Dù mới là đề xuất nhưng nhiều người
đã thất kinh nếu đề nghị này được phê chuẩn. Lý do là: “Theo số liệu thống
kê của Bộ Công an, từ năm 2002 đến tháng 6/2012, cả nước đã xảy ra hơn 8.500 vụ
chống người thi hành công vụ, với hơn 13.700 đối tượng vi phạm”. Và: “đặc
biệt 90% số vụ chống người thi hành công vụ là chống lại lực lượng công an, chủ
yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu
tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và
giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở”.
Một sự ngụy biện không thể chấp nhận
khi thực tế đã chứng minh ngược lại những “nguy cơ”; “cấp thiết”, “gây thiệt
hại nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe”…của lực lượng thi hành công vụ. Bộ
Công an không đưa ra được con số các chiến sỹ bị thương, chết do bị các đối
tượng kháng cự? Nhưng người dân vào trụ sở công an đã không trở về thì khá
nhiều. Hầu hết các vụ án này sau đó đều “chìm xuồng”, hoặc có có kết thì bị rất
nhẹ. Như vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị thượng tá Nguyễn Văn Ninh vụt chết chỉ bị
kết án 4 năm tù…
Việt Nam không có luật cho cá nhân
dùng vũ khí, bất kể là thô sơ. Các lực lượng chức năng đều có ưu thế hơn người
dân khi xử lý vụ việc nào đó. Chính ra cần có điều luật, cơ chế giám sát sự lạm
quyền của các cơ quan chức năng, thay vì đề nghị trên.
Ngay khái niệm “chống người thi hành công vụ” cũng rất mơ
hồ. Thế nào là chống người thi hành công vụ? Ở mức độ nào được phép nổ súng?
Thái độ của người thi hành công vụ khi tham gia xử lý các vụ việc cần tuân thủ
nguyên tắc làm việc nào?...Hiện nay người
dân có quá nhiều bất bình với lực lượng hành pháp này không phải là không có
nguyên nhân. Những bức xúc có thể sẽ khiến nhiều người mất bình tĩnh khi va
chạm với lực lượng chức năng. Nhưng rất có thể thái độ này sẽ bị thổi phồng, bị
lạm dụng để cơ quan chức năng kết tội, trốn tránh trách nhiệm…Đã từng có chuyện
những người đi biểu tình chống sự gây hấn của Trung Quốc cũng bị kết tội “gây
mất trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” rồi. Cũng có người chỉ
vì đến xem phiên tòa xét xử công khai, nhưng bị ngăn cản, và khi phản ứng lại
thì bị qui kết là “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công
vụ”…Chừng nào khái niệm này còn mơ hồ, co dãn, thiếu minh bạch thì sẽ còn bị
lạm dụng.
Điều luật này có thực sự vì yêu cầu
của thực tế như Bộ công an đề xuất hay là cách chính quyền chuẩn bị lo đối phó
với sự bất bình của người dân đang dâng cao? Và như thế thì tính mạng người dân
chỉ là “chuyện nhỏ” so với sự tồn vong của chính thể hiện hành.
Dưới đây là những vụ người dân chết
tại trụ sở công an được nhiều trang blog, web, FB tổng kết:
- VietnamNet hôm 11/3/2009 cũng có phóng sự điều tra về vụ anh Đặng
Trung Trịnh ở xã Tiên Động, Hải Dương chết chỉ vài tiếng sau khi bị công an
"trói dây thừng mang đi "vì "giẫm lên gạch" và "đốt
rơm" của một người trong xã hôm 28/11/2009. Giải thích chính thức của
chính quyền là: "Anh Trịnh được mời lên xã làm việc, do anh Trịnh chưa
tỉnh táo nên được đề nghị vào phòng thường trực để chờ. "Vào thời điểm
17h10 phút, anh Đặng Văn Đáng công an xã vào và thấy anh Trịnh chết đã gọi điện
cho trưởng công an xã là Phạm Văn Thanh và tiến hành hô hấp nhân tạo và cấp
cứu. "Lý do anh Đặng Trung Trịnh chết là do: “Xuất huyết mạch mạc treo
ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan”.
