TS Nguyễn Sĩ
Phương, CHLB Đức*
Bài 1: Nhầm lẫn khái niệm “Hiến pháp”
Trong bài “Bao nhiêu ý dân thì đủ?”**, tác giả
Phạm Thị Hoài đã sử dụng nhầm lẫn hai khái niệm Verfassung (Hiến pháp) khác với
Grundgesetz (Luật cơ bản) vốn có quan hệ nội hàm “cành, nhánh” hay “mẹ, con”.
Để phủ định
quyền dân phúc quyết hiến pháp, tác giả Phạm Thị Hoài viện dẫn thực tế quá
trình lập hiến Đức (trích): Nhân dân CHLB
Đức chưa bao giờ được trưng cầu ý kiến về văn bản tối thượng mang tên
Grundgesetz (Luật Cơ bản) của mình. Nó được soạn thảo bởi 65 vị trong Parlamentarischer
Rat (Hội đồng Nghị viện), dưới sự ủy nhiệm và kèm cặp của chính quyền quân quản
Anh, Pháp và Mỹ sau Thế chiến II. Sau khi được thông qua với 53 phiếu thuận và
12 phiếu chống trong Hội đồng Nghị viện, nó được trình cho ba chính quyền Đồng minh
nêu trên xét duyệt. Sau khi được các Thống đốc Quân sự Anh, Pháp, Mỹ chấp nhận,
nó được gửi đến các nghị viện tiểu bang để phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn,
ngày 23-5-1949 nó được Hội đồng Nghị viện chính thức tuyên bố là văn bản lập
quốc. Nước Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức cũ) ra đời với bản Hiến pháp ấy. Bản
hiến pháp được coi là hoàn hảo nhất trong lịch sử nước Đức ấy không do ý nguyện
dân chủ từ dưới lên sinh ra, mà do ý chí chính trị từ trên xuống, thậm chí với
áp đặt từ các thế lực ngoại bang.
Năm 1990, trong quy trình thốnng
nhất nước Đức, nghị viện của các tiểu bang thuộc Đông Đức cũ cũng phê chuẩn và
gia nhập Hiến pháp này mà nhân dân Đức ở cả bên Đông lẫn bên Tây đều không được
trực tiếp biểu quyết. Trong 64 năm từ khi ra đời, Hiến pháp Đức có 59 bổ sung,
sửa đổi, lần cuối cùng vào giữa năm ngoái. Không một lần nào có trưng cầu ý
dân. Song điều đó không cản trở nước Đức … thành một trong những nền dân chủ
trưởng thành và ổn định nhất trên thế giới”, (Hết trích).
Tác giả đã
sử dụng nhầm lẫn hai khái niệm Verfassung (Hiến pháp) khác với Grundgesetz
(Luật cơ bản) vốn có quan hệ nội hàm “cành, nhánh” hay “mẹ, con”. Từ năm 1949 tới nay, nước Đức chỉ có Luật
Cơ bản năm 1949 và sửa toàn diện năm 1990, được coi như Hiến pháp chứ không
phải Hiến pháp. Nó được xuất bản với tờ bìa mang tên “Grundgesetz” và gọi
đúng tên đó trên các văn bản pháp lý trích nó. Luật, bất cứ là luật gì cơ bản
hay không, do nghị viện ban hành đều không nhất thiết phải phúc quyết, bởi đó
là quyền lập pháp của họ, giải thích tại sao Luật Cơ bản Cộng hoà Liên bang Đức
chưa bao giờ phúc quyết. Còn đã gọi là “Hiến pháp” thì phải do người dân phúc
quyết, vốn chỉ họ mới có quyền lập hiến, xuất phát từ nguyên lý: Hiến pháp của
dân phải do dân quyết, giống như chính quyền của dân thì phải do dân bầu. Đó là
dấu hiệu khác nhau giữa nội hàm khái niệm “Luật cơ bản” và nội hàm “Hiến pháp”.
