Sunday, 3 March 2013

NHÓM ĐẶC TRÁCH CỦA LHQ VỀ GIAM GIỮ TÙY TIỆN yêu cầu VIỆT NAM TRẢ TỰ DO CHO 3 NHÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN (Tường An - RFA)




Tường An, thông tín viên RFA
2013-03-03

Với sự kết hợp của một số tổ chức và văn phòng luật sư, sau hơn 2 năm theo dõi; ngày 12/2/2013 vừa qua, Nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (The Working Group on Arbitrary Detention) đã đưa ra thông báo về vụ án này.

Trả tự do và bồi thường

Ngày 12 tháng 2 năm 2013 vừa qua, nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã ra một bản công bố số 42/2012, trình bày quan điểm của họ về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ 3 người hoạt động cho Công đoàn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương.

Từ trái qua: Anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và chị Đỗ Thị Minh Hạnh

Bản tuyên bố quan điểm này là kết quả quá trình kết hợp làm việc trong một thời gian dài giữa nhiều tổ chức khác nhau: Lao Động Việt, trụ sở tại Ba Lan, văn phòng Luật sư Lâm Chấn Thọ ở Canada, và Tổ chức Freedom Now cùng với tổ hợp Luật sư Woodley MacGillivary ở Hoa Kỳ.

Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động Việt, là một tổ chức kết hợp các tổ chức công đoàn tự do trong và ngoài nước để đấu tranh cho quyền lợi công nhân Việt Nam; Lao Động Việt bao gồm các tổ chức: Công đoàn Độc lập, Hiệp Hội Đoàn kết Công nông, Phong trào Lao Đông Việt và Ủy ban Bảo vệ người Lao động Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thành, đại diện ở hải ngoại của Lao Động Việt cho biết về sự kết hợp làm việc này như sau:
"Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Động Việt đã kết hợp chặt chẽ với luật sư Lâm Chấn Thọ tại Canada và Tổ chức Freedom Now ở Mỹ, tập hợp tất cả các hồ sơ của Hùng, Hạnh, Chương, cũng như các đơn của 3 gia đình.
Luật sư Lâm Chấn Thọ cũng như Tổ hợp luật sư đều rất năng nổ, nên trong một thời gian ngắn đã đưa đến kết quả là, Ban đặc nhiệm đã ra nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải thả tự do và bồi thường cho Hùng, Hạnh, Chương. Chúng tôi rất vui khi được biết nhóm đặc trách của LHQ về giam cầm vô cớ đã ra bản quyết nghị yêu cầu trả tự do cho Hùng, Hạnh, Chương. Tôi thấy đây cũng là một kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh cho tất cả những tù nhân lương tâm tại Việt Nam."

Tiếp xúc với luật sư Lâm Chấn Thọ, được ông cho biết: Khi nhận được thư ủy quyền của 3 gia đình Hùng, Hạnh, Chương, ông đã bắt tay thu thập tài liệu và nộp hồ sơ lên LHQ ngày 17 tháng 8 năm 2011 với nội dung lên án sự bắt giữ tùy tiện của nhà cầm quyền Việt Nam.
Sau đó, ngày 17 tháng 10 năm 2012, LHQ chuyển cho luật sư Thọ thư phản đối của Hà Nội đề ngày 28/9/2012, nội dung như sau:
"Họ nói rằng người nộp đơn này dựa trên những nguồn tin không được chính xác, những nguồn tin này không đáng tin cậy vì có hậu ý chính trị. Và họ nói rằng chính phủ Việt Nam rất tôn trọng Nhân quyền.
Họ nói rằng những tội đã buộc cho các anh chị đó là có căn bản. Họ nói rằng những người này là thành viên của đảng bí mật, họ đang làm những chuyện của những người ở hải ngoại để lật đổ, gây những chuyện xáo trộn trong Việt Nam; Họ phát truyền đơn, xúi những người ở hãng giầy Mỹ Phong đập phá tài vật, vì thế cho nên họ phải được xử theo luật 89 của bộ luật hình sự năm 2009.
Hai điều quan trọng nhất là họ nói rằng: họ xử hai người này đúng theo luật Việt Nam, và họ xử đúng theo luật tố tụng hình sự của luật Việt Nam. Một chút nữa tôi sẽ nói Working Group họ để ý những chuyện gì và họ sẽ trả lời."

