Thursday 21 March 2013

GÓP Ý HIẾN PHÁP : ĐÀI VTV ĐANG TRUY BỨC & BÔI NHỌ NHỮNG NGƯỜI DÂN KHÔNG ĐỒNG QUAN ĐIỂM ? (Ba Sàm)




21-3-2013

Đôi lời: Bất chấp những tuyên bố của một số người có trách nhiệm về việc không có vùng cấmtrong góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992, bất chấp cả những nguyên tắc, đạo lý sơ đẳng trong làm báo, toa rập với tờ Đại đoàn kết cách đây ít ngày, Đài truyền hình VN đang lợi dụng quyền ăn nói của mình trên thứ phương tiện truyền thông sống bằng những đồng tiền thuế của dân để bôi nhọ chính người dân một cách vô căn cứ theo kiểu “chửi đổng” và dùng thủ đoạn truy lùng những ai không đồng một giọng với họ để ủng hộ tuyệt đối bản Dự thảo HP do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra.
Thậm chí, với nội dung “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân“, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở nhiều lần, được chính TBT Nguyễn Phú Trọng nói đến mới một năm trước, từng có trong Hiến pháp nước CHXHCNVN qua nhiều lần sửa đổi, kể cả trong bản Dự thảo lần 1, ấy thế mà hễ ai lên tiếng muốn thực hiện đúng với nội dung đó thì cũng lập tức bị họ quy chụp ngay cho những cái “mũ” không khác gì kẻ tội phạm, là “thế lực thù địch”. Họ đã thực hiện phương pháp này bằng cách “phát triển” thêm từ một bài viết trên tờ Quân đội nhân dân thành một bài được gọi là “điểm báo” dưới đây.
Phải chằng những người lãnh đạo Đài truyền hình VN đang muốn khởi động một không khí khủng bố đàn áp quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, chia rẽ các tầng lớp nhân dân ngay giữa lúc đang rất cần đoàn kết, tập hợp tinh thần, trí tuệ của cả Dân tộc?