Điểm giống nhau là chúng cùng quy định: a- thiết chế nhà nước và b- khẳng định
quyền con người và quyền công dân mà nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện không
được xâm phạm – tức quyền cơ bản. Nếu chỉ dừng lại ở đó, thông qua nghị viện,
rồi ký lệnh ban hành, thì được gọi là “Luật Cơ bản”, còn thực hiện thêm công
đoạn tiếp theo “Phúc quyết” thì được gọi là hiến pháp. Lý do tại sao Luật Cơ
bản CHLB Đức năm 1949 lại không trưng cầu dân ý, tác giả Phạm Thị Hoài đã lý
giải đúng sự kiện. Còn lý do tại sao tới lần sửa đổi toàn diện năm 1990 vẫn
không phúc quyết, bởi chỉ đơn giản do CHDC Đức gia nhập CHLB Đức, nghĩa là phải
chấp nhận Luật Cơ bản của họ, giống như Việt Nam sau 1975, chứ không phải hai
bên thống nhất thành lập một quốc gia để ban hành một Hiến pháp mới cho mình.
Điều đó cũng
giải thích tại sao Hiến pháp mới thông thường gắn liền với các hệ quả đổ vỡ một
thiết chế, cách mạng xã hội, tranh chấp bạo lực, chiến tranh (đã trình bày ở
bài Hiến pháp sao phải sửa?). Ngoại lệ có thể tìm thấy trong trường hợp Nam Phi
hay Miến Điện. Khi đó Hiến pháp không còn là mục đích trực tiếp của đổ vỡ, cách
mạng, bạo lực, chiến tranh, mà trở thành phương tiện hoà bình để vượt qua nó.
Với nội hàm
khái niệm Hiến pháp nêu trên, các nước có thể mặc định, tức tự hiểu đã là Hiến
pháp tất phải phúc quyết (lẽ tự nhiên như quyền ăn uống hít thở, không nhất
thiết phải đưa vào hiến pháp) hoặc hiến định như Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà năm 1946: Điều 21, “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp”.
Tới Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, người chấp bút đã không tuân thủ nguyên lý
logic học, cũng sử dụng nhầm lẫn giữa 2 khái niệm Hiến pháp và Luật Cơ bản như
trường hợp Phạm Thị Hoài, khi viết Điều 123: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hệ lụy, một
khi đã gọi là hiến pháp thì đương nhiên trước hết phải là luật cơ bản, vì vậy
Điều 123 nhắc lại là thừa.
Mặt khác,
đưa ra 1 câu mang tính tiền đề như Điều 123, làm người đọc dễ ngộ nhận, nhầm
tưởng khái niệm hiến pháp nằm trong khái niệm luật cơ bản, trong khi luật cơ
bản chỉ là một phần nội hàm của khái niệm Hiến pháp
Hệ trọng
hơn, về nội dung, Điều 74 hiến định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến vốn thuộc
của dân, tới Điều 75 diễn giải tiếp, Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn “Làm
Hiến pháp“ hiểu theo nghĩa dự thảo là đương nhiên. Nhưng đến Điều 124, hiến
định vai trò thụ động của người dân, “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc
hội quyết định“; tất dẫn tới hệ lụy chưa thể xác định sau khi Quốc hội thông
qua, Việt Nam sẽ có Luật Cơ bản như Đức bởi hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy (nếu
không trưng cầu dân ý), hay là một bản Hiến pháp đúng khái niệm của nó (trong
trường hợp được trưng cầu dân ý).
Hiến pháp là
hình ảnh thể chế của một quốc gia trong con mắt thế giới, chứ không phải văn
bản lưu hành nội bộ chỉ riêng trong quốc gia đó, vì vậy để có một bản Hiến pháp
được họ nhìn nhận ưu việt tiến bộ “sánh vai các cường quốc năm châu“ như ta
mong muốn, điều kiện cần đầu tiên là kỹ thuật lập hiến phải tuân thủ đúng các
khái niệm khoa học pháp lý phổ quát, trước và trên hết chính khái niệm “hiến
pháp“.
