Tuesday 5 March 2013

KHÔNG THỂ TỒN TẠI SONG SONG CƠ CHẾ TAM QUYỀN PHÂN LẬP VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐỘC ĐẢNG ! (Nguyễn Đình Hà)




Tuesday, March 5, 2013 at 4:43am

1. Hệ thống độc đảng tại Việt Nam:

Hiện nay, hệ thống chính trị Việt Nam [do Đảng cộng sản chi phối] chỉ ghi nhận và công nhận sự hoạt động và tham gia vào các hoạt động chính trị của Đảng Cộng sản và các tổ chức do Đảng CS lập ra ; phủ nhận / không công nhận bất cứ đảng phái, hệ thống tư tưởng nào khác ngoài ĐCS và ý thức hệ cộng sản

=> ĐCSVN [đã cướp quyền lực và] xây dựng tại Việt Nam 1 chế độ độc đảng – chính xác hơn là 1 chế độ chuyên chính cộng sản, mang tính chất phản dân chủ, không tôn trọng các giá trị tự do, nhân quyền, dân chủ căn bản được ghi nhận trong các công ước quốc tế mà chính quyền Việt Nam cũng có ký kết

=> quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa quyền lực tuyệt đối, hình thành nên sự lạm quyền, tiếm quyền, thủ tiêu hầu hết mọi quyền lực căn bản của người dân trong nền chính trị.

- Việc chỉ công nhận sự hoạt động của 1 Đảng [Đảng CSVN chỉ công nhận bản thân mình và phủ nhận hoàn toàn các đảng khác] đã dẫm đạp lên quyền tự do lập hội của công dân ;

- Việc áp dụng cơ chế kiểm duyệt, “định hướng” thông tin trong báo chí, truyền hình, xuất bản, … đã xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do báo chí, … và hiện đại hơn là tự do thông tin trong môi trường truyền thông đa phương tiện ;

- Việc xây dựng các đạo luật, văn bản dưới luật điều chỉnh các sinh hoạt trong xã hội không nhắm tới mục đích công nhận, mở rộng và bảo trợ các quyền dân chủ căn bản trong thực mà chỉ nhằm mục đích hạn chế, bóp nghẹt các quyền dân chủ, tự do căn bản của công dân. Ví dụ như chế định về hộ khẩu xâm phạm đến quyền tự do cư trú, nghị định 36 CP về “tụ tập đông người” được dùng để xâm phạm quyền tự do biểu tình, quyền tự do hội họp, luật báo chí quy định không công nhận báo chí tư nhân xâm phạm đến tự do báo chí,…

Những việc làm trên chỉ là 1 phần những gì đang hiện hữu trong xã hội và nền chính trị Việt Nam do ĐCSVN gây ra.

2. Cơ chế tam quyền phân lập:

Cơ chế tam quyền phân lập được thiết lập nhằm kiềm chế, kiểm soát nhằm mục đích cân bằng quyền lực, tiêu diệt lạm quyền, tiếm quyền trong hệ thống chính trị nói chung và cơ cấu tổ chức nhà nước nói riêng. Đảng phái, các tổ chức chính trị là 1 bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị, do vậy, việc xây dựng cơ chế tam quyền phân lập cũng nhằm bảo vệ các đảng / tổ chức chính trị nhỏ trước các Đảng / tổ chức chính trị lớn đang “nắm quyền lực” của quốc gia.

1 nhà nước có 3 nhánh cơ quan quyền lực căn bản và chủ chốt:

- Quyền lập pháp được giao cho quốc hội. Quốc hội thường có 2 dạng: đơn viện [1 viện] hoặc lưỡng viện [2 viện] gồm thượng viện và hạ viện.

- Quyền hành pháp được giao cho tổng thống hoặc thủ tướng xây dựng nội các chính phủ điều hành.

- Quyền tư pháp được giao cho Tòa án tối cao và hệ thống hai cấp cơ bản – sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án cấp trên là tòa phúc thẩm cho các bản án / quyết định của tòa cấp dưới.

Nguyên tắc chung của cơ chế tam quyền phân lập được áp dụng tại hầu hết các quốc gia dân chủ, văn minh hiện nay như sau:

- Việc lập hiến [quy định cơ chế tam quyền phân lập] do quốc hội lập hiến [khác hoàn toàn với quốc hội lập pháp] soạn dự thảo, đi đến thống nhất rồi tổ chức phúc quyết/ trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp. Nếu người dân phúc quyết thông qua thì hiến pháp đó mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, còn ngược lại, quốc hội lập hiến sẽ phải sửa đổi dự thảo theo ý nguyện nhân dân và tổ chức phúc quyết lại. Quốc hội lập hiến được thành lập theo 2 cách cơ bản: 1 là do nhân dân bầu trực tiếp theo lối phổ thông đầu phiếu chọn ra những người được lòng tin của nhân dân ; 2 là do 1 ủy ban soạn dự thảo HP tuyển lựa những nhân sỹ, trí thức, luật gia có uy tín.
Việc xây Hiến pháp dân chủ, quy định cơ chế tam quyền phân lập là bước đầu tạo dựng nên cơ chế này. Cơ chế này được áp dụng từ việc hình thành, trao quyền cho đến hoạt động của các nhánh / cơ quan quyền lực.

- Việc hình thành các cơ quan quyền lực / nhánh quyền dựa trên các cách thức khác nhau và có những yêu cầu riêng, góp phần tạo nên sự khác biệt trong việc tuyển lựa người chịu trách nhiệm của các nhánh quyền lực.
+ Việc hình thành cơ quan lập pháp thông qua tổng tuyển cử theo lối bầu cử phổ thông đầu phiếu. Trong hệ thống lưỡng viện thì quy tắc bầu cử thành viên của 2 viện cũng có sự khác nhau rõ rệt. Đảng phái hoặc liên minh nào chiếm đa số tại nghị viện thì thủ lĩnh phe đó tại nghị viện sẽ là người đứng đầu [chủ tịch] Nghị viện, các đảng phái, liên minh khác sẽ là các đảng phái đối lập. VD: tại CHLB Đức, liên minh của CDU/CSU và FDP [liên minh Trung Hữu] đang chiếm đa số tại Hạ viện Đức [Bundestag], các đảng phái khác như Đảng SPD, Đảng Xanh, Đảng cánh tả [Die Linke] là các đảng thuộc phe đối lập lại với liên minh Trung Hữu tại Hạ viện Đức.
+ Việc hình thành cơ quan hành pháp được thực hiện thông qua các cách sau:
Đối với các nước có tổng thống làm nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu ngạch hành pháp: thông qua bầu cử tổng thống. Ở nhiều nước, nếu số lượng ứng cử viên tổng thống lớn thì sẽ chia cuộc bầu cử thành nhiều vòng, còn nếu ít ứng cử viên thì chỉ tổ chức 1-2 vòng. Tổng thống đắc cử sẽ tự đề cử thủ tướng, xây dựng nội các chính phủ để Quốc hội thông qua trong thời gian luật định. VD: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đại Hàn Dân quốc, …
Đối với các nước quân chủ lập hiến hoặc tổng thống làm nguyên thủ quốc gia nhưng thủ tướng đứng đầu ngạch hành pháp: Sau cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội / Hạ nghị viện [đối với hệ thống lưỡng viện], Quốc hội / Hạ nghị viện mới sẽ bầu chọn ứng viên mà các đảng phái chính trị chọn lựa làm thủ tướng, thủ tướng sẽ xây dựng nội các để Quốc hội / Hạ nghị viện thông qua [thường thì người đứng đầu đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sẽ được Quốc hội chọn làm thủ tướng]. VD: CHLB Đức, Vương quốc Anh, …
+ Việc hình thành cơ quan tư pháp được thực hiện kết hợp: 1 phần của Tòa án tối cao do Quốc Hội tuyển chọn, 1 phần khác cho Tổng thống bổ nhiệm từ các thẩm phán có kinh nghiệm theo danh sách do tổ chức của các thẩm phán, công tố viên và hội luật gia tiến cử.

