Sat, 03/09/2013 - 15:08 — ledienduc
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến
pháp vừa gia hạn thời gian góp ý tới 30 tháng 9 năm nay.
Công thư gửi các cấp ủy đảng,
các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, viết:
"Cần có nhiều tin, bài viết trên các phương tiện
thông tin đại chúng phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ; làm cho người dân nắm vững,
hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ quan điểm, chính
kiến của mình. Đồng thời, cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý
vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ
khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta".
"Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy thời
gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được
Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 là bắt đầu
từ ngày 02/01/2013 đến hết ngày 31/3/2013. Kết quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân
dân theo thời hạn này sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ và kịp thời tiếp thu,
chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) và sẽ
được tiếp tục chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6
(tháng 10/2013).
Kể từ sau ngày 31/3/2013 cho đến thời điểm 30/4/2013 và
cho đến 30/9/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc
hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 1992".
Như vậy, thời hạn 3 tháng đã được kéo dài
thêm 6 tháng. Động thái này cho thấy Nhà cầm quyền một mặt muốn làm giảm thiểu
cuộc tranh luận sôi nổi trên Internet, mặt khác nỗ lực tìm cách vận động tuyên
truyền để có một "ý dân" theo ý muốn.
Cuộc chiến, thực tế là trên mạng, đã mang
lại tầm ý nghĩa lớn hơn người ta tưởng. Bản góp ý chính thức được 72 nhân sĩ,
trí thức đầu tiên khởi xướng đã được trao cho Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi HP
vào ngày 4/02/2013, thực sự đã châm ngòi lửa cho một cuộc thảo luận rộng rãi,
với hơn 8 ngàn người ủng hộ (tính đến 9/3).
Bản Kiến nghị không đơn giản chỉ là những
bố sung, góp ý mà là một ý tưởng mang tính cách mạng vì nó đưa ra một Dự thảo
khác, với những quy trình và nguyên tắc chung cho một thể chế chính trị tự do,
dân chủ, áp dụng cho mọi đảng cầm quyền, trong đó có ĐCSVN, phù hợp với nguyện
vọng của nhân dân. Nó không đòi loại bỏ vai trò của ĐCSVN mà đưa ra cơ sở để
xác định vai trò ấy. Nó cũng đảm bảo rằng, đảng CSVN hay bất cứ đảng phái nào
cũng phải tuân thủ những quy định của Hiến pháp. Tóm lại, nó là một hợp đồng,
một khế ước, có thể kiểm soát bởi xã hội.
Tiếp theo kiến nghị của giới trí thức, nhà
báo Nguyễn Đắc Kiên xuất hiện nổi bật với bài "Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng".
Anh bị buộc thôi việc vì bài viết này. Ủng hộ anh là phong trào ký tên “Tuyên
Bố Của Các Công Dân Tự Do” xác quyết: “Chúng tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong
Hiến pháp hiện hành, mà còn muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến
pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng
cộng sản như Hiến pháp hiện hành”…
Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam cũng
đưa ra phân tích, đặt câu hỏi: “Một mặt, Điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ
quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; mặt khác, Điều 4 lại khẳng định đảng cầm
quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy ai lãnh đạo ai? Phải
chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân
đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay
chỉ là thứ dân chủ hình thức?”.
Báo chí lề đảng, từ Nhân Dân, Quân đội Nhân
Dân, đến Công an Nhân dân, bắt đầu cay cú, mở cuộc phản công, nhưng những lập
luận họ đưa ra đều mang tính áp đặt, khiên cưỡng, không thuyết phục.
Bất bình đẳng trong thông tin đường như là
chính sách của ĐCSVN. Báo đảng viết rằng, "một trong
các tâm điểm các bài viết là tập trung chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Ðảng Cộng sản Việt Nam (ÐCS Việt Nam) đã được ghi trong Hiến pháp". (...)
Ðảng có công lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất
đất nước, nhưng hiện nay "đã hết vai trò lịch sử" nên cần phải "trao
lại cái quyền đó cho nhân dân" (?!)... Họ còn lớn tiếng hô hào đòi bỏ Ðiều
4 của Hiến pháp quy định ÐCS Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Lợi dụng việc ÐCS Việt Nam công khai tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu
tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực khác, họ tìm
mọi cách tô vẽ, thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm, gieo rắc hoài nghi, tâm
lý bất mãn, bất bình trong nhân dân, với mục đích gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân
dân với Ðảng".