*
Bài 2: Nhầm lẫn quyền con người với quyền
cơ bản
Hiến pháp
chỉ hiến định một số trong vô vàn quyền con người, chứ không phải toàn bộ, bởi
trước hết, do hiến pháp đóng vai trò luật cơ bản, mà đã là luật thì nó chỉ điều
chỉnh những quyền con người liên quan tới pháp luật, tức nhà nước, chứ không
phải mọi quyền con người như ăn ngủ hít thở, yêu ghét, chẳng hạn.
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (DTHP), chương II “quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân” đưa ra 38 điều; so với Hiến pháp năm 1992, lời văn, cấu trúc được sửa lại và bổ sung thêm chín quyền trong chín điều.
Mục đích sửa
đổi trên được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lý giải trong “Báo cáo
Thuyết minh”: “Để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người,
quyền công dân trong Hiến pháp”. Từ mục đích đó, DTHP có nhiệm vụ “làm rõ nội
dung quyền con người, quyền công dân…”.
Đã là quyền con người thì do “tạo
hoá” sinh ra nằm trong chính mỗi con người. Nếu xét theo hành vi, tổng hợp
hết từ chừng 7 tỷ người khác nhau trên quả đất hiện nay, thì quyền con người sẽ
vô cùng tận, từ sinh lý, ăn, uống, hít thở, khóc cười, nhìn, nghe, sờ mó… đến
hành vi tình cảm, yêu, ghét, hiến, tặng…, tới tâm linh thờ phụng, tín ngưỡng,
hay kinh tế, mua bán, cho mượn, đổi chác, hoặc chính trị tham gia đảng phái, bộ
máy nhà nước, góp ý chính sách…, không một hiến pháp nào trên thế giới này dù
muốn cũng không thể liệt kê nổi, chứ chưa nói khẳng định giá trị, làm rõ nội
dung. Vì vậy, nếu lấy nội dung quyền con người làm đối tượng hiến định, thì
DTHP nước ta đã không đạt mục đích đề ra. Và cứ theo quan điểm đó, thì hiến
pháp nước nào đưa ra càng nhiều quyền con người càng dân chủ tiến bộ ưu việt.
Nhưng thực
tế không phải vậy. Nga, Hiến pháp năm 1993 có tới 48 điều về “quyền và tự do
của con người và của công dân”, chỉ số dân chủ năm 2007 xếp thứ hạng 102; Trung
Quốc, Hiến pháp năm 1982 có 33 điều xếp thứ hạng dân chủ 138; Đức chỉ có 19
điều ở thứ hạng 13; Đan Mạch có 15 điều, đứng thứ 5; Mỹ, chỉ liên quan tới 10
điều tu chính, xếp thứ 17.
Lý do, Hiến
pháp chỉ hiến định một số trong vô vàn quyền con người, chứ không phải toàn bộ,
bởi trước hết, do hiến pháp đóng vai trò luật cơ bản, mà đã là luật thì nó chỉ
điều chỉnh những quyền con người liên quan tới pháp luật, tức nhà nước, chứ
không phải mọi quyền con người như ăn ngủ hít thở, yêu ghét, chẳng hạn. Chức
năng của nó là chế tài, không có chức năng thay thế sách giáo khoa, hay tài
liệu khoa học, để lý giải đưa ra kết luận về giá trị, vai trò quan trọng, nội
dung của quyền con người, mà chỉ dựa trên cơ sở khoa học đó để hiến định quyền
con người. Tiếp theo, quyền con người mặc dù do tạo hoá sinh ra, “lẽ phải không
ai chối cãi được”, nhưng một khi quyền lực nhà nước vốn của dân đã được trao
vào tay bộ máy nhà nước thực thi, thì quyền tạo hoá đó của họ trên thực tế rất
có thể: 1- Bị quyền lực nhà nước xâm phạm, mà người dân thấp cổ bé họng không
làm gì được. Có thể thấu hiểu rõ nhất điều đó ở những nước thuộc điạ, như khi
thực dân Pháp “mang lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái” đến nước ta tuyên bố “khai
hoá văn minh”, nhưng thực tế lại “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta (Tuyên
ngôn độc lập)” hay trường hợp các nước Ả Rập vừa qua, cách mạng xã hội bùng nổ
do quyền làm người bị tước mất, được châm ngòi bởi Mohamed Bouazizi phải tự
thiêu, thà chết còn hơn. 2- Không thể thực hiện, bởi bộ máy nhà nước ăn lương
có bổn phận đảm bảo quyền tạo hóa của dân, nhưng đã không cung cấp cho họ điều
kiện vật chất, hành lang pháp lý thực hiện quyền đó.
