Friday, 22 March 2013

KHAI QUẬT CHUYỆN XƯA - CHUYỆN NAY (FB Nguyễn Hồng Kiên)




TS. NGUYỄN HỒNG KIÊN

Thứ sáu, ngày 22 tháng ba năm 2013

KHAI QUẬT CHUYỆN XƯA - CHUYỆN NAY
Nguyễn Hồng Kiên

CHUYỆN XƯA:. ( Trích "ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ" CHÉP VỀ THỜI KỲ ĐẦU ĐỘC LẬP TỰ CHỦ)

Kỷ nhà Lê: Đại Hành hoàng đế
Họ Lê, tên huý là Hoàn, người Ái Châu, làm quan nhà Đinh đến chức Thập đạo tướng quân; quân Tống xâm lược, đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua; ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi [941-1006], băng ở điện Trường Xuân. Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự…

* Bính Tuất, [Thiên Phúc] năm thứ bảy [986], (Tống Ung Hy năm thứ ba),
Mùa Đông, tháng 10, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác mang chế sách sang phong cho vua là "An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ kinh triệu quận hầu"

* Canh Dần, [Hưng Thống] năm thứ hai [990], (Tống Thuần Hoá năm thứ nhất).
Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo, Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua [hai chữ] "Đặc biệt''.
Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 ngừời đến quận Thái Bình, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi.
Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi [với sứ thần].
Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, KHÔNG LẠY, NÓI DỐI LÀ NĂM VỪA RỒI ĐI ĐÁNH GIẶC MAN, BỊ NGÃ NGỰA ĐAU CHÂN. Cảo và Tắc tin là thực.
Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì nên giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng.

* Quý Tỵ, [Hưng Thống] năm thứ năm [995] (Tống Thuần Hoá năm thứ tư).
Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương.

* Ất Mùi, [Ứng Thiên] năm thứ hai [995], (Tống Chí Đạo năm thứ nhất) Sai Đỗ Hanh sang nhà Tống thăm đáp lễ.
Bấy giờ nhà Tống ngại việc chinh chiến, vua cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống. Mùa xuân năm ấy, Chuyển vận sứ lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Như Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực trong kho rồi đi. Mùa hạ năm ấy, châu Tô Mậu4 nước ta lại đem 5 nghìn hương binh xâm lược Ung Châu nước Tống, bị Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh phải trở về. Vua Tống ý muốn vỗ yên, không muốn dụng binh, bỏ không hỏi đến. [Trương] Quan lại nói dối là vua bị họ Đinh đánh đuổi, đem dư chúng ra ở miền hải đảo, cướp bóc để tự cấp, nay đã chết; bọn Quan dâng biểu mừng. Vua Tống sai Thái thường thừa Trần Sĩ Long làm Thái phỏng sứ để dò xem hư thực, biết là vua không [hề] có chuyện gì.

* Bính Thân, [ứng Thiên] năm thứ 3 [996], (Tống Chí Đạo năm thứ hai).
Nhà Tống xử tội bọn Trương Quan. Quan đã ốm chết, chém Vệ Chiêu Mỹ ở trấn Như Hồng, lấy Trần Nghiêu Tẩu làm Quảng Tây chuyển vận sứ, rồi sai Hải Khang uý là Lý Kiến Trung mang chiếu sách sang ban. Trước đây, bọn Văn Dũng là dân ở trấn Triều Dương (tên châu, nay thuộc phần đất các huyện Tiên Yên, Hải Ninh tỉnh Quảng Ninh) nước ta làm loạn, giết người rồi trốn sang trấn Như Tích thuộc Khâu Châu của Tống (trấn Như Tích liền với trấn Như Hồng), được trấn tướng là Hoàng Lệnh Đức chứa chấp. Vua sai trấn tướng Triều Dương là Hoàng Thành Nhã đuổi bắt. Lệnh Đức không chịu trả về. Nghiêu Tẩu đến Như Tích, tra ra được nguyên do việc chứa chấp ấy, đem hết trai gái, già trẻ đã chứa giấu tất cả 113 người gọi Thành Nhã sang giao cho nhận về. Vua cảm ơn nhà Tống, sai sứ sang tạ ơn, lại nói về việc đã bắt được giặc biển 27 người, giao trả cho Chuyển vận sứ, và đã răn cấm các khe động không được quấy rối nữa. Vua Tống lại sai Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho vua. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón ngoài giao, có ý ngạo mạn không làm lễ để tỏ ra cao quý khác thường, bảo Nhược Chuyết rằng:
"VIỆC CƯỚP TRẤN NHƯ HỒNG LÀ DO BỌN GIẶC BIỂN Ở CÕI NGOÀI, HOÀNG ĐẾ CÓ BIẾT ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ QUÂN CỦA GIAO CHÂU KHÔNG? NẾU GIAO CHÂU CÓ LÀM PHẢN THÌ ĐẦU TIÊN ĐÁNH VÀO PHIÊN NGUNG, THỨ ĐẾN ĐÁNH MÂN VIỆT (vùng Phúc Kiến- TQ), HÁ CHỈ DỪNG Ở TRẤN NHƯ HỒNG MÀ THÔI?". NÓI XONG MỚI CÚI ĐẦU TẠ LỖI.

*Đinh Dậu, [ứng Thiên] năm thứ 4 [997], (Tống Chí Đạo năm thứ BA). Mùa xuân, tháng 3, vua Tống băng...
Mùa hạ, tháng 4, nhà Tống phong vua làm Nam Bình Vương. Vua sai sứ sang nước Tống đáp lễ. Vua Tống ban chiếu thư khen ngợi. Trước kia sứ Tống sang thường mượn cớ đòi cống nước mắm, nhân thể bắt đóng góp. Đến đây Tống Chân Tông lên ngôi, nghe biết chuyện ấy, chỉ sai quan giữ biên giới gọi đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa.

NGỌA TRIỀU HOÀNG ĐẾ (ÔNG VUA BỊ CHÊ/CHỬI CÓ NHẼ NHIỀU NHẤT CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM)
Tên huý là Long Đĩnh, lại có tên là Chí Trung, con thứ năm của Đại Hành ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi [986-1009], băng ở tẩm điện. Vua làm việc càn dỡ giết vua cướp ngôi, thích dâm đãng tàn bạo, muốn không mất nước sao được?
Sau khi Đại Hành Hoàng Đế băng, vua cùng hai vương Đông Thành, Trung Quốc và
em cùng mẹ là Khai Minh Vương tranh nhau lên ngôi, giằng co 8 tháng, trong nước không có chủ.

* Bính Ngọ, [ứng Thiên] năm thứ 13 [1006], (Vua vẫn theo niên hiệu ứng Thiên; Tống
Cảnh Đức năm thứ 3).

Mùa Hạ, tháng Sáu, tri Quảng Châu nước Tống là Lăng Sách dâng thư [lên vua Tống] nói:
"Nay nhân Giao Chỉ có loạn, xin cho thần và Duyên biên an phủ sứ Thiệu Việp cùng nhau bàn tính công việc tâu lên. Bọn thần dựa theo lời của bọn Hoàng Khánh Tập hơn nghìn người ở Giao Châu, do Liêm Châu (tên châu thời Đường - Tống, nay là đất tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đưa đến, nói rằng các con của Nam Bình Vương đều đặt trại sách phân tán các nơi, quan thuộc lìa tan, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, có thể hẹn ngày lấy được. Nếu triều đình chuẩn lời thỉnh cầu, thì xin lấy binh đóng đồn ở các châu thuộc Quảng Nam (lộ Quảng Nam thời Tống tức là đạo Lĩnh Nam thời Đường, nay là đất các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc) và cho thêm 5 nghìn quân mạnh ở Kinh Hồ, thủy bộ cùng tiến, có thể bình định được ngay".
Vua Tống nói: "Họ Lê thường sai con vào chầu, góc biển yên tĩnh, không mất trung thuận, nay nghe tin mới chết, chưa có lễ thăm viếng, đã vội đánh kẻ có tang, há phải là việc làm của bậc vương giả?". Xuống chiếu cho bọn Sách vỗ yên như trước, cốt được êm lặng.
Lại sai Việp đưa thư sang bày tỏ uy đức của triều đình, bảo không nên giết hại lẫn nhau, nếu anh em để lâu không định ngôi thứ khi đó quân thiên triều sẽ sang hỏi tội, thì họ Lê không còn một mống nào sống sót. Vua sợ, xin sai em sang cống.
… Việp muốn nhân đó lấy nước Việt ta, mới dâng bản đồ đường thủy, đường bộ từ Ung Châu đến Giao Châu. Vua Tống đem cho cận thần xem và nói rằng: "Giao Châu nhiều lam chướng dịch lệ, nếu đem quân sang đánh thì chết hại tất nhiều, nên cẩn thận giữ
gìn cõi đất của tổ tông mà thôi". Việp bèn [phải] thôi.

Kỷ Dậu, [Cảnh Thụy] năm thứ 2 [1009], (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ hai). Mùa xuân, …
Sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu thuần. Vua Tống cho rằng tê ngưu từ xa đến,
không hợp thủy thổ muốn trả lại, nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta về rồi thả ra bãi biển.
Vua lại xin áo giáp mũ trụ giát vàng, vua Tống bằng lòng cho.
Vua lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hoá [Hỗ thị : chợ trao đổi hàng hóa (với người nước ngoài) không dùng tiền] ở Ung Châu, nhưng [vua Tống] chỉ cho buôn bán ở chợ trao đổi hàng hoá tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi.