- Ngày 14.7.2009, chỉ vì đi xe máy không
đội mũ bảo hiểm, anh Phạm Ngọc Đến, 29 tuổi bị cảnh sát giao thông Gia Lai truy
đuổi dẫn đến cái chết thảm thương. Hàng ngàn người dân Gia Lai kéo đến công an
biểu lộ thái độ bất bình trước hành xử thiếu tính người của công an. Không phục
thiện, vẫn hung hãn kiêu binh, công an Gia Lai đã bắt 75 người dân tống giam!
Hôm sau, trong số người bị bắt, anh thanh niên trẻ khỏe Trần Minh Sỹ, 23 tuổi,
chết âm thầm trong nhà giam công an Gia Lai!
- Ngày 21.11.2009, anh Nguyễn Mạnh Hùng,
33 tuổi, chết trong trại tạm giam công an quận Hà Đông, Hà Nội!
- Ngày 28.11.2009, anh Đặng Trung Trịnh,
32 tuổi, chết ở trụ sở công an xã Tiên Động, huyện Tứ Kì, Hải Dương!
- Ngày 22.12.2009, ông Nguyễn Văn Long,
41 tuổi, chiều bị công an xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước bắt. Tối vợ đến
thăm thấy ông Long sưng u, bầm dập khắp người và nghe ông Long rên rỉ: Bị đánh
dữ! Đau lắm! Chắc không sống nổi! Quả nhiên, sáng hôm sau công an đến báo cho
vợ ông Long biết: Ông Long đã chết!
- Ngày 21.1.2010, anh Nguyễn Quốc Bảo, 33
tuổi, chết tại trại tạm giam của công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội!
- Trang tin VnExpress hôm 15/3/2010 đăng phóng sự dài về vụ anh
Nguyễn Mạnh Hùng, 33 tuổi đã chết sau khi bị công an Hà Đông giam giữ vì bị
nghi trộm đồ xe ô tô. Báo này trích lời bố anh Hùng, ông Nguyễn Xuân Bình nói:
"Sau 11 ngày bị công an đưa đi con tôi trở thành cái xác khô, 10 đầu ngón
tay bị sưng, tím đen; hai chân thâm tím...". Một bác sỹ được trích lời nói
về tình trạng của anh Hùng khi được đưa vào viện hôm 21/11/2009: "Chức
năng sống của bệnh nhân không còn, tuy nhiên các bác sỹ vẫn tiến hành cấp cứu
với tinh thần còn nước còn tát, song chúng tôi đành bó tay".
- Báo Lao Động hôm 27/3/2010 đưa tin về vụ anh Nguyễn Quốc Bảo tử
vong vào rạng sáng ngày 22/1/2010 sau khi bị công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
“mời lên làm việc” vào chiều ngày 21/1. Báo này viết: "Theo biên bản giám
định pháp y của Viện Pháp y Quân đội, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho anh
Bảo là chấn thương sọ não mức độ nặng do tác động của vật tày có giới hạn gây
vỡ nền sọ". Khi ông Nguyễn Quang Phục, bố của anh Bảo tới nhận xác anh thì
thấy: toàn thân con ông có nhiều vết bầm tím, nhất là 2 cổ chân, 2 cổ tay tím
ngắt, có những vết sây sát dài. Hai bên khoé miệng con ông có những vết bầm tím
song song, mỗi bên dài khoảng 8cm.
- Ngày 24.4.2010, anh Huỳnh Tấn Nam, 21
tuổi, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm bị một cảnh sát giao thông và một công an
xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa đánh chấn thương nặng đốt sống cổ, lún
xương thái dương phải, vỡ xương bướm và xương cung gò má phải, dập tủy, đứt dây
chằng dọc trước, gãy bốn răng, tính mạng nguy kịch!
