Nguyên Huy/Người Việt
Sunday,
March 03, 2013 5:44:38 PM
SANTA ANA (NV) - Ba tác phẩm giá trị
vừa được nhà xuất bản Nam Việt ra mắt độc giả cùng một lúc vào buổi chiều hôm
Thứ Bẩy, 2 Tháng Ba, tại Trung Tâm Công Giáo, Santa Ana. Buổi ra mắt sách này
cũng do Hội Ðồng Nguyễn-Phước Tộc Hải Ngoại, Hội Thân Hữu Thừa Thiên Huế, Hội
Ái Hữu Quốc Học Ðồng Khánh Nam California và Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Nguyễn
Hoàng Nam California đồng bảo trợ.
Hai tác giả Huy Phương (trái) và Võ Hương An ký sách gửi độc giả
mua sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Khoảng
300 đồng hương trong đó có nhiều thức giả và văn nghệ sĩ đã đến tham dự.
Sau
nghi thức khai mạc, chương trình được mở màn bằng màn hòa tấu cổ nhạc trong
chương trình phụ diễn nhạc cung đình do ban Lạc Hồng trình tấu. Sau đó, nhà văn
Huy Phương, đại diện nhà xuất bản Nam Việt, bày tỏ sự tri ân đến mọi người đã
lưu tâm đến văn học nghệ thuật. Ông cho biết ba tác phẩm được nhà xuất bản Nam
Việt giới thiệu ngày hôm nay gồm có bộ biên khảo “Từ Ðiển Nhà Nguyễn” của Võ Hương An, tập tạp ghi “Những Người Thua Trận” và tập thơ “Chúc Thư
Của Một Người Lính Chết Già” của Huy Phương.
Ký
mục gia Bùi Bảo Trúc, một trong những diễn giả trong buổi ra mắt sách, giới
thiệu tác phẩm biên khảo của Võ Hương An. Theo diễn giả thì nhà Nguyễn trải dài
400 năm trong lịch sử thì công cũng không ít mà tội thì cũng không phải là
không có. Với thời gian 400 năm trị vì nên khó tránh được những phê phán thị
phi, những bình luận của đương thời và hậu thế.
Nhưng
vẫn theo ông, “Từ Ðiển Nhà Nguyễn” là một cuốn từ điển tra cứu về nhà Nguyễn,
là một nhu cầu của những người ham học hỏi. Trong cuốn từ điển này tác giả đã
tra cứu và trích dẫn rất nhiều tài liệu mà đối với chúng ta trong hiện tại rất
khó mà có được. Vẫn theo diễn giả thì việc ghi chép, tra cứu trích dẫn đã được
“tiêu hóa” nghĩa là tác giả cuốn biên khảo đã hiểu được rất sâu các vấn đề, chi
tiết về điều mình viết ra.
Diễn
giả bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Ðây là cả một công lao khó nhọc để hoàn thành một
tác phẩm mở ra được nhiều cánh cửa. Cho nên, mỗi người đọc tác phẩm này đều có
thể tìm ra được cặn kẽ những điều mình cần tìm, cần hiểu biết.”
Trước
khi dứt lời, diễn giả kết luận: “Tác giả 'Từ Ðiển Nhà Nguyễn' đã đạt giá trị
ngang hàng với các nhà viết sử.”
Quang cảnh buổi ra mắt sách của nhà xuất bản Nam Việt. (Hình:
Nguyên Huy/Người Việt)
Qua
gần 800 trang khổ sách lớn, nhà biên khảo Võ Hương An đã phải bỏ thật nhiều
công sức để đi vào những chi tiết có liên quan đến nhà Nguyễn. Không chỉ là
những tổ chức cai trị trong lãnh vực hành chánh, chính trị, ngoại giao, văn
hóa, xã hội được đề cập đến qua hình thức từ điển “an pha bê tich” mà ngay cả
những danh từ chỉ có hay mới phát xuất trong thời nhà Nguyễn cũng được tác giả
liệt kê với những giải thích cặn kẽ, rành mạch. Chẳng hạn nhóm chữ “Hoàng Triều
Cương Thổ” mà thời “Quốc Gia Bảo Ðại” người ta thường gặp trên báo chí, nay ít
được nhắc tới thì tác giả đã không chỉ liệt kê trong vần H của từ điển mà còn
giải thích nghĩa về lịch sử của nó, về hoàn cảnh phát sinh nữa.
Tác
giả còn đính theo rất nhiều hình ảnh, tài liệu về văn thư, chiếu biểu của thời
nhà Nguyễn để cho người tìm đọc hình dung được rõ ràng hơn về những vấn đề,
những chi tiết mình cần tìm hiểu. Nói không ngoa thì chỉ cần có một cuốn “Từ
Ðiển Nhà Nguyễn” là đủ kiến thức về một giai đoạn mở nước của dân tộc ta dưới
sự trị vì của mấy chục đời vua từ Gia Long đến Bảo Ðại, giai đoạn bị các nước
phương Tây đến tranh cướp, giai đoạn bị thực dân Pháp đô hộ. Sử liệu về những
giai đoạn trên hầu như đã được tác giả kê cứu chọn lựa đưa vào khá là phong phú
trong “Từ Ðiển Nhà Nguyễn.”
Giới
thiệu hai tác phẩm của Huy Phương là hai diễn giả, nhà văn Trần Phong Vũ và nhà
văn Phan Nhật Nam.
Ðề
cập đến “Những Người Thua Trận,” nhà văn Trần Phong Vũ ghi nhận: “Ðây là những
suy tư, dằn vặt trước những vấn nạn của đất nước mà tác giả Huy Phương khi chọn
lối viết tạp ghi đã rất thành công.”
Nhưng
ông lại tiếc một điều rằng nếu Huy Phương không chọn lối viết tạp ghi thì, theo
nhà văn phái nữ Bùi Bích Hà, với văn phong và tư tưởng của ông, ông đã có thể
có được những tác phẩm phản ảnh được những khổ đau của người dân Việt trong
giai đoạn lịch sử vừa qua mà văn học Việt Nam vẫn còn thiếu.
Qua
tác phẩm thứ hai của Huy Phương, nhà văn Phan Nhật Nam nói về tập thơ “Chúc Thư
Của Một Người Lính Chết Già.” Ông đồng cảm với nhà thơ Huy Phương rằng “chúng
ta cảm thấy có lỗi khi nghĩ đến những người cũ (những thương phế binh VNCH) và
cùng nhận ra rằng biến cố 30 Tháng Tư, 1975 là một dấu tích cho người lính VNCH
đã không làm xong được nhiệm vụ của mình.”
Và
nhà văn Phan Nhật Nam kết luận: “Tập thơ là một món nợ mà tác giả muốn trả cho
đời.”
Ðọc
văn hay thơ Huy Phương, nhiều độc giả của ông đều thấy nhoi nhói trong lòng khi
ông chạm đến cuộc “đời thường” của những người lính VNCH. Ông không nhắc đến
những chiến tích xưa, với biết bao nét oai hùng trên khắp bốn vùng chiến thuật,
có lẽ vì đã được nhắc đến nhiều trong những hồi ký của nhiều người đã viết, mà
ông lại nhắc đến những người chúng ta bỏ lại. Không ai bắt chúng ta trách
nhiệm, nhưng lời thề nơi quân trường “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” xưa khiến
chúng ta phải nghĩ tới. Nghĩ tới rồi làm gì chứ không phải chỉ để đấm ngực “Lỗi
tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng!” để rồi an tâm vui hưởng tuổi già cho đến lúc
chết già.
––
Liên
lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment