Được đăng ngày Thứ tư, 20 Tháng 3 2013 00:49
Sáng thứ 3, ngày 19/03/013, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật
Bản, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã phối hợp với trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để tổ chức buổi thuyết trình mang tên “Quan
hệ Quốc tế mới của Nhật Bản – Với trọng tâm về mối quan hệ Trung – Nhật – Mỹ và
khu vực Đông Nam Á”.
Phần thuyết trình chính được thực hiện bởi
hai giáo sư của Đại học Keio, Nhật Bản. Mở đầu buổi nói chuyện, Gs. Yoshihide
Soeya (1) đã gửi đến cử tọa những phân tích về sự trỗi dậy của Trung Quốc và
phản ứng của Nhật Bản, cùng hàm ý của những diễn biến này đối với an ninh khu
vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngay sau đó, Gs. Yasushi Watanabe (2) đã trình
bày những cam kết văn hóa của Nhật Bản khi thực hiện chiến lược “Quyền lực
mềm”. Từ những phân tích chi tiết về quá trình hình thành bối cảnh hiện tại của
mối quan hệ giữa Trung – Nhật – Mỹ và các nước ASEAN, các diễn giả đã đưa ra
hai thông điệp đáng lưu ý.
Trước tiên, là mối lo dai dẳng của Nhật Bản
trước sự trỗi dậy của nước Trung Hoa như một cường quốc kinh tế, quân sự đang
cố thổi phồng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và những hận thù về quá khứ điếm nhục.
Diễn giả nhiều lần nhấn mạnh rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang trở thành mối
đe dọa không chỉ dành riêng cho Nhật Bản, mà cho toàn bộ khu vực Đông Á và
ASEAN. Nghiêm trọng hơn, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc đã không
tự nhiên bùng nổ, mà là thành quả của một chiến lược tuyên truyền dài hơi được
Đặng Tiểu Bình khởi động từ 40 năm trước, khi Bắc Kinh bắt đầu bình thường hóa
quan hệ với Nhật Bản để lợi dụng nguồn vốn từ nước này.
Thứ hai, do những di sản tâm lí và luật
định từ cuộc thế chiến không cho phép nước Nhật dứt khoát theo đuổi giải pháp
tự cường quân sự, và vì nhận định rằng sự trỗi dậy của bá quyền Trung Quốc là
một mối nguy chung cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, người Nhật chủ trương
giải quyết vấn đề an ninh của mình bằng sự liên minh với Hoa Kỳ và các quốc gia
khác trong khu vực.
Theo giáo sư Yoshihide, trước đây, trong
chính sách an ninh của mình, Nhật Bản tập trung thiết lập ba “lớp” phòng thủ.
“Lớp” ngoài cùng, sự phòng thủ ở tầng quốc tế, đến từ những đóng góp của Nhật
Bản cho an ninh toàn cầu về kinh tế và ngoại giao. Lớp phòng thủ thứ hai là
khối liên minh quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Và thứ ba, là sự tự lực an ninh
của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, vốn luôn bị hạn chế.
Hiện nay, đã có thêm một trọng tâm trong
chính sách an ninh của Nhật Bản. Đó là việc thiết lập bức tường liên minh với
các nước Đông Á và Đông Nam Á, vốn đang chia sẻ cùng mối lo ngại trước thái độ
hung hăng của Bắc Kinh. Nhật Bản, vì không có khả năng can thiệp quân sự, sẽ
tập trung sử dụng các “công cụ mềm”, để thiết lập một “quyền lực mềm” và xây
dựng “an ninh mềm”. Vì đây là một vấn đề sinh tồn với Nhật và các nước đang bị
đe dọa bởi sự trỗi dậy của đế chế Trung Hoa, các nước này cần sớm hình thành
một tiếng nói chung, một tư duy chung về vấn đề Trung Quốc. Cần tăng cường chia
sẻ quan điểm để xóa bỏ những nghi ngại về nhau, và tiến tới đồng thuận. Đó
chính là lí do của phần thuyết trình kế tiếp: “Quyền lực mềm và cam kết văn hóa
của Nhật Bản”, được trình bày bởi giáo sư Yasushi.
Nhật Bản có thành công trong dự định thiết lập một “quyền
lực mềm” trong khu vực, và thậm chí trong lòng dân tộc Trung Quốc hay không? Lúc này, còn quá sớm để chúng ta tiên đoán. Chỉ biết
chắc một điều: đối với người Việt Nam, “quyền lực mềm” của người Nhật sẽ khác
hẳn “quyền lực mềm” đến từ “nước lạ”. Khác với Trung Quốc hung hãn, nước Nhật
của thế kỉ 21 chẳng có lí do gì để xâm hại chủ quyền, danh dự và kinh tế Việt
Nam. Trong khi nước Trung Hoa còn chìm đắm trong sự bất lương, phi nhân cùng
thói độc tài, bạo lực và độc quyền lẽ phải, người Nhật đã tiếp thu sâu sắc
những giá trị tiến bộ của loài người. Đối với Việt Nam, Nhật Bản còn là tấm
gương sáng về sự thành công được dựng trên một đồng thuận dân tộc mạnh, những
cố gắng chung và lòng yêu nước. Vậy nên những sản phẩm văn hóa của Nhật Bản,
khi được nhập khẩu một cách đúng đắn vào Việt Nam, sẽ chỉ mang lại sự tiến bộ.
Trong khi đó, tiến trình Hán hóa không những mang theo nguy cơ mất nước thường
trực, mà còn giam hãm tư duy Việt trong nô lệ, lạc hậu và u mê.
Với tất cả những lí do đó, sao ta không
hoan nghênh “quyền lực mềm” đến từ xứ sở mặt trời mọc ?
Florence Knightingale
Ghi chú:
(1) Yoshihide Soeya là Giáo Sư tại Đại học
Luật Keio University, chuyên về Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế
(Professor of Political Science and International Relations at the Faculty of
Law of Keio University). Ông đống thời cũng là Giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Á
tại đây. Năm 2010, ông là thành viên 2010 của Hội Đồng An ninh và Năng lực Quốc
Phòng vào Vận Hội Mới (the Council on Security and Defense Capabilities in the
New Era) trong Văn Phòng của Thủ tướng Nhật.
(2) Yasushi Watanabe là Giáo sư tại Đại học
Keio University. Ông chuyên về mối liên hệ giữa văn hóa và chính trị va ông đã
ấn hành nhiều quyển sách và bài vở, trong đó có quyển:Culture and Diplomacy:
The Age of Public Diplomacy (2011). Ông hiện làm việc trong một ủy ban cố
vấn về ngoại giao thuộc Bộ Ngoại Giao Nhật.
No comments:
Post a Comment