Người đọc chỉ được thông tin một chiều trên
các phương tiện truyền thông của đảng. Những bài viết, thậm chí kiến nghị của
giời nhân sĩ trí thức hàng đầu của Việt Nam không hề được đưa ra. Bản kiến nghị
7 điểm đã đặt vấn đề nghiêm túc, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, là một phản
biện với tinh thần xây dựng cao, hoàn toàn không mang tinh thần chống phá phá
đảng và nhà nước, càng không có ý gây mâu thuẫn và chia rẽ nhân dân.
Được lịch sử đưa đẩy, ĐCSVN thực chất là
chỉ là một đảng cầm quyền, từ năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả
nước, vì hoàn toàn không phải do nhân dân bầu chọn qua bầu cử tự do. Và vì thế,
không hợp thức hoá vai trò lãnh đạo của mình thông qua đăng ký hoạt động và
chịu trách nhệm trước pháp luật, ĐCSVN tự cho toàn quyền lựa chọn mô hình nhà
nước và lãnh đạo nó.
Hiến pháp mà ĐCSVN đẻ ra chỉ là một bộ luật
chung của bộ máy nhà nước, để diễn, lừa mị, không có uy lực thực tế, vì không
phải là khế ước xã hội, có sức nặng ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ giữa nhà
nước và công dân. Cho nên, ghi điều 4 vào Hiến pháp khẳng định vai trò lãnh đạo
hay không thì cũng chẳng có thêm ý nghĩa, vì giả sử không ghi thì trước năm
1980 (thời điểm Hiến pháp có điều 4) đảng vẫn lãnh đạo. Cũng là hệ thống chính
trị ấy, cũng một đảng ấy cai trị. Cơ quan lập pháp là quốc hội muốn tiến hành
bất cứ tiến trình lập pháp nào cũng phải chịu sự lãnh đạo của đảng. Đảng cầm
quyền, duy nhất, không có khả năng thay thế.
Bám lấy điều 4 chẳng qua là đảng hiện nay
đã mất tình chính danh, thực chất đã suy đồi, biến tấu thành một thứ đảng
maphia, đảng cướp, bóc lột nhân dân thậm tệ, một hình thức vương triều phong
kiến hiện đại với các ông "vua tập thể", tận dụng đăc quyền để thâu
tóm lợi ích phe nhóm.
Một cán bộ quân đội với hơn
60 năm tuổi đảng đã viết:
"Chúng tôi đau vì cơ đồ đất nước đang bị hủy hoại
bởi một đội ngũ lãnh đạo tha hóa, biến chất, cầu an, hèn nhát. Đau xót hơn nữa
là những kẻ hủ bại hèn nhát này lại mang chính sự hy sinh của các đảng viên
chân chính để che đậy cho sự hủ bại, độc ác của họ nhằm duy trì sự thống trị
độc tài xấu xa phản dân hại nước!".
"Mặc dù đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng với tư cách
một người đảng viên chân chính, một công dân chân chính, tôi và nhièu đồng ngũ
của tôi cũng tự kiểm điểm là đội ngũ lãnh đạo đất nước hiện nay cũng là hệ quả
của cả một quá trình chủ quan, ngạo mạn, ấu trĩ của những người lãnh đạo thuộc
thế hệ chúng tôi".
"Thế hệ chúng tôi đã đi theo một thứ chủ nghĩa,
chẳng biện chứng và cũng chẳng lịch sử. Đã hơn một thế kỷ nay, lý luận về chủ
nghĩa xã hội (CNXH) hầu như vẫn giậm chân tại chỗ, mọi người tùy tiện suy diễn
về CNXH theo cách hiểu của mình, nguy hiểm hơn nữa là theo lợi ích của mình! Lẽ
phải luôn thuộc về lực lượng cầm quyền! Điều tệ hại là nhiều thế hệ lãnh đạo
không bao giờ chịu thừa nhận sự ấu trí, thậm chí sự ngu dốt, sai lầm mà trước
tiên là sai lầm về tư tưởng, về nhận thức trong công cuộc xây dựng đất nước đã
gần 40 năm nay. Cùng với những sai lầm về tư tưởng, nhận thức, dẫn đến các thế
hệ lãnh đạo ngày càng có biểu hiện xuống cấp về đạo đức và tác phong. Các hiện
tượng dối trá, trục lợi, sống trên pháp luật ngày càng trở nên phổ biến và diễn
ra trắng trợn mọi cấp mọi nơi".
