Thursday, 21 March 2013

LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU : MỘT CHẤM ĐEN TRÊN TRANG DANH DỰ (Nguyễn Văn Huy)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ năm, 21 Tháng 3 2013 12:11

Từ một vài năm trở lại đây, cộng đồng người Việt hải ngoại đã được dư luận thế giới phương Tây nhắc tới trở lại, nhưng với những lời phê bình không lấy gì làm vinh quang: vai chính trong những vụ buôn người và trồng cây cần sa lậu.


Nạn nhân của những vụ buôn lậu người

Hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài đã có từ lâu nhưng chưa bao giờ danh dự của người lao động bị xúc phạm nặng nề như hiện nay.

Trong thập niên 1980, dưới hình thức hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa (một hình thức trả nợ bằng sức lao động), gần 300.000 lao động Việt Nam đã được gởi sang các quốc gia cộng sản Đông Âu, tất cả đều được đối xử tử tế và làm việc ngang hàng với người lao động bản xứ. Cùng thời gian đó, hơn 25.000 lao động khác cũng được gởi sang các quốc gia Bắc Phi, Phi Châu và Trung Đông làm việc và được đối xử như những chuyên gia.

Bắt đầu từ thập niên 1990, lợi dụng tình trạng khó khăn trong nước, sức lao động của người dân bị chính quyền cộng sản Việt Nam biến thành hàng hóa và bị buôn bán một cách tùy tiện. Nghị định về đưa người đi lao động ra nước ngoài ban hành ngày 9/11/1991 cho phép cán bộ đảng và nhà nước thành lập các công ty kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động. Khoảng 160.000 lao động Việt Nam đã được đưa ra nước ngoài để đảm nhiệm những công việc vặt vãnh mà người bản xứ từ chối không làm như nội trợ, làm phu trong các công trường, làm việc ở nhà máy và trên tàu thuyền viễn dương. Do không có trình độ kỹ thuật cao, lao động Việt Nam bị bạc đãi và bị đối xử như những nô lệ trước sự dửng dưng của chính quyền cộng sản Việt Nam. Đó là chưa kể, để thoát khỏi cảnh nghèo khó trong nước và được ra nước ngoài làm việc, mỗi ứng viên lao động phải vay mượn tiền đút lót cho các cơ quan môi giới để hồ sơ được chấp nhận và khi được ra nước ngoài mỗi người phải làm việc không công ít nhất một năm để trả nợ. Cũng nên biết, chi phí môi giới và dịch vụ chiếm hơn một nửa số tiền mà người lao động được hưởng trong suốt thời gian làm việc.

Từ năm 2000 đến nay, tổng số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc lên đến nửa triệu người và được phân phối trong 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trung bình mỗi năm có hơn 80.000 người ra nước ngoài làm việc và một con số ít hơn trở về nước sau khi hết hạn hợp đồng. Phần lớn lao động Việt Nam được tuyển dụng để sản xuất những mặt hàng không cần tay nghề cao như may mặc, giầy dép, bao bì và lắp ráp cơ giới cấp thấp. Với thời gian, trình độ kỹ thuật của người lao động Việt Nam tăng dần và mức được trả lương cũng tăng theo, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển Đông Á và Phương Tây. Chính sự gia tăng thu nhập này đã là nguyên nhân của những vụ lừa đảo, buôn người ra nước ngoài mà nạn nhân là những người dân thật thà nghèo khổ và phụ nữ ngây thơ, trong số này có cả người sắc tộc miền núi và nông dân tại các miền quê nghèo.

