Saturday, 9 March 2013

[ĐỌC "BÊN THẮNG CUỘC"] MẬU DỊCH QUỐC DOANH : THUỐC NỔ PHÁ HOẠI KINH TẾ (Vũ Ánh)




Vũ Ánh
Friday, March 08, 2013 3:30:31 PM

Tờ Sài Gòn Giải Phóng ngày 24 tháng 3, 1978 tường thuật lời của ông Võ Văn Kiệt, bí thư thành ủy Sài Gòn, tuyên bố trước Hội Ðồng Nhân Dân thành phố, trong đó có đoạn ông nói: “Khác với tất cả xã hội có giai cấp trước đây, nhà nước xã hội chủ nghĩa chịu trách nhiệm đầy đủ đối với đời sống của nhân dân, vì thế nhà nước phải nắm toàn bộ khâu lưu thông phân phối, đặc biệt là những nhu cầu thiết yếu đối với đời sống liên quan đến bữa ăn hàng ngày của nhân dân lao động.”

Nhưng chỉ mấy năm sau, theo tác giả “Bên Thắng Cuộc,” “những người như ông Kiệt nhận ra chính tham vọng tốt đẹp đó đã như những bức tường, những hàng rào giam hãm sự năng động của toàn xã hội.”

Thực ra, những bế tắc đã xuất hiện ngay trong những tháng đầu tiên sau chiến thắng 30 tháng 4, 1975 bởi vì cả miền Bắc cũng như lực lượng Việt Cộng trong Nam đều chưa sẵn sàng để tiếp nhận quản lý một vùng đất trước đó đã là một quốc gia chấp nhận nhiều luồng tư tưởng tân tiến về quản trị kinh tế từ thế giới bên ngoài. Những tài liệu mà tác giả “Bên Thắng Cuộc” đưa ra cho thấy rằng những lãnh đạo của lực lượng Việt Cộng trong Nam còn đang lưỡng lự không biết có nên có một thời kỳ chuyển tiếp trước khi tiến tới chế độ xã hội chủ nghĩa hay không, và chuyển tiếp thì chuyển tiếp như thế nào. Nhưng chỉ sau vài tháng nhìn thấy sự lúng túng của ngay cả Lê Duẩn, Hà Nội đã quyết định điều được gọi là “Bắc hóa,” nghĩa là “chặt” mọi ảnh hưởng của lực lượng Việt Cộng trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cũng như kềm hãm giới trí thức, kỹ thuật gia và khoa học gia miền Nam Việt Nam còn ở lại trong nước.

Hà Nội đã khôn khéo che đậy kế hoạch nói trên bằng cách duy trì lại một vài khuôn mặt có ảnh hưởng trong đó có Võ Văn Kiệt vì họ biết rằng ông này có khả năng “hòa giải” với các chuyên viên cũ của VNCH đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế và ngân hàng. Với sự kiểm soát của Mai Chí Thọ, tất nhiên Võ Văn Kiệt không được rộng cẳng để tiến hành các kế hoạch chuyển tiếp của ông ta mà tác giả “Bên Thắng Cuộc” gọi là kế hoạch “xé rào” trong việc giải quyết vấn đề kinh tế và tài chánh ở miền Nam Việt Nam với một cơ cấu và kiến trúc vốn đã tiến bộ hơn miền Bắc rất nhiều. Trong suốt gần 3 năm sau chiến thắng 30 tháng 4, 1975, cơ chế “tập trung quan liêu bao cấp” đã đẩy nhân dân miền Nam Việt Nam vào tình trạng thiếu thốn, đói kém. Những nhân chứng tại miền Nam Việt Nam lúc đó gọi đây là một trận chiến kịch liệt giữa những chuyên viên, những nhà trí thức kinh tế tài chánh ở miền Nam Việt Nam với chính những lệnh lạc giáo điều từ Hà Nội. Người ta có thể lên tiếng trách cứ một cách dễ dãi đối với những chuyên viên kinh tế, ngân hàng và kỹ thuật ở miền Nam Việt Nam trước 30 tháng 4, 1975 là đã cộng tác với chế độ mới, nhưng thực sự khi bị kẹt lại trong nước vào giai đoạn ấy, họ có những suy nghĩ rất phức tạp về chuyện đi hay ở, cho nên họ không thể làm khác hơn được và công việc mang tính chất cố vấn của họ với chế độ mới cũng chỉ được thực hiện cầm chừng và điều cần là làm sao tránh được những ổ “phục kích chính trị,” tránh được mối nguy hiểm cho an ninh cá nhân.