Nhận được thư phản đối của nhà cầm quyền Việt Nam, nhóm đặc nhiệm cùa Liên Hiệp Quốc yêu cầu luật sư Thọ nghiên cứu và phản hồi trước ngày 23 tháng 11 năm 2012, tức là ngày mà Liên Hiệp Quốc có cuộc họp lần thứ 65 về các vấn đề Nhân quyền.

Họ đề nghị ông đưa ra những lập luận phản kháng lại thư trả lời của Hà Nội để họ có thể tiếp tục nghiên cứu hồ sơ này. Ngày 9 tháng 11 năm 2012, Luật sư Lâm Chấn Thọ đã gửi thư cho nhóm đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, ông đưa ra những lập luận dựa trên luật Việt Nam và Quốc tế để phản bác như sau:
"Theo luật hình sự Việt Nam thì họ có quyền giam giữ nghi can từ 45 đến 90 ngày; 45 ngày nếu không có gì quan trọng, và 90 ngày nếu quan trọng hơn. Trong trường hợp của 3 người này, họ giam hơn 300 ngày; mà không phải vậy không, họ đối xử rất dã man, chị Đỗ Thị Minh Hạnh bị đánh đến bị điếc một bên tai, và cho họ ngủ kế bên những tù nhân bị bệnh (HIV-theo lời của gia đình) có thể lây cho họ.
Đồng thời chúng tôi nêu lên cho The Working Group on Arbitrary Detention họ lưu ý rằng: chính quyền Việt Nam hoàn toàn vi phạm những hiệp ước, những tuyên ngôn Nhân quyền mà họ đã ký, ví dụ họ vi phạm điều 7, điều 9, điều 14, 19, 22 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 8 của quyền về chính trị, kinh tế và văn hoá."

Tháng 6 năm 2012 vừa qua, Liên đoàn Lao Động Việt cũng có một cuộc tiếp xúc với tổ chức Freedom Now tại Hoa Thịnh Đốn yêu cầu can thiệp cho Chương, Hùng, Hạnh. Ngày 14 tháng 12 năm 2012 Freedom Now vào cuộc, cùng với tổ hợp Luật sư Woodley MacGillivary, họ đã liên lạc với văn phòng luật sư Lâm Chấn Thọ để cùng thụ lý hồ sơ.

Sau những ngày chờ đợi, cuối cùng, ngày 12 tháng 2 năm 2013, sau khi xem xét tất cả các yếu tố nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã công bố bản quan điểm của họ về trường hợp bắt bớ và giam giữ 3 người trẻ hoạt động công đoàn. Bản công bố gồm 35 điểm, trong đó có những điểm đáng chú ý như sau:
Chính quyền CSVN đã vô cớ bỏ tù và tra tấn họ, nay phải trả tự do và bồi thường
Đặc trách viên của LHQ về Tra tấn nên điều tra việc 3 người này bị tra tấn, đánh đập

Bức tranh chân dung Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng của Họa sĩ Trần Lân. Courtesy Họa sĩ Trần Lân.

Vi phạm luật Nhân quyền Quốc tế

Một lần nữa, LHQ đã chính thức bác bỏ lập luận của nhà cầm quyền VN cho rằng những những tù nhân này vi phạm luật pháp Việt Nam mà chính nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm luật Nhân quyền Quốc tế.

Luật sư Lâm Chấn Thọ nhấn mạnh hai điểm sau:
"Quan điểm của nhóm Đặc trách của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện nói thẳng thừng như thế này: Họ nói trong trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương chính quyền CSVN đã vi phạm môt cách trắng trợn điều 9, 10, 20, 21 của Tuyên ngôn Nhân quyền, và điều 9, 10, 14, 20, 25 của hiệp ước về quyền dân sự và quyền chính trị mà Việt Nam đã ký.
Điểm mà tôi thấy quan trọng nhất là họ nhấn mạnh: những quyền hội họp, quyền thành lập công đoàn, hay quyền tham dự và những việc ích lợi chung được bảo vệ dưới điều 22 và 25 của Tuyên Ngôn Nhân quyền, họ nhấn mạnh về vấn đề đó.
Và điều thứ hai mà chúng ta phải để ý, Liên Hiệp Quốc có điều này rất hay, đoạn 29 nói như thế này: Không phải chính quyền Việt Nam nói những người phạm tội theo điều 89 của bộ luật hình sự là chúng tôi phải im lặng, chúng tôi có quyền coi những điều luật đó có đúng với những tiêu chuẩn Quốc tế hay không. Và những vụ giam giữ người ta có thể đúng theo luật Việt Nam, mấy anh dùng bộ luật 89 hay 88 thì các anh cứ dùng, nhưng chúng tôi có bổn phận phải xem xét coi cách giam giữ coi nó có đúng theo luật Quốc tế hay không? Và cách mấy anh giam giữ có đúng tiêu chuẩn hay không, có đúng những hiến chương, có đúng những hiệp ước, những luật của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền.
Đó là 2 điều chúng ta thấy rất thuận lợi cho những cuộc tranh đấu trong tương lai để bắt chính quyền CSVN phải tôn trọng Nhân quyền."

