Trần Đức Tuấn
Gửi đến BBC từ Wellington, New Zealand
Cập nhật: 10:00 GMT - thứ tư, 20 tháng 3, 2013
Theo cách hiểu thông thường nhất, Hiến pháp thành văn là một văn bản có
hai đặc điểm: là luật cơ bản của quốc gia (văn bản để thiết lập các cơ quan
công quyền và trao những quyền lực cần thiết cho các cơ quan này); và có vị trí
cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của quốc gia.
Chính vì vậy,
các quốc gia thường có thiết chế bảo vệ Hiến pháp với việc áp dụng và giải
thích Hiến pháp trong các tranh chấp. Ví dụ như, bảo Hiến được trao cho Tòa án
Tối cao (Mỹ), Tòa án Hiến pháp Liên bang (Đức).
Theo cách hiểu
này, một số quốc gia không có Hiến pháp thành văn, như Anh, Bắc Ireland, New
Zealand bởi ở các quốc gia này không có văn bản nào thỏa mãn hai đặc điểm trên.
Tuy nhiên, ngày
nay Hiến pháp được hiểu theo một nghĩa rộng hơn.
Khi nhắc đến
Hiến pháp, người ta thường liên hệ tới hệ thống tổng thể các cơ quan nhà nước
của một quốc gia, là tổng hợp các nguyên tắc, quy định để thiết lập và chi phối
chính quyền.
Theo nghĩa này,
Anh vẫn có Hiến pháp nhờ có một hệ thống chính quyền xuyên suốt và phức hợp. Hệ
thống chính quyền nước Anh được xem là một trong số các hệ thống chính trị
thành công nhất, được áp dụng tại nhiều quốc gia như Úc, New Zealand,
Singapore, Malaysia, Hong Kong…
Đối với các quốc
gia có Hiến pháp không thành văn, các nguyên tắc, quy định về Hiến pháp được
tìm thấy trong các nguồn khác nhau.
Chẳng hạn như, ở
Anh, nguồn của Hiến pháp bao gồm: Các đạo luật của Nghị viện, các quyết định
của Tòa án, hay các tập quán, thủ tục thiết lập các cơ quan công quyền, và thậm
chí là các nguyên tắc được ban hành bởi Thủ tướng để điều chỉnh cách quản lý
của các bộ trưởng.
Khế ước
Tom Paine cho
rằng Hiến pháp có trước chính quyền, và chính quyền chỉ là một thực thể của
Hiến pháp.
Hiến pháp không
phải là văn bản do chính quyền tạo ra mà là của người dân để xây dựng chính
quyền, và chính quyền không được thiết lập bởi Hiến pháp là một chính quyền
không chính nghĩa.
Do vậy, Hiến
pháp không phải là khế ước giữa người dân với chính quyền, mà là khế ước xã hội giữa người dân với nhau
để thành lập nhà nước bởi Hiến pháp có trước chính quyền. Chính vì thế, chủ thể lập Hiến
phải là nhân dân.
Còn bầu cử mới là khế ước giữa người
dân với chính quyền (nhà cầm quyền).
Hiệu lực của
Hiến pháp thường phụ thuộc vào mức độ tôn trọng nó từ nhà cầm quyền. Chính vì
thế, các bản Hiến pháp thường phải bộc lộ được các quy định về bầu cử dân chủ.
Đó là các cuộc bầu cử mà nhà cầm quyền chỉ có được quyền lực thông qua sự ủng
hộ bằng lá phiếu của cử tri.
Ngoài ra, để đảm
bảo giá trị “thực” của Hiến pháp thì phải có một thiết chế độc lập để thay mặt
nhân dân (chủ thể lập Hiến) giám sát sự tuân thủ Hiến pháp của các cơ quan công
quyền, cũng như các thành viên trong xã hội.
Bởi vì, nhân dân
không thể quy tụ đầy đủ một cách thường xuyên để đưa ra các quyết định như vi
Hiến… Hoạt động của thiết chế bảo Hiến độc lập này là một trong số các căn cứ
quan trọng mà người dân dựa vào để đánh giá việc phụng sự “tinh thần” củaHiến
pháp từ phía nhà cầm quyền, và người dân sẽ phán xét thông qua các cuộc bầu cử.
Giá trị
của Hiến pháp
Có lẽ, hình thức
Hiến pháp thành văn hay không thành văn không quyết định nên giá trị của Hiến
pháp trên thực tế.
Nếu một bản Hiến
pháp thành văn (đạo luật cơ bản, có vị trí cao nhất của quốc gia) mà những chủ
thể có liên quan không tôn trọng nó thì Hiến pháp cũng chỉ là “đẹp trên giấy”
mà thôi.
Nhà cầm quyền có
thể “trừng phạt” những người dân vi phạm pháp luật, rộng hơn là vi Hiến, thông
qua hệ thống các cơ quan công quyền như cảnh sát, nhà tù… nhưng người dân chỉ
có thể “tước quyền” của nhà cầm quyền trong các cuộc bầu cử.
Nếu người dân
không được thực sự quyết định quyền chọn nhà cầm quyền của họ dựa vào phiếu
bầu, quyền lực mãi vẫn không phải là của nhân dân. Và Hiến pháp không phải là
chỗ dựa để nhân dân phán quyết việc tuân thủ Hiến pháp của nhà cầm quyền, mà
khi đó Hiến pháp được sử dụng như một công cụ củng cố quyền lực của nhà cầm
quyền.
Nếu quyền lực có
được từ nhân dân và có thể bị nhân dân lấy lại thì người lãnh đạo sẽ làm theo
cách tốt nhất có lợi cho chủ nhân ngay cả khi không có luật pháp.
Nếu nhà cầm
quyền có trong tay quyền lực không phải từ nhân dân, không thể bị phế truất bởi
nhân dân thì thậm chí có cả một rừng luật nhưng họ vẫn hành xử như “luật rừng”
vì lợi ích bản thân và những người hỗ trợ cho việc nắm quyền của họ.
Vì thế, tồn tại
sự xung đột trong cách hiểu về luật pháp, trong suy nghĩ của người dân thì luật
pháp phải là phương tiện giới hạn nhà cầm quyền, điều này biến hoạt động của
nhà cầm quyền bị bó hẹp trong một cái “ao tù”.
Còn đối với nhà
cầm quyền, thì luật pháp là công cụ nhằm củng cố quyền lực và luật pháp là một
thứ gì đó mà họ thường viện dẫn để đổ lỗi hay nói cách khác, luật pháp là bệ đỡ
cho những sai trái của nhà cầm quyền. Cả hai cách hiểu đều làm mất đi giá trị
của luật pháp.
Giá trị của luật
pháp là phương tiện hỗ trợ chính quyền trong việc phụng sự nhân dân.
Bài viết thể
hiện quan điểm riêng của tác giả, người vừa tốt nghiệp bằng Master of
Laws, Đại học Victoria và hiện sống tại Wellington, New Zealand.
No comments:
Post a Comment