Tác giả “Bên Thắng Cuộc” cho rằng tình hình Việt Nam vào lúc đó rất chênh vênh. Bên trong thì bối rối và bực bội, đói kém. Bên ngoài thì giặc giã, không khí miền Nam Việt Nam càng trở nên ngột ngạt, nhất là thời điểm giữa năm 1978. Tác giả nhấn mạnh: “Cỗ xe Việt Nam như đang xuống dốc mà không ai nhìn thấy chân phanh ở đâu.” Khi Võ Văn Kiệt gặp các nhà trí thức thành phố để tìm cách thắng cỗ xe lại thì một trong những người này là giáo sư Nguyễn Trọng Văn đã gây rúng động:
“Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu 3 năm nữa và tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi chính là các anh (Võ Văn Kiệt và chính quyền thành phố).”

Mai Chí Thọ bực tức đã ra lệnh bắt ông Văn. Nhưng ông Kiệt đã đỡ được đòn đầu tiên mà Hà Nội nhắm vào chính ông ta để khởi sự phần quan trọng nhất của chiến dịch Bắc hóa. Ðại khái là những chuyện như thế này xảy ra cũng là do sự thất bại trong chính sách quản lý vùng đất trù phú nhất của miền Nam Việt Nam, nhưng không ai trong đảng Cộng sản có đủ quyền lực và sáng suốt để thay đổi giáo điều, cho đến thời Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, người mà theo cách mô tả của Huy Ðức là người hiểu những vấn đề của Miền Nam nhất, nhưng ông ta cũng chỉ làm được nửa chừng vì áp lực của nhóm thủ cựu trong đảng có khuynh hướng thân Trung Quốc muốn giữ nguyên trạng “tiến lên chủ nghĩa xã hội” theo khuyến cáo của Bắc Kinh.

Cả Lê Duẩn lẫn Ðỗ Mười đều là những người ít học và vẫn còn mù mờ ngay cả về lý thuyết của Marx cho nên cuối cùng họ chỉ còn biết bám lấy chủ trương của ông Hồ và trở thành một người có những suy nghĩ bảo hoàng hơn vua để duy trì quyền lực của mình. Nguyễn Thành Thơ một phụ tá của ông Kiệt cho biết nhiệm vụ của Ðỗ Mười khi vào Saigon năm 1978 là “đánh thẳng vào sào huyệt của giai cấp tư sản” và “cải tạo công thương nghiệp (tư doanh) thành quốc doanh.” Nhưng theo ông Thơ thì chính Ðỗ Mười khi nói tới chính sách này cũng chỉ dám nói mông lung, không chứng cớ vững chắc, đại loại như cải tạo công thương nghiệp để “nắm chặt, tránh cạnh tranh, tránh khủng hoảng thừa thiếu, đảm bảo yêu cầu của nhân dân, tránh đầu cơ bóc lột.” Từ những lời lẽ của một con vẹt được “trên” mớm cho, Ðỗ Mười đã cho thiết lập chế độ “ mậu dịch quốc doanh” để làm nền móng cho một đường lối mà những đầu óc u tối ở Hà Nội buộc miền Nam Việt Nam phải thực hiện để bảo đảm tính “tự cung, tự cấp từ tỉnh và sản phẩm dư thừa sẽ được nhà nước thu mua, có kho chứa và vận chuyển đến nơi thiếu.”