Mặc dù rất lạc quan trước ý kiến công bố bởi nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, nhưng luật sư Lâm Chấn Thọ cũng nhấn mạnh:
"Quan điểm hay quyết định của Hội đồng Nhân quyền này không có tính cách cưỡng chế nhưng mà những vi phạm đó nó lọt vào nhóm 2 và 3 của những nhóm vi phạm Nhân quyền, mà nhóm Đặc trách của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện có quyền nghiên cứu, theo dõi, thẩm định. Nó có thể gây ra một áp lực rất tốt trên chính trường Quốc tế."

Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt lần lượt vào các ngày 13, 23 và 24 tháng 2 năm 2010 sau khi giúp công nhân hãng giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh biểu tình đòi quyền lợi. Phiên toà phúc thẩm ngày 18/2/2011 y án sơ thẩm kết án 7 năm tù cho Chương và Hạnh, 9 năm tù cho Hùng vì "tội phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân".

Hiện Chương đang bị giam tại khu 2, Hạnh giam ở khu 3 trại Thủ Đức, tỉnh Bình Thuận, Hùng bị giam ở Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Bà Ngọc Minh, Mẹ của Hạnh cho biết tình trạng hiện nay của 3 người như sau:
"Hạnh trong tù thì thường xuyên đau ốm, hay bị hạ đường huyết (huyết áp), hay bị xỉu, nó cũng bị thiếu calci, viêm khớp. Một cái tai nó bị yếu, không nghe được, chỉ còn 1 cái tai thôi. Nói chung là sức khỏe của cháu không được tốt lắm.
Hùng và Chương cũng vậy, bị hành hạ ngược đãi dữ lắm. Chương có thời gian tuyệt thực; Chương bi liệt mấy ngón tay. Hùng thì lầm lì ít nói, nó kiên cường, nó chịu đựng cũng giỏi lắm.
Chúng nó hình như sợ gia đình buồn; Hạnh cũng vậy, mỗi lần vào thăm nó sợ gia đình buồn và lo lắng nên sự đau ốm, khổ sở nó ít có nói, nó chỉ nhắn nhủ những gì cần thiết thôi. Những lần gia đình vào thăm thì cũng rất hạn chế nói chuyện bởi vì có công an kèm sát.
Lần trước có ông công an chính trị nói với tôi là có 3 tiêu chí để giảm án, tiêu thí thứ nhất là phải nhận tội. Tiêu chí này không thực hiện được thì giữ nguyên bản án. Và nó bị kỷ luật hoài là vì mỗi lần kiểm điểm thì không chịu nhận tội vì nó có tội đâu mà nó nhận. Người nào cũng bắt nó nhận tội hết. Chương cũng bị bắt nhận tội, nó bị dọa là không nhận tội thì cho nó chết."

Luật sư Lâm Chấn Thọ cho biết đã cung cấp hồ sơ của «Chương Hùng Hạnh» cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải để chuyển lên Quốc Hội Canada cũng như bà Dân biểu Clark thay mặt cho 30 dân biểu Anh để nộp lên Quốc hội Anh.

Ngoài ra nhóm Đặc trách về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc cũng đã chuyển giao hồ sơ này cho Ủy Ban điều tra về tra tấn của LHQ.

Các luật sư nói trên đều làm việc thiện nguyện. Freedom Now nói rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi hồ sơ này cho đến khi 3 người trẻ này được trả tự do.








No comments:

Post a Comment

View My Stats