Trong những năm từ 2006 đến 2012, theo những nguồn tin báo chí trong nước, hàng ngàn người đã bị các công ty xuất khẩu lao động lừa đảo với một tổng trị giá thiệt hại lên đến vài chục triệu USD. Phần lớn nạn nhân là những lao động được tuyển sang Đài Loan, Hàn Quốc và Mã Lai làm việc và bị bỏ rơi ngay khi vừa đặt chân đến xứ người. Trong số những nạn nhân này, chỉ một số ít được gia đình giúp đỡ tìm đường về nước, đại đa số còn lại được những lao động xuất khẩu khác cưu mang và sống chui trong các khu ổ chuột vì không có giấy tờ hợp lệ ; tất cả sẵn sàng làm bất cứ nghề gì để sống, kể các ngành nghề mất nhân phẩm như nô lệ tình dục và mãi dâm. Rất nhiều người đã chết vì bệnh tật không có tiền chữa trị, vì bị đánh đập hay làm việc đến kiệt sức.

Tại các quốc gia phương Tây, do quy chế nhập cư có hạn định nhưng với đồng lương hấp dẫn, hàng trăm công ty môi giới đã tổ chức những đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp, gọi tắt là buôn lậu người. Mặc dù phải đóng những khoảng chi phí rất cao (từ 2 500 USD đến 15 000 USD), số người muốn nhập cư bất hợp pháp vào những xã hội phát triển phương Tây không hề thuyên giảm. Cách dụ dỗ người của những công ty lừa đảo này khá giản dị: dịch vụ rẻ, thủ tục nhanh gọn, công việc nhàn hạ, lương cao và có thể xuất ngoại dưới mọi hình thức: từ du lịch, thăm người thân, tham quan kinh tế, du học đến kết hôn giả… để sau đó trốn ở lại và sống bất hợp pháp.

Trong thực tế, lộ trình ra nước ngoài của nạn nhân những đường dây buôn lậu người này rất là gian truân, vì là những di dân bất hợp pháp, họ không thể đi trực tiếp từ Việt Nam đến "quốc gia nơi làm việc" mà phải đi qua những quốc gia trung chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy hay đường hàng không. Tại nhiều nơi, nếu đi bằng đường bộ, họ phải trốn cảnh sát biên phòng đi tuần dọc vùng biên giới, có khi phải bơi qua sông hay chạy bộ qua biên giới ban đêm để chờ xe đến đón ; nếu đi bằng đường thủy, họ phải sống trong những chòi bằng giấy bồi trong rừng nhiều ngày và chịu đựng cảnh mưa gió và đói lạnh triền miên nhiều tháng trước khi may mắn trốn được vào nơi chứa hàng trên xe tải hay một toa hàng trên xe lửa để qua biên giới. Đó là chưa kể cảnh những phụ nữ Việt bị những tên du thủ du thực tứ xứ hiếp dâm, hay những thanh niên bị những tên cướp cạn trấn lột mà không dám cầu cứu vì sợ bị lộ và bị bắt trả về nước. Một số nạn nhân của nạn buôn lậu người Việt cho biết họ được đưa từ Việt Nam tới Anh qua ngả Nga và Pháp, một số người đi bằng đường hàng không và một số khác đi bằng đường bộ.
Nói chung, cảnh vượt biên của những nạn nhân đường dây buôn lậu người này rất thê thảm, tất cả đều bị trấn lột tiền bạc và của cải mang theo người, bị đói, bị khát, bị hiếp dâm, bị hành hạ thể xác và tâm thần trước khi đến được "vùng đất hứa", mà đôi khi chỉ là địa ngục trần gian. Tổng số chi phí mà một nạn nhân phải chi cho đường dây buôn lậu người này có khi lên đến 90 000 USD nếu qua được nước Anh, và nếu tính thêm những chi phí khác như tiền ăn ở và đút lót cảnh sát biên phòng tại những quốc gia trung chuyển thì số tiền mà họ phải làm để trả nợ lên rất cao.