Hôm nay là đã vào Tháng Ba, tháng bắt đầu cho một thắng lợi của người Cộng sản cách đây đúng 38 năm. Nếu cứ nhìn bằng còn mắt bình thường của người dân miền Nam Việt Nam đối với hiện tình kinh tế và đời sống vào thời điểm này thì quả thật không ai nghĩ rằng họ đã phải trải qua những cơn ác mộng dài với biết bao nhiêu thương tổn và mất mát chỉ vì những cái điên và tự mãn của người chiến thắng. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh của những “tay tổ” cộng sản lúc đó như Lê Duẩn và Ðỗ Mười đã để lại một vết thương vào chính ngay đảng của họ và ngày nay do nhu cầu làm ăn buôn bán với thế giới bên ngoài, Hà Nội lại phải cải tổ công thương nghiệp quốc doanh thành tư doanh, nhưng công việc này cũng vẫn còn những nút thắt hình bóng của lãng phí, tham ô, cửa quyền và nhất là tinh thần vô trách nhiệm, bừa bãi trong việc điều hành hệ thống quốc doanh. Nếu nhìn vào sâu hơn, người ta dễ dàng nhận thấy những vụ như Vinashin, Vinalines, EVN, Bầu Kiên, Ðặng Thị Hoàng Yến... cũng chỉ là những di sản của tì vết do lối suy nghĩ hoang tưởng trong việc thiết lập hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Theo tác giả “Bên Thắng Cuộc,” nếu thời điểm của hơn hai thập niên trước đây, “chế độ bao cấp lương thực theo định lượng thì chính sách cấm chợ ngăn sống đã trói buộc cả chính quyền lẫn người dân” cho nên dù sản xuất cách nào đi nữa thì người dân vẫn đói, thì vào thời điểm hiện nay, Hà Nội mới chỉ cởi trói cho công thương nghiệp tự doanh có một phần nhỏ trong khi vẫn củng cố quốc doanh chiến lược, nghĩa là vẫn củng cố những ngành mà vốn kinh doanh chủ yếu vẫn từ tiền thuế của dân nên dễ gây ra tinh thần vô trách nhiệm, cửa quyền và lãng phí.
Trong suốt hơn hai thập niên, người Hà Nội cũng đã phải chung sống với các mậu dịch quốc doanh, các cửa hàng gạo như là biểu tượng của Hà Nội thời bao cấp: người dân phải thức dậy từ nửa đêm xếp hàng mua gạo. Huy Ðức viết:
“Gạo mua về không có mùi mốc là lâng lâng sung sướng. Ước mơ của người Hà Nội 1970 là chiếc xe đạp Thống Nhất, chiếc quạt tai voi hay một đôi dép nhựa Tiền Phong. Tiêu chuẩn của các cô gái Hà Nội vào thời đó cũng thật là đơn giản: Một yêu anh có may ô (áo thun lót)/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa. Một đôi dép nhựa Tiền Phong bán chợ đen thời ấy đủ mua một vé máy bay bao cấp từ Miền Nam ra Miền Bắc. Chỉ có người đạt danh hiệu thi đua mới có thể được phân phối xe đạp...”

Ấy vậy, mà sau khi chiến thắng miền Nam Việt Nam, Hà Nội đã mang khuôn mẫu mậu dịch quốc doanh áp dụng ở Miền Nam, nơi mà cơ cấu kinh doanh tự do đã chiếm lĩnh thị trường trước 30 tháng 4, 1975, mức sống đầy đủ hơn rất nhiều dù là thời chiến. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là yếu tố tuyệt đối để có thể kết luận một cách giản dị về hơn thua, bởi vì nền kinh tế miền Nam Việt Nam lúc đó vẫn bị lệ thuộc vào ngoại viện, nhất là việc nhập cảng máy móc sản xuất. Nhưng cách so sánh này chỉ cốt tạo ra một biểu tượng cho sự thất thế của kinh tế xã hội chủ nghĩa là hệ thống quốc doanh, một loại thuốc nổ khá mạnh phá hoại nền kinh tế Việt Nam mà cho tới nay còn khó xóa hết được vết tích.



No comments:

Post a Comment

View My Stats