Nguyên tắc
hiến định quyền con người, vì vậy, chỉ nhắm vào những quyền pháp lý có nguy cơ
bị nhà nước xâm phạm hoặc phải được nhà nước bảo đảm tiền đề vật chất cho nó
thực hiện. Những quyền đó, khoa học hiến pháp gọi là quyền cơ bản, không hiểu
theo nội hàm “hạt cơ bản” trong vật lý, mà theo nghĩa nhà nước bị chế tài trách
nhiệm bảo đảm cho quyền đó được thực hiện. Nói cách khác, quyền cơ bản là quyền
con người được ghi vào hiến pháp, khi nó thoả mãn đồng thời 3 yếu tố: 1- chắc
chắn, 2- liên tục, 3- được viện tới toà án chống lại nhà nước, nếu họ bị thiếu
những điều kiện bảo đảm quyền đó được thực hiện.
Có thể hiểu
qua ví dụ về “quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, ghi trong Ðiều 35 DTHP, được
Điều §75 Hiến pháp Đan Mạch quy định tại điểm (1): “Ai không thể tự nuôi sống
mình, và không còn nguồn thu nhập nào khác, nhà nước có trách nhiệm trợ cấp
đủ”. Ở Đức, xuất phát từ Điều 1, Luật Cơ bản, “nhân phẩm con người không thể
xâm phạm. Chú ý và bảo vệ nó là trách nhiệm mọi cơ quan quyền lực nhà nước”, Bộ
Luật Xã hội Đức quy định nhà nước phải cấp cho bất kỳ người dân nào không có
thu nhập, kể cả người nước ngoài sinh sống ở Đức, 374 Euro/tháng/người (năm
2013) cộng tiền thuê nhà, điện, nước. Cách tháng trước, một hộ gia đình bị cấp
thiếu 15 Cent do cơ quan cấp làm tròn số lẻ, khiếu nại không được liền kiện ra
toà, được toà xử thắng và phạt cơ quan cấp phải trả án phí 600 Euro. Cũng viện
dẫn Điều 1 trên, trong 1 vụ kiện, Toà án Hiến pháp Đức đã bác bỏ điều khoản Bộ
luật Xã hội Đức ấn định mức trợ cấp cho người nước ngoài chờ xét tỵ nạn thấp
hơn tiêu chuẩn trợ cấp cho người Đức, với lập luận, trợ cấp là mức tối thiểu để
bảo đảm nhân phẩm con người vốn không thể phân biệt đã được hiến định.
Xuất phát từ
bản chất quyền cơ bản nêu trên, ở họ hiến định quyền cơ bản thực chất là hiến
định trách nhiệm nhà nước phải bảo đảm quyền đó được thực hiện, bằng những
chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự có thể đong đo đếm được. Và chỉ khi đó,
người dân mới có cơ sở hiến định để tự bảo vệ quyền của mình, bằng cách viện
đến toà án được coi là cán cân công lý; các cơ quan quyền lực nhà nước mới bị
ràng buộc bởi các cơ sở pháp lý, phải thực thi nếu không sẽ bị chế tài. Đó cũng chính là bản chất của nhà nước pháp
quyền do pháp luật định đoạt, khác với nhà nước độc tài do kẻ cầm quyền quyết
định.
Còn DTHP ở
ta, do hiểu mục đích hiến định nhằm “khẳng định giá trị, vai trò”, “nội dung
quyền con người”, nên Điều 35 DTHP nêu trên chỉ ghi vắn tắt đúng 11 chữ “Công
dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, không hề quy định các chuẩn mực
thước đo quy tắc xử sự để chế tài trách nhiệm nhà nước phải bảo đảm cho quyền
đó thực thi, như trường hợp Đức, Đan Mạch chế tài nhà nước phải trợ cấp cho bất
cứ ai không có thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống bình thường.
Chính do
nhầm lẫn giữa quyền con người và quyền cơ bản, nên DTHP đã đưa ra nhiều quyền,
thậm chí nhiều góp ý còn đòi bổ sung thêm bao quyền ước mong nữa. Trong số đó
có những quyền, nhiều nước hiện đại chưa dám đề cập, như Điều 38 DTHP: “Công
dân có quyền làm việc”, họ không thể hiến định bởi thất nghiệp là bản chất của
kinh tế thị trường, chỉ có thể hạn chế chứ không thể chấm dứt. Điều 40 “trẻ em
có quyền… được chăm sóc giáo dục”, họ chỉ có thể bảo đảm được một phần chứ
không phải tất cả, và đó còn là trách nhiệm gia đình. Tương tự, Điều 41 “có
quyền được bảo vệ sức khoẻ” (nghĩa là trách nhiệm nhà nước chữa bệnh cho dân
miễn phí?); Điều 44 “quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá” (nhà nước miễn phí
tham quan du lịch, biểu diễn nghệ thuật, hội hè?); Điều 46 “quyền được sống
trong môi trường trong lành” (trách nhiệm nhà nước bồi thường khi dân ngộ độc
thực phẩm?), Điều 42, “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (nhà nước miễn
học phí và cấp học bổng?). Chưa nói DTHP hiến định cả những quyền tình cảm
không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật, như Điều 39 “Nam nữ có quyền
kết hôn và ly hôn” (chẳng nhẽ ai ế, nhà nước phải có trách nhiệm mai mối cho họ
kết hôn?); hay điều chỉnh cả công dân nước khác, khi Điều 19 hiến định Việt
kiều với quá nửa đã thôi quốc tịch Việt Nam “là một bộ phận không thể tách rời
của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và chỉ thuộc phạm trù tình cảm cội nguồn không
thể chế tài.
Hệ luỵ nguy
hại ở chỗ, do không chứa đựng đầy đủ ba thuộc tính cần có của khái niệm quyền
cơ bản, nên quyền con người dù có ghi vào hiến pháp vẫn không hề thay đổi bản
chất, tức thiếu tính pháp lý khả thi, làm mất thuộc tính tối thượng vốn có của
hiến pháp, trở thành một bản tuyên ngôn, mất giá trị sử dụng khi ban hành! Có
thể tham khảo trường hợp EU hiện cũng đang soạn thảo bổ sung Hiến pháp quyền cơ
bản “có tài khoản ngân hàng”, dự kiến thông qua tháng 6.2013. Để bổ sung điều
khoản đó, họ phải dựa trên kết quả điều tra thực tế, hiện có 30 triệu công dân
EU không có tài khoản do thiếu tiền trả lệ phí, phải chịu thiệt thòi không tiếp
cận được Internet, ký hợp đồng điện thoại, hay thuê nhà, tất cả đều đòi điều
kiện phải có số tài khoản; từ đó dự toán sẵn quỹ tài chính để miễn lệ phí tài
khoản, bảo đảm quyền có tài khoản một khi đã hiến định là được thực thi.
Hiến định
quyền cơ bản, vì vậy, khâu đầu tiên hoàn toàn không nằm ở câu chữ mà ở chỗ: 1-
phải xác định được chính xác ý nguyện thực tế của người dân, 2- dự liệu được
tiền đề để chế tài trách nhiệm thực thi của bộ máy nhà nước vốn đóng vai trò
công bộc chứ không phải cai trị – hai yếu tố quyết định cả sức sống trường tồn
lẫn vai trò tối thượng của hiến pháp.
N.S.P.
* Trên đây
là một phản hồi
của TS Nguyễn Sĩ Phương, trong bài “Trước hết Hiến pháp phải quy
định cái gì?” của GSTS Nguyễn Đăng Dung, chúng tôi xin đăng lên thành một bài
và đặt tựa theo tinh thần bài viết.
** Bao nhiêu ý dân
thì đủ? (pro&contra)
No comments:
Post a Comment