Khi đất nước còn chiến tranh, người dân
chấp nhận sự tồn tại và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, nhưng chiến tranh đã chấm
dứt gần 40 năm, vai trò của ĐCSVN có thể tồn tại nhưng không thể mặc nhiên vĩnh
viễn ở vị trí lãnh đạo xã hội. Trong khi đó, đảng ngày một mất uy tín, lòng tin
của quần chúng vào đảng bị đổ nát. Đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng, hơn lúc
nào hết đang bị đe doạ nghiêm trọng về chủ quyền, đạo đức xã hội xuống cấp, kỷ
cương phép nước đảo lộn, tài lực bị cạn kiệt.
Không một đảng phái chính trị nào cho mình
được độc quyền quyết định dẫn dắt xã hội. Ở các nước dân chủ, điều này được xác
định rất rõ. Một nhiệm kỳ của quốc hội (cơ quan chỉ định lập chính phủ) chỉ kéo
dài 4 hoặc 5 năm. Các đảng ra vận động tranh cử bình đẳng, nhưng thông thường
các đảng lớn mới có cơ hội nắm quyền và thường cũng chỉ đạt trên 50% số phiếu
ủng hộ của cử tri, đôi khi dưới cả mức này, phải liên minh với các đảng khác để
thành lập chính phủ. Vì thế, không bao giờ đảng cầm quyền với nhân dân là một
thực thể thống nhất, đừng nói tới một chính đảng mặc nhiên cầm quyền không do
dân lựa chọn để rồi khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng.
Nói chung, các lý luận khẳng định vai trò
lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN được đưa trên báo chí là sự áp đặt, buộc người dân
phải chịu. Tôi tin rằng, điều 4 vẫn sẽ được giữ nguyên và sự góp ý của người
dân sẽ được lèo lái đúng theo chỉ đạo của đảng. Họ sẽ còn nỗ lực bôi nhọ, xuyên
tạc các ý kiến hợp tình, hợp lý, thậm chí gây khó cho những người khỏi xướng.
Họ vẫn còn đủ sức mạnh để không tạo ra bất kỳ thay đổi nào làm suy giảm sự lãnh
đạo này.
Kiến nghị của giới trí thức sẽ chẳng mang
lại kết quả, như chúng ta đự đoán trước, nhưng là cũng đã cho thấy sự phản ứng,
đối phó, chèo chống của chính quyền, thực sự đã là sự thử thách, tập dượt quần
chúng trong một cuộc vận động xã hội, có sức lan toả tới nhiều thành phần, thức
tỉnh hay đúng hơn, đánh động tâm thức của những người quan tâm. Thời gian sẽ
bạn đồng hành. Bao giờ cũng vậy, giới tinh hoa luôn là người khởi xướng, nhưng
để đạt được mục đich, ý tưởng của họ phải được tiếp cận rộng lớn tới đông đảo
quần chúng, điều mà họ không có hôm nay.
Tôi cho rằng, một cuộc vận động xã hội rộng
lớn như góp ý sửa đổi Hiến pháp, con số 8 ngàn thật đáng khích lệ và từ nay đến
hết tháng 9, sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên nếu không đạt được ít nhất 100 ngàn chữ
ký, chứng tỏ cuộc vận động chưa thu hút được sự chú ý của quảng đại quần chúng.
Với số lượng 27 triệu người sử dụng Internet, con số 100 ngàn không phải là
lớn. Ngoài ra, ngoài Internet chúng ta đã không làm cách nào khác để chuyển tải
đến mọi người, trong khi nhà chức trách có thể tới từng hộ gia đình vận động,
tuyên truyền, áp đặt...
Có lẽ đã đến lúc giới tinh hoa phải nổi
giận và truyền cảm hứng cho đại đa số quần chúng. Những người chán ghét sự lãnh
đạo của ĐCSVN hiện nay không ít, và tôi tin rằng, họ sẽ là những đại diện mang
thông điệp của giới nhân sĩ, trí thức tới quần chúng lao động một cách hữu
hiệu.
© Lê Diễn Đức 2013 - RFA Blog
No comments:
Post a Comment