Trồng cây cần sa lậu

Theo báo cáo của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức (SOCA-Serious Organised Crime Agency) của Anh năm 2011, tuy số người Việt nhập cư lậu vào nước Anh chỉ chiếm 5% số nạn nhân của các đường dây buôn lậu người từ 75 quốc gia, nhưng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong số các quốc gia đưa lậu người vào nước để làm các công việc phi pháp. Báo cáo này cho biết những nạn nhân nhập cư lậu này bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó 31% (639 người) bị buộc phải bán dâm, 22% (461 người) làm việc tay chân, 11% (222 người) làm gia nhân, 17% (353 người) làm các việc phi pháp khác. Trong số những nạn nhân bị buộc làm những nghề phi pháp, 8% bị buộc phải trông nom các cơ sở trồng cần sa, trong đó 90% là người Việt (25 người Việt bị bắt năm 2011). Báo cáo của SOCA cho biết thêm, trong số 489 trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh, 13% là trẻ em Việt Nam, đứng hạng thứ nhì sau Romania.

Sự hiện diện của số trẻ em nhập cư bất hợp pháp này không phải vì lý do nhân đạo (trẻ mồ côi hay làm con nuôi), chúng được những băng nhóm buôn ma túy từ Việt Nam đưa vào các quốc gia phát triển phương Tây để chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là trồng và chăm sóc cây cần sa (marijuana, cannabis). Lý do sử dụng trẻ em là vì chúng dễ bảo, dễ quản lý và tiền công rẻ; nếu bị bắt giữ, các chính quyền sở tại không thể truy tố hình sự vì là vị thành niên. Các chính quyền phương Tây cũng không thể trục xuất những trẻ em này về lại Việt Nam vì chúng không khai cha mẹ và quê quán; phần lớn đã được trả tự do ngay sau khi bị bắt và chúng tiếp tục về lại những ngôi nhà cũ để… tiếp tục trồng và chăm sóc cây cần sa, còn gọi là "trồng cỏ" theo ngôn ngữ dân gian Việt Nam.

Từ năm 2005 đến nay, cơ quan an ninh các quốc gia phương Tây không ngừng phát hiện những vụ người Việt trồng cần sa trong nhà. Trong những năm từ 2005 đến 2009, cảnh sát London đã phá vỡ hơn 2 000 vụ trồng cây cần sa trong nhà, trong đó 75% là những di dân Việt nhập cư bất hợp pháp. Theo điều tra của nhà báo Michael L. Gray năm 2010 (Why do Vietnamese grow so much dope ?), 75% lượng cần sa tiêu thụ tại Anh do những nhóm người Việt nhập cư bất hợp pháp vào đất Anh sản xuất và họ làm việc cho những băng nhóm buôn lậu ma túy đến từ miền Bắc. Lợi tức do trồng cây cần sa trong nhà có thể mang mang lại 500 000 USD/năm. Chính vì thế, mặc dù vậy số vụ trồng cần sa tại gia của người Việt tại Anh bị phá vỡ lên tới hàng ngàn vụ, lượng cần sa được phân phối ra thị trường không ngừng tăng lên và chưa có triệu chứng giảm. Cũng nên biết, năm 2004 chính quyền Anh giảm tội hình sự từ hạng B xuống hạng C, nếu sản xuất với số lượng nhỏ thì sẽ không bị buộc tội hình sự, do đó 60% lượng cần sa tiêu thụ tại Anh được sản xuất ngay trong nước. Cuối năm 2012 vừa qua, cảnh sát London đã phát hiện và bắt giữ một gia đình người Việt trồng cần sa trong nhà với số lượng lớn, theo báo cáo của ban điều tra tổng trị giá trang thiết bị công nghệ cao lên tới 100 000 USD để che giấu sự xoi mói của hàng xóm (hóa giải mùi hương của nhựa cây cần sa và độ nóng do phân hóa học bốc ra). Tại Ireland (Ái Nhĩ Lan), nhiều người Việt đã bị bắt trong các vụ án trồng cây cần sa và đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ.

Tại Pháp, trong những vụ lùng bắt những tổ chức đưa người bất hợp pháp vào nước Anh thông qua các tỉnh miền Bắc (Nord, Pas de Calais), cảnh sát Pháp đã phá được nhiều đường dây đưa người trái phép vào đất Pháp và Anh, một số người nhập cư bất hợp pháp được tuyển dụng làm việc cho các trại trồng cần sa miền đông, chung quanh vùng hạ lưu sông Rhin và thành phố Strasbourg.