----------------------------------

Danh chính và chính danh trong góp ý Hiến pháp
Thứ năm 21/03/2013 09:31


Thưa quý vị và các bạn, trong thời gian gần đây, trên một số trang mạng đã xuất hiện cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do một nhóm người soạn thảo và sau đó Bản kiến nghị này được cho là đã có nhiều người ký tên ủng hộ trong đó đông nhất là ở Hà Tĩnh và Thái Bình. Cách đây nửa tháng theo điều tra độc lập của báo Đại đoàn kết và tiếp đó là đài phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh thì hầu hết là người nông dân và hơn 100 sinh viên ĐH Hà Tĩnh ký vào cái gọi là Bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều là tên giả và không có địa chỉ. Cách đây 2 ngày phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đã về Thái Bình để tìm hiểu về sự việc này và đã phát hiện ra những bằng chứng về sự ngụy tạo này.
Những cái tên Nguyễn Ngọc Hóa, Nguyễn thị Nết, Nguyễn thị Thái, hàng chục thậm chí cả trăm cái tên như thế được gắn với địa danh Thái Bình. Họ bị đứng tên trong Bản kiến nghị trên một số trang mạng Internet đòi Bản Hiến pháp không quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, đòi đa nguyên đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang và tư hữu đất đai. Chỉ có điều trong thực tế chẳng ai có thể tìm thấy họ.
Ông Nguyễn Văn luân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình: Bình thường mà cứ ngồi mà đưa ra những danh sách tên không và có tên ở Thái Bình hoặc làm một cái nghề cafe hay là một sinh viên thì chúng tôi đưa ra trong một ngày thì có thể đưa ra những thông tin thất thiệt như thế này thì rất nhiều. Đây cũng là một trong những cái mà chúng ta phải cảnh giác trong cái việc lợi dụng cái mạng Internet để thực hiện các cái ý đồ mà không hay trong cái lợi dụng chính trị để mà nói xấu những vấn đề quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Người dân ở Thái Bình cho rằng góp ý mà danh không chính thì không thể tin được. Dù là lý do gì thì đều là những động cơ xấu.
Ông Vũ Ngọc Ngoạn, phường Kỳ Bá – Thái Bình: Chúng tôi rất phẫn nộ với những cái ý đồ xấu của một số phần tử mà đã dùng mạo danh để mà nói lên cái quan điểm của nhân dân Thái Bình là hoàn toàn sai trái, không đúng với sự thật. Và bản thân chúng tôi, điều đó đã chứng minh được cái việc đó đã thấy được vấn đề đó thì hoàn toàn sai trái và không đúng với quan điểm và đường lối của Đảng ta.
Ông Quách Thước, phường Trần Lãm – Thái Bình: Theo tôi là trước hết là bản thân những cái anh là gọi là mang danh là trí thức để đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước thì tôi nghĩ là công khai, thí dụ như tên tôi, tôi là ông Quách Thước ở chỗ này, địa chỉ nhà thế này, tôi đóng góp ý kiến như thế này. Đấy là cái quyền của tôi được tham gia. Thế còn bây giờ anh lại mạo danh là chữ ký của hết người này đến người khác để lấy một cái số đông thì tôi cho đó là anh lại vi phạm pháp luật.
Tiếng trống cách mạng năm 1930 ở Tiền Hải vẫn là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Có lý khi nhiều người cho rằng những cái tên núp dưới các tầng lớp nhân dân ở quê hương cách mạng góp ý về Hiến pháp trên Internet không phải là chuyện vô cớ.
Ông Vũ Đình Trích – Thái Bình: Có bao nhiêu những người ở Nghệ An khi hỏi đến họ thì họ không biết gì cả thế mà họ lại có tên trong cái bản là xin là đa nguyên đa đảng. Như vậy đến khi hỏi đến họ thì họ không có biết gì vì đấy là một số người bịa ra chứ không phải là nhân dân Thái Bình, gần 2 triệu nhân dân Thái Bình không bao giờ như vậy. Đấy chỉ là một nhóm người bịa ra thôi.
Ông Nguyễn Văn Chính – Chủ tịch MTTQ huyện Tiến Hải, Thái Bình: Trên cơ sở một số cá nhân, chỉ là một số cá nhân thôi mượn danh như thế thì sẽ làm cho một cái tác động về mặt tư tưởng, một cái niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong quá trình cùng với Đảng, Nhà nước vấn đề là ta xây dựng Dự thảo Hiến pháp là bộ luật gốc của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thì cũng cần phải làm rõ để lên án những cái suy nghĩ và những cái biểu hiện lệch lạc đó để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Vai trò và sứ mệnh lãnh đạo của ĐCSVN trong lịch sử cách mạng không chỉ được khẳng định bởi tính chính danh mà nhân dân đã tin cậy giao phó mà còn được tạo dựng bởi sự hy sinh của những con người bất khuất kiên trung, rất cụ thể và đó là một sự thật không thể thay đổi bằng sự giả mạo.
————–

BTV Quang Minh và Chủ tịch MTTQ Hà Tĩnh nói về những người dân ký tên vào bản Kiến nghị 72
(VTV1-Thời sự 19h, 20/3/2013)

