05:51:am
19/03/13
Còn
nhớ hồi trước, đài phát thanh thường hay phát lời chúc mừng của các lãnh đạo
đảng Cộng sản nhân dịp năm mới hay đại hội nào đó. Lời lẽ của các vị đó sang sảng,
hùng hồn, và kết thúc bao giờ cũng có câu: “Chào thân ái và quyết thắng”. Vì
tôi còn nhỏ nên những lời lẽ hào sảng đó cũng có tác động không nhỏ, nó khiến
tâm hồn người ta như rạo rực, như quyết tâm tiêu diệt một cái gì đó. Từ “thân
ái” thì rõ rồi, còn “quyết thắng” thì trí óc tuổi thơ của tôi lúc đó không hiểu
nổi là thắng ai và thắng cái gì?
Thế
hệ chúng tôi lớn lên không còn chiến tranh, không còn tiếng súng hận thù. Đó là
giai đoạn cả nước thống nhất, cùng bắt tay vào xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã
hội. Thế hệ đi trước, những người lớn tuổi thì có thể họ hiểu và thấm thía được
cái giá của từ “quyết thắng” kia. Nó nhất định phải dành cho một đối tượng cụ
thể nào đó, và đối tượng đó phải thực sự hiện hữu trên cõi đời này.
Khi
đất nước còn chia cắt, cuộc chiến hai miền Nam Bắc đã lấy đi sinh mạng hàng
triệu người con của dân tộc. Không nói thì ai cũng rõ, đó là sự đối đầu giữa
Miền Bắc Cộng Sản và Miền Nam tự do. Nó làm cho đất nước bị tàn phá, bao khổ
đau chồng chất lên dân tộc Việt Nam. Giờ đây người ta đã thấy rõ sự vô nghĩa
của sự hy sinh đó, nó là kết quả của sự kích động hận thù vì sự phân biệt ý
thức hệ xuẩn ngốc. Nhưng dù sao thì lúc đó đối tượng để người ta “quyết thắng”
cũng được xác định rõ, đó là chế độ Miền Nam Cộng Hòa. Chế độ mà chính quyền
Cộng Sản Miền Bắc gọi là bọn “ngụy quân, ngụy quyền” tay sai và “đế quốc Mỹ”
xâm lược. Còn bây giờ chiến tranh đã kết thúc, người ta vẫn “chào thân ái và
quyết thắng”, vậy thì quyết thắng ai đây nhỉ?
Theo
tôi hiểu thì cũng có thể giải thích điều đó như thế này, cho dù là hơi khiên
cưỡng. Lúc này chế độ Miền Nam đã không còn, vậy thì vẫn còn có thể quyết thắng
“hệ thống các nước tư bản đế quốc”, theo như cách nói của những người Cộng sản.
Vậy thì ai quyết thắng? Đó là hệ thống các nước Cộng sản do Liên Xô đứng đầu,
trong đó có đất nước Việt Nam chúng ta. Người dân thì quanh năm đầu tắt mặt tối
làm lụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên họ chẳng có thời gian đâu để mà tìm
hiểu và thắc mắc. Có điều họ thấy cái từ “quyết thắng” nghe cũng ngồ ngộ, mỗi
lần như thế cũng lên dây cót tinh thần được chút đỉnh, có thêm quyết tâm để mà
vượt qua được cái đói giáp hạt và thiếu thốn thời bao cấp. Tuy cái đối tượng
đáng thương bị đảng ta chiến thắng kia ở tít đâu đâu, nghe có vẻ mơ hồ, nhưng
dù sao lúc đó Liên Xô còn tồn tại, vẫn còn chỗ dựa để mà “quyết thắng. Vì thế
mà cả dân tộc vẫn phải kéo cày để mà nuôi cái tham vọng to lớn kia của đảng.
Nói
thật là người dân sợ cái “quyết thắng” kia của Đảng ghê lắm. Vì Đảng quyết tâm
càng to lớn bao nhiêu thì người dân càng khổ bấy nhiêu, càng phải lao động bằng
năm bằng mười hơn xưa. Vì thế mà họ cứ thầm mong là mỗi dịp tết đến xuân về,
các vị lãnh đạo đảng đừng có đọc cái từ “Chào thân ái và quyết thắng” kia nữa.
Nghe mà cứ rờn rợn cả người. Các vị lãnh đạo thì đâu có hiểu nổi khổ đó của
dân, họ vẫn cất lời sang sảng với một vẻ khoan khoái tột độ, như là để sơn phết
và đánh bóng vị thế cá nhân.
Và
người dân lại tự hỏi: – Không biết đảng ta “quyết thắng” đến bao giờ?
Nhưng
rồi một sự kiện động trời xẩy ra, giáng một đòn cực mạnh vào cái niềm tin
“quyết thắng” của đảng ta. Ấy là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Cộng Sản
Đông Âu vào các năm 1989 – 1991. Đảng ta lúc đó hụt hẫng vô biên, tiền đồn Xã
hội chủ nghĩa đã sụp đổ, biết dựa vào đâu để mà “quyết thắng” bây giờ đây?
Từ
đó không ai còn phải nghe cái từ “quyết thắng” trên đài phát thanh nữa. Ai cũng
khấp khởi mừng thầm, chắc mẫm lần này đảng ta sẽ hết đường huênh hoang.
Ngày
nay, mỗi lần có dịp đọc trên đài phát thanh hay truyền hình, người ta chỉ nghe
thấy các vị lãnh đạo đảng kết thúc với câu “Chào thân ái”, nghe cứ cụt lủn thế
nào ấy.
Còn
người dân thì vẫn thầm cầu mong rằng, sẽ đến lúc cả cái từ “thân ái” kia cũng
không còn. Vì không ai có tình thân ái với những kẻ đang tâm cướp đi các quyền
tự do dân chủ của nhân dân.
Liệu
ai có thể “thân ái” với những kẻ độc tài đã lừa dối và đè đầu cưỡi cổ nhân dân
mình?
19/3/2013
Văn Minh (Việt
Nam) gửi đăng
No comments:
Post a Comment