- Phân chia biệt lập trong 3 nhánh quyền lực – người của nhánh quyền lực này không thể nằm trong nhánh quyền lực khác => tạo ra tam quyền phân lập một cách tuyệt đối:
+ Thành viên nội các chính phủ thì không thể là người trong các cơ quan có chức năng giám sát cơ quan hành pháp, tức có nghĩa các thành viên nội các chính phủ không thể là nghị sỹ quốc hội / hạ nghị sỹ.
+ Hệ thống tư pháp thì phi chính trị, có nghĩa là những người làm việc trong hệ thống tư pháp không được hoạt động chính trị, không được tham gia các đảng phái, tổ chức chính trị, không được ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị hay phong trào chính trị nào.

- Việc kiềm chế, giám sát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực và giữa các đảng phái chính trị được thực hiện chặt chẽ, liên tục góp phần thủ tiêu sự lạm quyền, tiếm quyền, nâng cao trách nhiệm của các nhánh quyền lực đối với phận sự của mình, góp phần tạo ra tính minh bạch, công khai của nền chính trị, … Ví dụ:
+ Tại Hoa Kỳ, để 1 đạo luật được hình thành phải trải qua 1 quá trình bàn thảo kỹ lưỡng, đấu tranh gay gắt. Dự thảo luật do các thành viên nghị viện hoặc do tổng thống đệ trình lên quốc hội => các nghị sỹ thuộc đảng phái trong quốc hội thảo luận, chỉnh sửa, vận động hành lang, … => Hạ viện bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua, nếu Hạ viện thông qua thì dự luật lại được bỏ phiếu tại Thượng viện. Nếu Thượng viện thông qua thì dự luật sẽ được trình cho Tổng thống ký ban hành thành luật, nếu Thượng viện không thông qua, thì Thượng viện và Hạ viện sẽ cùng nhau bàn thảo lại để đi đến thống nhất. Nếu tổng thống không đồng ý với dự luật, Tổng thống và Quốc hội lại cùng bàn thảo lại để thống nhất. Điển hình hàng năm ta thấy nước Mỹ thông qua Dự luật Ngân sách hàng năm rất khó khăn.
+ Tại Vương quốc Anh, Hạ viện Anh thứ tư hàng tuần có các phiên chất vấn Thủ tướng [Prime Minister’s Questions] rất quyết liệt giữa 1 bên là thủ tướng đương nhiệm với các nghị sỹ về các vấn đề hiện tại của chính phủ nói riêng và của đất nước nói chung. Các cuộc chất vấn này được truyền công khai trên các phương tiện truyền thông Anh quốc và toàn cầu. [Có thể lên Youtube để xem thêm các clip với từ khóa Prime Minister’s Questions do chính UK Parliament đăng tải hàng tuần].

3. Cơ chế Tam quyền phân lập không thể tồn tại song hành trong hệ thống độc đảng tại Việt Nam:

Hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam biểu hiện rất rõ trong cơ cấu bộ máy nhà nước:
+ Quốc hội – cơ quan lập pháp: hơn 90% thành viên quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản
+ Chính phủ - cơ quan hành pháp: 100% thành viên chính phủ là đảng viên Đảng Cộng sản, Ủy viên bộ chính trị hoặc trong ban chấp hành TW của ĐCSVN
+ Tòa án tối cao – cơ quan tư pháp: 100% thành viên hội đồng thẩm phán TAND tối cao và Chánh án TAND tối cao là đảng viên ĐCSVN, điều đó có nghĩa là thành viên của hệ thống tư pháp cũng tham gia chính trị.

Mặt khác, đa số thành viên chính phủ từ người đứng đầu chính phủ đều là thành viên của Quốc hội - cơ quan có chức năng giám sát hoạt động của Chính phủ và Chánh án tòa án tối cao cũng có tên trong Quốc hội.
Với toàn bộ các nhánh quyền lực đều do ĐCSVN nắm như vậy thì hoàn toàn không có việc kiềm chế, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giữa các nhánh quyền lực. Bởi hầu hết các thành viên của các nhánh quyền lực đều là đảng viên cộng sản, mà đã là đảng viên thì họ phải tuân theo đường lối, chủ trương, nghị quyết của ĐCSVN => 3 nhánh quyền lực cùng thực hiện 1 đường lối, chính sách, 1 nghị quyết chung như vậy thì mọi cơ chế kiềm chế, kiểm soát, giám sát đều vô tác dụng.