Tại Đức, từ năm 2010 trở lại đây nhiều vụ trồng cây cần sa trên lãnh thổ Đông Đức cũ (các bang Sachsen-Anhalt, Sachse và Brandenburg), nơi có đông người Việt miền Bắc cư ngụ, đã bị khám phá. Tháng 2-2011, nhiều người Việt thuộc diện lao động xuất khẩu đến từ miền Bắc tại làng Atzendort đã bị bắt về tội trồng cần sa. Khả năng trồng cần sa tại làng này qui mô hơn những nơi khác vì được canh tác ngay trong các trang trại hẻo lánh miền quê thay vì trong những căn nhà giữa thành phố. Vấn đề là dân tộc Đức rất kỷ luật, do đó rất cảnh giác trước những hành vi mờ ám của những người Việt sống quanh họ. Hình ảnh cộng đồng người Việt tại Đức chính vì thế đã bị hoen ố bởi những hành vi phạm pháp này, vì người Đức không thể phân biệt người Việt nguyên là thuyền nhân tị nạn biết tôn trọng luật lệ với người Việt quen sống bừa bãi vô pháp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Năm 2012, sau khi nhiều vườn cần sa của người Việt tại thủ đô Budapest bị khám phá, cảnh sát Hungary cho biết công tác trồng cần sa được chuyển về nông thôn với số lượng lớn chưa từng thấy. Đa số công nhân làm việc trong những trang trại trồng cần sa là những lao động xuất khẩu Việt Nam đến từ miền Bắc, giấy tờ tùy thân của họ đã bị những chủ nhân người Việt định cư trước đó cầm giữ và phải làm việc như những nô lệ. Theo cơ quan điều tra, người trồng trọt gốc Việt và chủ nhân các khu vườn gốc Hung kết cấu cùng nhau để chia chác nguồn lợi. Trên lãnh thổ nước Slovakia cạnh đó, cộng đồng người Việt tại đây cũng đang bị chính quyền địa phương chú ý trong việc sản xuất và vận chuyển cần sa đi nơi khác.

Tại Cộng hòa Czech (Tiệp Khắc), cảnh sát địa phương đã bắt giữ nhiều vụ trồng cần sa lớn nhất nước từ trước đến nay, trong đó thủ phạm là người những Việt mới nhập cư được các băng nhóm buôn lậu ma túy người Việt tuyển dụng. Cảnh sát Tiệp Khắc cho biết họ đã giải thoát một số con tin bị giữ sổ thông hành để làm việc như những nô lệ trong những phòng đóng kín.

Tại Ba Lan, Cục điều tra trung ương cho biết 61 xưởng sản xuất cần sa tại thủ đô Warsaw bị phát hiện năm 2011 là của người Việt và các băng đảng người Việt thống lĩnh việc sản xuất và phân phối cần sa trên khắp nước. Sở dĩ có sự gia tăng trồng cây cần sa tại Đông Âu là vì các chính quyền Tây Âu gia tăng kiểm soát và phá vỡ những ổ sản xuất cần sa của người Việt tại Pháp, Hòa Lan, Đức và Anh.

Tại Canada, những băng đảng người Việt đến từ miền Bắc đã làm chủ gần như hoàn toàn thị trường sản xuất và cung cấp cần sa tại miền Tây, đặc biệt là tại Vancouver, bang British Columbia. Những di dân miền Bắc đến từ các trại tị nạn Hongkong trong thập niên 1990 được các băng đảng này tuyển dụng để trồng cây cần sa cung cấp cho thị trường Tây Bắc Mỹ. Với những khoản tiền thu được nhờ buôn ma túy, những di dân miền Bắc đã rửa tiền bẩn bằng cách chuyển về Việt Nam xây dựng những dinh thự nguy nga cho gia đình và cho dòng họ, một cách để phô trương sự thành công tại nước ngoài. Sự thành công trong dịch vụ bất chính này được xuất khẩu sang bờ biển phía đông Canada và chỉ bị phát hiện vào tháng 8-2004 sau khi 13 người Việt bị bắt về tội trồng cây cần sa tại các thành phố Moncton, Dieppe, Riverview và Peticodiac trong bang New Brunswick. Gần đây dịch vụ này được chuyển sang các bang lân cận Nova Scotia, Québec và Alberta, nơi có đông người Việt miền Bắc cư ngụ.