PV: Và hôm nay chúng tôi đã mời đến trường quay ông Từ Văn Thiện – Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh.
Thưa ông Từ Văn Thiện, như phóng sự vừa rồi tại Thái Bình đã thấy rằng là hầu hết những người được cho là ký tên vào cái gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì đều không có địa chỉ rõ ràng. Và sự việc này cũng đã xảy ra ở Hà Tĩnh cách đây vài ngày chúng tôi đã có phóng sự phản ánh. Vậy thì cho đến thời điểm này ông có thể nói gì về sự việc này tại Hà Tĩnh ạ?
Ông Từ Văn Thiện: Có thể khẳng định rằng trong thời gian vừa qua thì một số trang mạng kể cả trong và ngoài nước đã tán phát cái danh sách mà họ cho là người Hà Tĩnh đã ký tên vào Bản kiến nghị chung trong đề nghị sửa đổi một số nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong danh sách đó thì chúng tôi cập nhật được số lượng người Hà Tĩnh mà họ cho là khá nhiều. Đến thời điểm này là trên dưới 1300 người gồm đầy đủ các thành phần trong đó những người làm ruộng và nông dân chiếm số đông trên 70%. Những người cho là học sinh, sinh viên Hà Tĩnh thì chiếm 16%, những người lao động tự do chiếm 6%, những người họ cho là công nhân ở Hà Tĩnh chiếm 3% và đồng thời một số họ cho là công chức của ngành y tế, ngành giáo dục Hà Tĩnh.
Với chức năng nhiệm vụ của MTTQ và nắm tâm tư nguyện vọng của người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì chúng tôi đã phân công cán bộ lần theo danh sách tiếp cận địa bàn để tìm hiểu thực hư ra làm sao. Qua tìm hiểu thì chúng tôi có kết luận như sau: Cái thứ nhất là trong số danh sách mà các trang mạng cho là người dân Hà Tĩnh ký vào thì danh sách Kiến nghị tập thể thì rất nhiều người là trùng họ và tên. Và qua tìm hiểu thì họ nói rằng họ không ký và họ cũng không hay biết gì về mạng Internet. Và đó là người làm ruộng, người nông dân.
Tìm hiểu 12 người mà các trang mạng cho là công chức của ngành y tế Hà Tĩnh thì trong đó chỉ có 2 trong 12 người là thuộc công chức của ngành y tế Hà Tĩnh, còn 10 người là không có địa chỉ cụ thể và cũng không phải là công chức của ngành y tế Hà Tĩnh. Trong 2 người thuộc công chức ngành y tế Hà Tĩnh thì một người đang nghỉ sinh được 2 tháng, họ trả lời là trong thời gian nghỉ sinh chỉ có chăm sóc sức khỏe, chăm sóc con, không quan tâm đến mạng Internet và cũng không ký đến bất cứ một bản kiến nghị nào. Còn người thứ 2 thì nhận là có ký nhưng do thúc ép ký và ký xong rồi thì không biết mình ký cái bản đó có những nội dung như thế nào.
Tìm hiểu 13 người trong số ngành công chức giáo dục mà các trang mạng cho là công chức giáo dục Hà Tĩnh thì hầu hết là trùng tên và một tên như vậy có thể trùng với hàng trăm hàng nghìn người trong ngành không có địa chỉ cụ thể. Qua những vấn đề đó thì chúng tôi kết luận việc các trang mạng đưa danh sách những người dân Hà Tĩnh ký vào kiến nghị tập thể thì đều là giả mạo và ngụy tạo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân.
BTV Quang Minh: Vâng, thưa ông Từ Văn Thiện, chúng ta đều biết cả Hà Tĩnh và Thái Bình đều là 2 mảnh đất rất là giàu truyền thống cách mạng. Và đây cũng chính là 2 địa phương mà có nhiều người bị ngụy tạo ký vào cái mà được gọi là Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vậy với tư cách là cái nhìn từ mặt trận thì ông cho rằng đây chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp hay chính là sự chủ ý của những người cố tình giả mạo?
Ông TVT: Sự ngụy tạo của các trang mạng cho rằng người dân Hà Tĩnh đã số đông ký vào cái danh sách Bản kiến nghị tập thể thì đấy là một cái sự xúc phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp của người công dân. Đồng thời muốn làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và đây là việc làm có mưu đồ chính trị chống phá cái đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
BTV QM: Vâng, nói rộng ra một chút đến thời điểm này, qua công tác thống kê việc lấy ý kiến của người dân Hà Tĩnh thì không hiểu quan điểm của người dân Hà Tĩnh khi mà góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là như thế nào? Đặc biệt là liên quan đến những vấn đề mấu chốt hiện nay trong dự thảo?
Ông TVT: Có thể nói rằng việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân ở Hà Tĩnh thì trong thời gian vừa qua đã và đang trở thành một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực. Và đến thời điểm này chúng tôi đã tập hợp tổng hợp được 736.000 lượt ý kiến bằng 62% tổng dân số toàn tỉnh góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong đó hầu hết các ý kiến đã thể hiện được tâm huyết, trí tuệ, cái trách nhiệm trong xây dựng Hiến pháp và đã thừa nhận cái vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, đối với xã hội đồng thời và đồng thời yêu cầu là không phi chính trị hóa lực lượng vũ trang để trên cơ sở đó là lực lượng vũ trang có trách nhiệm bảo vệ Đảng bảo vệ đất nước thì chúng tôi thấy rằng là có thể nói quần chúng nhân dân Hà Tĩnh rất tâm huyết, rất trách nhiệm trong xây dựng Bản Hiến pháp năm 1992.
————–