Mô hình chung, Hệ thống chính trị tại Việt Nam hiện nay đang rơi vào thế “lưỡng đầu chế” giống như thời Lê – Trịnh thế kỷ 17-18. Theo đó, hệ thống cơ quan nhà nước giống như “Cung vua Lê” và hệ thống cơ quan của Đảng được ví là “Phủ chúa Trịnh” ; trong mỗi cơ quan nhà nước đều có “Đảng bộ”, “đảng ủy” của ĐCSVN nẵm vai trò lãnh đạo, đưa đường chỉ lối.

Hơn nữa, ta cần phải hiểu rằng cơ chế Tam quyền phân lập không chỉ có tác dụng kiềm chế, kiểm soát và giám sát giữa các nhánh quyền lực mà còn nhằm kiềm chế, kiểm soát và giám sát các đảng phái nắm quyền lực trong các nhánh quyền lực nhà nước. Nhưng trong hệ thống có 1 đảng thì hoàn toàn không có chuyện kiềm chế, kiểm soát và giám sát quyền lực của ĐCSVN, dẫn đến ĐCSVN tự tung, tự tác, vừa đá bóng vừa thổi còi bao nhiêu năm nay.

4. Điều cần thiết để xây dựng cơ chế tam quyền phân lập:

Do vậy, để xây dựng cơ chế tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước [được ghi nhận trong hiến pháp] thì điều kiện đầu tiên là áp dụng hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng.

Các “dư luận viên” và những người ủng hộ đường lối độc đảng của ĐCSVN luôn nói rằng nếu áp dụng đa nguyên, đa đảng thì đất nước sẽ có nội loạn, sẽ có bất ổn, rối ren,… làm nguy hại đến sự ổn định, phát triển của đất nước rồi lấy ví dụ của Thái Lan ra để hù dọa nhân dân. Điều này hoàn toàn thiếu cơ sở lập luận và thực tiễn. Bởi trong 1 hệ thống dân chủ, nhà nước pháp quyền, có xã hội dân sự phát triển thì mọi hoạt động chính trị nói chung, hoạt động của các đảng phái nói riêng được điều chỉnh bằng luật pháp và hệ thống đảm bảo thực thi luật pháp 1 cách nghiêm minh thì sẽ không thể có chuyện gây bất ổn, rối ren hay nội loạn được. Thay vào đó chúng ta sẽ thấy một không khí dân chủ ngày càng cao, mọi quyền lợi chính đáng của những nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội được bảo đảm. Nếu những người phản bác đa nguyên, đa đảng lấy Thái Lan ra làm ví dụ thì ngược lại, chúng ta sẽ lấy nước Đức, nước Pháp, nước Anh,… là những nước đa nguyên, đa đảng có hệ thống pháp luật tốt, các đảng phái hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chứ không phải “ngồi lên pháp luật” như ĐCS tại Việt Nam làm ví dụ.

Mặt khác, việc rối ren, nội loạn của 1 nước không phải do cơ chế tam quyền phân lập hay đa nguyên, đa đảng gây ra, mà nguyên nhân sâu xa của nó là nhu cầu bảo vệ quyền lực độc tôn của kẻ thống trị. Thực vậy, hầu hết các chế độ độc tài, độc đảng luôn chính trị hóa quân đội, cảnh sát và dùng chính lực lượng này bảo vệ quyền lực cho mình, đàn áp sự đối kháng của các nhóm lợi ích khác trong xã hội, dần dần mọi mâu thuẫn, bức xúc được đẩy lên cao sẽ dẫn đến việc những tầng lớp bị đàn áp nổi lên đòi lại quyền làm người của mình, giới cầm quyền lại đưa quân đội và cảnh sát vào đàn áp => nội chiến, đổ máu, rối ren, … Ví dụ: vụ thảm sát sinh viên biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn tháng 6/1989, như tình hình tại Syria hiện nay và trước đó là tình hình Ai Cập, Lybia, Tunisia,… trong mùa xuân Arab. Do vậy, một điều kiện khác của việc áp dụng chế độ tam quyền phân lập là phải “trung lập hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng quân đội và cảnh sát.






No comments:

Post a Comment

View My Stats