- Ngày 7.5.2010, anh Võ Văn Khánh, 29
tuổi, chết khi bị giam ở công an Điện Bàn, Quảng Nam!
- Báo Người Lao Động hôm 10/5/2010 đã đưa tin về vụ anh Võ Văn Khánh,
sinh năm 1981, trú tại Đại Lộc, Quảng Nam chết tại đồn công an lúc 21h30 ngày
7/5. Kết luận của công an là anh Khánh tự tử bằng dây buộc giày. Theo đơn của
gia đình gửi báo này, anh Khánh tới công an huyện Điện Bàn để làm thủ tục xin
lại xe máy bị tạm giữ do vi phạm giao thông lúc 14h ngày 7/5. "Đến 6 giờ
30 phút ngày 8-5, công an huyện Điện Bàn đưa xác anh Khánh về cho gia đình ở
Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu đồng. "Khi gia đình khâm liệm, phát
hiện thi thể anh Khánh không bình thường. Từ phần ngực xuống hai bên sườn có
dấu giày in đậm và tím bầm nhiều chỗ. Do đó, gia đình không tin Khánh tự tử và
yêu cầu giám định lại."
- Ngày 25.5.2010, dân xã Tĩnh Hải, Tĩnh
Gia, Thanh Hóa tập trung ngăn cản không cho chính quyền thu hồi đất một cách
cưỡng bức, áp đặt, công an liền nổ súng bắn gục hai người dân, em Lê Xuân Dũng,
12 tuổi chết tại chỗ, ông Lê Hữu Nam, 43 tuổi, bị thương nặng, năm ngày sau
chết!
-Ngày
7.6.2010, ông Nguyễn Phú Trung, 41 tuổi bị hai công an xã Thủy Xuân Tiên,
Chương Mỹ, Hà Nội đánh chết!
- Ngày 30.6.2010, ông Vũ Văn Hiền, 40 tuổi, chết khi bị tạm giam ở công an Đại Từ, Thái Nguyên!
- Ngày 3.7.2010, ông Nguyễn Thành Năm, 43
tuổi, bị công an và dân phòng đánh chết trong đám tang ở Cồn Dầu, Đà Nẵng!
- Ngày 23.7.2010, anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị bắt vào công an huyện Tân Yên, Bắc Giang, chỉ mấy giờ sau, chết gục trong nhà công an!
- Báo Pháp luật Việt Nam hôm 26/7/2010 đưa tin anh Vũ Văn Hiền, 40
tuổi ở huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng
nguy kịch và đã tử vong sau hai ngày bị công an tạm giữ. Anh Hiền tử vong hôm
30/6 sau khi được công an đưa vào viện trong tình trạng như một bác sỹ nói:
"lúc vào bệnh viện, bệnh nhân đang hôn mê, bầm tím nhiều ở mắt trái, chân
tay trầy xước, có một vết rách lớn ở môi trên, trong tình trạng nguy kịch đến
tính mạng."
-Ngày 6.8.2010, chị Hoàng Thị Trà, 20
tuổi, sinh viên, bị cảnh sát mặc thường phục bắn, viên đạn xuyên đùi, phá vỡ
xương chậu!
- Ngày 8.8.2010, anh Trần Duy Hải, 32
tuổi, chết khi bị giam ở công an Hậu Giang!
- Ngày 9.9.2010, ông Trần Ngọc Đường, 52 tuổi, chết khi bị công an tạm giữ tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai!
- Ngày 28.2.2011, ông Trịnh Xuân Tùng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đến ga Giáp Bát, Hà Nội, bị công an bắt dẫn về trụ sở công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Đến tối ông Tùng bị bầm dập khắp người, tê liệt toàn thân. Bệnh viện Việt Đức phải mổ cấp cứu xác định ông Tùng bị giập hai đốt sống cổ và chấn thương khắp người! Tám ngày sau ông Tùng chết!”