Quân đội không thể thoát ly sự lãnh đạo của Đảng
Thứ hai 18/03/2013 22:06


(VTV News)- Đó là phân tích của tác giả Lệ Chi và Vọng Đức đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18/3 trước những quan điểm sai trái trên một số trang mạng hải ngoại rằng: “Quân đội không phải trung thành với Đảng”.
Lợi dụng việc góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, hiện nay trên một số trang mạng hải ngoại đã xuất hiện các quan điểm “Quân đội không phải trung thành với Đảng”. Bài viết của các tác giả Lệ Chi – Vọng Đức đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18/3 đã đưa các dẫn chứng từ lịch sử đến thực tiễn không chỉ ở Việt Nam, mà ở các quốc gia khác trên thể giới để thấy rằng, quan điểm quân đội mà không gắn với sự lãnh đạo của một đảng chính trị nào, thì quan điểm đó vừa mơ hồ, vừa thoát ly thực tế.
Lập luận thứ nhất mà tác giả đưa ra, đó là trong lịch sử nhân loại, ở bất kỳ quốc gia nào và dù trong thời điểm nào, chiến tranh hay hòa bình, chức năng của quân đội là bảo vệ Tổ quốc – bao hàm cả bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội hiện hữu. Để có thể làm tròn được chức năng đó, quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng cầm quyền nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước và do đó cũng chính là bảo vệ lực lượng cầm quyền. .
Trong các xã hội hiện đại, không có quốc gia nào không do một đảng chính trị cầm quyền. Thậm chí ở một số quốc gia, quân đội còn tuyên thệ trung thành với người đứng đầu Nhà nước, đồng thời cũng là người đứng đầu Đảng chính trị cầm quyền. Đó là thực tiễn thế giới, quay trở lại với lịch sử cách mạng và thực tế ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phát biểu: Sở dĩ quân đội ta phải trung với Đảng, hiếu với dân là vì quân đội ta “là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.
Đảng cũng đề ra đường lối quân sự cách mạng, thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Những chiến thắng vẻ vang của dân tộc như Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và nhiều chiến công của quân đội ta đều do Bộ Chính trị, Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo.

BTV Minh Hường trong phần tổng hợp các bài viết về việc góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Ảnh: VTVNews)

Tác giả Lệ Chi và Vọng Đức phân tích: Trong thời điểm hiện nay với tình hình mới, chiến lược bảo vệ Tổ quốc không chỉ là xây dựng quân đội tinh nhuệ, bảo đảm vũ khí, trang bị hiện đại mà còn phải có Bộ tham mưu kiên định về chính trị, tuyệt đối trung thành với dân tộc, có khả năng đánh giá đúng tình hình, phân tích tình huống, không sa vào cạm bẫy, các thủ đoạn chính trị, quân sự xảo quyệt của đối phương. Điều này càng nói lên rằng, để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân ngày nay, quân đội càng không thể nằm ngoài chính trị, không thể thoát ly sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng.
Đề cập một cách cụ thể hơn về bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực và trong nước hiện nay, bài viết phân tích: Sự trung thành với Đảng lúc này không còn mang nội dung chung chung nữa mà là trung thành với Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Trung thành với Đảng trong lúc này còn có nghĩa quân đội ủng hộ và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm.
Cho dù xã hội ta còn nhiều vấn đề khiến cho cán bộ, đảng viên, nhân dân không hài lòng, như tình trạng phân hóa giàu nghèo, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên như Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ ra, nhưng nếu lấy đó để phủ nhận những vấn đề có tính quy luật trong chính trị, cho rằng: “Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc… không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào” là hoàn toàn sai lầm về nhận thức… Về khách quan, điều đó, việc làm đó làm tổn hại đến lợi ích của đại đa số nhân dân, đến sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta. .
Bài báo cũng nhận định: Thực chất những lý lẽ kiểu này chỉ nhằm che đậy những âm mưu “diễn biến hòa bình” – bởi lẽ trên nhiều trang mạng hải ngoại, có người còn nói thẳng ra rằng: Góp ý kiến Hiến pháp không phải nhằm hoàn thiện văn bản mà là “một cơ hội” để gây xáo trộn xã hội … Trắng trợn hơn, có kẻ còn viết bài đặt câu hỏi với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta rằng: “Các anh còn ngủ đến bao giờ?”… nhưng đây thực chất là lời kêu gọi lực lượng vũ trang ta phản loạn.
Với những phân tích từ thực tiễn đến lý luận chính trị, các tác giả kết luận: Có thể thấy rằng, quan điểm quân đội chỉ “phải trung thành với Tổ quốc”, không gắn với sự lãnh đạo của một đảng chính trị nào là quan điểm xa lạ với lịch sử thế giới hiện đại và của chính lịch sử cách mạng Việt Nam.

Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây.
Minh Hường




No comments:

Post a Comment

View My Stats