sở pháp lý cho việc điều tra dân số. Dân chúng nhìn thấy trong đó nguy cơ của một "công dân trong suốt", có nghĩa thông qua những dữ liệu thu được qua việc điều tra dân số, nhà nước biết hết mọi thông tin về anh ta.

Một số công dân ngay sau đó đã kháng cáo lên tòa Bảo Hiến Liên Bang, và tòa đã xác định rằng Nhà nước không được phép thu thập và xử lý thông tin cá nhân về công dân của mình một cách không giới hạn, nó phải được giới hạn chặt chẽ. Tính đặc biệt của pháp lý trong trường hợp này là luật cơ bản lúc đó không có quy định về bảo mật thông tin cá nhân.

Vào năm 1949 Hội Đồng Lập Hiến chưa thể nhìn thấy những nguy cơ xẩy ra do việc xử lý thông tin hiện đại. Tòa Bảo Hiến Liên Bang đã chắn khe hở này bằng cách, thêm vào quyền cơ bản "Tự quyết về thông tin". Quyền cơ bản này phát sinh từ các quyền cơ bản đã có sẵn, quyền cá nhân nói chung và quyền đảm bảo về nhân phẩm.

Ngày nay ở Đức chủ đề bảo vệ thông tin cá nhân được đề cập khắp nơi và hiện diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nếu như tòaBảo Hiến Liên Bang không kịp thời diễn giải luật cơ bản một cách phù hợp dưới sự lưu tâm đến việc xử lý thông tin tự động vừa mới khởi phát lúc đó, thì có lẽ việc bổ sung hiếp pháp về trung hạn là cần thiết.
Một quyết định có tính định hướng cho tương lai, liên quan đến tính hợp hiến của các điều luật, cho phép cơ quan an ninh Đức trong những trường hợp nhất định thông qua Internet xâm nhập vào máy tính cá nhân. Tòa chỉ cho phép một hành động như vậy dưới những điều kiện rất nghiêm ngặt.

Như trong phán quyết về điều tra dân số đã nảy sinh ra vấn đề: Luật Cơ Bản không có các quy định liên quan đến những nguy cơ khi các công dân sử dụng Internet gặp phải. Tòa Bảo Hiến Liên Bang đã tiếp tục bổ sung hiến pháp dựa vào quyết định từ năm 2008. Cho ra luật cơ bản về - tôi trích dẫn - "Bảo đảm độ tin cậy và tính toàn vẹn của các hệ thống thông tin", hoặc ngắn gọn, "quyền cơ bản về máy tính".

Cả hai quyết định nói trên tạo ra một ấn tượng, nhờ có tòa Bảo Hiến Liên Bang nên đến ngày nay bộ Luật Cơ Bản chỉ có rất ít thay đổi hoặc bị chỉnh sửa. Các Thẩm Phán của tòa Bảo Hiến Liên Bang đã đưa sự sống vào các điều khoản của Luật Cơ Bản, diễn giải theo nhãn quang của những thay đổi trong xã hội với sự lưu tâm đến các phát triển mới, đem vào áp dụng và tiếp tục phát triển. Tòa đã ý thức nhiệm vụ của mình là "người bảo vệ hiến pháp" một cách đầy ấn tượng.

Thưa quý vị,

Quý vị cũng đang thảo luận về thay đổi hiến pháp và một chủ đề trong đó là vai trò của Tòa Án và công tố viên. Bởi vậy ở điểm này tôi muốn có vài lời về tòa án và công tố viện ở Đức, về cơ bản là do các tiểu bang thiết lập. Hiến Pháp của chúng tôi quy định tất cả các Thẩm Phán phải độc lập. Ngược lại, hiến pháp lại không quy định là các công tố viên phải độc lập.

Vì thế tuy rằng mỗi một bộ Tư Pháp có quyền chỉ đạo đối với các công tố viên của mình. Nhưng không thể sử dụng nó "tùy thích". Bởi vì quyền chỉ đạo cũng không thay đổi được nghĩa vụ của công tố viện, tiến hành điều tra khi có tình nghi. Một chỉ thị trong trường hợp đơn lẻ, nếu như chống lại nghĩa vụ theo luật định này, bản thân cũng sẽ là một hành động vi phạm về luật.

Thưa quý vị,

Ở đầu bài phát biểu tôi đã nêu lên những câu hỏi đến nguyên nhân làm nên sự bền vững của bộ Luật Cơ Bản trong những thời gian có thay đổi và khủng hoảng. Nếu ta nhìn lại lịch sử và phát triển từ khi thành lập Cộng Hòa Liên Bang Đức đến nay, thì thành công của bộ luật cơ bản theo quan điểm của tôi chủ yếu là do những điểm sau đây:

- Thứ nhất, nước Đức đã học được từ những kinh nghiệm của nền cộng hòa Weimar và thời gian Quốc Xã.

- Thứ hai, bộ Luật Cơ Bảnđược trang bị với một tòa Bảo Hiến có quyền hạn mạnh mẽ. Với sự trợ giúp của tòa Bảo Hiến Liên Bang các quyền cơ bản được bảo đảm bằng pháp luật được thi hành nghiêm túc.

- Và thứ ba, luôn luôn phản ứng kịp thời với những tiến triển mới bằng những diễn giải mới một điều khoản có sẵn, hay bổ sung thêm như trường hợp gần đây nhất, đưa vào áp dụng điều khoản
"giảm nợ" đã chỉ ra.

Tôi hy vọng đã làm quý vị hiểu rõ hơn về bộ luật cơ bản và thậm chí mang đến một vài gợi ý cho việc cải cách hiến pháp hiện nay ở đất nước quý vị, và cám ơn cho sự quan tâm của quý vị.





No comments:

Post a Comment

View My Stats