- Ngày 25.4.2011, anh Nguyễn Công Nhựt được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở trụ sở CA huyện Bến Cát và có để lại lá thư tuyệt mệnh. Anh Nhựt là thủ kho của Cty lốp xe Kumho đóng tại KCN Mỹ Phước 3. Anh bị mời về trụ sở CA huyện Bến Cát để làm sáng tỏ vụ mất trộm hàng ngàn lốp xe ôtô xảy ra tại Cty này.
- Ngày 19.3.2012, anh Lê Quang Trọng (SN 1987, trú tại xóm Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) được cho là đã treo cổ tự tử trong phòng tạm giữ Công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi người thân của Trọng nhận được tin báo từ cơ quan công an, thì thi thể nạn nhân đã được đưa vào nhà xác Bệnh viện Đa khoa Can Lộc.
- Ngày 10-12-2012, lực lượng Công an huyện Yên Thế bắt quả tang vụ
đánh bạc dưới hình thức chọi gà tại nhà anh Nguyễn Tiến Dương (41 tuổi, trú phố
Thống Nhất, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang). Lực lượng công an bắt
những người tham gia đánh bạc. Trong quá trình khám xét, ông Bùi Văn Lợi (SN
1967, ở phố Gia Lâm, Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang) là một trong 30 người bị bắt
giữ, bất ngờ bỏ chạy ra cánh đồng ở phía sau. Ngay lập tức, lực lượng công an
triển khai đội hình vây bắt. Công an Bắc Giang cho biết, trong khi truy bắt,
thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng (SN 1989) dùng súng quân dụng K54 bắn chỉ thiên.
Trong lúc bắn, khẩu súng K54 của thượng sĩ Tùng cướp cò nên bắn trúng vai trái
ông Lợi. Ông Lợi được đưa tới phòng khám đa khoa chất lượng cao Bố Hạ. Nhưng do
vết thương quá nặng nên ông Lợi đã tử vong.
- Còn đây là cái chết đầu tiên năm 2013 trong trụ sở công an: Báo
điện tử Dân Việt dựa theo lời kể của thân nhân nạn nhân, cho biết: “Ngày 2
Tháng Giêng 2013, ông Trần Văn Tân, 53 tuổi (cư dân thôn Dưỡng Thái Nam, xã
Phúc Thành, huyện Kim Thành), ăn cơm trưa ở nhà xong “ra khỏi nhà nói đi vác
gạo thuê và làm cỏ cho bà nội là “mẹ Việt Nam anh hùng” tại nghĩa trang xã”.
Bà Lê Thị Ránh, vợ ông Tân, kể trên
tờ báo điện tử Soha: “Anh ấy đi từ trưa ngày 2 Tháng Giêng đến tối không thấy
về, chú em có đi tìm thì thấy có người bảo buổi chiều tối vẫn thấy anh làm cỏ ở
mộ của bà nội là ‘mẹ Việt Nam anh hùng’ nhưng sau đó thì cũng không ai biết là
anh ấy đi đâu”.
Còn ông Trần Văn Toán, em ông Tân,
kể: “Cả đêm hôm đó anh tôi ở đâu, làm gì thì cả gia đình không ai hay biết, mặc
dù là đã đi tìm. Ðến khoảng 8 giờ sáng, khi nghe mọi người đi chợ bàn tán, cả
gia đình tôi chạy lên UBND xã Kim Xuyên thì lúc đó mới hay tin anh trai tôi đã
bị công an xã này tạm giữ từ đêm hôm qua vì lấy trộm của công ty xi măng Thành
Công một tấm cốp pha và đến sáng sớm được phát hiện đã tử vong”.
------------------------------
XEM THÊM :
No comments:
Post a Comment