*
*

CHUYỆN NAY : NHẶT NHẠNH BÁO TÀU - BÁO TA

1- TỪ 12:14:00 NGÀY 15/03/2013 TTXVN CÓ TIN BÀI :"Lãnh đạo Việt Nam điện mừng lãnh đạo Trung Quốc"

Nhân dịp kỳ họp thứ nhất khóa 12 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bầu Lãnh đạo mới của Nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng-An ninh Trương Tấn Sang đã gửi điện mừng tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện mừng tới Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi điện mừng tới Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã gửi điện mừng tới Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều.

Trong điện mừng, các vị Lãnh đạo Việt Nam đã nhiệt liệt chúc mừng các vị Lãnh đạo mới được bầu của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Ban Lãnh đạo mới của Trung Quốc, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển mới trong thời gian tới./.

03 GIỜ SAU, LÚC 15:03:41, BÁO ĐIỆN TỬ CỦA ĐÀI PHÁT THANH QUỐC TẾ TRUNG QUỐC (CRI) ĐƯA TIN: "Các nhà lãnh đạo nước ngoài chúc mừng các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới được bầu"


Theo Tân Hoa xã: Một số nhà lãnh đạo nước ngoài đã gửi điện chúc mừng các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới được bầu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khoá XII và Kỳ họp thứ nhất Chính hiệp Trung Quốc khoá XII.

Gửi điện mừng tới Chủ tịch nước Tập Cận Bình có: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Châng Un, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-li Xay-nha-Xỏn , Tổng thống Hàn Quốc Pắc Gưn Hi, Tổng thống Xin-ga-po Tô-ni Tan-ken-y-am, Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long v.v.

Gửi mừng tới Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình có: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang

Gửi điện mừng tới Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang có: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng v.v.

Gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm v.v.

Gửi điện mừng tới Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều có: Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít.

2- LÚC 11:04:00 NGÀY 17/03/2013 TTXVN ĐƯA TIN: "Sáng 17/3, kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) Trung Quốc khóa 12 đã họp phiên bế mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh..." (http://www.vietnamplus.vn/Home/Quoc-hoi-Trung-Quoc-hop-be-mac-ky-hop-thu-nhat/20133/187954.vnplus)

ĐÚNG NGÀY HÔM ĐÓ, TTXVN CŨNG ĐƯA TIN: "Ông Tập Cận Bình yêu cầu PLA cải thiện khả năng"


Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, tân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/3 đã yêu cầu Quân Giải phòng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cải thiện khả năng để "giành chiến thắng trong các cuộc chiến."

Ông Tập Cận Bình, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nêu rõ PLA là quân đội thường trực lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, ông Tập nói rằng mọi lực lượng cần phải tăng cường khả năng của mình "để giành chiến thắng trong các cuộc chiến, cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia."

Cũng trong bài phát biểu trên, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ nỗ lực để "chấn hưng dân tộc Trung Hoa". Ông kêu gọi "nỗ lực hết mình để hiện thực hóa việc phục hưng dân tộc Trung Hoa và giấc mơ Trung Hoa."

Hôm 14/3, ông Tập Cận Bình đã được bầu là chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh./.

3- KHÔNG RÕ TỔNG BÍ THƯ ĐCSVN BẬN GÌ (CÓ TIN ĐỒN ÔNG BỊ ỐM) MÀ BẤY GIỜ CHƯA/KHÔNG THẤY TRONG DANH SÁCH MỪNG CỦA CRI & TÂN HOA XÃ
ĐẾN TẬN 04 NGÀY SAU KHI Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 12 BẾ MẠC, LÚC 11:09:00 NGÀY 21/03/2013, TTXVN MỚI LÊN TIN BÀI: "Tổng Bí thư điện đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc"


Sáng 21/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; chúc nhân dân Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Trung Quốc đứng đầu là đồng chí Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cải cách mở cửa, xây dựng toàn diện xã hội khá giả và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảm ơn lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước không ngừng đi vào chiều sâu.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung phát triển trong thời gian tới./.


THẬT KHÓ ĐIỂM HẾT TIN CÁC BÁO VN ĐƯA LẠI CỦA BÁO TÀU VỀ CÁC HÀNH ĐỘNG NGANG NGƯỢC CỦA TQ TẠI VÙNG BIỂN CỦA VIỆT NAM THỜI GIAN QUA.

CHỈ XIN DẪN: "Phát biểu của Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia ngày 19/3/2013"


Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B - 7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này, và mới đây nhất là cử tàu khảo sát khoa học nghề cá “Nam Phong” đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước những sự việc trên, ngày 19/3/2013, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam.” " (http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns130320003957/view)

Note: NHÀ CHÁU LÀM KHẢO CỔ HỌC, NÊN KHÔNG CHÉP SỬ MÀ CHỈ KHAI QUẬT THÔI Ạ !





No comments:

Post a Comment

View My Stats