Lm Giuse
Maria Lê Quốc Thăng
(Thư ký Ủy ban Công lý Hòa bình trực thuộc Hội đồng
Giám mục Việt Nam)
Posted by Ioannes
on Tháng 3 13th, 2013 // Comments off
Trong
sứ điệp Mùa Chay 2013, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã khẳng định: “Mối tương
quan với Thiên Chúa phải là ưu tiên hàng đầu, và bất kỳ sự chia sẻ đích thực về
của cải nào khác, theo đúng tinh thần của Phúc Âm, phải được ăn rễ sâu trong
đức tin” (Tiếp kiến chung 25-04-2012). Thực tế, đôi lúc chúng ta có xu hướng
giản lược thuật ngữ “đức ái” xuống thành tình liên đới hoặc đơn giản chỉ là
hoạt động trợ giúp nhân đạo. Thế nhưng, điều quan trọng cần nhớ rằng công việc
bác ái lớn nhất chính là việc truyền giảng Tin Mừng, nghĩa là “sứ vụ Lời”.
Không có hành động nào bác ái hơn và từ thiện hơn là hành động nuôi dưỡng tha
nhân bằng Lời Chúa và sẻ chia với họ những tin vui của Phúc Âm, dẫn dắt họ đi
vào mối tương quan với Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng chính là sự thăng tiến
nhân bản cao cả nhất và đầy đủ nhất. Trong thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc
(Populorum Progressio), vị tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI viết rằng việc công bố về
Đức Giêsu Kitô là sự đóng góp đầu tiên và quan trọng nhất cho sự phát triển.
Chân lý căn bản về Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đã được minh thị
và được công bố, là điều sẽ mở đời sống chúng ta ra đón nhận tình yêu này, và
làm cho sự phát triển toàn diện của nhân loại và của mỗi người trở nên khả thi
(x. Bác ái trong Chân lý, số 8)”.
Theo
ý của Đức Thánh Cha, sống đức tin, thực thi đức ái chính là việc thực thi sứ vụ
rao giảng Tin Mừng. Qua sứ vụ này, người môn đệ thể hiện trọn vẹn và cao cả
nhất tình yêu dành cho tha nhân, vì rao giảng Tin Mừng chính là sự thăng tiến
nhân bản cao cả nhất và đầy đủ nhất. Do đó, khi Giáo Hội Việt Nam rao giảng Tin
Mừng trên quê hương đất nước mình thì cũng phải làm sao mang lại cho quê hương,
cho dân tộc, cho mọi anh chị em đồng bào mình sự thăng tiến nhân bản cao cả nhất
và đầy đủ nhất; góp phần tích cực làm cho sự phát triển toàn diện của nhân
loại, của đất nước và của mỗi người trở nên khả thi.
Với
tinh thần như thế, người Công giáo và Giáo Hội Công giáo Việt Nam, đứng trước
những vấn đề của quê hương đất nước hiện nay, không thể có thái độ bàng quan,
thờ ơ, nhưng phải nhập cuộc với tất cả tinh thần trách nhiệm của người môn đệ
Đức Kitô. Vì thế, nhân dịp Nhà nước kêu gọi mọi công dân đóng góp vào việc sửa
đổi hiến pháp, là thời điểm thuận tiện để Giáo Hội nói lên tiếng nói của mình,
trình bày quan điểm của giáo huấn xã hội Công giáo, như là một đóng góp tích
cực vào sự phát triển bền vững của quê hương đất nước, cũng là dịp để minh
chứng cho xã hội thấy người Công giáo Việt Nam đang nỗ lực sống lời huấn dụ của
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính,
việc qúi trọng công ích,” anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người Công giáo tốt
cũng là người công dân tốt.”
Chính
vì vậy, khi Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) hay mọi Kitô hữu nói lên tiếng
nói của mình góp ý sửa đổi Hiến pháp theo lời kêu gọi của Nhà nước thì không
chỉ với tư cách của người công dân có trách nhiệm với Đất nước mà còn với tư
cách của người môn đệ Đức Kitô đang thực thi sứ vụ Lời của mình. Ý thức như
thế, các góp ý đều đi đúng đường lối Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó khi đọc các góp ý sửa đổi Hiến pháp của HĐGMVN dưới
lăng kính Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo hội.
1.