Tại Úc, trong năm 2012 nhiều vụ khám phá trồng cần sa lớn nhất đã được phát hiện tại các bang Victoria và New South Wales do người Việt canh tác, trong đó phần lớn là những người vừa mới nhập cư có liên hệ với đường dây buôn ma túy tại Việt Nam.


Lời kết

Qua những vụ khám phá các cơ sở trồng cần sa tại các quốc gia phương Tây, tổng số tiền do nghề này mang lại lên đến hàng trăm triệu USD, hàng ngàn người Việt đã bị bắt giữ tại khắp nơi, trong đó đa số là người Việt nhập cư qua những đường dây buôn lậu người trái phép. Tìm hiểu sâu hơn, người ta cảm thấy có cái gì không bình thường trong những dịch vụ phi pháp nhưng đem lại nhiều tiền này. Ai cũng biết tại Việt Nam sự kiểm soát người ra vào nước rất là khắt khe, nhất là người Việt trong nước. Bằng cách nào những đường dây buôn lậu người có thể đưa di dân Việt ra khỏi nước một cách an toàn bằng đường hàng không để nhập cư vào những quốc gia phương Tây một cách bất hợp pháp ? Bằng cách nào những nhóm buôn lậu vận chuyển hạt giống vào các quốc gia phát triển phương Tây một cách an toàn mà không bị phát giác ? Bằng cách nào những băng nhóm này chuyển tiền về nước để tẩy trắng một cách an toàn ? Chắc chắn là phải có sự toa rập của chính quyền, các viên chức nhà nước đồng lõa với những tổ chức buôn lậu để chia chác quyền lợi.

Nhiệm vụ đầu tiên của những người cầm quyền là bằng mọi cách tạo ra công ăn việc làm để mang lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Tại Việt Nam, nhân dân không có may mắn đó, họ là nguồn hàng hóa mang lại lợi lộc cho các cấp chính quyền, do đó đang được khai thác triệt để bất kể mồ hôi và nước mắt của những nạn nhân.

Cộng đồng người Việt hải ngoại chắc chắn là rất phẫn nộ trước những hành vi phạm pháp của những đồng hương nhập cư bất hợp pháp, họ đã làm hoen ố hình ảnh cộng đồng người Việt chăm chỉ, hội nhập thành công vào các xã hội phương Tây. Nhưng suy cho cùng, những người nhập cư trái phép này nếu không là nạn nhân thì cũng là những món hàng béo bở mà những người có quyền chức trong nước lợi dụng sức lao động của họ để làm giàu. Không một người lao động xuất khẩu nào hãnh diện họ là người Việt Nam, tại nước ngoài nhiệm vụ đầu tiên của họ là cúi đầu làm việc để trả nợ và nếu có dư thì để nuôi gia đình, do đó không thể đòi hỏi những nạn nhân giữ thể diện là người Việt Nam. Nhân phẩm của họ đã bị chà đạp ngay trong nước, họ bị làm tiền từ khi làm thủ tục xin đi lao động nước ngoài đến khi hết hạn hợp đồng trở về nước. Họ là những trái chanh, những con bò sửa phải bị vắt cho cạn kiệt bởi những người tham lam không có nhân tính. Nếu muốn tố cáo chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền thì cuộc sống của những người lao động xuất khẩu là những bằng chứng.

Qua chính sách xuất khẩu lao động này, chính quyền cộng sản Việt Nam và đồng lõa đã hiện nguyên hình là những ác quỷ dracula hút máu nhân dân không biết thương tiếc.

Nguyễn Văn Huy





No comments:

Post a Comment

View My Stats