Khởi đi từ nền tảng Kinh Thánh và giáo huấn xã hội của Giáo Hội
“Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”. (Mc 2,
23-28)
Lời
khẳng định này của Chúa Giêsu đã xác định cho mọi người thấy rõ : luật lệ là vì
con người, là để giúp con người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con
người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và
yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại
với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất công. Giáo huấn xã hội của
Giáo hội đã tiếp bước tinh thần của Tin Mừng đặc biệt đề cao phẩm giá con người
và yêu cầu không bao giờ được sử dụng con người như phương tiện của bất cứ mục
tiêu chính trị hay cơ cấu trần thế nào. Con người luôn phải là mục đích của tất
cả các chương trình kinh tế, xã hội, chính trị. Bởi vậy, trật tự xã hội và tiến
bộ của nó phải luôn luôn nhằm lợi ích của các nhân vị, bởi vì, trật tự của muôn
vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị, chứ không ngược lại. Điều này
chính Chúa Giêsu đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày Sabbat được lập ra vì con
người, chứ con người không phải vì ngày Sabbat. Trật tự này phải phát triển
phải phát triển mỗi ngày một hơn, phải đặt nền tảng trên chân lý, xây dựng trong
công bình, nuôi sống nhờ tình yêu, phải dần dần tìm được trong tự do mỗi ngày
mỗi hợp với con người hơn. Để chu toàn được những điều trên, phải có sự đổi mới
tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội. (x. GS, số 26).
Sắc
lệnh về Truyền Giáo đặc biệt khuyến khích các tín hữu chu toàn trách vụ công
dân trong môi trường văn hóa xã hội của mình: “Kitô hữu đến từ mọi dân tộc kết
hợp thành Giáo hội, không phân cách với người khác về quốc gia, về ngôn ngữ,
cũng như về cách thế sống, do đó, họ phải sống cho Thiên Chúa và Đức Kitô theo
tập tục và đường lối xử sự của dân tộc mình, với tư cách là công dân tốt họ
phải phát triển một cách thực sự và hữu hiệu lòng ái quốc.” (Sắc lệnh Truyền
Giáo số 31). Sự khuyến khích này bao hàm một sự hội nhập thực sự của nếp sống
Tin Mừng vào trong những giá trị cao qúi của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đồng
thời, thúc đẩy người Kitô hữu biết dùng những giá trị Tin Mừng để thể hiện lòng
ái quốc và cộng tác với mọi thành phần khác trong cộng đồng quốc gia, dân tộc
để xây dựng và phát triển quê hương đất nước mình. Nói cách khác, Kitô hữu phải
sống tinh thần dấn thân phục vụ của Tin Mừng ngay tại quê hương xứ sở, ngay tại
môi trường sống và làm việc của mình.
2.
Những ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi Hiến pháp theo giáo huấn xã hội Công
giáo
Theo
tinh thần Tin Mừng và giáo huấn xã hội của Giáo Hội, dựa trên bối cảnh xã hội
Việt Nam hôm nay, cũng như đòi hỏi căn bản của một xã hội dân chủ, tôn trọng
quyền con người thì Hiến pháp cần phải bảo đảm những yếu tố:
2.1.
Tôn trọng phẩm giá con người
Có
thể khẳng định không sợ sai lầm con người là trung tâm là nền tảng của xã hội.
Tất cả vì con người, phục vụ con người. Bởi vì con người là hình ảnh sống động
của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này được làm sáng tỏ, sâu sắc hơn nhờ Đức Kitô
nhập thể làm người, Người là hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa vô hình (x. Cl
1,15). Nhờ Người, con người đã được nâng lên thành con Thiên Chúa (x. Gl
1,4-5). Như thế, con người được Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ đã mang một phẩm
giá rất cao trọng trong vũ trụ vạn vật, trước mặt Chúa và trước mặt nhau: Con
người là hình ảnh, là con Thiên Chúa. Toàn bộ đời sống xã hội đều là sự biểu
hiện của một nhân vật chính không thể lầm lẫn được, đó chính là con người. Con
người nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống
xã hội. Nguồn gốc của đời sống xã hội là chính con người, xã hội luôn phải nhìn
nhận con người là chủ thể tích cực và hữu trách của mình, mọi biểu hiện của xã
hội luôn phải qui hướng về con người (TLHTXHCG, Số 106). Do đó, nguyên tắc tôn
trọng phẩm giá và quyền con người đi theo phẩm giá ấy là nguyên tắc tối thượng
trong mọi quan hệ xã hội cũng như việc điều hành xã hội. Không thể dung túng,
thừa nhận một thể chế xã hội, một hoạt động xã hội, một nghề nghiệp hàm chứa
hay tạo nên sự bất công, bất bình đẳng gây tha hóa, chà đạp nhân phẩm của con
người. Con người là chủ thể tự do, là mục đích của mọi chương trình xã hội. Do
đó, luật phải vị nhân sinh. Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất, là mẹ của
mọi lề luật quốc gia thì điều cơ bản của Hiến pháp phải căn cứ trên quyền lợi
của người dân, phải do dân và vì dân. Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết
là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Về điểm này,
Hiến pháp cần phải theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về Nhân
quyền năm 1948 và các hiệp ước nhân quyền của quốc tế mà Việt Nam đã tham gia
ký kết. Giáo Hội qua việc đánh giá cao bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền của
Liên Hiệp Quốc ban hành năm 1948, theo đó đã minh định rõ ràng mọi nền luật pháp
phải phục vụ con người và do con người quyết định, đó là quyền tự do mà tiên
quyết không ai, không tổ chức nào có quyền định đoạt thay cho họ (TLGH số 152
và Tuyên ngôn Nhân quyền điều 21).
2.2.
Quyền tư hữu
Nhờ
lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, người ta có khả năng thống trị trái
đất và biến nó thành nơi ở thích hợp. Bằng cách đó, con người biến một phần
trái đất thành của mình, đây chính là nguồn gốc của tư hữu. Nhờ tư hữu và các
hình thức khác trong việc làm chủ của cải cách cá nhân, con người đã bảo đảm
cho mình có một không gian hết sức cần thiết để thực hiện sự độc lập cho cá
nhân và gia đình, có thể coi đó là sự nối dài tự do cá nhân của con người, thúc
giục con người thi hành trách nhiệm, và là một trong những điều kiện để có được
sự tự do dân sự. Tư hữu chính là một yếu tố căn bản làm nên chính sách kinh tế
và xã hội thực sự dân chủ; đó cũng là một bảo đảm để có một trật tự xã hội đúng
đắn. Cần phải tránh được tình trạng phải chấp nhận những hình thức “làm chủ một
cách chung chạ và hỗn độn” (TLGH số 176) như thực tế Việt Nam hiện nay, cụ thể
quyền sở hữu đất đai rất hàm hồ, ngầm chứa nhiều nguy cơ gây thiệt hại nặng nề
cho người dân và gia tăng khả năng mang lại ích lợi to lớn cho những nhóm đặc
quyền, đặc lợi từ đó dẫn đến bất ổn, bất an cho xã hội.
2.3.
Quyền tự do dân chủ trong việc bầu chọn chính quyền
Chủ
thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn nhận cách tổng quát
như những người đang nắm chủ quyền. Dưới những hình thức khác nhau, nhân dân
chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do chọn lựa làm
đại biểu cho mình, những vẫn giữ được quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi
khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm lãnh đạo, đồng thời, thay
thế những người ấy nếu họ thi hành vai trò của mình không thoả đáng. (TLGH số
395) Do đó, Hiến Pháp phải thể hiện được quyền tự do của người dân có quyền
chọn lựa ai, đảng phái nào lãnh đạo Đất nước. Không thể chấp nhận một cách tiên
thiên, cố định một đảng phái, một nhóm người nào là lãnh đạo duy nhất qua mọi
thời.
2.4.
Không chính trị hóa quân đội (hay không đảng phái hóa quân đội)
Những
đòi hỏi của việc phòng thủ hợp pháp cho phép các quốc gia có những lực lượng vũ
trang. Các hoạt động của những lực lượng này nhằm phục vụ hòa bình và gắn liền
với nghĩa vụ bảo vệ người vô tội không có khả năng tự bảo vệ mình trước những
hành vi xâm lược (TLGHXH số 502 & 504). Vì thế, quân đội có nghĩa vụ bảo vệ
Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, không được dùng quân đội vào những mục tiêu đàn áp,
cưỡng ép nhân dân để phục vụ cho một ích lợi nào đó của chính quyền hay một ích
lợi chính trị. Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, đứng ngoài
đảng phái chính trị.
Một
bản Hiếp pháp luôn bao gồm nhiều lãnh vực, nhiều vấn đề và thực sự là gốc cho
nền pháp trị của quốc gia. Những góp ý trên đây thiết tưởng là căn bản để xây
dựng bản Hiến pháp cần thiết cho ViệtNam, nhất là với bản Hiến pháp hiện nay
quá bất cập, nhiều thiếu sót và thiếu hẳn các yếu tố gốc, yếu tố nền tảng.
L.
Q. T.
No comments:
Post a Comment